Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 67)

Hồ Bạch Thảo

14-1-2022

Xem lại phần 1-66

67. Triều đại Hồ sụp đổ, Minh đặt ách cai trị (tiếp theo)

Nhằm bảo vệ guồng máy cai trị hoạt động hữu hiệu, nhà Minh bố trí các vệ, sở, khắp nước ta. Theo qui chế tổ chức thời Vĩnh Lạc, quân số mỗi vệ là 5.600 người, tương đương với một lữ đoàn ngày nay; một thiên hộ sở là 1.120 người; một bách hộ sở là 120 người. Khởi đầu, Minh Thái Tông dùng đơn vị lớn gồm 4 vệ: Tả, Trung, Hữu, Tiền đặt tại thành Giao Châu [Hà Nội]; cùng với 2 vệ tại Xương Giang [Bắc Giang], Trấn Di [Lạng Sơn], 2 Thiên hộ sở tại Thị Cầu; nhằm bảo vệ con đường huyết mạch từ thành Giao Châu đến biên giới phía bắc:

 Ngày 11 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [15/7/1407]. Thiết lập các Tả Hữu vệ Chỉ huy sứ ty tại Giao Chỉ, Giao Châu. Sắc dụ quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ cùng Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn rằng:

“Trong thành Giao Chỉ lập Giao Châu Tả, Trung, Hữu, 3 vệ; phía bắc sông Phú Lương [Hồng Hà] lập Giao Châu Tiền vệ; Xương Giang, Khâu Ôn mỗi nơi lập một vệ; Thị Cầu, Ải Lưu quan, mỗi nơi lập Thủ ngự Thiên hộ sở; tại Thị Cầu đóng hai sở để phòng thủ. Về vấn đề lương thực dự trữ, đã ra lệnh bọn Đô đốc Hàn Quan đốc suất thổ binh Quảng Tây chuyển vận cung cấp đến lúc được mùa thì dừng; hiện tại phân bố quân sĩ trấn thủ tại địa phương canh tác, lại được cung cấp phụ thêm bằng cách thu thuế của dân”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 272)

Tháng sau, Trương Phụ xin đặt thêm vệ Thanh Hóa:

Ngày 21 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [23/8/1407]. Bọn quan Tổng binh Trương Phụ tâu rằng, thành Đô ty Giao Chỉ [thành Đông Đô, Hà Nội] bị nghiêng và sụp, cần xây và tu bổ; nên lập vệ tại Thanh Hóa, lưu giữ quan quân thủ ngự tại hai quan ải Khâu Ôn và Ải Lưu. Tất cả đều được chấp thuận”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1 trang 274).

Qua lời thỉnh cầu của Trương Phụ, không những chấp thuận cho lập vệ tại Thanh Hóa, mà còn lập thêm 5 vệ tại các tỉnh quan trọng phía nam và vùng Tam Giang, hạ lưu sông Thao:

Ngày 16 tháng 11 năm Vĩnh Lạc Thứ 5 [15/12/1407]. Lập 5 vệ tại Giao Chỉ gồm: Tam Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa. Cùng lập 2 Thủ Ngự Thiên Hộ sở tại Diễn Châu, Nam Tĩnh”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1 trang 288).

Chưa đầy một tháng sau, thời gian còn quá sớm chưa kịp nhận chỉ thị lập 5 vệ; Trương Phụ xin lập thêm hậu vệ cho thành Giao Châu, cùng đặt thêm 15 thiên hộ sở, để bảo vệ đường huyết mạch biên giới phía bắc:

Ngày 10 tháng 12 năm Vĩnh Lạc Thứ 5 [7/1/1408]. Bọn quan Tổng binh Giao Chỉ Tân thành hầu Trương Phụ tâu xin:

Ngoài 7 vệ đã được thiết lập, xin điều bát quan quân gồm 5. 600 người để lập Giao Châu hậu vệ. Lại xin từ 2 vệ Trấn Di và Lạng Sơn đặt thêm 15 Thiên hộ sở, tổng cộng dùng quan quân hơn 22.700 người.

 Tất cả đều được chuẩn theo. Thiên tử ban sắc như sau:

Xứng đáng làm Ðại tướng! Phàm việc quân vụ nơi biên thùy, xem nhân tình xét sự việc, thế phải làm là làm. Ðáng làm mẫu mực theo danh tướng thời xưa”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 289).

Giai đoạn chuẩn bị về nước, Tổng binh Trương Phụ xin tăng cường thiên hộ sở cho các vệ, để quân số được đầy đủ:

Ngày 17 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [14/3/1408]. Đặt thêm hai Thiên Hộ sở trung và hữu cho tả Vệ Giao Châu; cùng 2 Thiên hộ sở Trung, Tả cho 3 Vệ Trung, Hữu, Tiền Giao Châu, vệ Xương Giang; 5 Thiên hộ sở gồm trung hữu, trung trung, trung tiền, trung hậu, thủy quân cho Vệ Thanh Hóa; 3 Thiên Hộ sở gồm trung, tiền, hậu cho vệ Tam Giang”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 292).

Tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [7/1408] Trương Phụ về nước, dâng thành tích của y đã chinh phục được nước An Nam, với bản đồ chiều ngang đông tây 1.760 dặm [880km], chiều dọc nam bắc 2.800 dặm [1.400km]. Nếu đem so sánh với hiện tại, chiều ngang biên giới đất liền Việt Trung khoảng 1.500 km, lớn hơn con số 880 km thời Minh, bởi lẽ dưới thời Hậu Lê mở nước phía tây bắc, chiếm thêm một số tỉnh. Chiều dọc nước ta đo theo đường chim bay hiện nay là 1.650 km; Phụ thể theo con đường Thiên lý quanh co tâu rằng nam bắc 1.400 km; do lãnh thổ bấy giờ chỉ mới giáp ranh tỉnh Quảng Nam mà thôi:

Ngày 10 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [3/7/1408]. Quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ, Tây bình hầu Mộc Thạnh mang quân trở về kinh đô. Bọn Trương Phụ dâng địa đồ Giao Chỉ từ phía đông đến phía tây rộng 1760 dặm (1), từ phía nam đến phía bắc dài 2800 dặm, Thiên tử khen ủy lạo; ban yến cho bọn Phụ cùng các tướng tại Trung quân Đô đốc phủ, quân cầm cờ được ban mỗi người 5 đỉnh (2) bạc giấy”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 296).

Cũng căn cứ vào tờ trình của sáu bộ (3) nhà Minh, về thành tích đạo quân xâm lăng dưới quyền Trương Phụ lập được gồm: kiểm soát trên 5 triệu dân, tịch thu hơn 1 triệu tấn lương thực, trên 2 triệu rưỡi vũ khí; thấy được tiềm lực đất nước ta vào đầu thế kỷ thứ 15, cũng không phải là yếu kém:

Ngày 12 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [5/7/1408]. Thượng thư bộ Lại bọn Kiễn Nghĩa, cùng Thượng thư 6 bộ tâu:

Tân thành hầu Trương Phụ bình định Giao Chỉ lập 472 vệ môn (4) cho quân dân; mỗi Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty lập 1 ty; 10 vệ, 2 Thiên hộ sở, 15 phủ, 41 châu, 208 huyện, 1 Thị bạc đề cử ty, 100 tuần kiểm ty, 92 vệ môn cho ty cục thuế khóa, đặt 12 thành trì, chiêu an hơn 3.120.000 nhân dân, bắt được dân man hơn 2.087.500 người [3.120.000+2.087.500= 5.207.500]; trữ lương 1360 vạn thạch [13.600.000 thạch . 80kg. =1.088.000.000kg = 1.088.000 tấn]; voi, ngựa, trâu bò cộng hơn 235.900 con, 8677 chiếc thuyền, hơn 2.539.850 vũ khí.

Thiên tử phán: Trẫm là vị chúa nhân dân trong bốn bể, há lại ưa dùng binh đến cùng, tham giàu có đất đai nhân dân ư! Vì nghịch tặc không thể không tru diệt, dân cùng khổ không thể không giúp. Bọn Phụ tuân theo mệnh của Trẫm, phấn dõng ra mưu, giết bắt bọn hung đồ, bình định một phương, công đó có thể gọi là hùng vĩ phi thường vậy!

Trương Phụ bước ra cúi đầu tạ ân và tâu: ‘Do Hoàng thượng trù hoạch cùng uy linh của quốc gia, còn kẻ ngu thần này có công gì?’

Thiên tử phán: ‘Công của ngươi sẽ được vĩnh viễn ghi trong sử sách không bao giờ lu mờ, tuy Hán Phục ba (5) cũng không hơn vậy.

Rồi ra lệnh cho Nghĩa cùng với bộ Lễ bình nghị công lao thăng thưởng cho các tướng sĩ; chiếu theo lệ bình Vân Nam có tăng thêm”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 298).

Sau khi chiếm xong nước Đại Việt, Trương Phụ sai Đô đốc Liễu Thăng dâng thư báo thắng trận và tù binh đến kinh đô Nam Kinh. Tù binh gồm gia đình con cháu Hồ Quý Ly, cùng các quan văn võ trọng thần nhà Hồ, cho trình diện vua Minh Thái Tông:

Ngày 5 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [5/10/1407]. Quan Tổng binh Giao Chỉ Tân thành hầu Trương Phụ, Tả Phó Tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh sai bọn Đô đốc Thiêm Sự Liễu Thăng dâng thư báo thắng trận cùng tù binh đến kinh đô . Văn thư như sau:

Thánh nhân đối xử một đức nhân từ, thể theo lượng trời đất che chở; Đế Vương dùng chín phép chinh phạt (6), nghiêm trừng lũ man mạch xâm lăng; vì cứu dân không gì gấp hơn trừ hung, trị nước không quên yên cõi ngoại.

 Tên nghịch tặc An Nam Lê Quý Ly đổi tên họ là Hồ Nhất Nguyên, cùng con Lê Thương đổi là Hồ Đê; chúng vốn là Bồi thần, bẩm sinh ác đức, đem lòng rắn rết, buông tuồng quỷ quái gian hùng; mấy lần xâm phạm biên cương, bạo ngược dành đất đai lân quốc. Giết vua lấy nước, tranh ngôi với họ Trần; thay đổi kỷ nguyên, dối xưng cháu con Ngu Thuấn! Nhà nhà bị đòi hỏi sách nhiễu, người người sợ bị tru lục, tội ác đầy trời, tiếng oan dấy đất.

Hoàng thượng nhân từ gia ân điển, tỷ thư mấy lượt sắc phong; đức rộng bao la tựa trời, nhưng yêu quái xảo trá vẫn không hết. Ngụy xưng đón cháu chủ cũ [Trần Thiên Bình] rồi đem giết; chốn biên cương lấn át Sứ thần Thiên triều; chất đầy tội phản nghịch, thần linh giận dữ, xa gần tổn thương, Vương pháp tất phải tru lục, nào phải lòng riêng của Thiên tử.

Bọn thần kính tuân Đế mệnh, phụng thừa Thiên uy; năm ngoái ngày 14 tháng 10 cất quân đến Cần Trạm, vượt sông Phú Lương, tướng tá phấn khởi tranh dẫn đầu, sĩ tốt dốc lòng trung liều chết; phá lũy Đa Bang, hạ tiếp hai đô [Đông Đô, Tây Đô], sĩ thứ hoan nghênh, chợ búa không ngừng buôn bán. Truy tầm nơi đầm rạch, mấy lần đánh dẹp nơi biển sông; kẻ qui phụ được sống an toàn, bọn chống cự đều bị tiêu diệt. Kiếm khí sáng ngời nơi ngưu đẩu, quân thanh chấn động chốn man di, đảng ác đều bị tru di, đầu sỏ tìm cách trốn chui nín thở. Bọn thần Phụ, Thạnh, thủy bộ ngày đêm cùng tiến; Du Kích Tướng quân Chu Quảng, Vương Thứ, truy kích đến châu Nhật Nam; Đô đốc Thiêm Sự Liễu Thăng, Hoành Hải Tướng quân Lỗ Lân càn tại cửa bể Kỳ La; cờ bay chói lọi, thảo mộc nơi sông bãi đều hồng; trống chiêng huyên náo, kình ngư chốn biển sông sợ nhảy; tanh hôi hết vùng vẫy, muỗi độc không chốn dựa nương, thôn dã lửa cháy nước sôi, sài lang chịu trói; cha con nghịch tặc cùng tướng ngụy đều bị bắt. Bọn thần biểu dương Thánh chỉ, tuyên bố ân sâu, chiêu tập kẻ lưu ly, khoan hồng người bị bức hiếp; nhà nhà vui mừng thoát thân khỏi cảnh nước lửa, chốn thôn dã âu ca thỏa lòng mong ngóng trời mây; yêu khí bay xa, chướng lệ tiêu diệt. Kính cẩn đem bọn bị bắt gồm:

 Đầu sỏ giặc ngụy Thượng hoàng nước Đại Ngu Lê Quý Ly.

 Ngụy quốc chúa Đại Ngu Lê Thương.

Con trai đầu sỏ giặc ngụy Suy Thành Thủ Chính Dực Tán Hoằng Hóa Công thần, Vân Đồn, Qui Hóa, Gia Hưng trấn Chư Quân sự, lãnh Đông Lộ, Thiên Trường phủ lộ Đại Đô đốc, đặc tiến Khai Phủ Nghi đồng Tam Ty nhập nội Kiểm hiệu Tả Tướng quốc Bình Chương Quân Quốc sự, ban bao Kim Ngư, Thượng Trụ quốc Vệ Quốc Đại vương Lê Trừng.

Ngụy Thái Nguyên kiêm Thiên Quan trấn Phiêu Kỵ Thượng tướng Lương Quốc vương Lê Đôn.

Ngụy Tân Hưng trấn Phiêu Kỵ Đại Tướng quân Tân Điển Quận vương Lê Uông.

Cháu nội đầu sỏ giặc ngụy Thái tử Lê Nhuế.

Ngụy Quận Tự vương Lê Lỗ.

Ngụy Quận Á vương Lê Nê.

Cháu nhỏ Ngũ Lang

Em đầu sỏ Ngụy Lâm An trấn kiêm Đại An Hải trấn, Phiêu Kỵ Đại Tướng quân, khai phủ nghi đồng Tam ty, Nhập Nội Tướng quốc Bình Chương sự, ban bao Kim Ngư, Thượng Trụ quốc Đường Lâm Quận vương Lê Quý Tỳ.

Cháu [xưng chú bác] đầu sỏ ngụy Vọng Giang trấn, Phụ Quốc Đại Tướng quân, Nhập Nội Phán Trung Đô phủ, Hà Dương quận Á công Lê Nguyên Cửu.

Ngụy Long Hưng lộ Đô Thống phủ, Bình Lục huyện Thượng hầu Lê Tử Tuynh.

Cháu [xưng chú bác] đầu sỏ Ngự Liễn Thự Nhất Cục Chánh chưởng Hương hầu Lê Thúc Hoa.

Ngụy Thanh Đình hầu Lê Bá Tuấn.

Ngụy Thạch Đường Hương hầu Lê Đình Đạn.

Ngụy Vĩnh Lộc Đình hầu Lê Đình Quảng.

Tướng giặc Nhập Nội Thiêm Văn Triều chính, kiêm Nội Thị Tỉnh Đô tri, Tri Tả Ban sự, Lạng Sơn trấn quyền Thiêm Hàng Quân hành, Lạng Sơn lộ Đồng Tri Tổng quản Phủ sự, ban bao Kim Ngư, Trụ Quốc Đông Sơn Hương hầu Hồ Đỗ.

Ngụy Nhập Nội Hành khiển, Đồng Tri Thượng thư, Tả Ty Sự Khu Mật Viện Phó sứ Nguyễn Ngạn Quang.

Ngụy Chính Phụng Đại phu, Nhập Nội Hành khiển, Môn Hạ Tả Gián Nghị Đại phu, Đồng Trung Thư Công sự, kiêm Tam Giang lộ Thái Thú, Tân An trấn Chế Trí sứ, Quốc Tử Học Tế tửu, ban bao Kim Ngư, Hộ quân Lê Cảnh Kỳ.

Ngụy Ninh Vệ Tướng quân Tri Uy Vệ sự, Quản Hữu Thánh Dực quân, ban phù Kim Đoàn, Huyện bá Đòan Bồng.

Ngụy Doanh Thần Kính Doanh Đình bá Trần Thang Mộng.

Ngụy Câu Kiềm Vệ Trung Tức tướng, lãnh Long Tiệp quân, kiêm lãnh Tráng Dõng doanh Phạm Lục Tài.

Kính cẩn sai Đô đốc Thiêm Sự Liễu Thăng, Hoành Hải Tướng quân Lỗ Lân, Thần Cơ Tướng quân Trương Thắng, Đô Chỉ huy Thiêm Sự Du Nhượng, Chỉ huy Đồng Tri Lương Đỉnh, Chỉ huy Thiêm Sự Thân Chí Giám giải đến kinh sư cùng dâng dưới cửa khuyết ấn vàng, đồ thư gồm 16 món. Bọn thần ngu dốt, chỉ biết hết sức xông pha, ngưỡng nhờ thần minh tông miếu, uy phong của Hoàng thượng; như gió cuốn cỏ rạp, trời mở khiến ngày sáng, chinh phục toàn phong cương cũ, trở lại cảnh vĩnh lạc thái bình thịnh thế; niềm vui không ngớt hoan hô, bèn dâng thư chiến thắng này.

Thiên tử ngự tại cửa Phụng Thiên, các quan văn võ quần thần hầu xung quanh, khi nghe viên Binh bộ Thị lang Phương Tân đọc văn bản đến đoạn Giết chúa lấy nước, tranh ngôi với họ Trần; thay đổi kỷ nguyên; Thiên tử bèn sai người hỏi Lê Quý Ly rằng:

Đó có phải là đạo của bề tôi không?’

Cha con Hồ Quý Ly đáp không được. Sau khi Tân đọc xong, xuống chiếu giam bọn Quý Ly, con là Thương, ngụy tướng Hồ Đỗ vào ngục và tha bọn con, cháu là Trừng, Nhuế; mệnh ty sở quan cấp đồ ăn mặc”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 277).

Số phận những tù binh này phần đông không được đề cập tới, chắc sau đó bị giết; duy dòng dõi Hồ Nguyên Trừng có công giúp chế súng thần công, nên được Minh Thái Tông trọng dụng. Có lẽ nhờ đó cha Trừng là Hồ Quý Ly, cũng được ân sủng lây, nên được toàn mạng sống; sách Dã Ký chép:

“Quý Ly chết chôn tại kinh sư, sau đó con cháu dời chôn bên cạnh núi Chung Sơn”.

(季氂死葬京師,其子後遷葬於鍾山之旁。)

Riêng dòng dõi Hồ Nguyên Trừng được trọng dụng đến 3 đời; Hồ Nguyên Trừng [nhà Minh ghi họ Lê] giữ chức Thượng thư bộ Công, con là Lê Thúc Lâm giữ chức Hữu thị lang, tương đương với Thứ trưởng ngày nay; cháu nội là Thế Vinh cũng được chức Trung thư xá nhân:

Ngày 11 tháng 4 năm Thành Hoá thứ 5 [21/5/1469]. Dùng con của viên Hữu thị lang bộ Công Lê Thúc Lâm, tên Thế Vinh, làm Trung thư xá nhân.

Thúc Lâm gốc người Giao Chỉ; cha là Trừng, con Lê Quý Ly, em Lê Thương, vốn là tù binh bị bắt về, Thái Tông văn hoàng đế tha tội cho, ban cho chức quan, chuyên chế tạo súng đạn, thuốc nổ, tại cục Binh trượng, cuối cùng giữ chức Thượng thư bộ Công. Thúc Lâm kế nghiệp, vẫn tiếp tục chế tạo quân khí. Đến nay xin cho con là Thế Vinh được làm quan tại kinh đô, để tiện bề phụng dưỡng.

Hoàng thượng nghĩ đến người phương xa nên chấp thuận”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 81).

Đối với nhà Trần, lúc khởi đầu xâm lăng nước ta vào ngày 9 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [19/11/1406]; Tổng binh Trương Phụ truyền hịch long trọng hứa:Thiên binh đến để cứu dân bị khốn khổ, khôi phục con cháu họ Trần”. Nhưng khi vào chiếm nước, sai bọn đầu hàng là Mạc Thúy khai rằng con cháu họ Trần đã bị giết hết; để rồi giả nhân nghĩa truy tặng 7 Tôn thất sau đây:

Ngày 23 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [22/11/1407]. Truy tặng con cháu cố An Nam Quốc vương họ Trần gồm 7 người: Trần Thúc Thích chức Á Trung Đại phu Giao Chỉ Thừa Tuyên Bố chánh ty Tham chính, Trần Kháng chức Á Trung Đại phu Giao Chỉ Bố chánh ty Hữu Tham chính, Trần Uyên Tế chức Triều Liệt Đại phu Giao Chỉ Bố chánh ty Hữu Tham chính; Trần Viết Chương, Trần Kháng Dận, Trần Quốc Quế chức Triều Liệt Đại phu Giao Chỉ Bố chánh ty hữu Tham chính. Trước đây ban chiếu chỉ về việc con cháu họ Trần bị giặc họ Lê giết hại nên gia phong truy tặng; nay các quan liên hệ gửi danh sách đến, bèn có chiếu mệnh này”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 287).

Đối với đại bộ phận dân ta, Vua Minh ra lệnh quan quân cưỡng bách những người có tài nghệ đưa về nước. Chính sách này nhất cử lưỡng tiện; đối với những người dại dột hợp tác, thì giúp cho chúng làm các công trình lớn như xây thành Bắc Kinh, chế súng thần công, hoặc trở về quê làm quan. Đối với những người đối lập thì bị chúng lưu đày, thủ tiêu; để không còn có dịp tham gia khởi nghĩa sau này. Sử nước ta chép về việc này như sau:

Người Minh lùng tìm những người ẩn dật ở rừng núi, người có tài có đức, thông minh chính trực, giỏi giang xuất chúng, thông kinh giỏi văn, học rộng có tài, quen thuộc việc quan, chữ đẹp tính giỏi, nói năng hoạt bát, hiếu để lực điền, tướng mạo khôi ngô, khỏe mạnh dũng cảm, quen nghề đi biển, khéo các nghề nung gạch, làm hương… lục tục đưa dần bản thân họ về Kim Lăng, trao cho quan chức, rồi cho về nước làm quan phủ, châu, huyện. Những người có tiếng tăm một chút đều hưởng ứng. Duy có Bùi Ứng Đẩu từ chối, lấy cớ đau mắt, bọn hạ trai học sinh Lý Tử Cấu mấy người lui ẩn không chịu ra mà thôi. Bấy giờ có câu ngạn ngữ: “Muốn sống vào ẩn núi rừng, muốn chết làm quan triều Ngô”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9.

Phía nhà Minh, Thái Tông ban dụ cho các quan văn võ tại Giao Chỉ thực thi cưỡng bạch, như sau:

Ngày 21 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [28/7/1407]. Sắc dụ quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ, Tả Phó tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh, Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn rằng:

“Đất Giao Chỉ chắc có những người tài đức song toàn ẩn dật tại núi rừng, rành kinh điển văn hay học rộng, có tài hiền lương đứng đắn; nông dân hiếu đễ thông minh chính trực; kẻ thư lại có khả năng được việc, thông thạo sách vở; người luyện tập binh pháp vũ nghệ trí mưu, dung mạo khôi ngô cao lớn, ăn nói lưu lóat, có sức vóc dõng cảm; kẻ biết thuật số âm dương, rành y dược chẩn mạch. Hãy hỏi han tìm cho được, dùng lễ sai khiến để mang về kinh dùng”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 274).

Không kể những đợt đưa đi lẻ tẻ, trong hai tháng 9 và 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [10-11/1047]; đem về Tàu 2 đoàn, mỗi đoàn gần 10 ngàn người:

Ngày 23 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [23/10/ 1407]. Quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ sai người đưa các loại thợ gồm 7700 người đến kinh đô. Thiên tử nghĩ bọn họ từ nơi xa xôi đến, không quen khí hậu lạnh, nên ra lệnh bộ Công cấp phát áo bông”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 282).

Ngày 7 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [6/11/1407]. Quan Tổng binh Giao chỉ Tân thành hầu Trương Phụ tâu rằng đã thăm hỏi các quận huyện tại Giao Chỉ để đề cử những người tài đức, rành kinh điển, giỏi văn chương, học rộng tài cao, thông minh chính trực, lực điền hiếu để, hiền lương đoan chính, thông thạo việc quan, hiểu rành binh pháp và tài nghệ các mặt gồm 9000 người, đang lục tục đến kinh đô. Thiên tử nghĩ rằng mùa đông trời lạnh, người phương nam chịu không quen, nên sai bộ Công cho các quan mang áo bông, dày dép ban phát dọc đường”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 285).

Đối với những người Việt trong giai đoạn đầu hợp tác, nhưng sau đó tỏ ra bất mãn, nhà Minh bèn giả vờ đổi đi làm quan tại Trung Quốc, rồi tìm cách giết; như trường hợp Vương Nhữ Tương, Đồng Ngạn Hú:

Nhà Minh vờ cho Vương Nhữ Tương, Đồng Ngạn Hú, Nguyễn Quân, Lê Sứ Khải làm Kinh Bắc [Bắc Kinh] Thị lang và Tham chính ở Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông; sai người đưa đi, đến nửa đường thì giết”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 5b.

Sử Trung Quốc ghi những người nêu trên được cử đi làm quan tại Sơn Đông, Bắc Kinh, nhưng sau đó tuyệt vô âm tín; riêng tên Ngạn Hú thì đổi thành Ngạn Dực, có lẽ viết lầm; vì chữ Nho, Hú [栩] và Dực [翊]viết gần giống nhau:

Ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [21/3/1408]. Quan địa phương người Giao Chỉ gồm Tri phủ Giao Châu Nguyễn Quân, Tri phủ Kiến Xương Đồng Ngạn Dực, Đồng tri phủ Diễn Châu Lê Tư Khải đến triều yết. Thăng cho Quân chức Tả Thị lang bộ Hình Bắc Kinh; Ngạn Dực, Tư Khải làm Hữu Thị lang”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 293)

Ngày 3 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [28/5/1408]. Thăng phủ Ðồng tri Vương Nhữ Tường chức Tả Tham chính ty Bố chánh Sơn Ðông, châu Ðồng tri Vương Ha Lỗ chức Tả Tham nghị ty Bố chánh Sơn Tây. Bọn Nhữ Tường đều là người Giao Chỉ; khi đại quân đến chúng ra qui phụ trước tiên. Quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ theo chế độ ban chức quan, rồi sai đưa về kinh, nên đặc cách được thăng”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 295).

Riêng Bùi Bá Kỳ từng theo quân Minh về nước, được phong chức Tả hữu tham chính; nhưng khi thấy được dã tâm xâm lược, thì không hợp tác với đám quan lại Minh; nên bị nghi ngờ, bắt đưa về Kim Lăng an trí:

Người Minh ngờ viên thổ quan là Hữu tham nghị Bùi Bá Kỳ có bụng khác, bắt đưa về Kim Lăng. Bá Kỳ [người Phù Nội, Hạ Hồng, Hải Dương] vốn là phe Trần Khát Chân, tự xưng là bề tôi trung nghĩa của Nam triều, trốn sang nước Minh, vừa gặp tên Trần vương nguỵ là Thiêm Bình đến trước, người Minh hỏi có biết không, Bá Kỳ trả lời là không biết. Đến khi nhà Minh đưa Thiêm Bình về nước, hỏi Thiêm Bình cần bao nhiêu quân, Thiêm Bình nói: ‘Chẳng qua vài nghìn thôi, đến đó người ta tự nguyện hàng phục”.

Bá Kỳ nói rằng không thể được. Vua Minh giận, phế bỏ Bá Kỳ, đem an trí tại Thiểm Tây, Cam Túc. Đến khi Thiêm Bình thất bại, vua Minh gọi Bá Kỳ về ban sắc cho, ân cần hứa hẹn lập con cháu nhà Trần và để Bá Kỳ làm phụ thần, rồi sai Kỳ đi theo quân, nên trao cho chức ấy. Bá Kỳ không dự với đồng liêu ở nha môn, chỉ ở nhà riêng thu nạp các viên quan cũ bị sa cơ lỡ bước. Bấy giờ viên thổ hào ở Đông Triều là Phạm Chấn lập Trần Nguyệt Hồ làm vua ở Bình Than, đề cờ chiêu an gọi là Trung nghĩa quân, cho nên người Minh ngờ Bá Kỳ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9.

Những kẻ tình nguyện làm tay sai; có kẻ mang của cải kiếm được trong buổi loạn lạc, lặn lội sang triều cống; được Vua Minh ban thưởng, hoặc cho về nước làm quan. Nhưng số phận chúng không bền, phần lớn sau này bị vua Lê Lợi trừng phạt. Xin liệt kê như sau:

Ngày 1 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [31/10/1407]. Giao Chỉ đề cử kẻ sĩ Minh Kinh (7) gồm bọn Cam Nhuận Tổ 11 người, cho giữ chức Đồng tri tại các phủ như Lạng Giang v.v… Vua ban sắc khuyến miễn và làm thơ ban cho”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 284).

Ngày 19 tháng 11 năm Vĩnh Lạc Thứ 5 [18/12/1407]. Viên quan Giao Châu Hữu vệ Chỉ huy Đồng tri người địa phương tên là Trần Phong, cùng bọn Thiên hộ Nguyễn Chính, Bách hộ Tống Như Lộ tất cả 20 người đến kinh sư cống phương vật; bèn ban tiền 80 nén, 1 bộ tơ gai; cùng ban cho bọn tùy tòng tiền, có sai biệt”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 289).

Ngày 28 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [27/12/1407]. Dân Giao Chỉ gồm bọn Trần Trữ, Trần Quang Chỉ, Trần Sầm 67 người đến triều cống vàng, bạc, khí vật, cùng sản vật địa phương. Ban cho tiền giấy, y phục”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 289).

Ngày 16 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [13/1/1408]. Thổ quan Giao Chỉ bọn Tri phủ Ðồng Ngạn Tường 58 người đến triều cống vàng, bạc, khí mãnh. Ban cho tiền giấy và y phục”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 290).

Ngày 17 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [11/6/1408]. Bọn Thổ quan Tri phủ Lạng Giang đất Giao Chỉ tên là Mạc Thúy đến triều cống sản vật địa phương, ban thưởng có sai biệt”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 290).

Ngày 19 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [13/6/1408]. Bọn người tại phủ Giao Châu là Trần Thúc Bình đem vợ con gia thuộc 98 người đến triều cống các vật như san hô; ban cho tiền giấy cùng quần áo”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 296).

Xét về các nước lân bang An Nam; như nước Chiêm Thành, sau khi nhà Hồ sụp đổ, vào hạ bán niên năm Vĩnh Lạc thứ 5 [1407], lấy lại được đất Thăng Hoa [Quảng Nam]; bèn sai Sứ thần Tế Mỵ đến triều Minh tiến dâng tù binh cùng phương vật:

 Ngày 18 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [19/9/1407]. Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại tâu:

Thần ngưỡng vọng thiên uy, tháng 5 năm nay đã lấy được đất bị xâm lấn, bắt đồ đảng giặc là bọn Hồ Liệt, Phan Ma Na; bèn sai Đầu mục Tế Mỵ đến kinh sư hiến tù và dâng biểu, tiến cống phương vật, tạ ân.

Thiên tử khen, cho thu nạp”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 275).

Lúc trở về nước bọn Sứ thần Tế Mỵ được Vua Minh ban cho y phục và tiền: “Ngày 3 tháng 9 năm Vĩnh lạc thứ 5 [3/10/1407]. Quốc vương Chiêm Thành sai Sứ thần, bọn Tế Mị từ giả bệ rồng. Ban cho y phục lụa văn ỷ cùng tiền giấy có sai biệt”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 277.

Ngoài ra nhà Vua Minh còn đặc cách sai Sứ giả đến gặp vua Chiêm, khen về việc mang quân giúp đánh An Nam, cùng ban cho phẩm vật:

Ngày 30 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [30/10/1407]. Sai Thái giám Vương Quý Thông mang sắc đến ủy lạo Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại. Ban cho Vương 300 lạng bạch kim, 20 tấm lụa quyên; khen về việc từng mang binh giúp đánh An Nam”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 284).

Năm sau, Quốc vương Chiêm Thành sai cháu đến cống voi và sản vật địa phương; Vua Minh ân cần nhắc đến công lao cũ, cùng hậu thưởng Quốc vương và người cháu:

Ngày 1 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [19/10/1408]. Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại sai cháu là Xá Dương Cai dâng biểu cống voi và phương vật để tạ ơn. Thiên tử bảo quan bộ Lễ rằng:

Mới đây đánh Giao Chỉ, Vương Chiêm Thành thường mang quân hiệp trợ khống chế giặc. Nay sai người cháu đến, nên trọng thưởng.

Vậy nên ban cho Xá Dương Cai 200 lạng bạch kim, 100 nén tiền giấy, y phục lụa là màu xanh, hàng dệt kim tuyến; cho tùy tòng có sai biệt. Lại ban cho Quốc vương Chiêm Ba Đích Lại ấn vàng, 100 lạng hoàng kim, 500 lạng bạch kim, 50 tấm lụa gấm, 100 tấm lụa quyên và ban sắc khen ngợi”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 312).

Riêng đối với nước Lão Qua tức Ai Lao, bị ngờ rằng có thông đồng với nhà Hồ; nên Vua Minh sai Sứ mang chỉ dụ đến nghiêm khắc cảnh cáo: Ngày 8 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [7/11/1407]. Sai sứ mang sắc dụ Tuyên ủy sứ Lão Qua Ðao Tuyến Ngạt rằng:

“Ta từ khi lên ngôi đến nay, cai trị người xa xôi, không phân biệt kẻ này người khác, đều đối xử với một dạ chí thành; vì vậy 9 Di, 8 Man đều đến triều cống. Ngươi nhận mệnh triều đình, đứng đầu coi giữ đất; mà mấy năm gần đây không lo sửa soạn chức cống, coi việc đó tự nhiên như không! Cha con giặc họ Lê tại An Nam, trái mệnh gây họa; thần và người đều phẫn nộ; Trẫm mệnh tướng ra quân, thay trời thảo phạt, ngươi đã không vì triều đình mà căm giận chúng, lại ngầm thông đồng giúp quân; gian dối như vậy, làm sao mà chạy tội được.

Ta muốn mang quân hỏi tội ngay, nhưng sợ tổn thương đến người dân vô tội, nên nay đặc sai sứ giả đến dụ ngươi hãy mau hối lỗi xưa, ngõ hầu mưu đồ sự bảo toàn; nếu không thì trời trách, người phạt, hối sẽ không kịp nữa!” (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 285).

Nước Tiêm La tức Thái Lan, tuy sai Sứ đến cống; nhưng bị tố cáo rằng đã từng cậy mạnh bắt giữ Sứ thần các nước lân bang đến cống Trung Quốc; do đó bị Vua Minh cảnh cáo nặng nề, bằng cách nhắc đến số phận An Nam ra để răn đe:

Ngày 21 tháng 10 năm Vĩnh Lạc Thứ 5 [20/11/1407]. Quốc vương Tiêm La Chiêu Lộc Quần Ưng Đá La Đế Thứ sai bọn Sứ giả Nại Bà Tức Trực Sự Thế dâng biểu cống voi thuần, chim anh vũ, khổng tước; ban cho tiền giấy, y phục. Mệnh bộ Lễ ban cho Vương nước này lụa ỷ dệt kim, lụa là.

Trước đó nước Chiêm Thành sai sứ triều cống, lúc trở về gặp bão phiêu dạt đến nước Bành Hanh [Pahang, tên cũ của Mã Lai]. Tiêm La cậy mạnh áp lực Bành Hanh bắt Sứ giả câu lưu, sự việc có kẻ báo cho triều đình biết. Vương các nước Tô Môn Đáp Thứ [Sumatra, thuộc quần đảo Nam Dương], Mãn Thứ Gia [Melaka, bang của Mã Lai] cũng sai người tố cáo Tiêm La cường bạo, sai lính đoạt ấn tín và bản chế cáo nhận từ triều đình; người trong nước kinh hãi vì không được sống yên ổn. Do đó ban sắc dụ Chiêu Lộc Quần Ưng Đá La Đế Thứ rằng:

Chiêm Thành, Tô Môn Đáp Thứ, cùng nước ngươi bình đẳng nhận mệnh của triều đình; sao ngươi dám tự thị mạnh bắt Sứ giả đến triều đình, chiếm đọat ấn và bản chế cáo. Đạo trời rành rành làm thiện được phúc, ác gặp tai họa; vết bánh xe đổ của cha con nhà họ Lê tại An Nam còn rõ ràng trước mắt, có thể lấy đó mà soi. Hãy lập tức phóng thích ngay Sứ giả Chiêm Thành, cùng trả ấn, cáo cho Tô Môn Đáp Thứ, Mãn Thứ Gia. Từ nay phải an phận giữ lễ, hòa mục với lân bang, ngõ hầu hưởng được thái bình mãi mãi”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 286).

Bước đầu bắt tay vào việc cai trị, nhà Minh chủ trương khai thác tài nguyên, tìm cách vơ vét của cải. Vùng biển An Nam sản xuất nhiều muối, bèn cho lập nhiều công trường, đặt ty Đề cử thu thuế muối:

Ngày 4 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [4/10/1407]. Đặt ty Đề cử về thuế muối, gồm Đề cử, đồng Đề cử, phó Đề cử, Thư lại; mỗi loại một viên”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 277).

Nhân Tổng binh Trương Phụ tâu rằng trước đây các nước lân bang như Lão Qua thường mang vàng đến An Nam đổi muối, bèn cử một viên quan trông coi ngành muối cả nước, để gia tăng sản xuất:

Ngày 18 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [17/11/1407]. Mệnh Viên ngoại lang bộ Hộ Hoàng Thông Lý trông coi ngành muối tại Giao Chỉ. Lúc bấy giờ quan Tổng binh Giao Chỉ nói rằng đất này sản xuất muối, hàng năm các xứ khác như Lão Qua mang vàng đổi muối. Mệnh theo nếp cũ, sai các ngươi 3 người đến trông coi việc mậu dịch. Ban cho tiền giấy 70 đỉnh (8) “. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 286).

Nhà Minh còn chú ý đến việc khai thác vàng, lập 7 cục khai thác tại các vùng thượng du, trung du Bắc phần và phía bắc Trung phần:

Ngày 19 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 6 [15/2/1408]. Lập cục khai mỏ vàng tại 7 trấn: Thái Nguyên, Gia Hưng [Sơn La, Phú Thọ], Quảng Oai [Sơn Tây], Thiên Quan [Ninh Bình], Vọng Giang [bắc Nghệ An], Lâm An, Tân Ninh; đặt Đại sứ 2 viên, Phó sứ 4 viên; lại tuyển tri châu, tri huyện 21 viên; mỗi trấn 3 viên Đề đốc Áp biện; lại dùng 2 viên Tổng đốc tại phủ. Sai bộ Lễ đúc ấn ban cấp”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 291).

Về việc thông thương với nước ngoài, cho đặt đề cử ty tại cảng Vân Đồn để lo việc giao dịch:

Ngày 19 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 6 [15/2/1408]. Thiết lập tại Giao Chỉ, Vân Đồn Thị bạc (9) Đề cử ty. Đặt Đề cử, Phó Đề cử mỗi chức một viên”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 291).

Bấy giờ quan lại Minh tại các phủ, châu, huyện tự động thu thuế, cao thấp không đều; Thượng thư Hoàng Phúc cảm thấy không ỗn, bèn tấu xin giảm nhẹ, được vua Thái Tông chấp nhận:

Ngày 11 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [7/4/1408]. Thượng thư Hoàng Phúc cầm đầu ty Bố chánh Giao Chỉ tâu rằng:

Giao Chỉ mới được bình định, việc trưng thu tại đất này không thống nhất; nên ước lượng một định chế thu nhẹ hay nặng?’

Thiên tử phán: Lúc mới đặt quan tại quận huyện Giao Chỉ, Trẫm mấy lần dụ rằng nên có chính sách khoan hồng, nhắm khoan và giản để phủ trị dân mới qui phụ. Ðừng trưng thu nặng, trưng thu nặng là phương sách đuổi dân đi. Lời của Phúc hợp với ý Trẫm’.

Bèn mệnh bộ Hộ họp quan bàn định, nhắm theo chính sách nhẹ và giản dị”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 293).

Sau khi chiếm được nước ta, vào ngày 5/7/1407 Vua Minh ban sắc dụ chia thành 15 phủ, 41 châu;, 208 huyện. Trải qua gần một năm thử thách, thấy rằng châu không có dân trực tiếp cai trị, rất khó khăn khi cần sai phái gấp. Bèn theo lời tâu của viên Thiêm sự Án sát Lưu Hữu Niên, làm cuộc cải đổi đơn vị hành chánh, bỏ những huyện gần châu thành cho trực thuộc thẳng vào châu.

Ngày 10 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [7/3/1408]. Ty Án Sát Giao Chỉ Thiêm sự Lưu Hữu Niên tâu:

Trước đây các châu tại Giao chỉ không gần với dân, vì vùng đất gần thành do huyện cai trị. Nay xin theo lệ nội địa, bỏ huyện vùng gần thành để châu trực tiếp cai quản”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 292).

Thực hiện việc này Vua Minh ban chỉ dụ bỏ các huyện tại châu thành cho trực thuộc vào châu; lại đem hết các cơ quan trong huyện như ty tuần kiểm, dịch trạm, cục thuế khóa sáp nhập luôn vào châu:

Ngày 5 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [23/10/1408]. Thăng châu Thái Nguyên thành phủ Thái Nguyên; châu Tuyên Hóa thành phủ Tuyên Hóa. Đổi cục thuế khóa châu Tuyên Hóa thành ty; lập ty thuế khóa phủ Thái Nguyên.

Bỏ huyện Sơn Định châu Oai Man, huyện Bảo Phúc châu Phúc An, huyện Phù Long châu Tam Đái, huyện Thanh Liêm châu Lợi Nhân, huyện Đan Sơn châu Từ Liêm, huyện An Định châu Gia Lâm, huyện Tiên Du châu Vũ Ninh, huyện Tân Phúc châu Bắc Giang, huyện Thanh An châu Lạng Giang, huyện Thanh Lâm châu Nam Sách, huyện Đường Hào châu Thương Hồng, huyện Sơn Vi châu Thao Giang, huyện Đông Lan châu Tuyên Giang, huyện Lũng Bạt châu Đà Giang, huyện Uy viễn châu Trường An, huyện Đông Triều châu Đông Triều, huyện Đồng An châu Tĩnh An, huyện Trường Tân châu Hạ Hồng.

 Cũng các đất này: đổi ty tuần kiểm trấn Giang Khẩu huyện Phù Long trực thuộc vào châu Tam Đái; ty tuần kiểm Kinh Thừ, dịch trạm ngựa tại Khương Kiều huyện Thanh Liêm trực thuộc châu Lợi Nhân; ty tuần kiểm tại cửa sông Hát Giang huyện Đan Sơn trực thuộc châu Từ Liêm; dịch trạm ngựa Bảo Phúc huyện Bảo Phúc trực thuộc châu Phúc An; cục thuế khóa cùng bến đò huyện Sơn Định trực thuộc châu Oai Man; cục thuế khóa huyện Tĩnh An trực thuộc châu Lạng Giang; cục thuế khóa huyện Thanh Lâm cùng ty tuần kiểm tại cửa sông Bình Than trực thuộc châu Nam Sách; cục thuế khóa Kim Lũ tại huyện Đường Hào trực thuộc châu Thượng Hồng; ty tuần kiểm Trần Xá huyện Sơn Vi trực thuộc châu Thao Giang; ty tuần kiểm cửa sông Cổ Lôi huyện Ðông Lan trực thuộc vào châu Tuyên Giang; ty tuần kiểm Phí Xá huyện Lũng Bạt trực thuộc vào châu Đà Giang; ty tuần kiểm sông Thiên Liêu, Đồn Sơn huyện Ðông Triều trực thuộc vào châu Đông Triều; ty tuần kiểm cửa biển Đồng An, huyện Đồng An trực thuộc vào châu Tĩnh An; cục thuế khóa Trường Tân, cùng ty tuần kiểm xã Ba Liễu trực thuộc vào châu Hạ Hồng.

 Lập kho Thường Trử tại phủ Bắc Giang, kho Thường Tích tại phủ Tân An, kho Thường Ích tại phủ Lạng Giang; mỗi kho đặt một viên Đại sứ, một viên Phó sứ”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 312).

_________

Chú thích:

1. Dặm: 1 dặm xưa bằng 0.50 Km

2. Đỉnh: tức nén, có nén 5 lượng, có nén 10 lượng.

3. Sáu bộ: Tức lục bộ đặt ra thời quân chủ, gồm: Bộ Lại, tức bộ Nội vụ; bộ Lễ, coi về lễ nghi, giáo dục; bộ Hộ, coi về tài chánh, nhân khẩu; bộ Binh, tức Quốc phòng; bộ Hình, bộ Tư pháp; bộ Công, bộ Xây dựng.

4. 472 vệ môn cho quân dân tức 472 cơ quan quân sự và dân sự. Gồm: 1 Đô ty + 1 Bố chánh ty + 1 Án sát ty + 10 vệ + 2 Thiên hộ sở + 15 phủ + 41 châu + 208 huyện + 1 ty Thị bạc + 100 ty Tuần kiểm + 92 ty cục thuế khóa = 472 vệ môn.

5. Hán Phục ba, tức Mã Viện, đánh dẹp hai bà Trưng nước ta, nên được nhà Hán phong là Phục ba Tướng quân.

6. Chín phép chinh phạt: sách Chu Lễ ghi 9 trường hợp phong kiến Trung Quốc mang quân chinh phạt các nước lân bang, gọi là cửu phạt.

7. Đậu kỳ thi về Kinh Nghĩa gọi là Minh Kinh.

8. Đỉnh: tức nén, có nén 5 lượng, có nén 10 lượng.

9. Thị bạc: bến cảng, nơi tàu bè ghé để buôn bán.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây