Lạm bàn về văn mẫu

Đỗ Xuân Thảo

19-8-2021

Mấy hôm nay, người ta xôn xao bàn về vấn đề “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” mà ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong Hội nghị tổng kết năm học 2020 – 2021.

Giữa mùa dịch cúm Tàu đang điêu đứng muôn dân, nhà thì “bao việc”, mình đã định không viết gì về câu chuyện “nhà em có nuôi một ông nội” xưa như trái đất này. Tuy nhiên, không viết gì thì cảm thấy “ngứa ngáy” mà viết thì bao nhiêu cho đủ. Thôi thì, trước tiên cứ mạn phép có đôi điều thế này:

1. Thứ nhất, việc “chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu” (nói rộng hơn với tất cả các môn học là nạn sao chép hoặc học tủ – học chỉ phục vụ cho thi cử, học vẹt – bắt chước một cách thụ động, học gạo – học nhồi nhét…) trong tương lai cần một cuộc cách mạng thật sự trong giáo dục. Cho nên, trước mắt và trong tương lai gần chỉ có thể từng bước hạn chế vấn nạn này. Bởi vì nó như một mắt xích của cả cái guồng máy cũ kĩ đang vận hành, từ quản lí vĩ mô (Nhà nước, Bộ và các Sở giáo dục đào tạo…) vi mô (các Phòng giáo dục, các trường phổ thông, người dạy, người học và các bậc phụ huynh…) đến việc dạy học, ra đề, cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá…

1.1. Muốn phát triển phẩm chất, năng lực người học thì trước tiên phải đổi mới cách kiểm tra, đánh giá; chấm dứt việc thi cử theo kiểu tái hiện kiến thức, văn thầy lại trả lại cho thầy (như những bất cập trong Đề thi tốt nghiệp PTTH năm 2021 mà mình cũng đã góp phần chỉ ra). Chương trình giáo dục phổ thông nói chung, chương trình môn Ngữ văn nói riêng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ cuối năm 2018 nhưng cho đến nay, chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ tiêu chí, công cụ đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình này để làm cơ sở cho các nhà trường, nhà giáo và các cơ quan quản lý giáo dục thực hiện. Chủ yếu vẫn là cách đánh giá cũ với khả năng ghi nhớ kiến thức, khả năng học thuộc, học tủ và học gạo. Đề thi tốt nghiệp PTTH thì hết năm này sang năm khác không Chí Phèo thì Hai đứa trẻ, không Tây tiến thì Sóng hoặc Vợ nhặt, Chiếc thuyền ngoài xa… mà văn mẫu về mấy tác phẩm này thì này bán nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm, hỏi sao học sinh không học vẹt hay sao chép lại.

1.2. Vì vậy, theo mình, văn mẫu không có tội, cách “sản xuất” ra văn mẫu tràn lan và quan trọng hơn là cách sử dụng văn mẫu mới là nguyên nhân làm văn mẫu bị biến chất. Văn mẫu là phương tiện cần thiết trong quá trình dạy học văn của GV – HS. Tuy nhiên, cần biết cách sử dụng văn mẫu đúng lúc, đúng nơi và đúng mục đích (không phải chỉ để đối phó với thi cử như hiện nay). Còn bài toán nan giải nữa là ông thầy, từ lâu phần nhiều giáo viên ta là những thợ dạy, năm này sang năm khác vẫn ngần ấy thứ và thao thao bất tuyệt như một cái máy. Barem chấm Ngữ văn mà cứ “đếm ý ăn điểm” thì hỏi học sinh nào dám “phá cách”, giáo viên nào dám cho điểm những bài văn sáng tạo. Để rồi, đã là văn tả bà thì nhất thiết phải tả bà tóc bạc, da mồi hoặc chống gậy tây ngây… dù thực tế ở nhà bà có thể vẫn nhuộm tóc và phóng xe máy rầm rầm; đã là kể chuyện chứng kiến hoặc tham gia thì thể nào cũng dắt cụ già qua đường, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ… Học sinh phải lặp đi lặp lại những lời nói dối, lấy văn của người khác làm của mình để đảm bảo không phiền hà gì ở phần lời của phê giáo viên trong mỗi bài kiểm tra. Đề thi “trình bày cảm nhận của em” nhưng đáp án là của thầy, sai đáp án là không cho điểm, thậm chí “ăn ngỗng”…

1.3. Những vấn đề liên quan tới cách ra đề, lời giải và cách chấm thi sẽ là các vấn đề kĩ thuật mà Bộ trưởng cùng cộng sự có thể xử lí được. Bộ trưởng cũng từng nhấn mạnh rằng sẽ chú trọng hơn tới công tác sát hạch. Đó cũng là chỉ dấu cho thấy rằng ông đã thấy lối ra của nạn sao chép trong nhà trường. Vấn đề là ông chỉ đạo và cấp dưới thực thi thế nào?

Một điều không kém phần quan trọng nữa là, để nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn phải quan tâm đến chất lượng dạy và học Tiếng Việt. Một thời gian rất dài chúng ta loay hoay với các nỗ lực tăng cường ngoại ngữ với hết dự án này đến dự án nọ nhưng hiệu quả thế nào thì chắc ai cũng rõ. Ở chiều ngược lại, với cách học dạy Văn và cả dạy học Ngữ khuôn mẫu, giáo điều và cũ kĩ như hiện nay thì trình độ Tiếng Việt của học sinh sẽ còn là dấu hỏi rất lớn.

2. Thứ hai, việc chấm dứt học theo văn mẫu không thể thực hiện được căn cơ nếu chủ nghĩa thành tích trong giáo dục không được cải thiện. Nếu chỉ “nói không với văn mẫu” mà những cuộc chạy đua bất tận về điểm số, việc xếp loại giỏi tràn lan, việc coi trọng bằng cấp hơn thực lực và đạo văn vẫn ngang nhiên diễn ra… như hiện nay thì bài toán “chấm dứt văn mẫu” vẫn chưa có lời giải.

Chúng ta còn nhớ cách đây hơn chục năm, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hồi mới nhậm chức cũng rầm rộ phát động công cuộc “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” rằng thì là mà “đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương”. Nhưng rồi “lực bất tòng tâm”, khẩu hiệu mãi chỉ là khẩu hiệu.

3. Thứ ba, cần phân biệt giữa “học theo, làm theo mẫu” với “hiện tượng sao chép”. Thực chất hiện nay, bệnh copy nguyên xi, không chịu động não mới “triệt tiêu sáng tạo”. Còn việc đưa ra “mẫu” (hay “kiểu” “ mô hình” “biểu mẫu” “khuôn mẫu”… mà trong tiếng Anh tuỳ từng lĩnh vực khoa học người ta dùng các thuật ngữ: pattern, paradigm, model, form, template…) để tổ chức cho học sinh dựa vào mẫu mà thực hành, vận dụng rồi sáng tạo lại là cần thiết ở hầu khắp các lĩnh vực. Trong tiếng Anh các thuật ngữ “pattern” “paradigm” hay “ form” đều có nghĩa danh từ, động từ hoặc tính từ; Ví dụ: “pattern” nghĩa danh từ là “kiểu, mẫu, mô hình” thì nghĩa động từ là “lấy làm kiểu, làm mẫu”…

3.1. Như vậy, từ “mẫu” của thầy đến “làm theo mẫu” của trò là một con đường, một cách thức chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng. Vấn đề là nhà giáo dục cung cấp mẫu và tổ chức cho học sinh “làm theo mẫu như thế nào”. Trong dạy học nói chung và dạy học môn Ngữ văn nói riêng có hẳn một phương pháp gọi là “Phương pháp luyện tập theo mẫu”. Phương pháp này gọi nôm na là phương pháp mô phỏng, bắt chước, là cách thức làm việc đặc thù của học sinh tiểu học. Để sử dụng hiệu quả phương pháp này giáo viên cần: Nắm được mục tiêu dạy học cụ thể; Có khả năng tạo các mẫu tiếng Việt bằng cách “thị phạm”; Nắm chắc những điểm còn sai lệch ở học sinh so với mẫu; Có những thủ thuật để chuyển những sản phẩm lời nói lệch lạc, sai mẫu của học sinh về hợp chuẩn…

3.2. Việc làm thế nào để từ “ luyện tập theo mẫu” đến hình thành năng lực “ tưởng tượng, sáng tạo” cho HS trong viết văn ở tiểu học, nếu có dịp mình sẽ trao đổi kĩ hơn. Tuy nhiên, trong các tài liệu gần đây, đặc biệt trong cuốn “ Chiến thuật viết văn tiểu học” (mình là Chủ biên), ý tưởng viết sáng tạo cho học sinh tiểu học từ khâu Ra đề, Viết câu; Viết đoạn và Viết bài văn miêu tả… đã được hiện thực hoá một cách khá cụ thể, tường minh. Xin đơn cử một trong số các “chiến thuật” viết câu và đoạn ở tiểu học: Chiến thuật mở rộng câu bằng 5 câu hỏi: Khi nào? Ở đâu ? Cái gì (con gì?…) Đang làm gì? Vì sao? Ví như, thông thường, bạn viết: “Chú chim sẻ nâu hót”. Nhưng với “chiến thuật” mở rộng câu bằng trả lời 5 câu hỏi trên, bạn sẽ viết được câu: “Chú chim sẻ nâu hót” thành câu: “ Buổi sáng, trên cành cây hoa giẻ trước nhà, chú chim sẻ nâu hót véo von vì chú yêu mùi hương ngọt ngào của hoa giẻ ”.

3.3. Từ đó HS sẽ lấy các ví dụ với “Ai” (hoặc “Con gì?” “Cái gì?”) và trả lời các câu hỏi còn lại là sẽ được những câu văn rất đẹp. Ví dụ: Ai?: Mẹ. Đang làm gì?: Mẹ đang nấu ăn. Ở đâu?: Mẹ đang nấu ăn trong bếp. Khi nào?: Mẹ đang nấu ăn trong bếp khi trời vừa tối. Vì sao?: “Mẹ đang nấu ăn trong bếp khi trời bắt đầu tối vì mẹ muốn cả nhà được thưởng thức một bữa tối thật ngon”. Ví dụ 2: Con gì?: Con mèo. Đang làm gì?: Con mèo đang sưởi nắng. Ở đâu?: Con mèo đang sưởi nắng ngoài sân. Khi nào?: Con mèo đang sưởi nắng ngoài sân vào lúc nắng sớm vừa lên. Vì sao?: “Con mèo đang sưởi nắng ngoài sân vào lúc nắng sớm vừa lên vì nó muốn vừa sưởi nắng vừa ngắm nhìn những giọt sương long lanh đậu trên lá cây”… Sau các ví dụ mẫu là phần ghi nhớ cho chiến thuật viết câu kiểu này bằng đoạn thơ nôm na: “ Muốn tạo thành câu / Bạn ơi không khó / Đầu tiên phải có / Bạn viết về ai? / Đừng sợ đúng sai / Viết thêm lời kể / Ai làm gì thế? / Ai đang ở đâu? / Muốn đủ một câu / Trả lời tiếp nhé / Vì sao lại thế? / Khi nào xảy ra?”. Tiếp theo sẽ là phần Thực hành cho chiến thuật viết câu này.

3.4. Bạn đã từng thấy một con voi trong rạp xiếc bị cột chân chưa? Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận ra con voi đó có đeo một cái vòng kim loại ở cổ chân, nối với một sợi dây xích nhỏ. Và sợi dây xích được gắn với một cái chốt gỗ được đóng xuống đất. Chú voi nặng mấy tấn có thể dễ dàng nhấc chân lên, cái chốt gỗ sẽ bật mở và chú voi có thể trốn thoát. Nhưng chú đã không làm như vậy.

Bởi vì khi voi còn nhỏ, cũng cái vòng, sợi xích và cái chốt đó đã được sử dụng để giữ voi đứng yên một chỗ. Khi ấy cái vòng đủ mạnh để giữ chân voi con dù nó cố gắng chạy. Vì mỗi lần chạy nó lại bị sợi xích cứa vào chân đau đớn. Và nó ngừng bỏ trốn. Khi voi lớn lên, nó không bao giờ quên trải nghiệm ấy. Vì thế khi bị xích, nó nghĩ rằng không thể thoát ra và nếu chạy sẽ bị đau. Nên nó cứ đứng đó với sợi dây mỏng manh.

3.5. Kể tiếp câu chuyện này, mình muốn nói với các nhà quản lí giáo dục, các thầy cô và các bậc phụ huynh, rằng: Chúng ta cũng thường “NHỐT” các ý tưởng, các cách viết văn sáng tạo của trẻ bằng những “sợi dây xích” như vậy.

Vì thế, việc viết văn trở nên gò bó, khô cứng và khuôn mẫu.

Chỉ khi nào các nhà quản lí giáo dục, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh nhận thức được rằng, chẳng có “sợi dây xích” nào cả, chẳng có ràng buộc giả định nào đặt ra với các em cả. Lúc ấy, các em mới được tự do bay nhảy trong thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong thế giới sáng tạo tuổi trẻ của mình. Bằng không mọi “quyết tâm chính trị” vẫn chỉ là khẩu hiệu…

Để các em luôn là “những chú voi” tự do…

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Trước hết, nhặt sạn . pattern hổng phải là mô hình hay kiểu mẫu, vì pattern xuất hiện ở tầm objective, là thói quen, là sự lập lại có chu kỳ ở tự nhiên hơn là kiểu mẫu hay mô hình, vốn là 1 cái khuôn nhân tạo cứng nhắc .

    Việc làm tất cả theo mẫu có tác dụng tạo nên 1 hệ thống giá trị, 1 thứ chuẩn mực, rất cần thiết trong 1 xã hội vốn loạn chuẩn như nước ta . Rút cái chuẩn mực, hệ thống giá trị đó ra, hậu quả có thể sẽ là 1 kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thu nhỏ . Tất nhiên, nếu Đảng vẫn khăng khăng cái của khỉ này là thành công … Be my guest. Còn nhớ “Đổi Mới” hông ? Áp dụng ĐM, Đảng áp dụng rất từ từ & tà tà . Và kết quả là văn hóa cách mạng đi vào hoạt động bí mật . Bỏ văn mẫu, 10 năm của ĐM Đảng rút ngắn thành 2 ngày . “Mới” chưa chắc thấy, nhưng “Màu” chắc chắn phai nhạt ở mức độ có thể thấy được .

    Chưa hết, với những cách làm kiểu “chuyển những sản phẩm lời nói lệch lạc, sai mẫu của học sinh về hợp chuẩn” aint worth jack. Tất nhiên, tiếng việt của tớ thoái hóa đến cùng cực, but you gotta deal w common denominations like me in real life. Nhưng theo cách hiểu của tớ, it means bỏ văn mẫu đi, sau đó ráng gò tất cả những biểu hiện lệch lạc do sự vắng mặt của văn mẫu gây ra làm sao để càng giống văn mẫu càng tốt. Con buôn sẽ nghĩ đây là cách tốt nhất để những bài văn mẫu của quá khứ lên giá vùn vụt . Một cách vừa cấm nhưng lại muốn sản phẩm giống thứ bị cấm . Like i said, thêm 1 nghịch lý nữa hổng làm cho xã hội đương đại nhà mềnh có thể tệ hơn . Chưa kể nếu không có văn mẫu, con đường dẫn tới văn đạt chuẩn như văn mẫu sẽ dài ra, có thể so sánh được với chủ nghĩa xã hội . 12 năm hoàn toàn không đủ .

    “Nhưng với “chiến thuật” mở rộng câu bằng trả lời 5 câu hỏi trên, bạn sẽ viết được câu: “Chú chim sẻ nâu hót” thành câu: “ Buổi sáng, trên cành cây hoa giẻ trước nhà, chú chim sẻ nâu hót véo von vì chú yêu mùi hương ngọt ngào của hoa giẻ”

    Not really. Rút văn mẫu khỏi thị trường giáo dục, kết/hậu -tùy cách nhìn- quả nhãn tiền sẽ là 95% điểm 0 trong các môn thuộc ngữ văn . Những bài “nhà em có nuôi 1 ông ngoại” sẽ tăng đột biến đủ làm covid virus ghen tỵ .

    “Ví dụ: Ai?: Mẹ. Đang làm gì?: Mẹ đang nấu ăn”

    Vấn đề ngay ở đây . Sẽ có học sinh trả lời là mẹ đang tiếp cán bộ, hay những thứ đại loại như vậy . Tiếp thế nào gonna open a can of worms. Ở đâu, khi nào & vì sao keep makin matter worse. Và với những người mẹ chuyên nghề bận rộn tiếp cán bộ, người nấu ăn có thể là anyone but mẹ .

    “Lúc ấy, các em mới được tự do bay nhảy trong thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong thế giới sáng tạo tuổi trẻ của mình”

    Chỉ hỏi tác giả, có bao giờ nghĩ tới tại sao con voi phải được/bị xích chưa ? Bây giờ cứ thử tưởng tượng cả đàn voi trong sở thú được tự do bay nhảy trong thế giới hồn nhiên là thành phố mang tên Bác nói riêng & xã hội loài người nói chung . Netflix đã đưa ra khả năng đó trong series truyền hình Animal, loài vật trở thành có ý thức . Kết/hậu -tùy cách nhìn- quả có thể là Planet of the Apes series mới . Hổng phải phin có Charlton Heston “You did it, you blew it up. Đamn you, Đamn you all to communist heaven”

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây