BTV Tiếng Dân
3-6-2020
Tin Biển Đông
Hôm 6/1, phái đoàn thường trực của Mỹ tại LHQ đã gửi Công hàm phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông lên Tổng thư ký LHQ. Theo nội dung Công hàm, Mỹ đã viện dẫn đến Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc để khẳng định các yêu sách của Trung Quốc là trái với luật biển quốc tế.
Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, tóm tắt 3 điểm chính mà Mỹ nêu trong Công hàm: (1) Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển 1982 LHQ; (2) Chấp hành Phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague ở Hòa Lan, trong đó đã bác bỏ các yêu sách về chủ quyền biển của Trung Quốc; và (3) ngừng các hoạt động khiêu khích của họ trên Biển Đông.
Hôm nay, báo Thanh Niên có bài phỏng vấn Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Theo thông lệ ngoại giao của Mỹ, khi nước này gửi công hàm phản đối một vấn đề lên LHQ, nếu bên bị phản đối không tuân thủ, thì Washington sẽ có động thái trừng phạt. Nên việc Mỹ gửi công hàm phản đối lên LHQ là diễn biến mang tính bước ngoặt trong chính sách của nước này đối với vấn đề Biển Đông”.
Như vậy, hành động này cho thấy sự đoàn kết của Mỹ với 4 nước ASEAN là Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia, thực hiện một “cuộc chiến công hàm”, đấu tranh pháp lý, nhằm ngăn chặn các yêu sách bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hôm qua, chính phủ Philippines bất ngờ tuyên bố, họ không tiếp tục kế hoạch chấm dứt hiệp ước quân sự với Mỹ, như lời đe dọa của tổng thống Duterte hồi tháng 2 năm nay, trang Manila Bulletin đưa tin. Theo đó, Hiệp định Các Lực lượng Thăm viếng (VFA) sẽ được duy trì ít nhất trong 6 tháng tới, cho phép quân đội Mỹ và Philippines tiến hành các cuộc tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có các hành động quân sự khiêu khích ở Biển Đông.
Mời đọc thêm: Mỹ gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác yêu sách Trung Quốc ở Biển Đông (TT). – Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách ‘bất hợp pháp’ của TQ trên Biển Đông — Philippines lại ‘tạm’ cho Mỹ ‘thăm viếng quân sự’ theo thỏa thuận VFA (BBC). – Căng thẳng Biển Đông khiến Philippines tạm dừng hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ (TN). – Có ‘lợi ích đáng kể’ tại Biển Đông, Ấn Độ và Australia quan ngại về hoạt động sử dụng dân quân biển (TG&VN)
Con rể Thủ tướng được “cơ cấu” vào vị trí Phó tổng cục thuế
Hôm 2/6, truyền thông trong nước đưa tin, ông Vũ Chí Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, thuộc Tổng cục Thuế, vừa được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhưng đều “lơ” đi thông tin ông Hùng là “con rể” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đáng giá về nhân vật này, các truyền thông trong nước đều dẫn cùng một nội dung, rằng “ông Vũ Chí Hùng là một cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ tốt, đã trải qua nhiều cương vị khác nhau trong quá trình công tác trong ngành thuế“, như 5 năm công tác trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, 6 năm công tác tại Tổng cục Thuế.
Tuy nhiên, dư luận không khỏi nghi ngờ về sự thăng tiến thần tốc của nhân vật này là do “cơ cấu”. Được biết, ông Hùng sinh năm 1979, làm việc tại Tổng cục Thế chỉ trong 6 năm. Với tuổi đời và tuổi nghề như vậy nhưng lại leo lên vị trí quyền lực số 2 trong một cơ quan quản lý về thuế rất béo bở.
Đầu năm 2015, trang Chân Dung Quyền Lực tiết lộ, năm 2009 Vũ Chí Hùng kết hôn với bà Nguyễn Thị Xuân Trang, là con gái đầu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chỉ sau 5 năm làm con rể Thủ tướng, Vũ Chí Hùng từ hai bàn tay trắng đã sở hữu khối tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng, với đầy đủ các bằng chứng liên quan đến nhà đất do đôi vợ chồng này đang sở hữu.
Việc xác minh các cáo buộc đối với vị tân Phó tổng cục thuế này là không khó, nếu có một cơ quan thanh tra tài sản độc lập. Nhưng rất tiếc, cơ chế này không hề tồn tại ở Việt Nam. Thay vào đó, người dân phải liên tục nghe các xảo ngữ tuyên truyền “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”.
Nhà xuất bản Tự do được trao giải thưởng Prix Voltaire 2020
Chúng tôi vừa nhận được tin, Nhà xuất bản Tự Do của Việt Nam đã vượt qua ba ứng cử viên khác đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Pakistan để giành chiến thắng giải thưởng Prix Voltaire 2020, do Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) trao tặng.
Phát biểu tại buổi lễ được tổ chức qua mạng do đại dịch, ông Kristenn Einarsson, Chủ tịch Ủy ban Tự do Xuất bản của IPA nói rằng: “Công việc của Nhà xuất bản Tự do ở Việt Nam với tư cách là nhà xuất bản du kích, xuất bản sách trong bầu không khí đe dọa và rủi ro cho sự an toàn cá nhân của họ, nhằm mục đích truyền cảm hứng. Cộng đồng xuất bản quốc tế công nhận sự dũng cảm của họ và sẽ hỗ trợ họ khi chúng tôi có thể”.
Như Tiếng Dân trước đó đưa tin, giải thưởng Prix Voltaire được lập ra để tôn vinh những nhóm hay các cá nhân sẵn sàng đối mặt với rủi ro để phổ biến những cuốn sách có giá trị cho độc giả.
Khi biết tin Nhà xuất bản Tự do được giải thưởng, bà Phạm Đoan Trang, một trong những người sáng lập ra nhà xuất bản này, viết trên facebook: “Giờ này, tất cả các gương mặt của NXB Tự Do đều đang… không ở nhà. Họ đều buộc phải rời nhà đi lang thang, để thoát khỏi sự truy lùng săn đuổi của lực lượng an ninh Việt Nam. Xin được coi đây là một giải thưởng chung cho phong trào dân chủ Việt Nam và đặc biệt, cho hàng chục ngàn độc giả dũng cảm và đáng yêu của NXB Tự Do ở khắp trong và ngoài nước”.
Ông Vũ Mão bị oan?
Ông Vũ Mão, cựu Phó chủ tịch Quốc Hội, qua đời hôm 30/5. Hôm nay, ông Lưu Trọng Văn, nhà văn có mối quan hệ sâu rộng với giới chức lãnh đạo cấp cao Việt Nam, có bài viết: “Nỗi oan của ông Vũ Mão”, nhằm giải oan cho ông Mão về sự kiện đọc điếu văn kể tội trong tang lễ của Trung tướng Trần Độ. Theo lời ông Văn, trước khi ra đi, ông Vũ Mão đã kịp viết lại sự thật về đám tang Trần Độ và nhờ một người bạn công bố trên mạng, trong đó có đoạn viết:
“Việc lực lượng an ninh dưới sự chỉ huy của đại tá Trần Đại Quang [sau này leo lên ghế chủ tịch nước và chết vào năm 2018], phó tổng cục trưởng an ninh đại diện của bộ CA trong ban lễ tang được lệnh từ hai lãnh đạo cao nhất của đảng là không để bất cứ băng rôn nào có chữ “thương tiếc” và cấp bậc của Trần Độ vào viếng. Và đó là lý do mà vòng hoa của tướng Võ Nguyên Giáp, của gia đình tướng Lê Trọng Tấn và nhiều tướng lĩnh khác bị ách lại, bắt viết lại.
Cũng trong bản công bố này, ông Vũ Mão đã nói thẳng người ép mình làm trưởng ban tang lễ mà ông một mực từ chối là Nguyễn Văn An lúc đó là chủ tịch Quốc hội. Và hai lãnh đạo cao nhất của đảng đã trực tiếp chỉ đạo tang lễ cũng như ép phải có phần kể tội Trần Độ là Nông Đức Mạnh và Phan Diễn.
Ông Vũ Mão đau xót với những gì mình vướng phải vì ông là người luôn kính trọng Trần Độ. Ông cũng thẳng thắn phê phán ông Mạnh là ‘phủi tay’ để mình ông lãnh đủ làn sóng phẫn nộ của dư luận”.
Ông Trần Độ từng là trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Cựu phó Chủ tịch Quốc hội. Cuối đời, ông phản tỉnh và kêu gọi “Đảng Cộng sản phải từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị” và “ban bố các quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản”. Vì các quan điểm này, ông bị khai trừ khỏi đảng CSVN.
Ông mất ngày 9/8/2002. Tang lễ của ông diễn ra tại Nhà tang lễ quân đội, ông Vũ Mão được đảng phân công làm Trưởng ban tang lễ, đọc điếu văn chỉ trích lỗi lầm của người đang nằm trong quan tài. Kết thúc lời điếu văn, con trai trưởng của ông Trần Độ lên tiếp lời, “gia đình và dòng họ chúng tôi không chấp nhận bài điếu văn này”, với sự vỗ tay tán thưởng của khách viếng tang lễ.
Mời đọc thêm: Thư ông Vũ Mão nói về đám táng Trần Độ (HaHien). – Gs Nguyễn Huệ Chi kể về đám tang Tướng Trần Độ (Kim Dung). – Con trai tướng Trần Độ kể lại đám tang cha sau 15 năm, ngày ông ra đi (TD).
Biểu tình ở Mỹ vẫn tiếp diễn, bất chấp lệnh giới nghiêm
Các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ bước sang ngày thứ chín, phản đối sự bạo hành của cảnh sát, giết chết George Floyd, một người đàn ông da đen. Mặc dù lệnh giới nghiêm đã được ban hành tại hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ, nhưng những người biểu tình ôn hòa vẫn tiếp tục xuống đường “chống kỳ thị chủng tộc và bạo hành của sảnh sát”, bất chấp phải đối mặt với việc bị bắt giữ qua yêu cầu đàn áp của ông Trump.
CNN tường thuật trực tiếp, cho biết, ở cấp độ quốc gia, các cuộc biểu tình hôm nay tương đối ôn hòa hơn so với các cuộc đụng độ bạo lực xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát trong những ngày cuối tuần và thứ Hai. Dù vậy, vẫn ghi nhận một số cuộc đối đầu bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình xảy ra ở một số thành phố lớn.
Chiều 2/6, cuộc biểu tình ôn hòa của người dân ở gần tòa Bạch Ốc đã bị cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su giải tán để ông Trump đi tới nhà thờ gần đó chụp ảnh. Một số người bị đánh, trong đó có phóng viên ảnh Tim Myers và nữ nhà báo Amelia Brace người Úc đang đưa tin về vụ biểu tình cho hãng tin Channel 7 của Úc.
Bình luận về sự kiện này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói: “Tất cả chúng ta đều xem với sự kinh hoàng và khiếp đảm về những gì đang diễn ra ở Hoa Kỳ… Đây là lúc nên đoàn kết mọi người. Đây là thời gian để lắng nghe, để tìm hiểu những bất công vẫn tiếp diễn, mặc dù sự phát triển trải qua nhiều năm và nhiều thập niên…“.
Tính đến sáng thứ Tư (tức tối 3/6 giờ VN), đã có khoảng 9.000 người biểu tình bị bắt giữ trên cả nước.
Mặc dù Tổng thống Trump yêu cầu quân đội ra tay đàn áp các cuộc biểu tình, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper không đồng ý. Bộ trưởng Esper phản đối việc sử dụng đội quân dập tắt các cuộc biểu tình.
Phát biểu sáng nay, Bộ trưởng Esper nói: “Việc sử dụng lực lượng chính quy trong vai trò thực thi pháp luật chỉ nên được sử dụng như là phương tiện cuối cùng, và chỉ trong tình huống khẩn cấp và thảm khốc nhất. Hiện chúng ta không ở trong ttình huống đó. Tôi không ủng hộ việc kêu gọi sử dụng Đạo luật chống Nổi loạn“.
Lầu năm góc xác nhận, có khoảng 1.600 binh sĩ đã được đưa đến các căn cứ gần Washington, DC để hỗ trợ chính quyền dân sự nếu cần. Người phát ngôn cho biết, đây chỉ là một “biện pháp thận trọng” và lực lượng này vẫn chưa có hành động nào ở DC.
Mời đọc thêm: Truyền thông Trung Quốc tăng cường đưa tin về biểu tình ở Mỹ — Người biểu tình Mỹ vẫn xuống đường, bất chấp lệnh giới nghiêm (VOA). – Cái chết của George Floyd: Tiếp tục biểu tình ở Mỹ, bạo lực giảm (BBC).
Báo “lề đảng” được dịp “tát nước theo mưa”, lên án, mô tả rất tiêu cực về các cuộc biểu tình: Biểu tình ở Mỹ: Chia rẽ và hủy hoại (VNN). – Bạo loạn đã ăn sâu bén rễ trong biểu tình Mỹ (VNE). – Biểu tình bạo loạn ở Mỹ: Người dân được khuyến khích nổ súng vào những kẻ cướp phá (ANTĐ). – Bạo loạn ở Mỹ, cảnh sát bị bắn vào đầu (DV).
Nhạc phụ và phò mã là hai thằng khốn nạn, tham nhũng đục khoét và đớp như lợn.
Bao thăng trầm lịch sử,
Đất nước thân yêu này
Có bao giờ băng hoại,
Thối ruỗng như ngày nay?
Đạo đức tụt xuống đáy.
Giả dối cứ thăng hoa.
Sờ đâu cũng tham nhũng.
Nhìn đâu cũng xấu xa.
Một ông quan đầu tỉnh
Đưa cả họ nhà mình
Lên hàng quan lãnh đạo,
Đúng và hợp qui trình.
Một cô gái tạp vụ,
Nhờ bán cái hồng nhan
Được đề bạt, giàu có,
Vì là bồ của quan.
Quan chồng “quy hoạch” vợ.
Quan mẹ bổ nhiệm con.
Chuyện thường ngày ở huyện.
Nghe mà thấy buồn nôn.
Có bố là lãnh đạo,
Con dốt và bất tài
Cũng trở thành quan lớn
Và mặc sức tiêu xài…
Còn hơn cả phong kiến,
Đầy tớ của nhân dân,
Công khai gia đình trị.
Dư luận chúng bất cần.
Sự thật là như thế.
Đất nước thân yêu này
Có bao giờ băng hoại,
Thối ruỗng như ngày nay? THÁI BÁ TÂN