Bản tin ngày 29-12-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Bài thứ nhất của ThS Hoàng Việt, đăng trên VietNamNet: Trung Quốc gia tăng các hoạt động để độc chiếm Biển Đông. Ông Việt lưu ý, trong tình hình đại dịch Covid-19 hoành hành, TQ lại càng có cơ hội tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, làm căng thẳng thêm tình hình bằng các hoạt động tập trận, triển khai các loại tàu chiến, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. 

Ông Việt lưu ý sự kiện ngày 20/6, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ký lệnh công bố luật Cảnh sát vũ trang mới sửa đổi, cho phép cảnh sát biển TQ “được tích hợp nhiều hơn nữa” vào lực lượng quân sự nước này, được tham gia huấn luyện, tập trận và cứu hộ, cứu nạn với Hải quân, trong tình huống khẩn cấp, Quân ủy TƯ TQ sẽ nắm quyền điều hành Cảnh sát biển. Nói cách khác, Cảnh sát biển TQ đã trở thành một lực lượng bán chính thức của Hải quân TQ, sẽ được vũ trang gần như hải quân.

Trung Quốc thông báo tập trận 10 ngày ngoài đảo Hải Nam, VTC dẫn tin từ Nhân dân nhật báo. Theo đó, TQ sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển phía Tây Nam, Nam và Đông Nam đảo Hải Nam từ 8h hôm nay 29/12/2020 đến 16h ngày 7/1/2021. Cục Hải sự Tam Á thông báo, cấm tàu thuyền qua lại khu vực tập trận. Cuộc tập trận gần đây nhất của TQ ở Biển Đông vừa diễn ra vào ngày 16/12.

Cũng tin Biển Đông, hai oanh tạc cơ B-1B của Mỹ bay qua Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Hai chiếc B-1B này cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, bay qua eo biển Ba Sĩ vào Biển Đông. Sau đó, 2 máy bay bay gần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trước khi quay về đảo Guam qua biển Sulu và biển Celebes ở phía nam Philippines.

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ông Biden: Mỹ cần lập các liên minh đương đầu với Trung Quốc. Điều mà Tổng thống Obama làm qua TPP, nhưng bị ông Trump phá, ông Biden sẽ khôi phục lại: “Ông Biden đặt mục tiêu liên kết với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng để tạo thành mạng lưới liên minh chiếm khoảng một nửa nền kinh tế toàn cầu. Không chỉ đặt mục tiêu xây dựng và mở rộng các liên minh, ông Biden cũng mong muốn chính quyền Washington tự cải cách để nâng cao vị thế của mình”.

Campuchia khai thác mỏ dầu ở vùng biển gần Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ. Hôm nay, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố, nước này bắt đầu khai thác thùng dầu đầu tiên tại mỏ dầu ngoài khơi, cách thành phố Sihanoukville 160km, gần vùng biển Tây Nam của VN.

Vị trí mỏ dầu tại lô A được Campuchia tuyên bố đưa vào khai thác sáng nay 29/12. Ảnh: Fresh News/TT

Mời đọc thêm: Tổng thống đắc cử Biden tuyên bố Mỹ cần lập liên minh để đương đầu với Trung Quốc (Tin Tức). – Trung Quốc tung dự Luật Hải cảnh mới: Nên khởi kiện ra Tòa án quốc tế (TĐ). – Việt Nam và Ấn Độ tập trận chung trên Biển Đông trước lo ngại về Trung Quốc (VOA). – ‘Thương binh’ Hoàng Sa tập tễnh mưu sinh (NNVN). – 2021 – Kịch bản nào cho Biển Đông? (RFI).

Cựu Phó Chánh án hầu tòa

Sáng nay, cựu Phó Chánh án quận 4 Nguyễn Hải Nam hầu tòa, VietNamNet đưa tin. Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên, thuộc TAND TP HCM, đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hải Nam và bị cáo Lâm Hoàng Tùng, cựu giảng viên trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP HCM về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. 

Tin cho biết, đây là lần thứ 2 phiên tòa xử vụ này được mở. Phiên tòa thứ nhất diễn ra vào ngày 9/12, nhưng bị hại là bà Hoàng Thị Thu Thảo và những người liên quan vắng mặt, nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Lần này, bà Thảo tiếp tục vắng mặt, lý do bệnh nặng và tâm lý không tốt, nhưng phiên xử vẫn tiến hành.

Bị cáo Lâm Hoàng Tùng (người bên trái, mặc áo xanh) và bị cáo Nguyễn Hải Nam (đứng cạnh Tùng) trong phiên xử hôm nay 29/12/2020. Ảnh: VNN

Zing đưa tin: Xét xử vụ cựu Phó chánh án Nguyễn Hải Nam xâm phạm chỗ ở. Vụ việc xảy ra chiều ngày 19/9/2019, do tranh chấp hợp đồng mua bán căn nhà ở số 29 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP HCM, giữa bà Hoàng Trọng Anh Chi và bà Hoàng Thị Thu Thảo. Nhân lúc bà Thảo không có nhà, bị cáo Tùng, bị cáo Nam và bà Nguyễn Thị Hương Tâm đã xông vào, dùng vũ lực và đe dọa để đuổi những người trong nhà và chiếm giữ căn nhà đến ngày 28/9/2019.

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, cựu Phó Chánh án Quận 4 phủ nhận cáo buộc xâm phạm chỗ ở, VOV đưa tin. Sau khi phủ nhận cáo buộc, bị cáo Nam “xin HĐXX trình bày đầu đuôi sự việc nhưng không được chủ tọa phiên tòa chấp nhận và sẽ cho nói ở phần tranh tụng”. Bị cáo Tùng cũng phủ nhận cáo buộc về hành vi “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. 

Bị cáo Lâm Hoàng Tùng kể, ngày 5/9/2015 ông ta cùng bà Chi ký hợp đồng góp vốn 50% mua và xây dựng căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong quá trình thi công, bà Thảo xây dựng sai giấy phép nên bị cơ quan chức năng xử phạt, đình chỉ thi công. Bà Chi đã ký hợp đồng ủy quyền cho bị cáo Tùng hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giấy phép, hoàn công xây dựng và giải quyết tranh chấp. Bị cáo Tùng khẳng định, ngày 19/9/2019, ông ta cùng bị cáo Nam đến căn nhà nói trên chỉ để sửa sang lại căn nhà này.

Một trong các lý do khiến bị cáo Nam bị ngắt lời, còn bị cáo Tùng lại được cho nói hết ý là vì bị cáo Nam phản biện HĐXX khá gay gắt. Báo Thanh Niên có clip ghi lại lời của cựu phó chánh án Nguyễn Hải Nam đập bàn: “Con người có cái liêm sỉ“, khi ông này phản biện cáo buộc về hành vi bắt cóc trẻ em trong lúc chiếm nhà người khác:

Đến phiên xử chiều nay, cựu phó chánh án quận 4 muốn bạn ‘khai thật’, theo VnExpress. Bị cáo Nam kể về diễn biến hôm xảy ra sự việc: “Khi nghe tin, tôi gọi báo cho anh Đăng (Trưởng Công an phường Đa Kao). Lúc tôi đến nơi đã thấy công an, dân phòng và cả thừa phát lại ở đó. Tôi không vào nhà nên không biết trong đó như thế nào”. Đó cũng là lý do ông Nam đề nghị triệu tập Trưởng Công an phường Đa Kao, nhưng HĐXX không chấp nhận vì ông này không phải người làm chứng trong vụ án.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Lời khai của cựu phó chánh án, cựu giảng viên trước cáo buộc. Bị cáo Nam kể về quá trình quen biết với bị cáo Tùng rồi bị kéo vào vụ việc: “Từ năm 2016, khi học cao học chung. Và khi ông Nam đang làm thẩm phán tại TAND quận 1, Tùng đã gọi cho Nam để trao đổi về việc tranh chấp căn nhà trên”.

Giống như bị cáo Nam, bị cáo Tùng cũng phủ nhận cáo buộc bắt cóc trẻ em: “Tôi đưa các cháu nhỏ ra khỏi nhà vì theo chủ quan của tôi, đây là công trình vi phạm buộc phải tháo dỡ nên các cháu ở trong nhà không an toàn. Bên ngoài có rất nhiều người xô đẩy, la hét nói ‘trả con cho tôi’ nhưng họ chỉ xô đẩy để quay clip chứ không bế các cháu”.

Mời đọc thêm: Sáng nay, cựu Phó Chánh án TAND quận 4 ra hầu tòa về tội ‘Xâm phạm chỗ ở của người khác’ (DNVN). – Phiên xử cựu phó chánh án Nguyễn Hải Nam bắt đầu muộn (PLTP). – Cựu phó chánh án quận 4 đập bàn, phản bác cáo trạng (Zing). – Cựu phó chánh án quận 4: ‘Chờ hơn một năm để đến ngày được nói’ (TT).

Cựu phó chánh án quận 4: ‘Tôi cay đắng hơn một năm rồi’ (VNE). – Xét xử cựu thẩm phán Nguyễn Hải Nam: Bà Chi khai nhiều lần bị bà Thảo cho người đe dọa, tấn công (NLĐ). Mời đọc lại: Nguyên Phó chánh án TAND quận 4, TP HCM bị tố “bắt cóc” ba trẻ em? (PLVN). 

Công an lừa “chạy án”

Báo Tiền Phong đưa tin: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một cựu cán bộ Công an TPHCM bị phạt 8 năm tù. Hôm nay, TAND TP HCM mở phiên sơ thẩm, xử vụ lừa đảo, đưa, nhận hối lộ, đã tuyên phạt bị cáo Phạm Quang Tiến, cựu cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CA TP HCM, mức án 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng thật ra là nhận 300 triệu đồng để chạy án.

Tin cho biết, ngày 15/11/2018, ông Nguyễn Duy, “con nuôi xã hội” của bị cáo Trần Thị Diệu Trang, gọi điện thoại cho bà Trang trong lúc đang bị truy bắt vì trộm cướp. Duy nhờ Trang tìm người giúp lo để không bị bắt, nên bị cáo Trang gọi điện cho bị cáo Tiến. Bị cáo Tiến đồng ý giúp “chạy án” với giá 300 triệu. Người thân của Duy đưa tiền nhưng Duy vẫn bị truy bắt, nên họ nghĩ đã bị bà Trang lừa, nên tố cáo bà này.

Bị cáo Phạm Quang Tiến (người mặc áo xanh, đứng thứ 3 từ phải sang) tại phiên tòa. Ảnh: TP

Báo Người Lao Động có bài: Lời khai và đoạn ghi âm “khó hiểu” của 1 nguyên cán bộ công an TP HCM. Đó là đoạn ghi âm do bị cáo Tiến cung cấp, khẳng định còn có một đồng phạm tên là Đinh Duy Hưng: “Tại cơ quan điều tra, Tiến cung cấp đoạn ghi âm chứng minh việc giao nhận tiền giữa Tiến và Hưng. Tuy nhiên, trong đoạn ghi âm, Tiến không nói rõ về nguồn gốc số tiền, mục đích cũng như số tiền thực tế trong giao dịch”. Vì đoạn ghi âm chất lượng kém và nội dung không rõ nên cơ quan điều tra không khởi tố ông Hưng.

Mời đọc thêm: Một cựu công an bị cáo buộc nhận hàng trăm triệu ‘chạy án’ (TP). – Cựu công an lừa chạy án kéo theo người thân của bị can hầu tòa (PLTP). – “Chạy án” cho kẻ trộm, cựu cảnh sát lãnh án (VNN). 

Tin môi trường

Báo Tiền Phong đưa tin: Gần Tết Dương lịch, nhiều tuyến phố Hà Nội lại ngập rác. Những ngày qua, tại một số tuyến phố ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm đều ngập rác, từ vỉa hè đến lòng đường, bốc mùi và chảy nước lênh láng mà không có đơn vị nào thu gom. Một người dân ở làng Mễ Trì Thượng kể: “Mấy hôm nay không thấy nhân viên thu gom rác nên người dân cứ thấy chỗ trống nào thì vứt rác ra đó thôi, để lâu bốc mùi kinh khủng. Tôi nghe nói do công ty chậm lương nên nhân viên không làm nữa”.

Tin cho biết, Công ty Minh Quân có trách nhiệm thu gom rác trên địa bàn này và đúng là tình trạng chậm lương ở đây đã khiến nhân viên đồng loạt đình công, không thu gom rác thải. Đại diện UBND phường Mễ Trì cho biết, dự kiến từ chiều nay đến hết chiếu 31/12, Công ty Minh Quân sẽ dọn rác trở lại trước khi hết hợp đồng.

Bãi rác lớn ngay cổng làng Mễ Trì Thượng. Ảnh: TP

Tình hình “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” ở Điện Biên: Trạm nước thải “tê liệt”… cán bộ nói “hiệu quả”, theo báo Giáo Dục Thời Đại. Một người dân ở thị xã Mường Lay cho biết: “Trước thì dân làm ống nước thải đằng trước họ không cho, bắt phải làm đường nước thải sau nhà. Đến khi nhà làm xong đâu vào đấy mới làm đường nước thải chạy qua trước cửa nhà dân. Giờ nhà làm đâu vào đấy, ở ổn định rồi lại bảo đào nền chuyển đường ống dẫn từ hố ga, đường nước thải từ đằng sau nhà ra đằng trước thì làm kiểu gì?”

Người dân bất bình trước tình trạng nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống lòng hồ thủy điện Sơn La, khu vực Mường Lay. Ảnh: GDTĐ

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Điểm mặt những dòng kênh đen ở TP.HCM. Tin cho biết, các tuyến kênh, rạch ở khu vực các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh đều đầy ắp các loại rác thải. Các kênh này đều có dòng nước đen kịt và bốc mùi hôi thối khiến môi trường ô nhiễm, người dân sống xung quanh chịu đựng cảnh hôi tanh mà không có lối thoát.

Tại kênh Hy Vọng, đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình, mặt nước bị bao phủ bởi nhiều loại rác thải sinh hoạt như túi nylon, chăn mền và nhiều thùng xốp. Ảnh: PLTP

Báo Lao Động có bài: Biến đổi khí hậu khiến thảm họa thời tiết năm 2020 tồi tệ hơn. Nhìn lại mùa bão bất thường trong năm qua: “Kỷ lục của năm nay là 30 cơn bão được đặt tên hình thành ở Đại Tây Dương khiến ít nhất 400 người thiệt mạng và gây ra 41 tỉ USD thiệt hại, cho thấy thế giới có thể sẽ chứng kiến ​​nhiều cơn bão như vậy hơn nữa”. Bên cạnh mưa bão là kỷ lục cháy rừng kéo dài từ bờ Đông Australia sang bờ Tây nước Mỹ, sang cả vùng viễn Đông của nước Nga.

Mời đọc thêm: 10 sự kiện tiêu điểm về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2020 (TTXVN). – Chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở ngưỡng đỏ (Tin Tức). – Rác thải ngập các tuyến đường quận Nam Từ Liêm: Công ty Minh Quân đang ở đâu? (KTĐT). – Công nhân vệ sinh môi trường đình công, Hà Nội lại ngập ngụa trong rác thải (VTC). – 21 năm người dân Sóc Sơn sống trong cơ cực với 15 lần chặn xe chở rác (VOV).

Hà Giang: Dân khốn khổ vì xe chở cát của Công ty Mai Nhung (TNMT). – Chiếc hồ lớn nhất thế giới đang bị hủy hoại nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, và mọi chuyện có lẽ đã quá muộn để thay đổi (DĐDN). – Thiên tai năm 2020 được tăng cường bởi biến đổi khí hậu (Jakarta Post). – Biến đổi khí hậu dẫn đến khoản tiền thanh toán bảo hiểm kỷ lục trong năm 2020 (Bloomberg). 

***

Thêm một số tin: 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, đi xe khách từ Hải Phòng vào TP.HCM (VNN). – Cha ép 3 con ruột uống thuốc độc sau khi đi nhậu về (TP). – Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị xử lý một số trường hợp vi phạm trong tuyển dụng công chức (CL). – Bạc Liêu: Di tích lịch sử Đồng hồ đá Thái Dương hơn 100 năm tuổi “kêu cứu” (GT). – Thổ Nhĩ Kỳ cho dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc?Người Duy Ngô Nhĩ: Quân tốt bị thí cho Bắc Kinh vì lợi ích kinh tế các nước Hồi GiáoBáo cáo của Phóng Viên Không Biên Giới : 50 nhà báo bị sát hại trong năm 2020 (RFI).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây