Hồ sơ thuế của Trump (II): Tiếng tăm từ một chương trình truyền hình đã đem lại cho Trump 427 triệu đô la cải tử hoàn sinh (Phần 4)

New York Times

Tác giả: Russ Buettner, Susanne CraigMike McIntire

Dịch giả: T.Vấn

8-10-2020

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3

Ít rủi ro nhưng lợi nhuận nhiều

Trump cho mướn tên mình gắn trên những tòa nhà cao tầng mà ông ta không phải là chủ nhân, rồi thu những khoản phí kếch xù, trong lúc chủ đầu tư lỗ hàng triệu đô la.

Trong những câu chuyện huyênh hoang về việc mua bán của mình, Trump thường khoe tướng rằng, ông ta “làm chủ những tòa cao tầng tọa lạc khắp” thành phố Manhattan. Thật ra, dù cho có lúc người ta thấy ít nhất 17 tòa nhà ở đây mang tên “TRUMP”, nhưng trong thực tế, Trump chỉ làm chủ khoảng 5 hay 6 tòa nhà. Rất nhiều trong số đó Trump đã xây cả một thập kỷ trước, rồi bán chúng đi, trước vụ khai phá sản sòng bài ở Atlantic City gây trở ngại cho việc đi vay tiền kinh doanh của Trump.

Với triển vọng không mấy gì khả quan của việc xây dựng các tòa nhà cao tầng cho thuê làm văn phòng hay bán lại, Trump quay qua khai thác việc cấp phép bản quyền tên mình cho những dịch vụ doanh nghiệp của người khác. Ý tưởng trên được khuyến khích bởi sự xuất hiện của một tay ngang trong làng dịch vụ, công ty Bayrock Group. Công ty này thuê làm văn phòng tầng lầu 24 của Trump Tower, ở ngay dưới bản doanh chỉ huy của Trump. Theo giấy tờ thuế cho biết, giá thuê là $400,000 một năm và Trump thu về tổng số 2.2 triệu đô la khi hợp đồng thuê chấm dứt. Dầu vậy, Bayrock Group tin rằng, việc thuê dẫy phòng của Trump Tower là một sự đầu tư đúng đắn, vì họ có cơ hội ở gần Trump và cấy vào đầu ông ta những ý tưởng của các đề án đầu tư.

Bayrock Group có một chút gì đó khá huyền bí. Người chủ sáng lập, Tevfik Arif, nguyên là một cựu viên chức chính quyền của Kazakhstan từ thời quốc gia này còn nằm trong quỹ đạo Xô-Viết. Hồ sơ tài chính năm 2003 của Arif cho biết ông ta có tài sản trị giá 70 triệu đô la, và đã từng có tranh cãi trước tòa về khoản tiền này vì viên kế toán riêng của ông ta đã không thể chứng minh được. Cánh tay mặt của Arif là Felix Sater, một di dân Nga có những quan hệ với các trùm xã hội đen (mobsters). Ông này còn sử dụng tên khác để tránh né việc bị đào bới quá khứ tội phạm của mình.

Trong thương vụ condo-hotel, Trump đối tác với Bayrock Group, gồm các thành viên: Tevfik Arif (giữa) và Felix Sater (phải) một di dân người Nga đã từng có tiền án hình sự. Nguồn: Mark Von Holden/ WireImage

Dù vậy, những thứ ấy không thành vấn đề với Trump. Ông ta kết hợp chặt chẽ với họ để theo đuổi một ý tưởng kinh doanh hấp dẫn: Condo-Hotel (Xây các dẫy nhà condo, bán cho người mua; ngược lại, người mua có thể cho mướn condos của mình như cho mướn khách sạn khi không dùng đến – ND). Hấp dẫn hơn nữa, Bayrock chỉ cần tên của Trump; vốn xây dựng sẽ do người khác cung cấp.

Bayrock còn đề nghị lấy nhãn hiệu Trump đặt cho các khách sạn ở khắp nơi trong nước và ra cả hải ngoại, những nơi mà cá tính thích sự phô trương lòe loẹt (flamboyant taste), thích vàng bạc, thích sự hào nhoáng của Trump rất được bọn nhà giàu hải ngoại (vốn mang một ý niệm khá tức cười về sự thành công của nước Mỹ) ưa chuộng.

Mấy năm sau, trong một lời khai khi bị chất vấn trước tòa án, Trump cho biết ông ta đã thảo luận về “rất nhiều hợp đồng kinh doanh ở khắp nơi trên thế giới” với đối tác làm ăn mới, và rằng “sẽ có những khách sạn và Tháp Trump International ở Moscow, Kyiv, Istanbul, etc., Poland, Warsaw”.

Cùng lúc đó, Trump khẳng định rằng bởi vì ông ta không phải là người chủ công trình xây dựng nên ông không biết nhiều về công ty Bayrock, một người láng giềng ở cách văn phòng ông ta 2 tầng lầu phía dưới. Nhưng những văn kiện nội bộ của Bayrock mà New York Times nghiên cứu, cho biết rằng, công ty Bayrock, ngay từ đầu, đã nhắm vào người Nga để tìm nguồn tài trợ cho dự án khách sạn mang nhãn hiệu Trump.

Một bản dự thảo kế hoạch hoàn tất tháng 11 năm 2003, có tên “Thỏa thuận về khoản lệ phí cho người Nga” (Russian Fee Agreement) đề nghị với một người môi giới vô danh cung cấp 50 triệu đô la cho dự án 3 khách sạn mang nhãn hiệu Trump ở Hoa Kỳ và khả năng sau đó sẽ “cung cấp vốn đầu tư cho tất cả” những dự án Trump của công ty Bayrock. Một cựu viên chức điều hành của Bayrock cho biết rằng, đề nghị này không bao giờ được thực hiện, mặc dù sau đó công ty có nhận được 50 triệu đô la từ một ngân hàng ở Iceland vốn đã từng bị nghi ngờ có những mối quan hệ với người Nga.

Trump Soho, nơi Trump ký hợp đồng cấp phép bản quyền tên mình trong một công trình không có một chút rủi ro (risk) nào và cũng là một hòn đá tảng trong sự nghiệp phát triển mô hình kinh doanh khách sạn condo-hotel của ông ta. Nguồn: Todd Heisler/ NYT

Khác với tòa nhà tháp ở Chicago, nơi Trump bị vây bủa bởi những vụ kiện liên quan đến món nợ hàng trăm triệu đô la vốn xây dựng, Trump Soho, về cơ bản, không đem lại chút rủi ro nào cho Trump. Hồ sơ thuế của ông ta tiết lộ, giữa lệ phí bản quyền và lệ phí điều hành, mối quan hệ của công ty Trump với dự án này thu về cho ông ta 9 triệu đô la, dù không phải bỏ công xây cất hay tài trợ.

Bị phủ ngập đầu với những lời mời trong dịch vụ cấp phép bản quyền trong lúc vẫn còn đang cưỡi con sóng “The Apprentice”, năm 2007 Trump khởi sự Trump Hotel Collection và đặc biệt nhấn mạnh đến các dự án ở nước ngoài. Phần lớn những dự án này chỉ là những “chiêu” động viên tinh thần (aspirational): một website mới ra đời, liệt kê “những tòa nhà tương lai” ở Toronto, Mexico, nước cộng hòa Dominic, Panama, Scotland và Dubai, cùng một số nơi khác.

Lợi nhuận dồn dập tuôn về túi Trump. Hồ sơ thuế tiết lộ, năm 2003, ông ta kiếm được ở khoản lệ phí cấp phép bản quyền chẳng được bao nhiêu, nhưng 2 năm sau đã đạt tới 1.3 triệu đô la và rồi từ từ vọt lên cao ngất với 29.7 triệu đô la vào năm 2010 trước khi xuống thang suy giảm dần dần.

Do bởi những khoản phí khá lớn đối tác phải trả trước cho ông ta, nên dù dự án có thất bại, Trump cũng vẫn nhận được tiền thù lao. Trong số 10 “tòa nhà tương lai” (nói đến ở trên – ND) ban đầu được liệt kê trên Trump website, có 3 dự án không bao giờ khởi sự; 5 dự án hoặc tuy khởi sự nhưng không bao giờ hoàn tất, hoặc sau đó mối quan hệ giữa hai đối tác xấu đi. Vậy mà ông ta vẫn tìm cách thu được khoản lợi nhuận 46 triệu đô la cho các công trình này.

Nhiều câu hỏi thường được đặt ra về sự lựa chọn những dự án của Trump, mà phần lớn chúng đều gây tranh cãi hoặc mang điều tiếng này nọ.

Ở Rio de Janeiro, tài liệu thuế của Trump cho biết ông ta khai khấu trừ $14,000 cho chi phí điều tra về nhân thân của Trump khi ông ta ký kết một hợp đồng rất béo bở ở đó. Sau này, Trump bị buộc phải hủy bỏ dự án giữa những rắc rối vì một cuộc điều tra về tội hối lộ liên quan đến chủ đầu tư công trình. Ở Azerbaijan, nơi chuyện hối lộ xẩy ra như chuyện thường ngày ở huyện, các đối tác chủ xây dựng đề án có mối quan hệ với một bộ trưởng trong chính quyền đã trả cho Trump 5 triệu đô la tiền cho mướn nhãn hiệu và điều hành khách sạn, mặc dù công trình không bao giờ được hoàn tất sau khi một thế lực chống lưng chính (major backer) rút lui.

Và những người ghi danh mua các căn hộ trong một dự án condo-hotel của Trump ở Mexico đã bị phỏng tay sau khi đặt cọc trước tiền mua nhà với tổng số 32 triệu đô la chỉ để được thông báo dự án đã bị hủy bỏ, nhưng sẽ không có việc hoàn trả lại số tiền cọc. Trong một vụ kiện sau đó đã được dàn xếp, một số nạn nhân cho biết, họ bị lừa, tin rằng Trump là một chủ đầu tư chính trong công trình.

Những khách hàng của dự án condo-hotel ở Mexico đã trả một số tiền cọc lên tới 32 triệu đô la chỉ để được thông báo rằng công trình đã bị hủy bỏ nhưng tiền cọc sẽ không được trả lại. Nguồn: Guillermo Arias/ AP

Đơn kiện có đoạn như sau: “Bằng cách làm như vậy, các bị cáo đã khiến cho những người mua đặt tin tưởng vào ‘nhãn hàng Trump’ và cái tên Trump được xem như là một nhà kinh doanh địa ốc cao cấp, đáng tin cậy và hợp pháp”.

Lý luận biện hộ của Trump thường được lặp đi lặp lại rằng, ông ta chỉ cho mướn cái tên của mình, do đó không có trách nhiệm gì trong sự thất bại của dự án.

Ông ta giải thích thêm trong lời khai cho một vụ kiện khác, liên quan đến những nhà đầu tư trong một dự án Trump hotel ở Fort Lauderdale, Florida, nhưng sau đó bị thất bại, rằng “người chủ công trình mới thật sự là người chịu trách nhiệm”.

“Chúng tôi giống như một công ty khách sạn, Ritz-Carlton hay Four Seasons hay Waldorf Astoria. Chúng tôi chỉ là một cái tên”.

Bình Luận từ Facebook