Alma Resort “hút máu” cả cụ già thương binh

Bùi Quang Thắng

3-6-2020

Các nhân viên trẻ của công ty này đã lôi kéo bố tôi, một cụ già 86 tuổi vào cái gọi là “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” có thời hạn lên tới 30 năm, trị giá gần 360 triệu đồng.

Một giao dịch lớn như vậy mà cả thời gian gặp gỡ, tư vấn, ký hợp đồng, nhận tiền cọc chỉ vỏn vẹn trong 3 giờ đồng hồ (từ 14h30 đến 17h30).

Họ còn “chu đáo” đến mức cho ô tô đưa ông cụ đến tận nơi rút tiền và nhận tiền từ cụ ngay trên xe. Nhưng chỉ một ngày sau thì thái độ của họ đã quay ngoắt 180 độ.

Khi chúng tôi biết chuyện và cùng ông cụ đến công ty đề nghị dừng hợp đồng và hoàn lại số tiền hơn 100 triệu đã giao cho họ thì họ thẳng thừng từ chối dù chúng tôi đã cho biết ông là thương binh có chấn thương sọ não, có bệnh nền huyết áp cao đã bị đột quị một lần, lẩm cẩm không đủ minh mẫn để ký hợp đồng như vậy.

Họ còn lạnh lùng nói rằng ông đủ năng lực hành vi và hoàn toàn tự nguyện dù cụ đã khẳng định bị nhầm lẫn và không còn nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Tóm lại họ không những không trả lại tiền mà còn ép cụ thực hiện nốt hợp đồng, tức sẽ phải nộp thêm 260 triệu nữa nếu không muốn mất hết tiền đã nộp. Họ còn thể hiện thái độ thách thức và coi thường khách hàng khi chưa gửi trả hợp đồng đã ký theo cam kết, từ chối gặp gỡ đàm phán và không trả lời đơn thư.

Tôi xin gửi lời tới lãnh đạo Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, rằng những đồng tiền mà quý vị đã và đang muốn lấy từ bố tôi là tiền tiết kiệm từ những đồng trợ cấp thương tật ít ỏi hàng tháng hay người ta vẫn gọi là “tiền xương máu” đấy.

Ông/bà nghĩ gì khi cứ muốn hút bằng được những giọt máu cuối cùng của một cụ già bệnh tật gần 90 tuổi? Hay ông/bà muốn thể hiện văn hoá, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp mình là như vậy? Hãy trả lời cho chúng tôi và công luận được rõ!

Xin nhờ bạn bè và cộng đồng mạng hãy chia sẻ thật rộng rãi những dòng trạng thái này của tôi để nó có thể đến được với những người có trách nhiệm trong vụ việc này và cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều người khác đừng mắc phải.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Không đánh gía đạo đức của những kẻ chuyên nghề hút máu, lừa bịp, nhưng muốn biết ở VN có cơ chế nào bảo vệ nguời tiêu dùng không, để mà còn kiện?
    Ở Đức, người ta rất coi trọng việc bảo vệ người tiêu dùng, nên trong Chính phủ Liên bang có “Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng”.
    Hay ở VN gia đình cụ ông lại phải nhờ Hội cựu chiên binh, Hôi thương binh, hay một hội “xã hôi đen” nào đó để đòi lại tiền?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây