Hồ Bạch Thảo
17-6-2021
Tiếp theo phần 1-55
56. Trần Thuận Tông
Niên hiệu: Quang Thái [1388-1398]
Tháng chạp năm Quang Thái thứ 1 [1388]; sau khi Đế Hiện bị truất ngôi, Quý Ly nói phao lên rằng sẽ lập Thái úy Trang định vương Ngạc, một người con của Thượng hoàng lên nối ngôi. Ngạc từ chối không nhận; nhân đấy Quý Ly nói với Thượng hàng rằng:
‘Quan Thái uý biết chối từ không nhận ngôi Vua, là người có đức độ lớn’.
Thượng hoàng lấy làm phải; vì thế, nên mới có mệnh lệnh phong Ngạc làm Đại vương và lập người con út là Chiêu Định vương Ngung lên làm vua, tức Vua Thuận Tông, niên hiệu Quang Thái.
Việc thay đổi ngôi Vua tại nước ta, được Minh Thực Lục xác nhận qua văn bản sau đây:
“Tháng 12 năm Hồng Vũ thứ 21 [1/1389]. Trần Vi [Phế Đế] An Nam bị viên Quốc tướng Lê Nhất Nguyên [Hồ Quý Ly] phế và giam tại phường Đại Dương ngoại thành. Vào tháng 12 thì bị giết, lập con Thúc Minh là Nhật Côn [Thuận Tông] lên làm vua; Nhất Nguyên còn có tên là Quí Ly.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 172)
Tháng giêng năm Quang Thái thứ 2 [28/1-25/2/1389] (Minh Hồng Vũ thứ 22), lập con gái Quý Ly làm Hoàng hậu. Sau khi đã sách lập, đặt tên chỗ ở là điện Hoàng Nguyên.
Tháng 4 [26/4-25/5/1389], bổ dụng Phạm Cự Luận làm Thiêm Thư Xu mật viện sự; Quý Ly hỏi Cự Luận quan trong viện Xu Mật, những người nào có thể dùng được. Cự Luận tiến cử người em của y là Phạm Phiếm, và bọn Đỗ Tử Mãn, Vương Khả Tuân, Dương Chương, Hàn Tử Tây, Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư, Nguyễn Cảnh Chân, đều có danh vọng, đức độ có thể dùng được, nhưng có Đỗ Tử Mãn là hơn cả. Quý Ly bèn dùng Khả Tuân quản lĩnh đội quân Thần Dực, Dương Chương quản lĩnh đội quân Thần Dũng. Quý Ly bổ dụng như thế, là cốt đặt thêm vây cánh của mình.
Tháng 8 [21/8-19/9/1389], giặc cướp ở Thanh Hóa nổi lên. Nguyễn Thanh, người Thanh Hóa, tự xưng là Linh Đức vương, tụ họp nhiều người tại sông Lương [một nhánh tại hạ lưu sông Mã], dân chúng đều hưởng ứng. Lúc ấy lại có Nguyễn Kỵ, người Nông Cống, tự xưng là Lỗ Vương, tụ họp binh lính đi cướp bóc.
Tháng 10 [20/10-17/11/1389], Chiêm Thành vào cướp Thanh Hóa; triều đình sai Quý Ly đem quân đi chống cự, bị thua bèn trở về; riêng tướng Nguyễn Đa Phương do Quý Ly dèm pha bị giết chết:
“Quân Chiêm Thành xâm phạm vào làng Cổ Vô [Thanh Hóa]. Quan quân đóng cọc gỗ ở sông, đem thuyền vây xung quanh. Hai bên cầm cự nhau hơn hai mươi ngày. Quân giặc đắp đập chắn nước ở thượng lưu sông Lương [sông Chu], để mai phục quân và voi, rồi giả vờ dọn dẹp doanh trại để kéo quân về. Quý Ly chọn quân tinh nhuệ dũng cảm đuổi theo, đại quân mở cọc gỗ đã đóng, rồi quân thủy quân bộ nhất tề xông ra. Bên giặc bèn phá bờ đập, lùa voi xông ra trận. Quân tinh nhuệ dũng cảm của Quý Ly không thể quay lại ứng cứu được, thuyền chở quân chiến đấu ở dưới sông thì bị nước chảy xiết dồn vào một chỗ, bao nhiêu quân bị giết hết, nên bị thua to. Viên tướng quản lĩnh đội quân Thánh Dực là Nguyễn Chí bị giặc bắt, ngoài ra bảy mươi viên tướng cầm quân đều bị chết. Quý Ly bỏ trốn về, để tì tướng là Phạm Khả Vĩnh và viên tướng quyền quản lĩnh đội quân Thánh Dực là Nguyễn Đa Phương ở lại cầm cự với giặc ở Ngu Giang.
Đêm hôm ấy, Đa Phương bàn với Khả Vĩnh rằng:
‘Thế giặc mạnh như thế, mà quân chúng ta ít ỏi, khó có thể cầm cự lâu dài được, nếu bây giờ muốn kéo quân về, tất nhiên giặc thừa cơ đuổi theo’.
Họ bèn hạ lệnh cho các quân lính phong ra rất nhiều cờ, buộc thuyền lớn vào cột gỗ ở sông, canh phòng nghiêm mật, đến đêm dùng thuyền nhỏ trốn về. Giặc thừa thế, tung quân ra cướp bóc. Khi Quý Ly trốn về đến kinh khuyết, xin cho xuất phát thuyền chiến để thêm sức mạnh. Thượng hoàng không chuẩn y. Nhân đấy Quý Ly xin thôi không giữ binh quyền, không đem quân ra đánh Chiêm Thành nữa.
Từ khi ở Ngu Giang trốn về, Đa Phương tự cho mình là có công giữ được quân trọn vẹn, thường chê bai Quý Ly là bất tài. Vì thế, Quý Ly gièm pha với Thượng hoàng rằng việc đánh Chiêm Thành thất bại là do ở Đa Phương, bèn thu lấy binh quyền do Đa Phương giữ. Đa Phương vẫn có nét mặt kiêu ngạo. Thượng hoàng nói:
‘Cần phải bắt chịu tội nhẹ để răn bảo hắn’.
Quý Ly nói: ‘Đa Phương là người mạnh khoẻ, tôi sợ hắn sẽ chạy sang phương Bắc với nhà Minh hay là chạy vào phương Nam với Chiêm Thành, thả cọp ra sẽ để họa về sau, chi bằng giết đi là xong’.
Bèn hạ lệnh bắt Đa Phương phải tự tử. Đa Phương phàn nàn rằng:
‘Tôi vì có tài mà được sang, cũng vì có tài mà phải chết, chỉ ân hận là không được chết ở nơi chiến trận mà thôi“.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tháng 11 [18/11-17/12/1389], quân Chiêm Thành xâm phạm đến sông Hoàng Giang, tức đoạn sông Hồng giữa 2 tỉnh Thái Bình và Nam định; nhà Vua sai Đô tướng Trần Khát Chân đem quân ra chống cự.
Được phụng mạng đem quân đánh giặc, Khát Chân khảng khái, khóc lạy Thượng hoàng để từ biệt. Thượng hoàng cũng khóc, mắt vẫn nhìn theo để tiễn đưa Khát Chân. Khi kéo quân đến Hoàng Giang, gặp quân giặc, Khát Chân xem xét địa thế, thấy không có chỗ bố trận, liền lui quân đóng giữ ở sông Hải Triều tức sông Luộc tại Hưng Yên.
Tháng chạp [18/12/1389-16/1/1390], một nhà sư tên là Phạm Sư Ôn, tự xưng là có yêu thuật, nổi lên làm loạn. Nhà vua sai viên tướng quản lĩnh đội quân Tả Thánh Dực là Hoàng Phụng Thế đi đánh, dẹp tan được:
“Sư Ôn hô hào dân chúng tụ họp ở lộ Quốc Oai [Sơn Tây], lạm xưng danh hiệu lớn. Dùng Nguyễn Mại, Nguyễn Khả Hành giữ chức Hành khiển, chiêu tập những kẻ vô lại đặt làm các hiệu quân Thần Kỳ, Dũng Đấu và Vô Hạn. Sư Ôn đem quân xâm phạm thẳng vào kinh sư, nhà vua và Thượng hoàng phải lánh sang Bắc Giang. Sư Ôn ở kinh thành ba ngày, rồi kéo ra đóng ở Nộn Châu. Nhà vua sai Hoàng Phụng Thế đem quân đi đánh. Lúc ấy, Phụng thế đương cùng La Ngai, tướng Chiêm Thành, cầm cự nhau ở Hoàng Giang. Khi đã nhận được lệnh, Phụng Thế từ Miệt Giang (1) tiến quân. Bấy giờ gặp mùa đông, nước sông cạn, Phùng Thế vội mở đường thủy, thuyền chiến tiến xông vào. Quân giặc bị đánh bất thình lình, liền bị vỡ. Quân nhà Trần bắt được Sư Ôn cùng lũ Nguyễn Mại và Khả Hành đem giết đi.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Năm Hồng Vũ thứ 17 [5/8/ 1384] nhà Minh đã bắt nước ta cung cấp lương thực một cách nặng nề cho quân đồn trú tại Lâm An, tỉnh Vân Nam khiến nhiều dân phu phải chết tại dọc đường. Nay lại gửi chiếu thư không muốn phiền hà dân ta trong việc tiến cống, chứng tỏ Minh triều không thực lòng, giả nhân nghĩa:
“Ngày 13 tháng 12 năm Hồng Vũ thứ 21 [10/1/1389]. An Nam sai bầy tôi là bọn Nguyễn Hoàn đến dâng biểu tạ ơn về việc ban sắc, lụa ỷ dệt hoa văn; cùng cống 4 con voi và 3 người quản tượng. Thiên tử phán rằng sang cống nhiều lần phiền hà, đồ cống phần nhiều quá xa xỉ, đường sá không khỏi mệt nhọc. Ban chiếu cho bộ Lễ dụ An Nam 3 năm triều cống một lần, phương vật thì tùy loại được sản xuất, chỉ cho 1 người mang đi, biểu lộ lòng thành kính mà thôi. Không đưa voi và tê giác nữa, vì việc này tiếp tục làm khổ dân.” (Minh Thực lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 172)
“Ngày 21 tháng 11 năm Hồng Vũ thứ 22 [8/12/1389] Trần Vi [Phế Đế] nước An Nam sai Bồi thần Nguyễn Đồng Thúc đến cống phương vật, vàng, bạc, khí mãnh. Ban cho Đồng Thúc cùng người tùy tùng tiền giấy có sai biệt. Lúc này Trần Vi đã bị viên Tướng quốc là Lê Nhất Nguyên giết. Nhất Nguyên sợ triều đình mang quân đánh nên dấu việc này; vẫn giả xưng Vi sai Đồng Thúc đến cống.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 173)
“Ngày 28 tháng 11 năm Hồng Vũ thứ 22 [15/12/1389]. Lại chiếu dụ bộ Lễ bảo An Nam rằng từ nay trở đi 3 năm triều cống một lần. Đừng sai sứ đi lại mấy lần gây phiền, mệt nhọc.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 174)
Ngày 23 tháng giêng năm Quang Thái thứ 3 [8/2/1390] (Minh Hồng Vũ thứ 23), Đô tướng Trần Khát Chân đánh quân Chiêm Thành thua to to tại sông Hải Triều [sông Luộc, Hưng Yên], giết được vua nước ấy là Chế Bồng Nga:
“Bồng Nga cùng với hàng tướng Nguyên Diệu, quản lĩnh hơn trăm thuyền chiến, đến xem xét tình hình quan quân. Lúc các thuyền chưa kịp tập hợp thì một tiểu thần của Bồng Nga là Ba Lậu Kê bị Bồng Nga quở trách, hắn sợ phải tội, mới chạy sang bên quan quân, chỉ chiếc thuyền sơn màu lục bảo với quan quân rằng: ‘Đấy là thuyền chúa Chiêm Thành’. Khát Chân liền sai hỏa pháo (2) cùng bắn một loạt, đạn bay trúng giữa thân Bồng Nga suốt vào ván thuyền, Bồng Nga bị chết ngay. Quân giặc sợ hãi tan vỡ.
Nguyên Diệu nhân lúc ấy cắt lấy thủ cấp Bồng Nga, chạy về với quan quân. Viên đại đội phó trong đội quân Long Tiệp là Phạm Nhữ Lặc và người đầu ngũ là Dương Ngang giết Nguyên Diệu, cướp lấy thủ cấp Bồng Nga đem dâng nộp. Khát Chân sai bỏ vào hòm, cho phi ngựa đem đến hành tại (3) ở Bình Than [Hải Dương], tâu việc đánh được giặc. Lúc ấy giọt nước đồng hồ đã xuống đến trống canh ba, Thượng hoàng giật mình thức dậy, tưởng là giặc kéo đến, khi nghe biết tin thắng trận, mới cả mừng, liền triệu trăm quan đến xem cho kỹ, trăm quan đều chúc mừng. Thượng hoàng nói: “Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được thấy mặt nhau, không khác gì Hán Cao Tổ trông thấy đầu Hạng Vũ. Từ nay trong nước sẽ bình định”.
La Ngai, tướng Chiêm Thành, thu thập tàn quân, hỏa táng hài cốt Bồng Nga, ngày đêm đi lần chân núi, bắc ngang cây làm giàn để nấu cơm, vừa đi vừa ăn, chỗ nào gặp quan quân đuổi đánh thì dừng voi lại, tung của ra, để làm kế ngăn cản, nên đem quân về nước được trọn vẹn.
Lúc ấy, dân ở Nghệ An, Tân Bình [Quảng Bình] và Thuận Hóa, nhiều người làm phản, đi theo Chiêm Thành, duy thổ hào Phạn Mãnh và Phạm Thế Căng đem dân chúng thuận theo về triều đình. Thượng hoàng khen ngợi, lại thấy Mãnh là người có tài lược, cho thăng ngay lên chức Minh uy tướng quân, quản lĩnh quân Tân Bình và Thuận Hóa để chống cự với giặc Chiêm Thành.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tháng 2 [16/2-16/3/1390], bọn Tư đồ Trần Nguyên Đĩnh và Thiếu Bảo Trần Tôn phải chịu tội chết. Trước đây, Chiêm Thành vào lấn cướp, Nguyên Đĩnh và Trần Tôn ngấm ngầm giao thông; đến lúc quân Chiêm Thành rút lui, nhà vua hạ chiếu bắt để trị tội. Bọn Nguyên Đĩnh và Trần Tôn nhảy xuống nước chết, bè đảng của chúng là Trần Khang chạy sang Lão Qua [Lào].
Hạ chiếu định công trạng những người đánh được Chiêm Thành, ban tước có từng cấp bậc khác nhau. Trần Khát Chân làm Long tiệp phụng thần nội vệ thượng tướng quân, phong tước Vũ Tiết quan nội hầu; Phạm Khả Vĩnh làm Xa kỵ thượng tướng quân, phong tước Quan phục hầu; Phạm Lặc và Dương Ngang được ban tước năm tư, lại gia phong cho Lặc quản lĩnh Cấm vệ đô, ban cho Ngang 30 mẫu ruộng; còn những người khác đều được ban tước cao thấp khác nhau.
Tháng 6 [13/7-10/8/1390], hai con của Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đã Nan và em là Chế Sơn Na chạy sang nước ta. Sau khi Chế Bồng Nga bị giết, tướng Chiêm Thành La Ngai dẫn quân về, bèn chiếm giữ lấy nước, tự lập làm Vua. Hai con của Bồng Nga sợ bị giết, nên chạy sang nước ta. Nhà Vua phong cho Ma Nô Đã Nan làm Hiệu chính hầu, Sơn Na làm Á hầu.
Tháng 2 năm Quang Thái thứ 4 [6/3-4/4/1391] (Minh Hồng Vũ thứ 24), Lê Quý Ly sai quân đi tuần tại Hóa Châu [tỉnh Thừa Thiên], bị Chiêm Thành đánh thua, bèn trở về:
“Quý Ly nhận thấy đất Hóa Châu tiếp giáp với Chiêm Thành, nên đem quân đi tuần đất ấy, xét định hàng ngũ quân lính, sửa sang xây dựng thành hào, rồi sai viên tướng quản lĩnh đội quân Thánh Dực là Hoàng Phụng Thế đem quân đi tuần tiễu đến địa giới Chiêm Thành. Người Chiêm Thành đặt quân mai phục để chờ đợi: quân Phụng Thế tự tan vỡ. Phụng Thế bị giặc bắt, sau tìm kế thoát ra được; khi đem quân về, lại được giữ chức như cũ. Còn 30 người trong bộ thuộc Phụng Thế thì bị Quý Ly đem chém hết.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tháng 5 [3/6-1/7/1391], Quý Ly giết Thái uý là Trang Định đại vương Ngạc con Thượng hoàng Nghệ Tông.
“Trước đây, Đế Hiện bị truất, Thượng hoàng muốn lập Ngạc nối ngôi, Quý Ly dùng kế làm cho Thượng hoàng mê hoặc, do đấy Ngạc và Quý Ly sinh ra hiềm khích, nhiều lần Ngạc bị Quý Ly gièm pha, sinh lòng nghi ngờ lo sợ, bèn trốn ra Vạn Ninh. Thượng hoàng sai viên tướng quản lĩnh đội quân Ninh Vệ là Nguyễn Nhân Liệt đuổi theo bảo trở về. Quý Ly ngầm sai Nhân Liệt đánh chết Ngạc. Khi trở về kinh đô, Nhân Liệt nói dối là vì Ngạc đối với người Vạn Ninh [Quảng Ninh] một cách bạo ngược, nên bị họ giết. Thượng hoàng giận, truất Ngạc làm Mẫn vương, sau tỉnh ngộ ăn năn, mới hỏi người nào đuổi bắt Mẫn vương. Nhân Liệt sợ, thắt cổ tự tử.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tháng 8 [30/8-28/9/1391], Quý Ly giết hai tướng quản lĩnh quân Hóa Châu là Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê; dùng Đặng Tất người đất Can Lộc Hà Tĩnh, cha Đặng Dung, làm Châu phán; Hoàng Hối Khanh người đất An Định Thanh Hóa làm Chánh hình viện đại phu. Bấy giờ uy quyền Quý Ly ngày một to lớn, các tướng ở Hoá Châu cùng nhau bàn luận chê bai. Phan Mãnh nói:
“Trời không bao giờ có hai mặt trời, dân không bao giờ có hai vua“.
Chu Bỉnh Khuê nói: “Đừng lắm điều, mọi người nên khoá miệng“.
Tất và Hối Khanh ngầm viết thư mách Quý Ly. Quý Ly cho là Mãnh và Bỉnh Khuê ngấm ngầm làm điều trái phép, bèn giết hai người ấy, mà bổ dụng bọn Đặng Tất giữ chức quan này. Viên Ngự sử Đỗ Tử Trừng không nói gì đến việc này, Quý Ly đưa bài thơ để quở trách.
Toàn Thư, sử nước ta, chép Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga bị quân nhà Trần bắn chết tại sông Hải Triều; viên tướng La Ngai mang quân rút về, rồi tự lập lên làm vua; hai con của Chế Bồng Nga sợ, phải chạy sang nước ta xin tá túc. Riêng Minh Thực Lục ghi rằng Các Thắng giết vua cướp ngôi, vậy có thể suy ra rằng La Ngai dùng tên Các Thắng để xưng với Trung Quốc:
“Ngày 7 tháng 11 năm Hồng Vũ thứ 24 [2/12/1391] Nước Chiêm Thành sai viên Thái sư Đào Bảo Gia Trực dâng biểu bằng vàng, tiến cống tê giác, nô tỳ, vải vóc. Thiên tử bảo các quan bộ Lễ rằng:
“Đây do viên quan soán nghịch! Đồ tiến cống đừng nhận. Trước đây viên quan Chiêm Thành là Các Thắng giết Vương nước này tự lập, nên cự tuyệt.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 175)
Tháng 2, năm Quang Thái thứ thứ 5 [23/2-23/3/1392] (Minh Hồng Vũ thứ 25); giết tôn thất Trần Nhật Chương; vì Nhật Chương lập mưu giết Quý Ly, Thượng hoàng cho là người mang lòng phản bội nên giết đi.
Tháng 4 [23/4-21/5/1392], nhà vua hạ chiếu trưng cầu lời nói trung thực. Bùi Mộng Hoa dâng sớ, đại lược nói:
“Tôi nghe được câu đồng dao rằng “thâm tai Lê sư” (4), xem như thế thì tất nhiên Quý Ly có ý dòm ngó đến ngôi báu“.
Thượng hoàng xem lời tâu, rồi lại bảo cho Quý Ly biết. Sau này Quý Ly chuyên giữ chính quyền trong nước, Mộng Hoa bèn trốn đi ở ẩn, không ra làm quan.
Tháng 10 [17/10-14/11/1392], cho đặt đồn ở các cửa sông, cửa ải tuần phòng để canh giữ. Bấy giờ, Chiêm Thành thường vào xâm lấn, nhiều nơi giặc trộm hàng đàn khởi lên, cướp bóc giữa ban ngày, pháp luật không sao ngăn cấm được. Nay Quý Ly giữ chính quyền, mới đặt đồn ở các cửa sông, cửa ải để đi tuần và canh giữ, dò bắt trộm cướp, tùy theo địa thế xung yếu mà đặt 3,4, hoặc 5 đô; mỗi đô có 80 người.
Sử gia Phan Phu Tiên trong Sử Ký Tục Biên trước tác thời Lê Nhân Tông Diên Ninh thứ 2 [1455], đề cao công lao của Lê Quí Ly trong việc trị an như sau:
“Nhà Trần từ sau khi Dụ Tông hoang dâm phóng túng, lại thêm Chiêm Thành xâm lược, quấy rối, thì giặc cướp rất nhiều. Chúng cướp của bắt người giữa ban ngày, pháp luật không thể ngăn cấm được. Quý Ly nắm quyền cai trị, tìm cách lùng bắt, mới hạn chế được một phần nào!” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 8, trang 22a.
Tháng 12 [14/12/1392-12/1/1393]. Định tội những quân và dân trốn tránh sai dịch. Phàm quân và dân trốn tránh sai dịch đều phải phạt 10 quan tiền, thích 4 chữ vào gáy. Nếu người trốn tránh ấy là hạng đầu mục trong quân và dân, sẽ bị tội chết chém, ruộng đất và tài sản bị sung công.
Cũng vào tháng này, Lê Quí Ly dâng lên 14 thiên Minh Đạo, nội dung như sau:
“Lê Quý Ly làm 14 thiên Minh Đạo dâng lên vua. Đại lược nhận định Chu Công (5) là Tiên thánh, Khổng Tử là Tiên sư; sắp xếp ngôi thứ thờ ở Văn Miếu: đặt bài vị Chu Công ngồi giữa, mặt hướng nam; bài vị Khổng Tử (6) ngồi bên, mặt hướng tây. Nêu trong sách Luận ngữ có 4 chỗ Quý Ly lấy làm ngờ, như: Khổng Tử đến yết kiến nàng Nam Tử (7); Khổng Tử bị hết lương ăn ở nước Trần (8); Khổng Tử đều muốn đến giúp Công Sơn triệu, Phật Hất (9) cho gọi, mà Khổng Tử đều muốn tới giúp… cho Hàn Dũ [danh Nho đời Đường] là “đạo nho” ; cho bọn Chu Mậu Thúc [Tống Nho] , Trình Di [Tống Nho] , Dương Thi [Tống Nho], La Trọng Tố [Tống Nho], Lý Diên Bình [Tống Nho], Chu Tử [Tống Nho], tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo cóp nhặt văn chương người xưa. Mười bốn thiên Minh Đạo dâng lên, Thượng hoàng ban tờ chiếu khen ngợi và phủ dụ. Thái Học sinh Đoàn Xuân Lôi người Bắc Giang dâng thư nói: “Không nên như thế”; vì thế, phải phạt vãng đi châu gần.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 8, trang 22a.
Mười bốn thiên Minh Đạo của Lê Quí Ly có những tư tưởng mới, trải qua lịch sử chịu sự khen chê. Sử thần Ngô Sĩ Liên quan niệm Khổng Tử là toàn bích, nên sau khi chép trong Toàn Thư như trên, bèn có lời phê ngay:
“Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo của tiên thánh nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được; hậu [23a] thánh sinh ra, nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ khi có sinh dân đến nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Quý Ly lại dám khinh suất bàn về ngài, thì thực là không biết lượng sức mình.”
Vua Tự Đức, tỏ ra biết người, thái độ cẩn trọng hơn, với lời phê:
“Lời phê – Chưa phải đã hoàn toàn sai.” Cương Mục, quyển 11
Riêng kẻ hậu học này, đọc Luận Ngữ của Khổng Tử, học được nhiều điều hay, nhưng nghĩ rằng chưa hẳn là toàn vẹn, không có chỗ chê. Cụ thể, tại thiên Bát Dật, sách Luận Ngữ có câu:
“Khổng Tử thuyết: “Di Địch chi hữu quân, bất như chư Hạ chi vong.”
孔子又说:“夷狄之有君,不如诸夏之亡也。”(《论语‧八佾》.”
Di Địch chỉ những nước lân bang Trung Quốc, như Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam, và ngay cả những nước Tây Phương. Hạ, tức Hoa Hạ, chi Trung Quốc. Như vậy câu nói nêu trên có nghĩa là: Các nước Di Địch tuy có Vua cai trị; cũng không bằng Trung Quốc, lúc mất nước, không có Vua.
Nhìn tổng quát thấy lời nói cụ Khổng thiếu công bằng và không chính xác. Dựa vào lịch sử để chứng minh, có thể nêu lên bài thơ của Vua Trần Dụ Tông nước ta so sánh nhân cách và đức độ của Vua Đường Thái Tông, Trung Quốc; và Trần Thái Tông, Việt Nam. Cả 2 Vua đều thuộc thời thịnh trị, nhưng có mối bất hòa giữa anh em; hậu quả Đường Thái Tông Trung Quốc đã giết người anh là Kiến Thành; riêng Vua Trần Thái Tông nước ta vẫn giữ được mạng sống cho anh là An Sinh vương Liễu, và dùng con anh là Trần Hưng Đạo làm Đại vương, thống lãnh việc quân. Lời thơ ca ngợi sau đây là niềm hãnh diện cho người Việt Nam, và phủ nhận hùng hồn câu nói của Khổng Tử “Di Địch chi hữu quân, bất như chư Hạ chi vong.”:
“Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông
Bỉ xưng Trinh Quán ngã Nguyên Phong.
Kiến Thành tru tử Yên Sinh tại,
Miếu hiệu tuy đồng đức bất đồng.”
(唐越開基兩太宗,
彼稱貞觀我元豐。
建成誅死安生在,
廟號雖同德不同。)
Dịch thơ:
Sáng nghiệp Việt, Đường hai Thái Tông
Nó xưng Trinh Quán, ta Nguyên Phong
Kiến Thành bị giết, Yên Sinh sống,
Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng).
Còn về việc Lê Quí Ly chê Tống Nho như bọn Chu Tử, Trình Di; thì chính cái học tôn quân, chuộng thi cử, chìm đắm trong thơ phú của Tống Nho là nguồn hệ lụy; khiến dân tộc Á Châu trở nên yếu hèn, riêng Việt Nam sa vào vòng nô lệ của Pháp vào thế kỷ thứ 19, 20. Học giả Đào Trinh Nhất thời Pháp thuộc, đã cảm nhận điều đó và có lời than như sau: “Khổ nhất là cúi đầu nhắm mắt mà bắt chước cả cái học vấn luân lý của bọn Tống Nho và rước lấy cái độc hại mê mộng khoa cử, khiến cho dân khí hèn yếu, quốc vận suy vi, rồi thì thầy sao trò vậy, dính chùm với nhau một lũ hư hèn chìm đắm như ngày nay.”
Cũng vào năm Quang Thái thứ thứ 5 (1392); sử Trung Quốc Minh Thực Lục đề ngày 25 tháng 9 năm Hồng Vũ thứ 25 [14/10/1392], có tờ tâu về việc viên Tri phủ Tư Minh Hoàng Quảng Bình giết viên Tri châu Tam Môn Quí như sau:
“Trước tiên viên Tuần kiểm động Bằng Tường thuộc An Nam Cao Tường tâu rằng viên Tri châu Tư Minh Môn Tam Quí mưu giết Tri phủ phủ Tư Minh Hoàng Quảng Bình. Quảng Bình biết được nên giết đi và mạo xưng rằng Quí chết vì bệnh. Triều đình cho rằng lời nói dối, nên bắt Quảng Bình để xét hỏi. Nay giải đến, Thiên tử bảo bộ Hình rằng:
‘Bọn man di giết lẫn nhau là chuyện thường, Quảng Bình không khai thực là điều phạm hình pháp, nay khoan hồng tha cho để tự sửa lỗi.’
Bèn mệnh cấp cho tiền đi đường, để trở về quê.” (Minh Thực Lục v. 7, tr. 3235-3236; Thái Tổ q.221, tr. 3a-3b)
Điểm đáng lưu ý, văn bản này xác nhận lúc bấy giờ Bằng Tường thuộc An Nam qua câu mở đầu như sau:
“Tiên thị An Nam Bằng Tường động Tuần kiểm Cao Tường tấu ngôn Tư Minh châu Tri châu Môn Tam Quí mưu sát Tư Minh phủ Hoàng Quảng Bình. 先是安南憑祥洞巡檢高祥奏言思明州知州門三貴謀殺思明府知府黃廣平”(Trước tiên viên Tuần kiểm động Bằng Tường thuộc An Nam Cao Tường tâu rằng viên Tri châu Tư Minh Môn Tam Quí mưu giết Tri phủ phủ Tư Minh Hoàng Quảng Bình.)
Vào tháng giêng năm Quang Thái thứ 6 [12/2-12/3/1393] (Minh Hồng Vũ thứ 26); bổ dụng Hồ Cương quản lĩnh quân Tả Thánh Dực. Quý Ly tự nhận gốc tích họ mình là Hồ, có ý muốn lại theo họ cũ, nên dùng Hồ Cương người Diễn Châu, Nghê An là người thân thích, giữ chức quan này.
Bấy giờ nhà Minh muốn gây khó khăn phiền nhiễu An Nam, nên đem việc truất phế Vua Phế Đế 5 năm về trước [1388] ra bắt lỗi; rồi ra lệnh cấm triều cống:
“Ngày 22 tháng 4 năm Hồng Vũ thứ 26[1/6/1393]; ban chiếu cấm nước An Nam triều cống. Lúc bấy giờ An Nam phế và giết vua. Bèn cấm triều cống. Lại ra lệnh Đô Chỉ huy Sứ ty, Bố chánh Sứ ty Quảng Tây kể từ nay không tiếp nhận sứ An Nam đến.”(Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 177)
Tháng 2, năm Quang Thái thứ 7 [3/3-31/3/1394] (Minh Hồng Vũ thứ 27), Thượng hoàng Nghệ Tông ban cho Quý Ly bức tranh “tứ phụ“, tức bốn vị quan từ từ bốn triều đại đã từng giúp Vua khi mới lên ngôi để mong Quý Ly noi gương. Trong bốn vị quan, thì 3 vị người Trung Quốc là Chu Công giúp Thành vương (10), Hoắc Quang giúp Chiêu Đế (11), Gia Cát Lượng giúp Hậu Chúa (12); riêng Tô Hiến Thành là người Đại Việt giúp Lý Cao Tông (13). Bức tranh gọi là “Tứ phụ đồ“, ban cho Quý Ly và dặn bảo rằng: “Khanh giúp quan gia [chỉ Vua Trần Thuận Tông] cũng nên theo như những người ấy“.
Theo tục nhà Trần, hàng năm vua hội họp bầy tôi làm lễ tuyên thệ ở đền Đồng Cổ [Thanh Hóa]; năm này vào tháng tư, sau khi hội họp tuyên thệ xong, Thượng hoàng triệu Quý Ly vào cung bảo rằng:
“Bình chương [chỉ Quý Ly] là họ thân thích nhà vua (14), hết thảy công việc nhà nước đều ủy thác cho khanh cả, nay thế nước suy yếu, mà Trẫm đã đến tuổi già lẫn, sau khi Trẫm qua đời, nếu quan gia có thể giúp được thì giúp, nếu là người hèn kém ngu tối, thì khanh tự nhận lấy ngôi vua”. Quý Ly tháo bỏ mũ (15), lạy sát đầu xuống đất vừa khóc vừa tạ tội, rồi chỉ lên trời thề rằng: ‘Nếu tôi không làm thế nào hết trung hết sức để phò tá quan gia, thì dòng dõi nhà tôi sau này sẽ bị trời chán ghét’. Quý Ly lại nói: ‘Lúc Linh Đức vương (16) làm điều bất đức, nếu không nhờ oai linh bệ hạ thì tôi đã ngậm cười dưới đất rồi, còn đâu được đến ngày nay nữa? Tôi dầu nát thịt nát xương cũng chưa thể báo đáp ơn bệ hạ lấy một phần trong muôn phần, còn đâu dám mưu đồ sự khác, xin bệ hạ soi xét tấm lòng ấy cho hạ thần, không nên lo nghĩ quá“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tháng 12 [23/12/1394-21/1/1395]. Thượng hoàng mất, mai táng ở Nguyên Lăng; đặt tên thụy là Quang Nghiêu anh triết hoàng đế, miếu hiệu là Nghệ Tông. Ngài giữ ngôi Vua ba năm, nhường ngôi hai mươi bảy năm, hưởng thọ 74 tuổi.
Chú thích:
1. Miệt Giang: Sông Châu giang, phân lưu của sông Hát tức sông Đáy , tỉnh Hà Nam; rồi thông với Hoàng Giang.
2. Hỏa pháo: Một chiến cụ thời cổ, có máy để bắn đạn bằng đá. Người chế ra súng này là Phạm Lãi, người thời Xuân Thu, qua đời Hán đến đời Tống đều dùng chiến cụ này, đến đời nhà Nguyên mới chế bằng sắt, nặng 5, 6 trăm cân, dài 5, 6 thước, trang bị bằng thuốc có chất nảy lửa và đạn bằng đá, để bắn quân địch.
3. Hành tại: Nơi vua đặt ngự doanh ở ngoài kinh thành.
4. Thâm tai Lê sư: Thâm hiểm thay Thái sư Lê Quý Ly
5. Chu Công: Tên là Đán, con Văn vương, định quan chế, dựng lễ pháp; đời sau nói đến lễ nhạc, phần nhiều nhắc đến Chu Công.
6. Khổng Tử: Tên là Khâu, tự là Trọng Ni, người đời Xuân thu, sửa lại 6 kinh, để tuyên dương phép tắc của đế vương đời trước, là ông tổ về Nho giáo.
7. Nàng Nam Tử: Con gái nước Tống, vợ Linh công nước Vệ, là người tà dâm, việc chép trong thiên Ung Dã.
8.Khổng Tử hết lương: Khổng Tử ở nước Vệ sang nước Tần, bị hết lương ăn, người đi theo bị đói, không đứng dậy được, việc chép ở thiên Vệ Linh công.
9. Công Sơn: Họ Công Sơn Phất Nhiễu là quan thái tể của họ Quý nước Lỗ, giữ ấp Phí để chống lại họ Quý: Phật Hất là quan thái tể ấp Trung Mâu. Hai việc này đều chép ở thiên Dương Hóa.
10. Thành vương: Chu Công Đán, giữ chức Chủng tế nhà Chu. Khi Chu Vũ vương Phát mất, con là Tụng nối ngôi [tức là Thành vương] mới 13 tuổi, Chu Công thay Thành vương trông coi mọi việc, nhờ có Chu Công mà xã tắc nhà Chu mới yên.
11. Hoắc Quang giữ chức Đại tư mã đại tướng quân dưới triều Hán Vũ đế. Khi Hán Vũ đế mất, con là Phất Lăng mới 9 tuổi lên nối ngôi [tức là Hán Chiêu đế], Hoắc Quang một tay nắm hết quyền bính trong nước để giúp Chiêu đế.
12. Gia Cát Lượng, tức Khổng Minh, giữ chức Thừa tướng dưới triều Chiêu Liệt đế, nhà Hậu Hán [tức Lưu Bị]. Khi Lưu Bị mất, con là Lưu Thiện tuy đã trưởng thành, nhưng rất ngu hèn. Gia Cát Lượng phải giúp Lưu Thiện về mọi việc mới chống chọi được với các nước Ngụy và Ngô.
13. Tô Hiến Thành giữ chức Thái úy dưới triều Lý Cao Tông. Khi Cao Tông mất, con là Long Cán mới 3 tuổi lên nối ngôi. Hiến Thành thay Long Cán điều khiển công việc trong nước. Nhiều lần vợ Lý Cao Tông muốn thay đổi người khác làm vua, Hiến Thành nhất định không nghe.
14. Quý Ly có hai người cô đều lấy Trần Minh Tông, một người sinh ra Nghệ Tông, một người sinh ra Duệ Tông. Vợ Quý Ly lại là Huy Ninh công chúa, là một Tôn nữ nhà Trần.
15. Tháo bỏ mũ: Thời đại quân chủ, mỗi khi bầy tôi biết mình có lỗi thì tháo bỏ mũ đương đội trên đầu để tạ tội.
16. Linh Đức vương: Tước phong cho Đế Hiện khi bị giáng truất.
(Còn tiếp)