Nguyên tắc trong ảnh báo chí

Đoàn Bảo Châu

14-5-2021

Ảnh trên mạng

Nhân việc mạng xã hội đang được phen giải trí bởi bức ảnh được ghép lộ liễu của đại tá, PGS.TS Diêm Đăng Thanh, Giám đốc Bệnh viện Quân y 110, tôi xin nêu ra một số nguyên tắc của ảnh báo chí.

Là một phóng viên ảnh cộng tác với hầu hết các hãng thông tấn nước ngoài ở Việt Nam và những báo quốc tế lớn trên thế giới, cũng là một người tuyển học viên Việt Nam cho các khoá ảnh báo chí cho quỹ Tưởng Niệm Báo Chí tôi Đông Đương (IMMF), tôi có quan sát và thấy rằng, quan niệm về ảnh báo chí ở Việt Nam rất lỏng lẻo, kể cả với những tờ báo chính thống.

Lý do trước hết là bởi báo chí ở Việt Nam không coi trọng ảnh bằng bài viết, nhuận ảnh được trả với giá rẻ mạt và chính vì vậy nên không có biên tập ảnh chuyên nghiệp. Mấy biên tập duyệt bài thường được phép chọn ảnh luôn trong khi họ thường không được đào tạọ bài bản về biên tập ảnh.

Có mấy nguyên tắc với ảnh báo chí mà người dùng ảnh cần phải lưu ý:

1. Được phép chỉnh sửa ở mức nhẹ như thay đổi độ tương phản, làm sáng hay làm tối ảnh đi một chút, được phép cắt cúp lại khuôn hình. Nhưng nhớ là đừng can thiệp nhiều quá, thậm chí việc cho bầu trời tối sẫm lại để hiện mây lên một cách quá đáng cũng đã bị chỉ trích.

Nguyên tắc của báo chí là trung thực. Báo chí khác với tuyên truyền. Ở Việt Nam đôi khi 2 khái niệm này bị hiểu lẫn với nhau một cách tai hại. Chính vì vậy nên mấy ông lãnh đạo cứ gán chức năng tuyên truyền cho báo chí. Khi báo chí trở thành công cụ tuyên truyền, ấy là khi báo chí mất đi tính chính danh và uy tín của báo chí.

Cái não trạng này là có từ thời chiến tranh, khi người viết báo có thể mặc sức thêm bớt thông tin để ca ngợi hay trù dập ai đấy.

Tuyên truyền là cố đưa thông tin có tính chủ quan, có tính định hướng tới người đọc còn báo chí phải phản ánh trung thực với sự thật và do vậy ảnh báo chí phải là cách kể chuyện trung thực bằng hình ảnh.

2. Không được gắp ra, bỏ vào một vật thể trong bức ảnh báo chí. Cái này phải nói rõ. Anh có thể cắt cúp lại để loại ra khỏi khuôn hình một vật thể nằm ở rìa bức ảnh, nhưng không được dùng phần mềm để xoá đi hay thêm một vật thể vào trong diện tích khuôn hình đang sử dụng.

3. Phải chỉ rõ ai, đang làm gì, ở đâu, sự kiện quan trọng thì còn phải thể hiện rõ là mấy giờ.

Sự việc anh đại tá này cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi nhưng cũng là một bài học về ảnh báo chí và cách dùng ảnh sao cho đúng với cộng đồng.

Ảnh giả cũng như những câu chuyện giả tạo cũng đều bị phát hiện không sớm thì muộn. Đừng cố gắng bầy đặt thêm thắt vào câu chuyện hay bức ảnh, với trí tuệ của cộng đồng, mọi sự dối trá đều bị lật tẩy.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tham khảo thêm bài viết “Vì dối trá nên phải to mồm, càng to mồm càng lộ dối trá”, phân tích tấm ảnh tìm thấy vài điều lý thú hơn nhiều.

    https://saigonnhonews.com/thoi-su/dien-dan/vi-doi-tra-nen-phai-to-mom-cang-to-mom-cang-lo-doi-tra/

    Ghép để làm gì thì chỉ có ông áo xanh và “quân của ông” biết thôi! Ông bà ta nói, thằng dối trá rất to mồm, càng to mồm càng lộ dối trá, chẳng sai!

  2. “Ảnh giả cũng như những câu chuyện giả tạo cũng đều bị phát hiện không sớm thì muộn”

    (rất) muộn vẫn còn hơn sớm . Nên nhớ nguyên tắc này, níu được đại đa số ngừ tin, câu chiện giả tạo cách mấy cũng trở thành “chân ní cụ thỉa”

    “Đừng cố gắng bầy đặt thêm thắt vào câu chuyện hay bức ảnh”

    Nhưng cần đưa vào 1 lời nói của Cụ Hồ Chí Minh để nâng tầm vóc của câu chiện lên .

    “với trí tuệ của cộng đồng, mọi sự dối trá đều bị lật tẩy”

    Hahahahaha, toàn những “nhân tài thật” kiểu Đoàn Bảo Châu, Chu Mộng Long, Nguyễn Ngọc Chu … thì … sẽ có vài sự dối trá bị lật tẩy, nhưng phần lớn sự dối trá … Như đã nói, chỉ phụ thuộc vào con số ngừ -trong nước, nói cho rõ- tin hoặc/và cố tin.

    “Báo chí khác với tuyên truyền. Ở Việt Nam đôi khi 2 khái niệm này bị hiểu lẫn với nhau một cách tai hại … Khi báo chí trở thành công cụ tuyên truyền, ấy là khi báo chí mất đi tính chính danh và uy tín của báo chí”

    Đây là thực tía khách quan của Việt Nam do điều kiện lịch sử nước ta đem lại . Cái Việt Nam cần & có là những nhà báo độc lập, trung thực và khách quan . Tỷ lệ tuyên truyền vs báo chí ở họ là 3/4. Ở các nhà báo làm cho các tờ báo độc lập tương đối, aka “báo chợ” là 5/6, các nhà báo tương đối độc lập, aka “báo Đảng” là 7/8.

    “Khi báo chí trở thành công cụ tuyên truyền, ấy là khi báo chí mất đi tính chính danh và uy tín của báo chí”

    Ở VN ta thì ngược lại . Những tờ báo chính ngạch đều là 1 sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tuyên truyền & báo chí . Đó là chưa kể 1 số “nhân tài thật” viết những bài trung thực & khách quan để đánh lận con đen, tuyên truyền & biện hộ cho báo chí chính danh nước mềnh .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây