Việt Nam thành lập “Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh” để làm gì?

Thảo Ngọc

9-6-2020

Ngày 8/6/2020, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về sự ra đời của Đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) kỵ binh, thuộc Bộ Công an. Báo Quân đội Nhân dân có bài: “Ra mắt Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh”.

Theo đó, sáng 8/6, “Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh tổ chức diễu hành ra mắt tại Hà Nội với sự chứng kiến của các đại biểu Quốc hội, trước khi Quốc hội bước vào phiên họp đầu tiên của đợt họp tập trung tại Kỳ họp thứ chín… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Bộ Công an, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động có thêm đơn vị tác chiến mới trên mặt trận xung kích là Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh”.

Kỵ binh phóng uế đầy đường trong ngày ra mắt hôm 8/6. Ảnh: VNN

Qua báo chí, được biết ý tưởng thành lập lực lượng CSCĐ kỵ binh đã được hình thành từ lúc Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến về dự án luật Cảnh sát Cơ động hồi tháng 10 năm 2019, trong đó một điểm mới là, sẽ thành lập lực lượng CSCĐ Kỵ binh. Và ý tưởng đó nay đã trở thành hiện thực.

Tại buổi ra mắt Đoàn CSCĐ Kỵ binh, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, cho rằng: “Trước sự manh động, phức tạp của tội phạm, cũng như tình trạng bạo loạn, chống người thi hành công vụ diễn ra trong thời gian gần đây, đòi hỏi tổ chức Cảnh sát cơ động cần phải được hoàn thiện hơn nữa nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quá trình xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Điều mà bà Ngân nói về “tình trạng bạo loạn và chống đối người thi hành công vụ” cần phải trấn áp, chính là các cuộc biểu tình của người dân. Kinh nghiệm ở các nước sử dụng CSCĐ kỵ binh cho thấy, tác dụng tốt nhất là việc kiểm soát đám đông, vì khi ngồi trên lưng ngựa, cảnh sát sẽ có tầm nhìn tốt hơn, quan sát các tình huống diễn ra xung quanh.

Thực tế tác nghiệp cũng chứng minh, với sự hỗ trợ của những chú ngựa, các lực lượng tuần tra dễ dàng phân tán đám đông. Vóc dáng cao to của ngựa luôn khiến chúng có vai trò áp đảo.

Dư luận cho rằng, với lực lượng công an hùng hậu như hiện nay, với sự ưu đãi đặc biệt của chế độ dành cho họ, cùng với những trang bị tối tân và hiện đại, thì lực lượng công an thừa sức hoàn thành nhiệm vụ “bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”, cũng như trấn áp dân như họ đã và đang làm lâu nay.

Do đó, ngay từ khi báo chí đưa tin về việc thành lập Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh, nhiều ý kiến không ủng hộ chủ trương này. Họ cho rằng, việc thành lập đoàn này sẽ vô cùng tốn kém, như nguồn cung cấp ngựa phải mua từ nước ngoài, phải thuê chuyên gia nước ngoài về thuần dưỡng, huấn luyện cho ngựa và người, mua thức ăn cho ngựa, trang thiết bị và chuồng trại v.v…

Ở những nước dân chủ, biểu tình là quyền hiến định, người dân có quyền biểu tình để bày tỏ chính kiến của họ về một nội dung nào đó. Chỉ khi nào việc biểu tình bị lợi dụng và biến thành bạo loạn, nhằm cướp bóc, phá hoại, người ta mới huy động các lực lượng trấn áp bạo loạn. Hiếm khi các cuộc biểu tình ôn hòa bị trấn áp, ngoại trừ biểu tình xảy ra ở các nước độc tài hoặc ở các nước có lãnh đạo độc tài.

Ở Việt Nam, ngoại trừ vài cuộc biểu tình bị một số kẻ giả danh trà trộn vào đoàn người biểu tình, đập phá máy móc và đốt phá tài sản, nhằm tạo cớ cho nhà nước ra tay đàn áp, như vụ Biên Hòa, Đồng Nai, trong năm 2014, khi người biểu tình phản đối giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ta… hầu hết các cuộc biểu tình đều ôn hòa, như chống Trung Quốc xâm lược lãnh hải, chống Formosa gây ô nhiễm ở nhiều tỉnh thành…

Thế nhưng, một số người biểu tình ôn hòa đã bị đàn áp hết sức dã man, như bị đánh vào đầu chảy máu, bị đạp vào mặt, bị bẻ quặt tay chân và ném lên xe như ném con vật…

Lấy cớ chống bạo loạn, nhưng thực chất Đoàn CSCĐ Kỵ binh chỉ nhằm mục đích trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của những người tay không, mà vũ khí của họ là sức mạnh của chính nghĩa và lòng yêu nước, căm thù ngoại bang và các thế lực tiếp tay cho ngoại bang để tàn phá đất nước. Vậy mà đảng và nhà nước phải dùng đến sức mạnh và móng vuốt của loài ngựa chiến từ Mông Cổ, đã từng cất vó ngựa chinh phạt khắp các lục địa Á – Âu hồi thế kỷ thứ 13, để trấn áp dân.

Trước đây nhà nước đã không sợ tốn kém, mua 6 tàu ngầm trị giá hàng tỷ đô để trang bị cho hải quân, nhưng những lúc kẻ thù xâm phạm bờ cõi, ngang nhiên đưa tàu HD981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước ta, đe dọa nghiêm trọng sự toàn vẹn lãnh thổ, thì bóng dáng của những chiếc tàu ngầm được cho là hiện đại nhất Đông Nam Á, cũng không thấy xuất hiện đâu cả.

***

Mặc dù các cơ quan công quyền luôn sẵn sàng đối phó với người biểu tình, thế nhưng ngay cả luật biểu tình cũng bị họ trì hoãn hàng chục năm qua và tiếp tục hoãn tới cuối năm 2021, với lý do Bộ Công an đang… nghiên cứu chưa xong. Phải chăng vì chưa thành lập được Đoàn CSCĐ Kỵ binh để có thêm công cụ đàn áp người biểu tình mà luật biểu tình bị trì hoãn?

Tóm lại, việc thành lập Đoàn CSCĐ Kỵ binh, nhằm hai mục đích:

Một là trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân. Dù các cơ quan công quyền biết rằng, những yêu cầu người dân gửi thông điệp trong các cuộc biểu tình đó là chính đáng, nhưng nếu không trấn áp biểu tình ngay từ đầu, họ e ngại nó có nguy cơ như vết dầu loang, lan rộng khắp nước, đến một lúc nào đó, chính quyền không thể kiểm soát được.

Hai là vỗ béo cho một số quan tham, tha hồ đục khoét và có dịp bỏ túi khi chi tiền mua ngựa, chi phí thuê chuyên gia thuần chủng, huấn luyện ngựa và người, mua sắm trang thiết bị v.v… Cứ nhìn vụ mua máy xét nghiệm Covid-19 ở một số tỉnh, thành, thì biết: Trong khi giá mỗi cái máy chỉ hơn 2 tỷ đồng, nhưng đã bị “thổi” với giá cao hơn gấp 3 lần, trên 7 tỉ đồng.

Kết cục là, việc thành lập Đoàn CSCĐ Kỵ binh, đối với người dân, họ chẳng được lợi lộc gì, nhưng họ phải chi trả bằng tiền đóng thuế của mình. Tiền từ túi dân chạy vào túi quan bằng chính con đường này.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Xử dụng trung đoàn ky binh trấn áp tội phạm và người chống đối là hợp tình hợp lý hết sức,vì không cần sử đúng súng hơi cay,lựu đạn hơi cay của cảnh sát cơ động nhưng bọn chống đối dẫm phải mìn của đàn ngựa này cũng chạy sút quần rồi, chưa kể nước đái ngựa văng tung tóe thì không chạy trối chết mới là chuyện lạ !

  2. Không cho phép kể cả cấm ngặt người dân biểu tình nhưng phải lập trước đội
    kỵ binh cho cảnh sát để chuẩn bị đàn áp và khủng bố dân chúng sau.

  3. “Kết cục là, việc thành lập Đoàn CSCĐ Kỵ binh, đối với người dân, họ chẳng được lợi lộc gì, nhưng họ phải chi trả bằng tiền đóng thuế của mình. Tiền từ túi dân chạy vào túi quan bằng chính con đường này.” Hoàn toàn chính xác. Nhìn hình ảnh kỵ binh chẳng thấy oai phong mà rất phản cảm trong tình hình dân nghèo còn không có ăn

  4. Ông Vượng thường trực ban bí thư đã CÔNG bố phát triển htx là cách để xây dựng đất nước trong thời kỳ mới nên DÙNG NGỰA làm kỵ binh,rồi dùng LÙA,CHÓ để làm sức kéo là ĐÚNG QUI TRÌNH!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây