Biden hiệu chỉnh lại cách tiếp cận của Trump đối với Đông Á

East Asia Forum

Tác giả: Paul Heer

Song Phan, chuyển ngữ

14-3-2021

Tổng thống Joe Biden có nhiều việc cần làm để sửa chữa và phục hồi ở Đông Á. Donald Trump đã làm suy giảm nghiêm trọng vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực này, giúp Bắc Kinh leo thang quan hệ Hoa Kỳ -Trung Quốc lên mức thù địch và đối đầu nhất trong 50 năm qua. Đồng thời, Trump làm suy yếu uy tín của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác mà Biden sẽ dựa vào để đối đầu với thách thức chiến lược của Trung Quốc.

Ngay cả trước thời Trump, các nước Đông Á đã bắt đầu đánh giá lại các chính sách của mình trước những chuyển đổi lịch sử trong cán cân quyền lực khu vực và tăng thêm nghi ngờ về bản chất và tính bền vững trong cam kết của Washington đối với khu vực. Trump làm trầm trọng thêm điều này với cách tiếp cận đối đầu đối với Bắc Kinh và cách tiếp cận thiếu nhất quán và thiếu thận trọng của ông đối với các đồng minh của Mỹ.

Biden sẽ vực dậy tư thế thực dụng hơn và lắng nghe hơn đối với Châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều thành viên trong nhóm chính sách đối ngoại của ông – đặc biệt là Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và điều phối viên chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương Kurt Campbell – có nhiều kinh nghiệm trong khu vực này từ thời làm việc trong chính quyền Obama và trước đó. Nhưng họ biết rằng, họ không thể chỉ đơn giản quay lại các chính sách thời Obama – thế giới đã thay đổi một cách kịch tính trong bốn năm qua. Washington cần các chiến lược và chiến thuật mới, và một vài đánh giá lại các mục tiêu và khát vọng của mình ở Đông Á.

Việc hiệu chỉnh lại này sẽ cần thời gian, đặc biệt là trong điều kiện có nhiều ưu tiên cấp bách trong nước, trong đó có việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc của đất nước. Ông cũng không thể ngay lập tức đảo ngược tất cả các sáng kiến ​​chính sách Đông Á của Trump. Ví dụ, chính trị trong nước của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng đến việc Biden có thể tháo ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhanh chóng như thế nào, điều này cũng phụ thuộc vào những nhượng bộ tương hỗ của Bắc Kinh.

Biden sẽ không rút lui về tư thế tự mãn đối với Trung Quốc hay đơn giản chỉ ‘can dự’; có quá nhiều chuyện đã xảy ra. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, Biden đã viết trên tạp chí Foreign Affairs, rằng ‘Hoa Kỳ cần phải cứng rắn với Trung Quốc’ vì những thách thức cưỡng ép và thầm lén của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác, những nỗ lực toàn cầu của Trung Quốc nhằm hợp pháp hóa hệ thống xã hội chủ nghĩa toàn trị của họ, và hành vi nhân quyền quá quắt của họ. Blinken, trong các phiên điều trần chuẩn nhận chức vụ, đã đồng ý với chính quyền Trump rằng Trung Quốc bị Mỹ phản ứng mạnh mẽ là đích đáng, dù không đồng ý với nhiều chiến thuật của Trump. Kể từ khi nhậm chức, ông và Sullivan đã nhắc lại sự cần thiết phải áp giá đối với Trung Quốc và định hình hành vi của Bắc Kinh.

Mặc dù nhóm của Biden nhận thấy sự cần thiết phải hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu mà hai bên cùng quan tâm – chẳng hạn như biến đổi khí hậu, đại dịch và khủng hoảng kinh tế – nhưng sẽ không ngừng đối đầu với Trung Quốc trong các vấn đề khác. Campbell và Sullivan đã viết chung trên Foreign Affairs rằng, ‘cách tiếp cận tốt nhất’ đối với Bắc Kinh là ‘đi đầu trong cạnh tranh [và] theo đuôi trong các đề nghị hợp tác’.

Họ vạch ra chính sách ‘cùng tồn tại có quản lý’ và ‘cạnh tranh bền vững’, dựa trên việc thừa nhận rằng ‘mỗi bên cần phải sẵn sàng để sống với bên kia như một cường quốc lớn’. Nhóm Biden nhận thấy sự cần thiết của cách tiếp cận có đi có lại, cẩn thận để không đánh giá quá cao đòn bẫy của Mỹ đối với Trung Quốc. Campbell và Sullivan cũng định hình mục tiêu là cùng tồn tại với Trung Quốc ‘trong các điều kiện có lợi cho các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ‘. Thách thức then chốt là cạnh tranh với việc Bắc Kinh chắc chắn theo đuổi các điều kiện có lợi cho các lợi ích và giá trị của Trung Quốc, mà không để cuộc tranh đua biến thành một cuộc đấu tranh có tổng bằng không, giành uy thế tối cao trong khu vực hoặc toàn cầu.

Tin tốt cho Đông Á là Biden và nhóm của ông đã tỏ rõ quyết tâm của họ trong việc phục hồi sức mạnh các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ ở đó, do đó hàn gắn những đổ vỡ do Trump gây ra. Biden nhấn mạnh rằng, Washington phải ‘xây dựng một mặt trận thống nhất’ chống lại ‘các hành vi lạm dụng và các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc’. Campbell và Sullivan viết rằng, ‘sức nặng kết hợp của các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ có thể định hình các lựa chọn của Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực … nếu Washington đào sâu tất cả các quan hệ đó và tìm cách gắn kết chúng với nhau’.

Mỹ đang tìm cách trấn an, nhưng nhiệm vụ của Biden sẽ không dễ dàng: Còn nhiều thứ phải khôi phục. Nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã xói mòn về cơ bản tính mẫu mực của nền dân chủ Mỹ vốn đã củng cố quan hệ của Washington với các đồng minh và đối tác. Biden thừa nhận sự cần thiết phải ‘cứu lấy danh tiếng của [Mỹ]’ và ‘xây dựng lại sự tin cậy vào sự lãnh đạo của [Hoa Kỳ]’.

Nhưng đó mới chỉ là bước đầu tiên để xây dựng lại lòng tin vào cam kết của Hoa Kỳ đối với Đông Á cũng như uy tín, độ tin cậy, khả năng cạnh tranh kinh tế và sự sẵn sàng quân sự của Hoa Kỳ ở đó. Washington phải có hiểu biết chính xác và cập nhật về các lợi ích khác nhau, ưu tiên các đồng minh và đối tác cũng như nhận thức về đe dọa của họ. Hoa Kỳ phải tránh những rủi ro của việc coi các đồng minh theo như ý của mình – giả định rằng, ý tưởng của họ về cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc giống hệt với Washington, hoặc buộc họ phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington.

Phần lớn khu vực Đông Á đã thích nghi với một động lực an ninh khu vực mới, vì vậy Hoa Kỳ không thể chỉ đơn giản là ‘tiếp tục ở chỗ đã dừng’. Washington phải hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình để biết vị trí phù hợp hiện nay của mình ở đâu trong cán cân quyền lực của Đông Á và sử dụng điều đó làm nền tảng cho sự đổi mới vai trò lãnh đạo của Mỹ Châu Á Thái Bình Dương.

_____

Paul Heer là nghiên cứu viên hạng ưu tú tại Center for the National Interest, Washington DC, và là nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Chicago Council on Global Affairs. Ông từng là nhân viên Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ về Đông Á từ năm 2007–2015. Ông là tác giả của Mr X and the Pacific: George F Kennan và American Policy in East Asia (Cornell UP, 2018).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây