Bức tường Berlin (Phần 4): Những đứa con của bức tường

Nguyễn Thọ

29-8-2021

Tiếp theo Phần 1Phần 2Phần 3

Cảnh sát Tây Berlin nhặt xác của anh thanh niên Peter Fechter bị bắn chết bên hàng rào biên giới đông tây Berlin hôm 17.08.1962. Ảnh tư liệu

Những ngày sau khi bức tường thép gai tạm thời được dựng lên, hàng trăm người Đông Berlin vẫn tìm cách lọt qua các kẻ hở để chạy trốn. Có những nơi người ta nhảy qua cửa sổ sang bên kia. Dân Tây Berlin giăng vải bạt hứng được hàng chục người nhảy cửa sổ, không có tai nạn nào xảy ra. [1]

Dần dần chính quyền Đông Đức xây hoàn chỉnh thành những bức tường cao 3m, có một dải đất phân cách cho xe biên phòng đi tuần, có tháp canh, đèn pha chiếu sáng. Nhưng người dân vẫn tìm cách đào những con đường hầm từ những khu nhà gần đường biên để sang bên kia. Rồi dần dần những hộ ở gần đường biên cũng bị di dân đi nơi khác và các ngôi nhà đó bị san ủi thành bãi hoang.

Cấu trúc bức tường Berlin. Ảnh tư liệu

Ngày 13.8.1961 được coi là ngày chính thức hoàn thành việc chia cắt nước Đức. Một sự chia cắt không cân xứng. Người dân miền Tây vẫn sang Đông được. Nhà nước Tây Đức cho dân tự do đi lại. Phía Đông Đức thì coi người Tây là nguồn ngoại tệ quan trọng. Người Tây Đức vẫn đi xe ô tô qua 3 tuyến đường cao tốc để sang Tây Berlin. Họ chỉ được dừng lại ở những cây xăng dành cho họ, không được rẽ ngang tắt. Nếu có lý do chính đáng (thăm thân, định cư hay công tác), họ sẽ được vào lãnh thổ CHDC Đức.

Nhưng người dân Đông Đức thì không được đi sang phía Tây. Sau ngày 13.8.1961, họ chỉ còn cách liều chết vượt biên hoặc xếp hàng đặt đơn đi thăm thân, xin xuất ngoại. Đơn thăm thân rất ít khi được xét, và chỉ xét cho những cán bộ đáng tin cậy. Mà tin cậy đến đâu thì chỉ có vợ hoặc chồng được đi, phần kia của gia đình phải ở lại làm con tin.

Dân chúng Đông Berlin ở phố Bernauer nhảy qua cửa sổ để chạy sang Tây Berlin hôm 13.08.1961. Ảnh tư liệu

Những người xin xuất ngoại mới khốn khổ. Họ luôn bị coi là kẻ „có vấn đề“ trong suốt thời gian chờ đợi đơn được cứu xét. Nhiều người mất việc, bị bạc đãi, sống trong sự dè bỉu của hàng xóm, đồng nghiệp. Có những người như bà Ingrid Taegner được kể ở cuối bài trước, cam chịu cả đời không được sang bên kia.

Những người không cam chịu được thì tìm cách vượt biên. Để vượt qua 155km biên giới bao quanh Tây Berlin hay 1.400km biên giới Đức – Đức đầy mìn và thiết bị điện tử, được canh gác vô cùng chặt chẽ, người ta đã sáng tạo ra muôn vàn cách thoát thân. Ở Đức có rất nhiều “bảo tàng vượt biên”, trình bày từ những cách đào hầm, đóng xe tải thành xe tăng để phá hàng rào, làm xe ô tô nhiều lớp vỏ, bay bằng khinh khí cầu, vượt biển Baltic bằng ca nô v.v.

Vượt biên trong những ngày đầu khi mới chỉ có dây thép gai. Ảnh tư liệu

Bà Liane Weinstein sinh ở Tây Berlin mới được 2 tháng. Dịp cuối tuần bố mẹ bà bận sửa nhà nên gửi cháu bé cho ông bà ngoại ở Đông Berlin. Bức tường dựng lên sáng chủ nhật 13.08 đã khiến bé phải ở lại với ông bà bên phía Đông. Bố mẹ bé ở bên kia gần như phát điên vì mất con. Họ nhờ người đào một đường hầm để đưa bé về phía tây. Kế hoạch bại lộ, những người đào hầm và ông bà ngoại bị bắt giam. Cô bé bị đưa vào trại mồ côi. 11 năm sau, nhờ sự can thiệp của chính quyền Tây Đức, cô được trả về phía Tây với bố mẹ, những người đối với cô rất xa lạ.

Gia đình bà Liane Weinstein (giữa) tan vỡ sau 11 năm bà bị giữ làm con tin ở Đông Berlin. Bố mẹ mà đã li dị nhau trước ngày bà được trả về Tây Berlin cho họ. Ba số phận có thật của những người con của bức tường Đức. Ảnh tư liệu

Trong 11 năm qua cô luôn được nghe kể rằng: bố mẹ đã nhẫn tâm bỏ con lại để hưởng lạc ở miền Tây, mặc dù chính quyền luôn mời họ về miền Đông với con gái. [2]

Thế hệ người Đức như bà Weinstein được gọi là những đứa con của bức tường. Dù gia đình họ có bị xé nát hay không, dù ở Đông hay ở Tây thì ai cũng bị ảnh hưởng bởi sự chia cắt đất nước.

Chính phủ CHDC Đức luôn tuyên bố: “Bức tường là sự lựa chọn của nhân dân”. Đầu tháng 10.1989, hàng trăm ngàn người Đông Đức biểu tình với khẩu hiệu: “Chúng tôi là nhân dân”, “Hãy mở cổng thành”. Sau hơn một tháng liên tục đấu tranh bất bạo động, đêm 9.11.1989, bức thành bị dỡ bỏ.

Người ra lệnh mở cổng thành lại chính là Trung tá an ninh STASI Harald Jäger [3]. Ngày nay người ta đặt câu hỏi. Nếu vào giờ phút lịch sử đó Jäger ra lệnh nổ súng vào đám đông quần chúng đang đòi mở cổng thành thì sẽ ra sao? Lịch sử cuối cùng cũng vẫn sang trang, vì lòng dân đã rõ, nhưng sẽ tốn máu. Viên sỹ quan STASI Jäger biết tiếc máu của dân mình vì anh cũng là nhân dân, cũng là người con đau khổ của bức tường.

Một trong những cách tuyệt vọng để vượt biên. Ảnh tư liệu

Tôi có thể viết hàng trăm bài về nước Đức chia cắt, vì tôi là đứa con miền Nam tập kết ra Bắc, chơi thân với nhiều bạn bè Đông và Tây Đức, chứng kiến nhiều số phận của họ. Tôi xin tạm dừng ở đây với các tóm tắt như sau:

– Tháng 5.1945. nước Đức thua trận bị phân chia thành 4 vùng chiếm đóng của Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô. Thủ đô Berlin nằm lọt thỏm trong vùng Liên Xô ở miền Đông nước Đức cũng bị chia 4. Chia nhưng chưa bị cắt, vì giữa các vùng vẫn đi lại được.

– Tháng 5.1949, ba vùng tư bản ở Tây Đức tập hợp thành nước CHLB Đức, kinh tế tư bản, dân chủ đại nghị.

– Tháng 10.1949, nước CHDC Đức ra đời ở miền Đông lấy Đông Berlin làm thủ đô. Biên giới Đức-Đức dài 1400km hình thành, chia cắt nước Đức thành 2 miền XHCN và TBCN.

– Trong khi đó Tây Berlin vẫn là thành phố tư bản, tự do. Đi lại giữa đông-tây thành phố vẫn “bình thường”. Tây Đức và Tây Berlin liên hệ với nhau qua các đường sắt, đường cao tốc và hàng không xuyên qua lãnh thổ CHDC Đức (theo thỏa thuận của đồng minh).

– Lỗ hổng này giúp cho 3 triệu người bỏ Đông Đức đi sang Tây Đức qua đường Tây-Berlin. Những người này được gọi là dân tỵ nạn. Lý do ra đi có thể là kinh tế, là chính trị (đòi tự do dân chủ) hoặc đoàn tụ gia đình.

– Để tránh việc chảy máu chất xám, ngày 13.9.1961, CHDC Đức bất ngờ xây bức tường Berlin, chính thức chia cắt hoàn toàn nước Đức.

– Từ sau 13.8.1961, dòng người tỵ nạn giảm hẳn. Vượt biên trở nên nguy hiểm chết người. Từ tháng 8.1961 đến ngày 11.1989, chỉ còn khoảng 500.000 công dân CHDC Đức sang được CHLB Đức. Trong đó hơn 300.000 người được cấp phép xuất cảnh định cư, đoàn tụ gia đình.

– Chính phủ CHLB Đức đã chi 5 tỷ DM để “mua giấy phép xuất ngoại” cho 250.000 đồng bào trong số 300.000 nói trên. Ngoài ra CHLB Đức chi 3,5 tỷ DM để “mua tự do” cho 33.700 tù chính trị từ các nhà tù CHDC Đức. [4]

– Số người bị bắn chết trong khi vượt bức tường trốn từ Đông sang Tây Berlin là 140 người.

– Số người chết vì bị bắn, vì vấp mìn khi vượt qua biên giới Đức – Đức là 327.

– Nếu kể cả hơn 200 người bị chết khi vượt biển Baltic để sang Bắc Âu hoặc Tây Đức và khoảng 300 người bị chết khi vượt qua biên giới các nước XHCN khác thì có khoảng 1000 người Đức đã chết chỉ vì muốn đi từ vùng đất này đến vùng đất khác của tổ quốc mình.

PS: Ai cần có thể đọc một số tư liệu khác về “Chia cắt nước Đức”:

Bài viết khác về bức tường Berlin và số phận những con người: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/3195284190489632

Bài viết về những ngày phong tỏa Berlin: “Máy bay ném bom nho”: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/3184493994901985

Bài viết về vụ vượt biên bằng khinh khí cầu “Gió bay về miền tây”: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/3340344989316884

Bài viết về những cầu thủ bóng đá CHDC Đức: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/4734892423195460

Viết về những gì xảy ra sau ngày thống nhất đất nước: Về những bức tường trong đầu (3 bài) https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2549301718421219

_____

*Chú thích:

[1] https://www.zdf.de/dokumentation/zdfzeit/zdfzeit-ein-tag-im-august–mauerbau-61-100.html, (Bắt đầu từ phút thứ 01:12:30)

[2] https://17juni1953.wordpress.com/2020/04/13/gerhard-weinstein-einstiger-staatsfeind-der-ddr-tot/

[3] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1414934981857904 (bài viết về trung tá Harald Jäger)

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Trading_of_East_German_political_prisoners

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nước Đức qúa may mắn hay nhiều diễm phúc, chứ không đen đủi như VN.ta vì họ
    thống nhất trong hoà bình với chế độ dân chủ tự do thực sự.
    Ngược lại cả nước VN.rơi vào cảnh độc tài chuyên chế, nhân dân bị kèm kẹp vượt
    xa chế độ cũ mà họ từng hùng hổ kết tội để tuyên truyền bịp bợm. Hơn nữa,điều
    đáng nói nhất là sau khi chiến tranh kết thúc thì Tàu cộng hưởng lợi nhiều nhất.
    Mặt khác, nếu không có VNCH đối trọng với miền Bắc CS một thời gian kéo dài 20
    năm thi cả nước ngày nay có lẽ không khác gì Bắc Hàn ? Dù sao, cũng còn một
    chút may mắn để an ủi nhau như thế này ?
    Nhưng “….Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào…” (Kiều) !


  2. Giữa Lòng Bá Linh – Trái Tim Nước Đức
    ********************************


    Bá Linh lộng gió Tân Thời
    Điểm nóng suốt Chiến tranh Lạnh
    Hà Nội ! «Năm mươi năm đợi» !!
    Tự do Dân chủ mây trời
    Sao Mai còn vang tiếng thở
    Sao Hôm Hồ Tây ai chờ ??
    Hồn ta trầm lắng Hồ Gươm
    Lưu vong nặng sầu trăn trở
    Bao giờ thấy lại tuổi thơ
    Thăng Long ngựa trắng yên xưa .. ..
    Việt Nam thân yêu tuyệt vời:
    Cây Hoa Sữa cao vời vợi
    Bao năm lưu đày đất Pháp
    Sữa Mẹ ngạt ngào một đời .. ..
    Lời Mẹ ru hời một đời .. ..

    * * *

    Bá Linh lạnh lùng thân thương
    Bá Linh : Trái Tim nước Đức
    Nghệ thuật – âm nhạc – văn chương
    Triết học – kịch nghệ – phim trường

    Bá Linh – nước Đức : Trái tim
    Chia đau làm bốn rồi hai:
    Đông Bá linh & Tây Bá linh
    Vì đâu nên nỗi tội tình ?

    * * *

    Brecht (1) đi vào kiếp lưu vong
    Von Braun (2) cưỡng bức qua Mỹ
    Goethe thơ trữ tình trân trọng
    Beethoven giao hưởng hưng vong

    * * *

    Nay Tim nước Đức phục hồi
    Tự do phồn vinh Dân chủ
    Không một viên đạn xác người
    Tấm gương ! Hà Nội thương ơi !?

    Nay đây Trung tâm Châu Âu
    Hết rồi Bức tường Ô nhục
    Chiến tranh : «Nhà Thờ Cụt Đầu» (3)
    Gác chuông đổ gẫy về đâu ??

    * * *

    Khải hoàn Môn – Cổng Chiến thắng (4)
    Đại lộ nổi tiếng (5) mặt tiền
    Hồn Phổ (6) biểu hiện vinh thăng
    Xe ngựa bốn con + hai Nữ thần .. ..
    Chiến thắng cầm cương tay nâng
    Tượng cánh đại bàng tuyệt trần

    Nước Đức thống nhất hùng mạnh
    Tiếc thay toàn trị giầy đinh
    Lịch sử tang thương điêu linh
    Hai cuộc thế giới chiến chinh

    * * *

    Cầu không vận cho Bá Linh
    Tóc vàng mắt xanh không trình
    “Hãy đập bỏ Tường ô nhục !» (7)
    “Tôi – Công dân Thành Berlin» (8)

    Nay Tường ô nhục còn chi
    Chục mét bơ vơ thảm thiết
    Gần đó điểm khám Charlie (9)
    Hồng quân thôi hết xuân thì

    * * *

    Nỗi lòng kẻ Đông & người Tây
    Tan trong Bá Linh thống nhất
    Gợn sóng người Việt mới (11) & cũ (10)
    Hòa đồng Đông & Tây – Bắc & Nam
    Thuyền nhân & Tường nhân: Tự do !
    Người Việt «cũ» & Việt Đông Âu
    Tìm nhau chia nhau .. .. vụng dại
    Tưởng chừng lẳng lặng chia tay .. ..! (12)
    Nước Đức Tự do Dân chủ

    Hòa đồng dễ đến với nhau ?
    Hòa thành cộng đồng thống nhất !
    Mô hình Việt Nam mai sau .. ..

    * * *

    Ngôn ngữ chính kiến bất đồng
    Tâm tính dội khác nhau xa
    Năm xưa chiến đấu một lòng ?
    Trường Sơn Bắc & Nam + Tây & Đông (13) !

    «Việt Cũ» phần nào ổn định
    «Việt mới» bất trắc lung linh
    Hai cộng đồng còn tách biệt
    Ước mơ xa vời u minh

    * * *

    Cộng đồng bên Đông bên Tây
    Sông Gianh Bến Hải hao gầy .. ..
    Mùa Xuân Cánh Én & Thiện Chí
    Phụ Nữ – Dân Chủ (14) dựng xây

    Nguyễn Hữu Viện
    Hè 2001
    Trên Quảng trường Cổng Chiến thắng (Brandenburger Tor)

    1. Văn hào Bertolt Brecht

    2. Von Braun cưỡng bức qua Mỹ, sau làm Giám đốc NASA Cơ Quan Quản Trị Hàng Không & Không Gian

    3. «Nhà Thờ Cụt Đầu» đặt cho Nhà thờ Kaiser Wilhelm Gedaechtnis Kirche. Nhà thờ Tưởng niệm Vua Wilhelm – bị đồng minh ném bom trong Thế chiến 2 nay chỉ còn gác chuông nguyện đổ gẫy trên nóc .. ..

    4. Khải hoàn Môn (Arc de Triomphe), Paris, Pháp. Cổng Chiến thắng (Brandenburger Tor)

    5. Đại lộ nổi tiếng Unter den Linden coi là Champs Elysées của Đức..

    6. Prussia

    7. Tổng thống Reagan đến bên Bức tường ô nhục năm 1986 thách thức: «Mr. Gorbachev, tear down this wall !» – «Ông Gorbachev, hãy đập bỏ Tường này đi !»

    8. Tổng thống Kennedy, khi sang thăm Berlin vào năm 1960, đến bên Bức tường ô nhục chia cắt đôi bên tuyên-bố: «Ich bin ein Berliner»(“Tôi công dân Thành Berlin»)

    9. Checkpoint Charlie – nhà gác (phân chia hai miền Đông-Tây Berlin) với bao cát vây quanh. Trước kia lính Mỹ và Nga đứng gác chung Checkpoint Charlie trong chiến tranh lạnh .. ..

    10. Những người ra đi du học từ miền Nam ..

    11. Thuyền nhân sau 1975 hay Tường nhân (dân lao động tu Đông Âu vượt Bức tường ô nhục ..) sau 1990

    12. Hiện nay số người Việt ở Đức được tính khoảng 140.000 người, một nửa «người cũ» và một nửa «người mới»

    13. Một thời trong Chiến tranh dành Độc lập & Thống nhất Việt kiều Đức đi tiên phong bên Việt kiều Pháp .. .. ..

    14. Những tờ báo (www.canhen.de) đứng đắn tranh đấu cho Tự do, Dân chủ & Nhân Quyền của Việt kiều Đức gốc Đông Âu .. ..

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây