“Ngài là thiên sứ được Chúa sai xuống để lãnh đạo nước Mỹ”: Đi vào thế giới của sự sùng bái cá nhân… (Phần 3)

Vanity Fair

Tác giả: Jeff Sharlet

Dịch giả: T.Vấn

7-7-2020

Tiếp theo: Phần giới thiệu  —  phần 1 phần 2

“Đó là cách mà sự kỳ thị chủng tộc tạo ảnh hưởng tại các cuộc tập họp tranh cử của Trump…”

Tôi hỏi Sean: “Ông muốn nói những điều ông ta biết về những người bên đảng Dân chủ?” Ông ta gật đầu. Mục sư Sean không giống như những người này – ông ta khoát tay chỉ về phía đám đông – quá u mê để tin rằng hầu hết những người Dân chủ đều là những kẻ phục vụ cho Satan một cách có ý thức. Chính bản thân ông đã từng là nạn nhân của một hình thức hiến tế man rợ (SRA – Satanic Ritual Abuse), nhận thức được rằng, có những người thi hành mệnh lệnh của ma quỷ nhưng không hề biết rằng mình đang phục vụ cho ma quỷ.

Với Sean, đức tính nổi bật nhất của Trump là sự trong sáng. Sean tin rằng, ở thời điểm muộn màng này, khi mà nhiều người trong chúng ta đã quỵ ngã, nhiều người tỏ ra sợ hãi và lo âu, chúng ta nhìn sự việc qua một lăng kính sậm màu. Nhưng giữa bầu không khí ảm đạm vẫn lóe lên những tia sáng để cho chúng ta nhìn thấy rất rõ không phải sự vinh quang mà là nỗi kinh hoàng: Thảm kịch chết chóc của người Mỹ, sự hùng mạnh của đoàn quân đông đảo đang dàn trận chống lại Chúa.

Bọn Dân chủ, bọn CNN, “tất cả chúng nó”, mục sư Sean gầm lên, ngón tay chỉ về phía khu vực dành riêng cho cánh nhà báo, truyền hình. Ông ta còn thêm vào: “cả một lô một lốc bọn ngôi sao điện ảnh nữa”. Ông ta nhìn đám đông, xem xét. “De Niro”, ông ta thì thầm, giọng nhỏ đến độ tôi phải sát người đến gần mới nghe rõ được [Robert De Niro, một ngôi sao điện ảnh, là người thường xuyên công khai lên tiếng chỉ trích Donald Trump – người dịch]. Nhưng trước khi mục sư Sean có thể giải thích thêm cho tôi về ý của mình, thì nhạc ngưng lại. Đã đến giờ chào cờ, tức cam kết lòng trung thành. Với lá quốc kỳ, tất nhiên rồi. Và với vị tổng thống, mà lá cờ biểu trưng, với một con người, dưới sự chứng kiến của Chúa.

Sau phần chào quốc kỳ, tôi tìm cách đến gần người được coi là đã sáng chế chiếc áo T-shirt có hàng chữ: TRUMP’S TWEETS MATTER. Tôi thấy có nhóm người đứng sát bên diễn đài chính, miệng đang nhai khô bò. Một người trong số họ đã vẽ kiểu chiếc áo. Người này rất ghét người da đen, được gắn biệt danh là TRUMP-UP COWBOY. Nhưng anh chàng cao bồi tín đồ Trump lại hiện đang rất bận, thế nên một người trước đây là mục sư hướng dẫn thanh thiếu niên trong nhóm của ông ta, tên Dave Thompson, bằng lòng nói chuyện với tôi.

Anh ta đưa cho tôi tấm danh thiếp: “God Wins/Prayer Warrior”, phía đằng sau là một đoạn trích từ Kinh Thánh (Chronicles 7:14) nói về lời chúa hứa với “dân của ta”, rằng Chúa sẽ “ban ơn cứu rỗi cho đất nước”. Cũng giống như mục sư Sean, mục sư Dave theo Trump đi khắp vạn nẻo đường, hướng dẫn các buổi cầu nguyện bên ngoài các chương trình tụ họp; mỗi ngày vào đúng 7:14 sáng và 7:14 chiều.

Là một người sống bằng nghề môi giới địa ốc, mục sư Dave đáp lại một “tiếng gọi tâm linh” tận hiến một phần đời của mình cho Trump. Khởi đầu từ một buổi tập họp vận động ở Texas, nơi Dave sinh sống. Tại đây, Dave làm bạn với những số đông ủng hộ Trump: Richard ở New York, là người đã có mặt tại 68 hoặc 69 lần gì đó các buổi tập họp của Trump; và Rick, ở Ohio, đã tham dự khoảng 17 lần.

Dave theo chân những người bạn mới này đến một cuộc vận động của Trump ở thành phố Minneapolis. Cũng chính ở lần tụ họp này, Trump đã có một màn diễn kịch xuất sắc nội dung trao đổi qua điện thoại giữa hai cựu nhân viên FBI là Lisa Page và Peter Strzok, hai khuôn mặt được thuyết âm mưu QAnon xếp vào thành phần thuộc nhóm “nhà nước ngầm” kẻ thù của Trump. Trump rên rỉ, giả bộ là Page, nói với Strzok: “Em yêu anh quá trời luôn anh Peter ơi!”. Rồi ông ta giả làm Strzok, đưa hoạt cảnh lên đến đỉnh điểm: “Anh cũng yêu em nữa Lisa ơi! Lisa à! Lisa hỡi! Ôi, Chúa ơi! Anh yêu em, Lisa!”.

[Người dịch: Lisa Page và Peter Strzok là hai cựu nhân viên cao cấp FBI. Họ trao đổi với nhau những tin nhắn, chỉ trích Trump trong khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và một số tin nhắn mang nội dung tình cảm cá nhân khác. Giữa năm 2017, Strzok tham gia cuộc điều tra về sự can thiệp của nước Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 do Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller phụ trách. Sau đó, Mueller phát giác ra các tin nhắn Strzok trao đổi với Lisa Page và loại Strzok ra khỏi ủy ban điều tra. Tháng 8, 2018, Strzok bị sa thải khỏi cơ quan FBI bởi phụ tá giám đốc David Bowdich. Trước đó, hồi tháng 5/2018, Lisa Page đã từ chức, xin ra khỏi FBI].

Trong một lần tham dự buổi vận động ở Mississippi, mục sư Dave gặp gỡ chàng Cowboy. Lúc này, Cowboy đã có dưới tay mình một nhóm những chàng trai trẻ đến từ Kentucky. Mục sư Dave và Cowboy bắt đầu cùng nhau theo chân những cuộc vận động tranh cử của Trump, và cùng đóng vai trò chăn dắt nhóm tín đồ trẻ, từ đó nhóm có tên là “nhóm thiếu niên trưởng thành nhờ Trump” (Trumped-Up Teens). Cowboy dùng tiền túi mua vé máy bay cho nhóm thiếu niên đệ tử, dựng lều cho họ ở trong khu bãi đậu xe bên ngoài địa điểm tổ chức tụ họp.

Hãy nhìn kìa!”. Dave lấy tay chỉ về phía gần diễn đài. Có mấy chú bé đứng sát sân khấu. Tám chú trong bọn họ mặc chiếc áo thun do Cowboy vẽ kiểu. Dave đọc lớn hàng chữ in trên áo: “Trumps. Tweets. Matter”. Dave cho biết Cowboy gặp mấy chú bé này ở trong rừng. (Hoặc, như sau này anh ta nói lại, ở trong một buổi tập họp tranh cử của Trump tại Lexington). “Cowboy trả tiền vé máy bay cho tụi nó đi dự tập họp tranh cử đó!”. Để truyền bá thông điệp.

Tôi hỏi Dave: “Thông điệp là mấy cái tweet của Trump?

Mục sư Dave đáp: “Đúng rồi. Chúng đáng được quan tâm chứ!

Phải!”. Tôi nói.

Dave giải thích: “Chúng mang nhiều ý nghĩa lắm”. Anh ta chỉ tay.Kìa, một chiếc áo. Và đó, phía trên dãy ghế đó. Thêm một chiếc áo nữa. Và đó, đó nữa kìa, thấy không? Như thể đó là bằng chứng cho thấy những cái tweets của Trump mang đầy ý nghĩa.

Một cổ động viên của Trump trong đám đông. Nguồn: Bruce Gilden/Magnum.

Tôi hỏi Dave: “Đó không phải chỉ là một sự đùa giỡn chứ?”. Những chiếc áo đó có vẻ như là một sự đối nghịch với phong trào BLACK LIVES MATTER của người da đen.

“Không!”. Dave không có vẻ gì coi câu hỏi như một sự xúc phạm. Khó mà tưởng tượng có một người nào đó ở ngay đây, sát ngay bên bục nói chuyện của Trump, mà lại dám có ý tưởng đó.

Anh ta tiếp. “Nó giống như là…”. Dave cố tìm chữ.

“Kinh thánh?”. Tôi nói.

Dave trả lời với vẻ nghiêm trang của một mục sư hướng dẫn giới trẻ: “Phải rồi, như Kinh thánh vậy đó!”.

Mỗi nội dung tweet, mỗi chữ viết sai chính tả, mỗi lỗi đánh máy, mỗi chữ được viết toàn HOA một cách kỳ lạ – đặc biệt là những chữ viết toàn HOA, đều có ý nghĩa cần được lưu tâm đặc biệt. Dave giải thích: “Chân lý nằm ở đó, ngay chỗ mà bọn truyền thông bảo là sai, là lỗi. Ổng không bao giờ phạm lầm lỗi hết!”.

Thông điệp chuyển tải từ hàng chữ trên chiếc áo T-shirt mà Dave muốn giải thích là: Hãy để ý tới những ý nghĩa tiềm ẩn từng lớp bên trong. Sau đó, Dave nói thêm: “Trump được biết là một người chơi cờ suy nghĩ cả hàng 5 nước trước”. Ổng dùng tweet gởi cho chúng tôi những gợi ý. Về bọn Dân chủ, về Ukraine và về những kế hoạch của mình. Mấy tháng sau, Dave cho tôi biết: “Đang có những chiến dịch quan trọng được thi hành”. Dave giải thích là Trump đang sử dụng những bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân Covid-19 làm “vỏ bọc” để giải cứu những trẻ em bị đem đi bán cho mục đích tình dục.

Dave bảo tôi: “Hãy xem kìa”, một lần nữa ngón tay ông ta chỉ về phía chỗ mấy chú bé từ Kentucky. Ca sĩ Phil Collins đang hát bài “In the Air Tonight”. Mấy chú chồm người tiến về hàng rào chắn lối lên sân khấu, miệng cười toe toét: đến đoạn tiếng trống solo, 8 chú phùng miệng làm tiếng trống nhái theo, ba-dum-dum-dum-dum, âm thanh như tiếng một đứa bé nhẩy từng bước xuống bậc thang.

Tôi có thể cảm được điều ấy,

Xuyên trong không gian đêm nay,

Ôi chúa ơi!

Mấy chú bé chỉ khoảng độ 16 hoặc 17 tuổi. Chúng đã chờ đợi khoảng khắc này suốt cả đời mình. Brad Parscale là người chỉ huy chiến dịch tranh cử của Trump, bước ra sân khấu trong bộ suit màu xám thẳng băng được cắt may thật khéo. Ông ta đưa tay chỉ về phía các chú bé, về phía chàng Cowboy, chiếc mũ đen của anh ta nhấp nhô trên đầu đám đông. Cả biển đỏ vỡ òa.

“Hãy hướng về ta, hỡi những kẻ làm rạng danh ta”. Mệnh lệnh thiêng liêng đã được viết trong một bài thơ lừng danh của thuyết Ngộ (đạo) có tên “The Thunder, Perfect Mind”.

Cũng tương tự như lời mệnh lệnh, ở các diễn đài trong mọi buổi tập họp vận động tranh cử của Trump, nơi hàng ngàn, hàng ngàn chiếc mũ đỏ MAGA giống hệt chiếc nón ông ta đội trên đầu, chiếc nón mà ông ta sẽ ném xuống đám đông sau mỗi buổi tập họp, như một biểu tượng của sự hiến mình của Trump cho quần chúng. Đó chính là những phép lạ của Trump, sự ngưỡng mộ toà tháp dát vàng của Trump (Golden Trump Tower), những vòi nước làm bằng vàng của nhà Trump, và tấm lòng đại lượng của Trump gởi đến quần chúng. Kẻ nào nhận được nhiều nhất sẽ cho đi nhiều nhất.

“The Thunder (Sấm Sét)”, kinh thánh của thuyết Ngộ (đạo), trình bày sự thiêng liêng thần thánh qua một chuỗi những điều mâu thuẫn:

Ta là người được vinh danh và là kẻ bị khinh bỉ.

Ta là đứa đĩ điếm và là đấng thánh linh…

Ngươi, kẻ nói lên sự thật về ta, đã nói những điều dối trá bịa đặt về ta,

Và ngươi, kẻ đã dối trá bịa đặt về ta, nói đúng sự thật về ta…

Ta là sức mạnh và ta là sự sợ hãi…

Ta là kẻ đã bị sỉ nhục và là sự vĩ đại…

Ta, ta là kẻ vô thần,

Và ta là người mà các đấng thần thánh của ta vô cùng vĩ đại…

Ta là quyền năng thống trị và là kẻ không thể thống trị.

Ta là sự liên kết và là sự phân hủy.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây