Tác giả: Haley Sweetland Edwards
Dịch giả: T.Vấn
14-5-2020
Mùa xuân khốc liệt năm nay, nước Mỹ đã phải đối đầu với hai cuộc khủng hoảng lớn. Hơn 14 tuần lễ vừa qua, đã có hơn 84,000 người Mỹ chết do Covid-19.
Con số đó lớn gấp 28 lần số tử vong của khủng bố 9/11 (3,000 người chết), hơn cả số quân nhân Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam (58,220 hy sinh) và chiếm 25% tổng số người chết vì đại dịch trên toàn cầu.
Cùng lúc đó, các biện pháp phong tỏa mọi hoạt động kinh tế, xã hội với quy mô toàn quốc đã khiến 33 triệu người mất công ăn việc làm, buộc hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ phải tạm đóng cửa và là nguyên nhân gây ra tình trạng 20% trẻ em Mỹ lâm vào cảnh bấp bênh, ăn bữa nào biết bữa ấy.
Sau cuộc khủng hoảng đại suy thoái (Người dịch: Tháng 8/1929 – tháng 3/1933) đến nay, đây là lần tệ hại nhất với những tiên đoán về chỉ số thất nghiệp có thể lên tới 20% và khả năng trở thành một cuộc đại suy thoái lần thứ hai là điều mọi người đang lo lắng.
Với số người chết tiếp tục gia tăng cùng cảm giác tuyệt vọng về kinh tế ngày càng nặng nề hơn, nước Mỹ không có thì giờ dành cho việc than khóc. Thay vào đó, chúng ta bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận về sự tương phản (và đối đầu nhau) của hai bi kịch song sinh.
Để có thể có được công ăn việc làm, duy trì cuộc sống thường nhật, khả năng thanh toán tiền nhà hàng tháng, liệu chúng ta sẽ chấp nhận được bao nhiêu cái chết? Bao nhiêu mạng sống con người chúng ta sẵn sàng hy sinh để số người còn lại có thể ra khỏi nhà làm việc để sinh sống?
Nôn nóng thúc đẩy kinh tế vận hành trước ngày bầu cử tháng 11 sắp tới, tổng thống Donald Trump đã ra sức cổ vũ cho việc mở cửa lại các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các viên chức trong lãnh vực y tế công cộng đang lên tiếng báo động. Ngày 12/5, bác sĩ Anthony Fauci, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là một thành viên chủ chốt trong ủy ban đặc nhiệm chống virus corona của chính phủ liên bang, đã cảnh báo trong một phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ về việc nới lỏng quá vội vã những biện pháp giãn cách xã hội, sẽ gây nên “nhiều đột biến nhiễm bệnh trên khắp cả nước” và “hậu quả sẽ là những cái chết và sự đau khổ không cần thiết”.
Sự việc không nhất thiết phải diễn ra như vậy. Không có lý do nào buộc quốc gia giàu có nhất thế giới – quốc gia đã từng góp phần tái xây dựng châu Âu (Người dịch: Sau thế chiến II, năm 1948, nước Mỹ đề xuất Chương trình Marshall trị giá 15 tỉ đô la nhằm giúp tái thiết các quốc gia châu Âu), đã từng đặt chân lên mặt trăng (người dịch: phi thuyền Apollo 11 của Mỹ đổ bộ lên mặt trăng tháng 7/1969), đã từng tự cho mình những đặc quyền không ai có thể chối bỏ – phải lựa chọn giữa việc phục hồi kinh tế hay bảo vệ những công dân dễ bị thương tổn nhất của mình.
Trên thế giới, những quốc gia nhanh chóng bắt tay ngay vào việc chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh đã giảm thiểu được những thiệt hại cả trên hai mặt trận. Từ những ngày đầu của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Tân Tây Lan, Na Uy và Thụy Sĩ đã có số xét nghiệm bệnh cao gấp 40 lần số xét nghiệm của nước Mỹ (tính theo tỉ lệ dân số), và tính đến hiện nay, tỉ lệ tử vong do dịch của họ, chỉ bằng 1/5 tỉ lệ tử vong ở Mỹ (tính theo tỉ lệ dân số).
Thất bại với những nỗ lực ban đầu của cuộc chiến chống dịch, nước Mỹ hiện đang gặp nguy cơ khiến tình hình còn trở nên tồi tệ hơn. Bất kể số tử vong mới nhất là hơn 1,800 người một ngày, cộng với số người xét nghiệm nhiễm bệnh gia tăng ở nhiều vùng khác nhau, hiện đã có ít nhất 41 tiểu bang đang tìm cách nới lỏng những biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan hoặc đang chuẩn bị để làm như vậy.
Ở nhiều tiểu bang, các thống đốc khởi sự xúc tiến các kế hoạch nhằm tái mở cửa kinh tế, bất kể tình hình thực tế của tiểu bang mình chưa đạt được những tiêu chuẩn hướng dẫn của giới chức y tế có thẩm quyền. Căn cứ vào tình hình này, một bản dự đoán hậu quả dịch bệnh mới nhất vừa được gởi đến Cơ quan quản lý Thảm họa liên bang (FEMA) với số người chết được tiên liệu lên tới 3,000 người/ mỗi ngày bắt đầu từ 1 tháng 6, có nghĩa là mỗi ngày sẽ là một ngày 9/11 được lặp lại.
Để tránh con số chết chóc khủng khiếp nói trên, người Mỹ cần tìm hiểu những biện pháp hữu hiệu hơn đang được thực hiện ở những quốc gia khác. Những quốc gia công nghiệp phát triển ở châu Âu và châu Á bắt đầu công việc mở cửa kinh tế trở lại bằng cách dựa vào các biện pháp tiếp tục giãn cách xã hội, mở rộng các xét nghiệm dịch bệnh và phát huy một mạng lưới dò tìm các nguồn bệnh để kiểm soát hữu hiệu một khi dịch bệnh bùng phát trở lại. Chẳng hạn như, Nam Hàn đã xây dựng một mạng lưới kỹ thuật số tối tân nhằm xác định và truy tìm dấu vết mỗi một trường hợp nhiễm bệnh mới xảy ra trong phạm vi kiểm soát; còn nước Đức đặt ra một loạt tiêu chuẩn nhằm xét nghiệm phòng ngừa cùng lúc với hoạch định kế hoạch từng bước cho việc phục hồi các hoạt động kinh tế.
Hiện nay, các chuyên gia thuộc những cơ quan nghiên cứu như American Enterprise Institute, Johns Hopkins University, và những nơi khác đã đề ra các kế hoạch chi tiết, bao gồm những tiêu chuẩn nói trên. Với sự hợp tác chặt chẽ, họ sẽ giúp chúng ta theo dõi sự bành trướng của dịch bệnh, khoanh vùng những ổ dịch bùng phát mới, đồng thời đưa ra những đề nghị dựa trên dữ kiện khoa học về những bước cần thiết cho việc mở cửa kinh tế trở lại một cách an toàn nhất.
Hiện nay, giới lãnh đạo đất nước có vẻ như không áp dụng những đề nghị của các chuyên gia một cách nghiêm chỉnh cho lắm. Nếu chúng ta không nhận ra được những sai lầm đã mắc phải, không học được những bài học bổ ích từ sự thành công và thất bại của các quốc gia khác, chúng ta sẽ gặp nguy cơ đối đầu với những thảm họa còn tồi tệ hơn nữa.
Chúng ta đã đạt được những tiến bộ trên một số phương diện. Ngày 11 tháng 5, tổng thống Trump tuyên bố rằng nước Mỹ đã “chiếm ưu thế” trong lãnh vực xét nghiệm (người nhiễm bệnh hay không). Điều đó vẫn chưa thật rõ ràng. Nhưng hiện nay nước Mỹ đã đạt được con số hơn 390,000 người được xét nghiệm mỗi ngày – một bước tiến đáng kể so với sự khởi đầu chậm chạp trước đây.
Đô đốc Brett Giroir, viên chức liên bang chịu trách nhiệm về công tác xét nghiệm bệnh dịch, tường trình với quốc hội Hoa Kỳ hồi đầu tháng 5 rằng, nước Mỹ cần phải thực hiện 40 triệu cho đến 50 triệu các xét nghiệm hàng tháng để có thể có được những dữ liệu căn bản cần thiết nhằm theo dõi sự phát triển của dịch bệnh trong nước; nhưng sớm nhất là phải đến tháng 9 năm nay mới có thể đạt được con số đó.
Như vậy, có nghĩa là chúng ta tụt lại phía sau hàng tháng trời. Dù vậy, con số xét nghiệm gia tăng cũng đủ đem lại một sự lạc quan dè dặt. Thông thường, càng nhiều người được xét nghiệm càng có thêm nhiều ca nhiễm bệnh được ghi nhận. Bởi vì, những người bình thường không cần thiết phải được xét nghiệm, gồm cả những người không hề có triệu chứng gì, hay những người chỉ có những triệu chứng nhẹ. Nhưng trong những tuần lễ gần đây, chúng ta nhìn thấy một kết quả ngược lại: Số người được xác nhận nhiễm bệnh trên toàn quốc đã được ghi nhận là giảm sút.
Ở những vùng khác nhau trong nước, mức độ phát triển của dịch bệnh cũng ở những giai đoạn khác nhau. New York và New Jersey chẳng hạn, số người nhiễm bệnh đang trên đà giảm sút. Nhưng những tiểu bang ở những khu vực khác, từ California cho tới Maine, lại nhìn thấy con số nhiễm bệnh ngày một gia tăng. Thêm nữa, lý do chính khiến con số nhiễm bệnh trên toàn nước Mỹ nói chung suy giảm là nhờ vào việc phong tỏa tại nhà của đa số dân số trong gần hai tháng nay. Bãi bỏ những biện pháp phong tỏa nói trên có thể khiến nước Mỹ phải đối đầu với làn sóng thứ hai của dịch bệnh.
Trong lúc các tiểu bang bắt đầu mở cửa trở lại, các viên chức y tế công cộng vẫn khẳng định rằng, biện pháp duy nhất để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh bùng nổ trở lại là nỗ lực theo dõi một cách chặt chẽ đường đi nước bước của con virus. Ngoài việc xác định người bị nhiễm bệnh còn phải truy tìm ra người bệnh đã tiếp xúc với những ai. Thực tế, nước Mỹ hiện nay vẫn chưa phát triển được một mạng lưới dò tìm toàn diện nhằm thực hiện công việc quan trọng này.
Tuy quốc hội Hoa Kỳ từ năm 2016 đã phê chuẩn một ngân sách 23 triệu đồng một năm cho Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh liên bang (CDC) để thành lập và điều hành công việc theo dõi và kiểm soát những nguyên nhân sinh học gây ra dịch bệnh, kể cả việc chấp thuận cho cơ quan này tuyển dụng thêm 30 chuyên viên từ tháng 6 năm ngoái, cho đến nay, cơ quan CDC vẫn bình chân như vại. Ngày 11 tháng 5 vừa qua, điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ, giám đốc CDC Robert Redfield cho biết, đại dịch Covid-19 đã “vượt ngoài khả năng” của mạng lưới truy tìm nguồn bệnh do CDC sở hữu.
Với sự vắng mặt của các nỗ lực hữu hiệu của liên bang, chính phủ các tiểu bang – cùng kết hợp với các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu và vệ binh quốc gia – đã xắn tay áo vào việc. Tiểu bang California hiện đang tỏa rộng một tầm kiểm soát bao gồm 22 quận hạt và hoạch định một dự án sẽ dần dần sử dụng một lực lượng lên đến 10,000 viên chức tiểu bang để thực hiện việc này. Tiểu bang Maryland liên kết với viện đại học Chicago và một cơ quan nghiên cứu để mở rộng gấp 4 lần mạng lưới theo dõi dịch bệnh hiện có. Những tiểu bang khác như Washington, West Virginia và Rhodes Island thì dựa vào lực lượng vệ binh quốc gia để thực hiện các nỗ lực tương tự.
Dù vậy, những cố gắng nói trên cũng tỏ ra rất khiêm tốn so với những gì mà các quốc gia tiên tiến đã thực hiện được. Mạng lưới truy dò cực mạnh của Nam Hàn bao gồm khả năng định vị những trường hợp nhiễm bệnh mới, kể cả việc dò ra những mối tiếp xúc của người nhiễm bệnh. Nhờ vậy, các giới chức trách nhiệm Nam Hàn đã không chỉ phát hiện ngay lập tức nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong tháng 5 này, mà còn nhanh chóng xác định nguồn gốc một cách chính xác (một thanh niên 29 tuổi dương tính với Covid-19 đã từng có mặt ở nhiều quán bar khác nhau), nắm vững con số bị nhiễm bệnh (102 người) và ước tính được tổng số những người có sự tiếp xúc với các mầm bệnh (5,500 người).
Sự kiện này đã có tác động đến kế hoạch dự định mở cửa lại kinh tế và trường học của quốc gia có dân số hơn 51 triệu dân này. Nhưng đồng thời nó cũng cho thấy dấu hiệu của sự thành công: Các viên chức chính phủ Nam Hàn đã chứng tỏ khả năng đối phó nhanh lẹ để kiểm soát và giới hạn các nguy cơ đại dịch lây lan.
Nước Đức, vốn đã được đánh giá cao về công việc xét nghiệm đề phòng dịch bệnh, hiện cũng đã đề ra một lộ trình có tiềm năng kiểm soát được tình hình. Trong thời gian vài tuần lễ gần đây, các tiểu bang của nước Đức đã từ từ gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, cho phép một số cửa hiệu và nhà hàng được phép mở cửa lại với những biện pháp vệ sinh cần thiết, chẳng hạn như cài đặt thêm những màn chắn (protection screen) bảo vệ nhân viên, không cho bày những hũ muối và hũ tiêu trên bàn (trong nhà hàng, như trước đây nữa).
Hôm 6 tháng 5, Thủ tướng Angela Merkel lạnh lùng phát biểu: “Chúng ta có thể tự cho mình một chút xíu táo bạo!”. Những biện pháp giới hạn các giao tiếp xã hội vẫn còn được duy trì trên toàn quốc cho đến 5 tháng 6 và mọi người bị buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xa nhau 5 bộ Anh, cùng lúc với việc các viên chức y tế công cộng bất ngờ đến xét nghiệm mỗi hộ gia đình và thường xuyên theo dõi chặt chẽ các nguy cơ ổ dịch mới phát triển.
Vậy thì, với những cách thức hữu hiệu để mở cửa kinh tế như vậy, liệu nước Mỹ có nên chỉ đơn giản bắt chước các nước bạn?
Câu trả lời ngay lập tức là KHÔNG. Không như Nam Hàn, nước Mỹ không có một kế hoạch hủy bỏ phong tỏa cấp quốc gia. Thay vào đó, 50 thống đốc tiểu bang có một kế hoạch riêng cho tiểu bang của mình. Tòa Bạch Ốc và cơ quan CDC đã ban hành những hướng dẫn cơ bản cho các tiểu bang về việc mở cửa trở lại. Nhưng không cơ chế nào đủ thẩm quyền để cưỡng chế các tiểu bang phải thi hành nghiêm chỉnh và rập khuôn. Họ chỉ có thể hy vọng rằng các tiểu bang sẽ chọn con đường đúng đắn nhất để đi.
Cho đến đầu tháng 5, hy vọng ấy chưa thành hình. Theo một phân tích của hãng truyền thông AP (Associated Press), kế hoạch tái mở cửa của hơn một chục tiểu bang đã hầu như bỏ qua hoàn toàn, hoặc hiểu một cách dễ dãi những hướng dẫn về việc tái mở cửa an toàn của chính quyền Donald Trump. Đã có ít nhất 17 tiểu bang đang trong giai đoạn tái mở cửa, bao gồm Georgia, California, Florida, Massachusetts, North Carolina, Pennsylvania, Rhodes Island và Texas, đã không thỏa mãn được những điều kiện tối cần thiết trong hướng dẫn của chính quyền liên bang: Đạt được kết quả các ca nhiễm mới hoặc những xét nghiệm dương tính sẽ suy giảm trong thời gian 14 ngày sắp tới.
Phần lớn những thất bại ấy có nguyên nhân ở chính tổng thống Trump. Ông ta nhiều lần coi thường những biện pháp đề ra bởi chính những viên chức trong chính phủ của mình, cổ vũ cho những cuộc biểu tình phản đối giãn cách xã hội qua mạng xã hội Twitter và chính trị hóa những biện pháp cẩn trọng của một số thống đốc. Ngày 7 tháng 5, hãng truyền thông AP đưa tin, chính phủ của Trump đã “chôn sống” một bản hướng dẫn chi tiết của cơ quan CDC, dự trù gởi đến các tiểu bang về việc làm thế nào tái mở cửa một cách an toàn.
Những phản ứng chính trị bất nhất của tổng thống Trump đối với cuộc khủng hoảng y tế, phản ánh phong cách lãnh đạo của ông ta, nhưng nền văn hóa đặc thù của nước Mỹ cũng đang phải đối đầu với một thách thức đáng kể. Người Mỹ vốn rất coi trọng những tự do cá nhân. Khó mà hình dung ra những biện pháp truy dò dịch bệnh mà Nam Hàn đang áp dụng – một hệ thống kiểm soát bao trùm do nhà nước thực hiện nhằm theo dõi mọi cử động, mọi hành vi của công dân – sẽ được thực hiện trên đất Mỹ.
Tương tự như vậy nếu so sánh với các biện pháp nhà nước Trung quốc áp dụng cho việc tái mở cửa trung tâm du lịch Disneyland ở Thượng Hải. Trong khi ngày đầu tiên mở cửa cho khách du lịch của nơi mệnh danh là “vùng đất hạnh phúc nhất trên mặt đất” được coi là thành công, các du khách tham dự đã sẵn sàng chấp nhận điện thoại của mình được quét (scanned) vào hệ thống theo dõi của chính quyền nhằm giúp cơ quan chức năng truy tìm trong trường hợp có dịch bệnh mới bùng nổ.
Cũng sẽ khó khăn tương tự để hình dung ra Trump, với thái độ không đếm xỉa gì đến khoa học của mình, có thể chấp nhận những biện pháp tiệm tiến từng bước, dựa trên thực tế khoa học, để tái mở cửa kinh tế nước Mỹ. Trong lúc thủ tướng Merkel của nước Đức, vốn được đào tạo là một nhà khoa học, nhận được những lời tán thưởng về tầm nhìn sáng suốt trong các biện pháp giãn cách xã hội, thì Trump lại công khai đề nghị dân Mỹ có thể chích vào người hóa chất khử trùng. Chính phủ của Merkel thường xuyên khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, thì Trump lại từ chối không chịu đeo, dù ngay trong tòa Bạch Ốc đã có người bị nhiễm bệnh. Hôm 6 tháng 5, khi được hỏi liệu vội vã mở cửa lại có dẫn tới một tình trạng bùng phát dịch bệnh mới, ông ta trả lời đầy lạc quan. “Hy vọng là sẽ không có,”, nhưng rồi ông cũng vội vã thêm vào: “Sẽ cũng có thể có đấy chứ”.
Các chuyên gia y tế tiên đoán, việc tái mở cửa sẽ có được kết quả tốt hơn nếu tiến trình ấy được thi hành một cách cẩn thận. Kế hoạch xét nghiệm đại trà cho quần chúng cũng chỉ vừa mới tạm chạy trơn tru và các chương trình truy dò mầm bệnh của các tiểu bang vẫn còn ở giai đoạn phôi thai. Chúng ta cần thêm thời gian để đẩy mạnh các chương trình nói trên đi vào vòng vận hành đủ công suất để có thể phát hiện ra những ổ dịch mới phát và có biện pháp ngăn chận chúng.
Không dễ dàng chút nào khi chúng ta phải tiệm tiến thi hành. Người Mỹ sẽ phải chứng kiến người Đức, người Úc và người Nhật tận hưởng nhiều thú vui tự do mùa hè năm nay, trong khi chính họ lại tuyệt vọng trong nỗ lực của riêng mình. Và một kế hoạch phục hồi tiệm tiến sẽ đòi hỏi sự hy sinh: Những dự án kinh tế tốt đẹp nhất sẽ buộc người Mỹ phải ra khỏi nhà của họ, vào lúc lệnh phong tỏa được bãi bỏ.
Điều đó sẽ không khó khăn lắm đối với phần lớn chúng ta. Theo kết quả một cuộc thăm dò mới đây của Washington Post/ IPsos, ¾ người Mỹ đồng ý rằng, việc trước mắt phải làm là làm chậm lại sự phát triển của đại dịch Covid-19, cho dù có phải tiếp tục đóng cửa các hoạt động kinh doanh. Ngay cả khi nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ kêu gọi một cuộc phục hồi kinh tế cho đất nước, đã có những dấu hiệu cho thấy, người dân không vội vã gì quay trở lại với đời sống công cộng.
Điều này có thể là cách tốt nhất để giữ cho đại dịch không tiếp tục lây lan. Trong lúc chúng ta vật lộn với thảm kịch song sinh trước mắt, có lẽ nước Mỹ sẽ có khả năng – như đã từng được chứng minh – tìm ra được con đường hồi phục của riêng mình.
Bài báo này sẽ được đăng trên số báo ngày 25/5/2020 của Time.