Thủ tướng nên làm gì để chống dịch và phát triển kinh tế hiệu quả?

Nguyễn Quốc Toàn

10-10-2021

Nếu có thể cho một lời khuyên, mình sẽ khuyên thủ tướng điều sau: “tuyên bố công khai là sẽ về hưu sau khi hết nhiệm kỳ này.“

Lý do như sau:

Mượn lời của nguyên thủ tướng Nhật vừa từ chức, ngài Yoshihide Suga, “không thể vừa làm tốt việc chống đại dịch, lại vừa tái tranh cử ghế lãnh đạo Đảng cầm quyền được.” Không có chính trị gia nào trên thế giới (trừ độc tài) có thể cân bằng được việc giải quyết tốt nhất nhiệm vụ cấp thiết có lợi cho đất nước (nhưng dễ gây tranh cãi) với tương lai chính trị của mình.

Khi tuyên bố chắc chắn sẽ không tham gia vào chính trường nữa, với tính cách quyết liệt và năng lực lãnh đạo giỏi đã được kiểm chứng, ngài thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đưa ra được những quyết định táo bạo và thực sự có ảnh hưởng tích cực tới trung hạn và dài hạn mà không bị vướng bận bởi những toan tính chính trị và khả năng tái đắc cử trong nhiệm kỳ sau.

Các địa phương hiện giờ hành xử không khác gì các sứ quân. Mỗi nơi một phách trong cách chống dịch, “ngăn sông cấm chợ”, “đóng đường bay”, đẻ ra đủ thứ cách ly, đủ thứ chính sách khác nhau.

Khi đọc báo thấy HN tuyên bố cách ly tập trung 7 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine, Hải Phòng không chịu mở đường bay (gần đây), Đà Nẵng phản hồi công văn thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc kiểm soát dịch (bản chất là cãi vì bị mắng), Vũng Tàu đẻ ra quy định xét nghiệm và cách ly chả giống thông lệ tốt nhất nào trên thế giới, hàng trăm nghìn người chạy loạn tứ tán. Tôi cứ tưởng là đang sống trong các bang Dân chủ và Cộng hoà ở Mỹ hay là ở mấy nước đang chiến tranh như Afghanistan, Lebanon, chứ không phải ở một nước có chính quyền mạnh mẽ, tập trung quyền lực, “lãnh đạo đồng lòng”, “nhân dân đoàn kết” như Việt Nam.

Thủ tướng thì mệt nhoài trong việc đưa ra các quyết định, mỗi quyết định không ít thì nhiều sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi những toan tính chính trị trong tương lai. Đến lúc bầu phiếu tín nhiệm, vận động tranh cử cho nhiệm kỳ sau, thì lá phiếu và tiếng nói của các trung uỷ viên là rất cần thiết. Thế nên đây có thể là một lý do mà “trên bảo, dưới không nghe”, rối tinh hết cả lên.

Khi các tỉnh, thành phố làm không đúng chủ trương, ngài thủ tướng và nội các chắc chỉ có thể “phê bình nghiêm khắc” lãnh đạo tỉnh nhỏ như Kiên Giang, chứ với thành phố lớn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, HCMC hay Hà Nội chắc khó “xạc” được các lãnh đạo đứng đầu.

Khi không còn phải lo về phiếu tín nhiệm, không còn ngại ngần làm mếch lòng các trung ương uỷ viên, và chẳng phải lo đến nhiệm kỳ sau, ngài thủ tướng có thể sử dụng đội ngũ tư vấn thực sự giỏi, học hỏi từ các thông lệ tốt nhất của thế giới, đưa ra những quyết định mạnh mẽ, táo bạo mà không sợ mếch lòng ai, ảnh hưởng nhóm lợi ích nào. Việc tập trung quyền lực sẽ giúp thủ tướng xử lý nhanh hơn rất nhiều (tất nhiên với điều kiện là đội ngũ tư vấn phải thật sự giỏi). Lãnh đạo nào không nghe thì (tạm thời) cho nghỉ việc, hoặc điều chuyển làm việc khác, cho “ngồi chơi xơi nước”.

(Về rủi ro pháp lý cho thủ tướng, mình nghĩ rất rất thấp vì lịch sử Việt Nam chưa bao giờ xét xử và dường như cũng đã có tiền lệ không xử người đứng đầu chính phủ ngay cả khi có những sai lầm rất lớn trong điều hành. )

Mình tin rằng ngài thủ tướng, với tài năng xuất sắc và tính cách quyết liệt của mình, sẽ đi vào lịch sử nếu vượt qua được thử thách lớn nhất của Việt Nam và cá nhân ngài khi “chơi tất tay” cuộc này.

(Và biết đâu, khi làm tốt rồi, thì đại hội lại bắt ngài tiếp tục làm hoặc lên nữa (chúng ta có tiền lệ rồi). Nên tuyên bố này là lợi cả đôi đường).

PS: Trong một diễn biến khác, báo Thanh Niên đưa tin một huyện ở Cà Mau đã tiêu huỷ những con chó của một người dân chạy nạn từ Long An về. Vợ chồng chủ của đàn chó này trải qua muôn vàn kiếp nạn và chia sẻ 100.000 đồng trong số tiền 250.000 đồng kiếm được để nuôi chúng hàng ngày. Nhưng về đến quê hương thì đàn chó bị chính quyền “tiêu huỷ”.

Đọc xong mình tưởng Việt Nam đang sống trong thời kỳ mông muội. “Cà Mau mũi đất mỡ màng phù sa” mà thế này ư?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Đọc xong bài này, tôi ngỡ Tiếng Dân quay về thời mông muội.
    Khai dân trí bằng 1 bài viết nâng bi trơ trẽn như vậy sao?

  2. „Ngài thủ tướng, với tài năng xuất sắc và tính cách quyết liệt của mình“

    Ngay từ khi „Ngài thủ tướng“ lên, điều hành CP trong việc đối phó dịch vuhan, PMC thể hiện một khả năng kém cõi. PMC chỉ là một cái loa rỉ, hô khẩu hiệu ra rả từng ngày. Ai đã nghe chưa, ai đã quên rồi? Nào là đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; mỗi phường xã phải là một pháo đài; 5 tại chỗ rồi 3 tại chỗ; 1 cung đường 2 điểm đến; 3 không và 5 thật; tháp 5 tầng thành 3 tầng; bộ đội đi chợ hộ; v.v. và v.v.

    PMC chỉ thích dùng súng ống, bạo lực hơn là khoa học, bỏ ngoài tai những ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để đưa tổ tư vấn toàn đám con buôn. Gây thiệt hại nền kinh tế gần nát như tương, và khả năng phục hồi là không thể khi FDI đang đua nhau bỏ Việt Nam mà chạy, doanh nghiệp trong nước thì cũng không đủ sức hoạt động khi vốn lẫn lực lượng lao động không còn.

    Hôm nay ra công điện cấm người về, hôm sau lại ra công điện đón người về, PMC lên điều hành nắm trong tay sinh mệnh người Dân mà ra quyết sách lật nhanh hơn lật bánh tráng.
    Một kẻ chưa học qua kinh tế lại điều hành kinh tế, một kẻ không biết gì về dịch tễ, y học lại lên dạy cách chống dịch, thì hậu quả đã rõ như chúng ta thấy.

    Rất tiếc! Nhân vật sáng giá nhất, ngon lành nhất trong toàn đảng CSVN (sau Trọng Lú) trơ trẻn chỉ là một tay bất tài, bất lực và to họng. Rất tiếc cho đảng ta và rất bất hạnh cho dân VN!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây