Bức tường Berlin (Phần 7): Bức tường trong đầu

Nguyễn Thọ

7-10-2021

Tiếp theo Phần 1 − Phần 2 − Phần 3 − Phần 4Phần 5Phần 6

Cuộc gặp gỡ giữa các học sinh Việt Nam và các thầy cô giáo Đức năm xưa tại Königs Wusterhausen hôm 1.9.2019. Đối với chúng tôi, họ là những công dân CHDC Đức tử tế. Ảnh: FB tác giả

Giữa các vùng miền nước Đức cũng có những khác biệt về văn hóa, lich sử. Trước khi đế chế Đức ra đời năm 1871, đây từng là nhiều vương quốc, công quốc khác nhau. Người Hanseat giỏi kinh doanh ở Bắc Đức từng coi người vùng Rheinland (nơi tôi đang sống) là bọn thợ mỏ lam lũ và người Bavaria (Bayern) là đám nông dân cục mịch. Nay sự phân biệt đó bị xóa nhòa.

Hiện tại các danh từ lóng “Ossi” hay “Wessi” vẫn được dùng để ám chỉ người Đông hay Tây (như người Việt vẫn kêu “Thằng Nam kỳ” hay “Con mẹ Bắc kỳ”). Lúc đầu tôi nghĩ sự phân biệt này sẽ sớm mất đi. Nhưng 31 năm rồi, nó vẫn còn đó, mặc dù phần lớn người dân Đông Đức hiện nay sinh ra sau năm 1989, hoặc chỉ biết đến CHXH vào tuổi thiếu nhi.

Đông và Tây Đức có những cách biệt từ ngôn từ [1], tôn giáo [2] đến lịch sử, vì Đông Đức chính là trung tâm của nước Phổ, như tôi đã nêu trong bài 1 của loạt bài này, so với phần còn lại của nước Đức. Thêm vào đó sự tụt hậu về kinh tế, xã hội khiến cho phân biệt Đông Tây không dễ xóa nhòa như phân biệt giữa người Hanseat với dân Rheinland cùng ở miền Tây.

Có người cho là nếu Đông Đức chọn liệu pháp “mềm” như Tiệp, Ba-Lan… sẽ bớt đi nhiều sụp đổ, vì tư bản phương Tây dễ nhảy vào sử dụng nhân công rẻ ở đó. Nạn thất nghiệp và các bi kịch trong những năm 1990 đã không xảy ra.

Việc gì cũng có cái giá của nó.

Sau hơn 30 năm, dân tộc Đức đã chứng tỏ bản lĩnh của mình. Đông Đức ngày hôm nay đã không trở thành sân sau để gia công hàng hóa cho công nghiệp Phương Tây, mà là bộ phận cấu thành của một nền kinh tế hàng đầu thế giới. Thành phố dệt Chemnitz đã chứng kiến sự đổi thay này. Ngành dêt truyền thống đã teo đi, chỉ còn các nhà máy sản xuất thiết bị dệt may cao cấp. Thay vào đó chính phủ đưa nhiều cơ quan liên bang (Bundesanstalt) cùng 3 viện nghiên cứu khoa học Fraunhofer về đây. Kéo theo đó là hàng loạt Startup về IT và AI ra đời. Trường đại học kỹ thuật Chemnitz được nâng cấp để nhận 11.000 sinh viên, trong một thành phố 245.000 dân (Thị xã Quảng Ngãi có 265.000 dân).

Chemnitz bỏ qua giai đoạn phục hồi công nghiệp, tiến thẳng vào hậu công nghiệp là một trong nhiều ví dụ của Đông Đức.

Cùng với việc dời thủ đô từ Bonn sang Berlin để kéo trọng tâm về miền Đông, nhiều cơ quan liên bang và các viện nghiên cứu được chuyển về đây. Đầu tư mới 100% vào hạ tầng đã tạo cho miền Đông hệ thống đường cao tốc tốt hơn, mạng điện năng lượng xanh dày đặc hơn và trang bị ở các trường đại học, bệnh viện hiện đại hơn. Từ năm 1998, nhà nước đã thành lập cơ quan “Đặc ủy xây dựng miền Đông” mà chủ nhiệm luôn là Đông Đức [3]. Từ 2005 nước Đức được lãnh đạo bởi một phụ nữ từ miền Đông…

Bất chấp tất cả những cố gắng trên, khoảng cách Đông-Tây vẫn tồn tại. Thu nhập ở miền Đông vẫn dậm chân ở mức 85% miền Tây. Nguyên nhân nằm ở cấu trúc dân cư (demography).

Tích lũy trung bình của các gia đình Đông và Tây năm 2018, tính theo đơn vị nghìn EUR. Ảnh trên mạng

Thế hệ trẻ Đông Đức hầu như không dính dáng đến quá khứ “CHDC Đức”. Họ hoàn toàn hòa nhập và có mức sống ngang, thậm chí cao hơn bạn bè miền Tây. Nhưng quanh họ là rất nhiều người già thuộc thế hệ cũ. Những người này hưởng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, chỉ đủ sống. Người sống bằng trợ cấp tất phải ăn tiêu tằn tiện. Vì vậy, dù lương của giáo sư, hay bác sỹ miền Đông cao bằng miền Tây, nhưng cấu trúc dân số này đã tạo ra sức mua thấp ở đó (Biểu đồ 1). Sức mua quyết định phát triển kinh tế. Đó là một quy luật khắc nghiệt, không chính sách nào thay đổi được.

Biểu đồ 1 – Sức mua tính theo đầu người/năm tại các bang ở Đức. Đứng đầu là Hamburg, 5 bang miền đông đúng cuối bảng. Ảnh trên mạng

Tỷ lệ người già ở miền Đông khá cao vì trong nhiều năm liền, giới trẻ bỏ sang phía tây làm ăn. Nạn “Chết làng” (Dorfsterben) cũng là một vấn đề trầm trọng ở Đông Đức. Do thanh niên kéo bỏ đi nên rất nhiều làng chỉ còn người già. Trường học, nhà trẻ đóng cửa. Sức mua giảm khiến vài làng chung nhau một siêu thị. Các cô bảo mẫu, giáo viên, bán hàng lại vào thành thị kiếm sống. Vòng luẩn quẩn này chưa dừng lại. Trong khi ở miền tây, người giàu đổ về sống ở nông thôn để hưởng môi trường trong lành thì ở miền đông, không khí sạch không ai mua…

Màu đen là tỷ lệ người Đức không thỏa mãn với công cuộc thống nhất đất nước. Màu xanh là tỷ lệ người thỏa mãn. Ảnh trên mạng

Tôi có thể đưa ra nhiều dẫn chứng khác về những tồn đọng ở Đông Đức, từ sự gần gũi của dân chúng với các đảng phái cực đoan, đến sự thờ ơ của họ trong các hoạt động chính trị. Chắc chắn là phân biệt Đông Tây rồi sẽ biến mất như phân biệt giữa người Hanseat ở Bắc với người Bayer ở miền Nam Đức. Có điều cái hố sâu cần nhiều thời gian hơn để lấp.

Nhưng cuộc đời đâu chỉ bị cản trở bởi bức tường vùng miền. Cản trở lớn nhất là bức tường giam hãm con người trong sự hèn hạ nhưng ngạo mạn, là bức tường của sự tự ti nhược tiểu. Người Đức đã thống nhất được đất nước một cách rất văn minh, vì đa số vượt qua chính cái bóng của họ.

Phẩm chất đó không phải của chế độ nào.

30 năm sau ngày thống nhất có đến 75% người Đức coi quá trình thống nhất đất nước là một thành công, chỉ 23% coi đó là thất bại. Ở một xã hội tử tế thì 75% hạnh phúc này cảm thấy có trách nhiệm phải làm sao hiểu và giúp đỡ 23% bất hạnh kia. Không ai coi họ là phản động hay bất mãn.

Người Đông Đức không bao giờ phải trả lời câu hỏi rất đểu trong lý lịch: Trước ngày 03.10.1990 ông, bà hoặc bố mẹ ông bà làm gì?

Tôi đã viết nhiều về đề tài này, lần nào cũng có người phán: Nhờ Mỹ, hoặc nhờ Liên Xô buông tay mà Đức mới được như thế. Người ta quên đi yếu tố nội lực. Vào lúc CNXH sụp đổ ở Liên Xô, có bao nhiêu nước bước vào kỷ nguyên dân chủ? Nhiều nước thuộc Liên Xô cũ dù thay đổi thể chế, nhưng độc tài vẫn tồn tại, như ở Belaruss hay các nước Trung Á. Ở Trung Quốc và Việt Nam CNXH biến tướng theo CNTB hoang dã…

Những khác biệt đó là do nội lực.

Nhiều người coi các thói xấu của đồng bào mình là do cộng sản giáo dục. Nhưng trong các cộng đồng Việt Nam ở Úc ở Mỹ, đa số ra đi từ 1975 cũng không thiếu trò tệ hại. Cách hành xử của họ còn kém những người Đông Đức, Tiệp hay Ba-Lan được giáo dục dưới chế độ XHCN. Chỉ riêng chuyện giữ trật tự và vệ sinh công cộng, về cách tranh luận, người Việt còn phải học dài dài nữa. Người Việt là quán quân thế giới về khôn lỏi, nấp nhìn người khác hy sinh hộ mình…

Hãy thôi tìm các cái cớ để mình khỏi phải thay đổi.

Một dân tộc có bản lĩnh luôn tự giải phóng được mình khỏi các gọng kìm của lịch sử, vì họ luôn biết vượt qua bức tường tự bao vây mình.

Tự nhốt mình trong tự mãn, u tối, chỉ trông chờ vào nước ngoài, chờ vận may thì cơ hội tốt mấy cũng bỏ lỡ. Dân tộc nào thì cũng chỉ được hưởng nền kinh tế, nền văn hóa, hệ chính trị mà nó xứng đáng được hưởng.

Đó là bài học về những bức tường.

_____

[1] Vài ví dụ: “Con gà quay” ở Đông Đức gọi là Broiler, Tây Đức gọi là Brathähnchen. “Nhựa” ở Đông Đức gọi là Plaste, ở Tây Đức = Plastik. Món Grilletta của Đông Đức, bên Tây gọi là Hamburger: https://de.wikipedia.org/wiki/Sprachgebrauch_in_der_DDR#W

[2] Tôn giáo chính ở Đông Đức là Tin lành, ở Tây Đức là Thiên chúa.

[3] https://www.bmwi.de/Navigation/DE/Themen/themen.html?cl2Categories_LeadKeyword=ostbeauftragter

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây