Cao tốc Bắc – Nam: Giá của hai bộ đưa ra, chênh nhau tới 126%

BTV Tiếng Dân

10-7-2019

Phương án làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam của hai Bộ chênh nhau 32 tỷ USD, VnExpress đưa tin. Bộ GTVT của ông Thể trình phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam với giá 58,7 tỷ Mỹ kim. Trong khi đó, Bộ KHĐT của ông Dũng cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD. Giá của hai bộ đưa ra chênh nhau tới 32,7 tỷ USD, tức khoảng 126%.

Giá ước tính của Bộ KHĐT đưa ra cho loại đường có tốc độ tối đa 200 km một giờ, còn giá của Bộ Công thương cho loại đường có tốc độ 350 km một giờ. Bộ KHĐT phê phán phương án của Bộ GTVT: “Phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tốc độ tối đa 200 km một giờ là phù hợp, giảm chi phí đầu tư xã hội. Việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ 350 km một giờ chỉ để chở khách mà không phục vụ vận tải hàng hóa là quá dư thừa và lãng phí”.

Báo Lao Động bàn về các con số 58 hay 26: Toàn là “tỉ đô” chứ không phải vàng mã. GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng, con số 58,7 tỉ Mỹ kim lớn gấp 50 lần tổng chi của ngân sách trung ương dành cho phát triển hạ tầng giao thông của một năm tài khóa.

Với phương án 26 tỉ Mỹ kim, Bộ KHĐT thừa nhận, sau khi hoàn thành đầu tư đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP HCM vào năm 2032, năng lực khai thác 2 tuyến này đạt 364.000 hành khách/ngày. Trong khi dự báo số lượng hành khách trên 2 tuyến này vào năm 2035 chỉ đạt từ 55.000 – 58.000 hành khách/ngày, tương đương gần 16% công suất đầu tư.

58,7 tỉ Mỹ kim là “tiền thuế, là nợ công, là việc buộc phải dồn nguồn lực chứ không phải là vàng mã. Và sẽ rất tai hại nếu quy mô ấy được tính toán dựa trên những thông số quá lạc quan, thậm chí sai về lưu lượng hành khách“.

VOA dẫn lời GS Võ Đại Lược: VN tính làm đường sắt cao tốc là ‘hơi hoang tưởng’. GS Võ Đại Lược, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng, các con số dự toán ở VN “chẳng bao giờ chính xác cả”, và thông thường số tiền phải chi trên thực tế sẽ “cao gấp rưỡi” so với dự toán. Hơn nữa, với quy mô và tốc độ tăng trưởng như hiện nay, “trong 5-10 năm nữa Việt Nam chưa nên làm đường sắt cao tốc”.

Ông Lược cảnh báo, Nhật Bản là nước có GDP và thu nhập bình quân đầu người đều cao hơn VN gấp nhiều lần, nhưng đường sắt cao tốc của họ vẫn “không thu lợi được mà chỉ hòa vốn, thậm chí nhà nước phải bù lỗ”. Còn ở Trung Quốc, tình hình “không khá hơn gì”.

Tác giả Đào Tuấn kết luận: “Để làm gì đâu những đoàn tàu chạy phăng phăng nhưng rỗng khách? Có ý nghĩa gì với sự hoành tráng đối với một đất nước còn chưa giàu có, nợ công luôn sát ngưỡng?

Mặc dù, đất nước nợ đầm đìa, ngân khố trống rỗng, nhưng các quan cứ muốn đầu tư, lập dự án, chi xài tiền, vì có làm mới có số % hoa hồng, lại quả, bỏ túi, mặc dù đất nước chẳng còn gì để cho họ rút ruột.

________

Mời đọc thêm: Bộ KH-ĐT tính toán xây đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chỉ khoảng 26 tỉ USD (TT). – Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vốn làm ĐSCT Bắc – Nam chỉ 26 tỷ USD, Bộ Giao thông: 58 tỷ! (DT). – Đường sắt cao tốc, Bộ Giao thông đắt đỏ 58 tỷ USD, Bộ Kế hoạch tiết kiệm 32 tỷ USD (VNN). – Làm đường sắt Bắc – Nam có thể giảm hơn 30 tỷ USD, Bộ GTVT nói gì? (Zing). – Vì sao Bộ KH&ĐT tính làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam chỉ tốn 26 tỷ USD? (VOV). – Tranh luận về hai phương án đường sắt cao tốc ‘chênh nhau 32 tỷ USD’ (VNE).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây