Điếu văn viếng Lão Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Nguyễn Khắc Mai

2-1-2020

Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (1916-2019).

Hỡi ôi! Lão Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã từ biệt chúng ta, lúc vừa 104 tuổi. Cụ sinh năm 1916, tạ thế ngày 26 tháng 12 năm 2019.

Như thế, Cụ đã sống trọn hơn 80 năm của thế kỷ XX và hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Cụ đã là một chứng nhân lịch sử trong một thời đại bi hùng của nước ta.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, vị thân sinh là ông đồ đi ngồi nơi (dạy học ở tư gia) tại Kiến An. Nghèo đến mức, một lần phải đóng thuế thân 2 đồng rưỡi, không còn cách nào khác đành phải cho cụ đi ở đợ, lấy tiền nộp thuế.

Năm lên sáu, nhờ có ông Bác đón về nuôi, cho học chữ nho, vỡ lòng bằng mấy quyển Tam tự kinh và Tam thiên tự.

Lên 9 tuổi đã phải đi ở đợ làm thằng nhỏ lo dọn dẹp, quét tước, nấu cơm, đi chợ, lội ao hồ hái hoa súng, cắt lá cúc tần, tối về cơm nước xong là ngồi bó hoa cho đến nửa đêm để sáng mai có hàng, đem xuống kiốt hoa tận Bờ hồ.

Mãi đến năm 15 tuổi Cụ mới được chuộc về cho đi học. Cụ sáng dạ và có chí, lai được các Cô giáo Thầy giáo và cả chế độ nhà trường thông thoáng, nên bậc học 6 năm cụ đươc nhảy lớp và chỉ học trong ba năm, thi đổ bằng cao đẳng tiểu học.

Bấy giờ ở bậc học này chương trình khá toàn diện, đức trí thể mỹ, học tiếng Pháp, có cả chữ nho. Đó là vốn liếng tri thức đầu đời rất quan trọng, để cùng với ý chí học tập suốt đời, cùng với phương châm coi trọng thực tiễn, coi trọng khảo sát, coi trọng sự suy nghĩ của riêng mình, để cụ có một phẩm chất tinh thần và trí tuệ đáng kính phục.

Cụ kể: “Thời gian học ở quê nhà, còn có một việc không thể không nhắc tới, đó là sự nhen nhóm của ý tưởng cách mạng, của tinh thần yêu nước thương nòi. Khi học lớp Nhì, lớp Nhất là lúc tôi bước vào tuổi thanh niên, đã bắt đầu biết suy nghĩ về nhân tình, thế thái, về thời cuôc. Trong học sinh nhiều người chuyền tay nhau những bài thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, như bài: Gánh Nước Đêm:

Đêm khuya canh đã hầu tàn,

Anh ơi ngồi dậy để em than mấy lời.

Sự tình cực lắm anh ơi,

Nước non gánh nặng, cuộc đời có biết không?…”

Hay bài: Lời Phi Khanh dặn Nguyễn Trãi:

Con đang độ đầu son tuổi trẻ,

Bước gian lao há để nhường ai,

Phải nên thương lấy giống nòi,

Đừng ham phú quý mà nguôi tất lòng.

Mấy trang hào kiệt xưa kia,

Hy sinh thân thế cũng vì nước non.

Làm trai hồ thỉ tứ phương,

Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng”.

“Những câu thơ đã khiến tâm hồn của người thanh niên đang độ hăng say nhịp sống như tôi đó, không thể không chấn động, không thể không thấy máu huyết sôi lên”.

Từ 1936 đến 1940 cụ ra Hà nội kiếm sống, học nghề in, rồi xin làm việc ở nhiều nhà in tư nhân.  Đây là bước ngoặc thứ hai quan trọng của cuộc đời, Cụ đã gặp được những nhà cách mạng đang hoạt động bí mật, chống Pháp, chống Nhật cứu nước, như Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Trân, Đào Duy Kỳ… Cụ được họ tuyên truyền, huấn luyện về chủ nghĩa yêu nước, cách mạng.

Cụ tham gia “Bắc kỳ ấn công ái hữu hội” (Hội ái hữu thợ in Bắc kỳ), được cử làm Thư ký Hội. Thời gian này cụ vừa được huấn luyện, vừa rải truyền đơn, tổ chức mít tinh, tổ chức những cuộc đấu tranh đòi tăng lương ở một số nhà in. Đặc biệt, Cụ đã tham gia tích cực vào cuốc biểu tình có hàng vạn thợ thuyền và người lao động, rất nổi tiếng vào năm 1938 tại Nhà Đấu xảo, nay là Cung Lao động Hữu nghị ở phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Vào tháng 9 năm 1939, cụ đã được tổ chức kết nạp vào Đảng Cộng sản. Giữa năm 1940 cụ bị mật thám theo dõi, Cụ đã bị bắt đưa đi “an trí” ở Đắc Lây, rồi bị đưa về Đắc Tô, giam giữ. Trong tù, các cụ được tự quản lấy đời sống, tổ chức nuôi gà, vịt, heo, trồng rau, để cải thiện. Chỉ phải muỗi rừng quá dữ, các cụ bị sốt rét. Cụ cũng bị sốt rét ác tính, mê man đến hai ngày đêm, may rồi cũng tỉnh đậy được.

Các cụ tổ chức học văn hóa, học chính trị, học mộc, rèn, học đan lát, học may. Lại có cả lớp học chữ nho do cụ Đồ Hiếu dạy. Cụ cũng đã học nghề y tá, tiêm cho bạn tù hàng ngàn mũi mà không bị tai biến nào, học đan mây, làm được cả chiếc va ly mây cho mình, học thủ công mỹ nghệ, làm được quản bút bằng sừng đẹp, tên Tây đồn mua, trả một đồng Đông Dương. Cụ tự nhận xét: “Có thể nói 5 năm ở tù, tôi thấy mình trưởng thành lên hẳn, trình độ chính trị được nâng lên, văn hóa nâng lên và biết thêm được nhiều việc, nhiều nghề”.

Tháng 2/1945 chúng thả cụ ra cùng mấy người nữa, nhưng chúng không thả ngay, mà dẫn giải ra tận lao Thừa phủ Huế, nhân khi Nhật đảo chính, mới được người nhà đến lãnh ra. Cụ đã ở Huế mấy tháng tìm lại những đồng đội cũ ở Đắc Tô và liên lạc với tổ chức Việt Minh. Sau đó mới về quê, rồi ra Hà Nội. Việc đầu tiên là cụ tìm hỏi tin tức người yêu là bà An đang bị giam ở Hỏa lò. Mua bánh vào thăm, gặp nhau bùi ngùi khôn xiết!

Cụ được giới thiệu về ATK ở Đông Anh, làm nhà in báo Cờ Giải Phóng. Ngày 21 tháng 7, Cụ tham gia lãnh đạo nhân dân giành chính quyền huyện Đông Anh, được “phân công làm bí thư, tổ chức họp các đảng viên lập đảng bộ huyện, đi các xã thành lập chính quền mới, tổ chức huấn luyện cán bộ, tổ chức Tuần lễ vàng, thực hiện chống giặc đói giặc dốt, giặc ngoại xâm. Những sinh hoạt của cán bộ thời đầu thật giản dị. Thóc lấy được trong kho của Nhật, xay giã nấu cơm, cua bắt ngoài đồng rang, bí thư chủ tịch trải chiếu giữa sân cùng ăn với tự vệ.

Cách mạng là cuộc điên đảo lịch sử, rung trời chuyển đất, nhưng với cụ, cụ đã gặp được người, mà mình sẽ gá cuộc trăm năm. Cụ đã gặp bà An khi hai người cùng đi hoạt động bí mật và họ đã yêu nhau. Cụ kể lại, chả có cưới xin gì, mà chúng tôi đã sống với nhau đến “đầu bạc răng long”.

Cụ từng đãm nhận các chức vụ như Bí thư tỉnh ủy Phúc Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Phó Ban Tổ chức Trung ương, làm Trưởng Đoàn Cố vấn giúp Lào từ năm 1964 đến 1973. Tuy nhiên 13 năm làm Đại sứ ở Trung Quốc mới thực sự là cuộc thử thách phẩm chất Nguyễn Trọng Vĩnh.

Cụ kể: “Làm Đại sứ ở Trung Quốc trong những năm họ khiêu khích và biến Việt Nam thành kẻ thù, đành rằng rất căng thẳng, nhưng với tôi không chỉ có vất vả gian khổ. Cũng có những khi được “đắc ý”, ấy là niềm vui sau những cuộc đấu lý với Trung Quốc.

Cụ cũng từng vào quân đội, tham gia nhiều chiến dịch, giữ nhiều chức vụ quan trọng, cũng băng rừng lội suối, cơm nắm, rau rừng, có thời “trứng rận trắng áo len”. Năm 1959, Cụ được phong Thiếu tướng, Cụ tự hào luôn sâu sát hiểu được cán bộ, nên đã bảo vệ được nhiều người tài, như trường hợp Phạm Hồng Sơn vốn là sinh viên tham gia quân đội, bị “Đoàn ủy CCRĐ” gởi công văn đòi đưa về địa phương đấu tố. Cụ đã báo cáo Chủ nhiệm TCCT bảo vệ được cán bộ. Phạm Hồng Sơn sau là Trung tướng.

Năm 1990, hai năm sau khi làm Đại sứ Trung Quốc trở về, ở tuổi 84 Cụ mới nghỉ hưu. Tuy hưu mà Cụ không hề nghỉ. Cụ tham gia tổ chức Hội Người Cao tuổi cùng với GS Phạm Khuê, Cụ lại tham gia tổ chức Hội Cựu Chiến binh, tham gia Hội Chữ Thập đỏ ở phường, đóng góp làm từ thiện. Không như nhiều cán bộ cao cấp bám hội để tự vinh danh, cụ lập xong là về không tiếp tục giữ bất cứ chức vụ nào!

Người xưa nói, Lão giả an chi (đã già thì ngơi nghỉ). Ở vào tuổi siêu xưa nay hiếm, Cụ vẫn theo dõi tình hình Đất Nước, tình hình Đảng. Cụ viết hàng trăm thư ngõ, kiến nghị, bài phân tích, nhận dịnh tình hình đối nội, đối ngoại. Cụ nêu chủ kiến của mình thẳng thắn, công khai, tâm huyết, thiện ý, về những vấn đề trọng đại của Đất nước, của xã hội như:

Hãy từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin và đường lối CNCS, CNXH, định hướng XHCN sai lầm, vô vọng, tội lỗi.

Hãy sửa chữa đảng thành đảng dân tộc, dân chủ, tôn trọng ý kiến phản biện, thi hành dân chủ trong đảng… từ bỏ tư cách đảng cai trị, độc tài toàn trị, trở về với tư cách đảng lãnh đạo, tôn trọng nhân dân, tôn trọng trí thức…

Phát triển nền kinh tế tự cường, tự chủ. Tăng cường quốc phòng chống Trung Quốc bành trướng xâm lược. Cụ yêu cầu sửa chữa những sai lầm trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc như bauxite Tây Nguyên, Formosa, cho Trung Quốc thuê đất ở biên giới, làm đặc khu, cảnh giác với những dự án kinh tế liên quan đến Trung Quốc…

Cụ hoan nghênh, tôn trọng những người trẻ có kiến thức, có tâm huyêt đấu tranh, mong ước nước ta có nền kinh tế lành mạnh, có môi trường sạch sẽ, có tự do, dân chủ, tiếng nói của mọi người dân được tôn trọng, chính quyền trong sạch, không hèn với giặc, ác với dân… Giới trẻ coi cụ như một cổ thụ, chỗ dựa tinh thần cho mình.

Riêng với Trung Quốc, Cụ thật sự đã “đi guốc trong bụng họ”. Cụ khẳng định, Trung Quốc giúp ta đánh Pháp, chống Mỹ cũng là vì lợi ích của họ. Cụ cảnh báo, phê phán hành động xâm lấn biển đảo của ta, gây sức ép về quân sự, nhiều lần hù dọa chiến tranh để lung lạc tinh thần và ý chí của lãnh đao VN. Cụ nói rõ, “môt ngàn năm nữa Trung Hoa vẫn chưa thay đổi tư tưởng bành trướng nước lớn”.

Đối sách với Trung Quốc phải là: Kiên quyết bảo vệ độc lập và chủ quyền của đất nước, phải thật sự dân chủ để làm thế trận lòng dân, chống việc bắt bớ giam cầm những người yêu nước chỉ vì chống Đại Hán xâm lược, có chính sách đúng đắn làm cho Tổ Quốc vững mạnh và phát triển, dân no đủ, có dân chủ, tự do, hạnh phúc, thật sự chống tham nhũng, loại bỏ những cán bộ đương chức, đương quyền, cơ hội, thoái hóa, cần một ban lãnh đạo gương mẫu có tầm nhìn xa, trong sạch, có lòng tự tôn dân tộc, dũng khí thật lòng vì dân vì nước, phải, tăng cường quốc phòng, nhất là Hải quân, hợp tác với bạn bè bốn phương ủng hộ ta chống Đại Hán xâm lược, kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế…

Cụ là tấm gương về một nhà cách mạng chân chính. Cụ là mẫu hình của một thế hệ trẻ, của một thời kỳ nước sôi lửa bỏng chống thực dân và đế quốc xâm lược, ôm ấp hoài bão “Tiến lên nền Dân chủ Cộng hòa”, “Lập Quyền Dân, tiến lên Việt Nam”, là những khẩu hiệu văn hóa trong những khúc ca hùng tráng.

Cụ là kết tinh của một nền văn hóa, một thời đã đi không trở lại, của những phẩm chất nho gia quý giá với một nền học vấn đậm chất phương Tây mới mẻ. Cụ là hiện thân của môt tinh thần “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, suốt đời đau đáu một tấm lòng chân thật vì dân, vì nước. Là con Người, cụ cũng có những kỷ niệm trữ tình lãng mạn, đẹp. Hơn thế, cụ là người con trung hiếu, trong một gia phong cổ kính, ăm ắp tình yêu thương, trách nhiệm.

Cụ để lại cho chúng ta biết bao nét đẹp tinh thần, biết bao những kinh nghiệm đối nhân xử thế. Thật sự Cụ là con người của Minh Triết Việt.

Cụ làm nhiều thơ, có lẽ bài thơ “Quý Mùi Tự Bạch”, là hình ảnh gửi lại cho chúng ta:

“Tuổi thọ trời cho ngót chín mươi,

Mức sống dân cho cũng đủ rồi.

Con cháu thăm nom tròn đạo hiếu,

Bạn bè qua lại ấm tình người.

Uống ăn khoa học người còn khỏe,

Chơi tập điều hòa sắc vẫn tươi.

Nợ nước, ơn dân đền cũng tạm,

Lòng còn nhức nhối nỗi lo đời…!”

Hình ảnh Cụ và những bài học làm người, làm người công dân có trách nhiệm, còn mãi trong Tâm trí chúng Ta. Xin có đôi câu đối kính viếng CỤ:

Trọng Độc lập, trọng Dân Quyền, Trung Hiếu, gương soi một thuở,

Vĩnh biệt tiễn đưa, Vĩnh hằng cõi ấy, An nghỉ ngàn Thu.

Cẩn bút, Nguyễn Khắc Mai

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây