Trao đổi thêm với tiên sinh Quách Hạo Nhiên

Nguyễn Đình Cống

10-10-2021

Sau khi đọc “Góc Nhìn Khác Về Tầng Lớp Trí Thức Ở Việt Nam Hôm Nay” tôi đã viết bài “Xin trao đổi cùng Hạo Nhiên tiên sinh”. Không dừng lại ở đó, tôi tiếp tục suy nghĩ và còn muốn trao đổi thêm, không phải chỉ riêng với tiên sinh (TS) mà còn với nhiều người có quan tâm về vấn đề phản biện. Tôi đã viết xong cuốn sách HỌC LÀM PHẢN BIỆN, đã gửi bản thảo đến một số Nhà Xuất bản, nhưng chưa nơi nào nhận ký hợp đồng. Tôi đã giới thiệu phần mềm cuốn sách và đã gửi nó làm quà biếu cho rất nhiều người.

Bài “Góc nhìn khác…” của Quách TS trình bày khá nhiều vấn đề về phản biện của trí thức đối với chính quyền và lãnh đạo đất nước. Để đơn giản tôi xin gọi A là người phản biện và B là đối tượng của phản biện đó. B chủ yếu là ý tưởng, là công việc chứ không nhất thiết là con người. Xin phân biệt việc B và người B. Ngoài ra, liên quan đến phản biện còn có thành phần thứ ba, ở bên ngoài, theo dõi, đánh giá.

Về yêu cầu đối với A, bài của Quách TS viết khá đầy đủ, chính xác. Tôi tự nhận là một người hay làm phản biện, đã có hàng trăm bài phản biện về nhiều vấn đề, tôi đã dùng các yêu cầu do Quách TS nêu ra để đối chiếu với bản thân và thấy mình đã thực hiện được một cách cơ bản, không đến nỗi phải hổ thẹn vì bất cứ điều gì.

Khi làm phản biện thì A có thể chỉ quan tâm đến việc B mà không cần biết người B và ngược lại, người B cần quan tâm đến nội dung phản biện mà không cần biết A và thái độ của người ấy. Đây là điều mà Đức Phật đã dạy trong phương châm “Y pháp bất y nhân”. Tuy vậy trong thực tế khó tránh khỏi việc người này biết đến người kia, khó tránh khỏi sự thể hiện thái độ khi làm hoặc tiếp thu phản biện. Vì vậy Quách TS viết:

Thế nên, sự cẩn trọng, tính xác đáng, nhất là không cực đoan trong khi phản biện nhà cầm quyền trước hết là cách để những người trí thức tự bảo vệ bản thân mình. Quan trọng hơn nữa phải làm sao “thuyết phục”, “dỗ dành” nhà cầm quyền để tránh cho họ cái tâm lý bị “mất mặt” (với dân chúng và với bạn bè quốc tế) vì những sai lầm mà họ gây ra. Đồng thời không có cảm thấy bất an, sợ hãi vì bị đe dọa lật đổ hay tước đoạt quyền lực”.

Phải chăng ý chính của đoạn vừa trích là A phải thực hành “Đắc nhân tâm” khi phản biện, phải quan tâm đến việc làm hài lòng người B.

Đắc nhân tâm là một thuật khá hiệu quả trong giao tiếp, đặc biệt khi bạn bè cần góp ý cho nhau, khi cấp trên phê bình cấp dưới. Còn khi mà cấp dưới sử dụng nó để góp ý cho cấp trên thì dễ rơi vào nịnh bợ, khi mà các phe đối lập dùng nó để phê phán nhau dễ rơi vào cảnh khôi hài. Trước đây, trong nhiều năm tôi bị tinh thần Đắc nhân tâm ảnh hưởng nặng mà không dám phản biện Mác Lê và các nhà lãnh đạo cộng sản. Nhưng rồi tôi tỉnh ngộ ra sau khi đọc được câu có đại ý như sau: “Moi móc, bêu diếu những thói tật của người thường là kém về đạo đức. Nhưng là Nhà triết học mới biết vch ra những sai lầm của Học thuyết khoa học, của đường lối chính trị”.

Khi cần phải xét quan hệ thì giữa A và người B có thể là quan hệ cùng hay khác phe. Cùng phe có trên dưới, bạn bè hoặc được xem như bạn bè. Khác phe có đối lập hoặc thù địch.

Về thái độ của A, với người cùng phe có thể thiên về ‘làm hài lòng’ hoặc ‘chỉ trích’, còn với người khác phe chủ yếu là chỉ trích, là đấu tranh.

Chỉ trích là thuốc đắng, khó nuốt, nhưng “Thuốc đắng giã tật”. A phải dùng đến chỉ trích, mắng mỏ cấp dưới khi người B thuộc loại quá chậm chạp, khả năng trí tuệ thấp, rất khó dùng lý lẽ để thuyết phục mà phải có tác động mạnh. Dân gian có câu “Thân lừa ưa nặng” hoặc “Đàn gảy tai trâu” là dùng cho trường hợp này. Với người B cùng phe ở mức bạn bè hoặc cấp trên mà quá bảo thủ, quá bị mê muội hoặc bị nhồi sọ quá nặng, lâm vào tình trạng ngu tín cũng cần được chỉ trích. Lúc này dùng kết hợp thuyết phục với chỉ trích mạnh mẽ mới mong làm cho họ nhận ra chân lý.

Đối với người khác phe, khi B thuộc loại cơ hội, biết ý kiến của mình là sai nhưng cố ngụy biện để bảo vệ nó nhằm thực hiện một số mưu đồ nào đó thì A phải dùng đến chỉ trích. Lúc này mọi lời thuyết phục đều vô ích và lời chỉ trích không chỉ nhằm giúp người B nhận ra chân lý mà chủ yếu hướng đến những người thứ ba.

Có những người B là độc tài, chuyên quyền, thuộc phe đối lập hoặc B xem A là thuộc thế lực thù địch trong lúc A vẫn tôn trọng B. Lúc này mà A vẫn dùng phương pháp Đắc nhân tâm với B thì không những tốn công vô ích mà còn bị B cười nhạo. Lúc này A phải dùng những lập luận chặt chẽ, những chững cứ xác đáng để chứng minh cho những người thứ ba thấy sai lầm của B và những tác hại do sai lầm đó.

Những người B có địa vị cao trong xã hội, khi là người lương thiện, tử tế, chính trực thì họ không bao giờ né tránh, có phản ứng xấu đối với mọi lời chỉ trích. Nhờ có bản lĩnh cao mà họ cảm nhận được hạnh phúc khi nghe lời chỉ trích và hiểu được điều đúng đắn trong đó. Trong chuyến thăm Việt Nam, tổng thống Obama của Mỹ đã nói một câu có ý tương tự.

Sẽ là không xứng đáng khi làm người ở ngôi cao mà thiếu bản lĩnh, lo sợ bị chỉ trích, xem người chỉ trích như kẻ thù cần loại bỏ. Quách TS viết: “Quan trọng hơn nữa phải làm sao “thuyết phục”, “dỗ dành” nhà cầm quyền để tránh cho họ cái tâm lý bị “mất mặt” (với dân chúng và với bạn bè quốc tế) vì những sai lầm mà họ gây ra.”

Chỉ nên và có thể ‘thuyết phục’ ai đó khi họ tỏ ra còn có thiện lương. Còn tại sao phải “dỗ dành” những người không còn là trẻ con hoặc bị thiểu năng trí tuệ. Không ai có thể tránh cho người khác điều mà họ đang muốn làm, điều mà họ cố tình phạm phải. Bạn chỉ có thể thuyết phục và dỗ dành ai đó khi được họ tôn làm thầy, ít nhất cũng phải được họ kính trọng như thầy, còn khi bạn bị họ xem là những công cụ ngoan ngoãn và trung thành thì không đời nào họ chịu lắng nghe lời phản biện của bạn, họ chỉ muốn nghe lời nịnh hót, tâng bốc, ca ngợi.

Tại sao những nhà chính trị ở các nước dân chủ không ngại bị chỉ trích mà cán bộ lãnh đạo cộng sản người Việt lại sợ nó đến thế. Chính là vì họ thiếu phẩm chất cơ bản của nhà chính trị là trí tuệ và bản lĩnh. Thế nhưng tại sao họ chiếm được vị trí cao. Phải chăng họ là những kẻ cơ hội, kém trí tuệ thông minh nhưng có lắm mưu mô và lợi dụng được những điều sai lầm, những điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học, phản đạo lý trong đường lối cán bộ cộng sản. Sai ở đâu, phản như thế nào đã được viết nhiều, tương đối tập trung ở bài “Phản biện đường lối cán bộ cộng sản”.

Quách TS viết: “Thế nên, sự cẩn trọng, tính xác đáng, nhất là không cực đoan trong khi phản biện nhà cầm quyền”. Tôi nghĩ rằng sự cẩn trọng, tính xác đáng, không cực đoan là yêu cầu đối với A khi phản biện bất kỳ một đối tượng nào. Tại sao đối với nhà cầm quyền lại cần có yêu cầu riêng. Phải chăng nhà cầm quyền có khả năng đàn áp, hãm hại người phản biện. Phải chăng vì thế mà có câu: “trước hết là cách để những người trí thức tự bảo vệ bản thân mình.

Xin rất cám ơn Quách TS vì lòng tốt này. TS đã thấy rõ nhiều sự thật quá đau lòng, thấy được sự tàn bạo của chế độ công an trị, thấy được sự dẫm đạp lên công lý của tòa án mà lo cho những trí thức phản biện gặp phải điều không may. Nhưng trong công cuộc đấu tranh hòa bình cho dân chủ, chống lại độc tài toàn trị rất khó tránh được những sự hy sinh của một số người đi tiên phong. Đó phải chăng là những cá nhân được sinh ra để làm đá lót đường cho sự tiến bộ xã hội. Tự bảo vệ bản thân là đúng, là nhân quyền và dân quyền. Sự chấp nhân hy sinh là tự nguyện và đáng cổ vũ vì nếu tất cả mọi người đều lo tự bảo vệ bản thân mình lên trước hết, thì lấy đâu ra người dám xã thân vì nghĩa lớn.

Hồi còn trẻ chúng tôi được dạy rằng cách mạng phải dựa vào công nông, còn tầng lớp trí thức thuộc tiểu tư sản là không đáng tin cậy vì họ sợ gian khổ, không dám hy sinh. Thật ra để chống lại cường quyền, để kiến tạo nên xã hội tốt đẹp thì đã có, đang có và sẽ có nhiều trí thức dám hy sinh làm đá lót đường cho tiến bộ.

Lời cuối

1-Tôi muốn được trao đổi riêng với Quách TS vài điều. Tôi sẽ vinh dự và biết ơn khi được TS chấp nhận và liên lạc qua email  ndcong37@gmail.com

2- Vị nào, bạn nào muốn tham khảo sách HỌC LÀM PHẢN BIỆN xin viết yêu cầu gửi vào email, tôi xin gửi biếu phần mềm.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây