Financial Times & Vin – Nhìn theo nền báo chí tự nguyện gỡ bài

Tâm Chánh

29-6-2019

Viết về Vin, Financial Times chỉ trình bày lại một cách tiếp cận từ dư luận xã hội, không hơn, không kém.

Nó làm cho tôi bối rối thực sự khi trông chờ nghe thấy tiếng nói của những nhà đầu tư từ bên ngoài, coi họ hiểu những gì làm ra sức mạnh tài chính và năng lực huyền thoại của Vin trong việc biến các khu đất vàng thành vàng, biến từ vàng của đất thành chất xám Việt kiều, thành quản trị chiến lược, thành văn hoá doanh nghiệp, hay ít ra cũng thành Vin trong bán lẻ, y tế, giáo dục, xe hơi, xe máy, điện thoại đi động hay thời đại 4.0. Mà đất của Vin trong luận lí ấy cũng chỉ từ mì gói trong nước.

Nói cách khác để hiểu Vin phải hiểu dòng tiền vào ra ở Vin. Chính các nhà đầu tư bên ngoài là một phần hình ảnh của dòng tiền đó.

Tôi cũng tưởng có thể hiểu trung thực hơn về sự nhạy cảm luôn tồn tại cùng với Vin, không chỉ trong giới báo chí, mà còn cả ở chuyên gia, quan chức, nghị sĩ, lãnh đạo…

Từ sự dè dặt ban đầu, Vin đã như một biểu tượng hàm ý cho cuộc thù tạc về đổi mới mà cơ bản chẳng khác gì một tình duyên ngang trái có được khúc kết hậu hĩnh giữa những người Cộng sản và giới chủ Tư bản.

Thú thật, đọc bài của Financial Times (FT) qua các đối chiếu bản dịch trên mạng xã hội và những còm cỡ trình chuyên gia, tôi lại nuôi dưỡng “thú tính” của mình, “nhốt” từ Võ Văn Thưởng tới các vị “tư lệnh”, tham mưu “mặt trận báo chí” trong vị trí một “nhà báo cách mạng”, sau khi đọc bài ấy của báo bạn, triển khai cho “báo mình” đề tài điều tra “thực hư bí ẩn về đế chế Vin, những điều FT chưa biết”. Yêu cầu có đề cương nghiệp vụ trễ nhất đến 19h thứ hai, 01.07.2019 nộp.

Chỉ có như vậy mặc may các vị ấy mới thấy sự ưu việt của nền báo chí tự do theo chỉ đạo của các vị ấy thực chất đã giết chết năng lực báo chí.

Nhiều điều còn mơ hồ khi FT lên báo về Vin có lẽ đã dễ rõ ràng khi việc cản trở thực thi luật báo chí bị ngăn chận từ những hành vi nhỏ nhất. Cứ lôi ra những tin nhắn, những lời khuyên của kẻ có thẩm quyền đã nhào nặn ra Vin như một vùng cấm của truyền thông chí ít cũng là một hướng nghiệp vụ có được thông tin cụ thể, rõ ràng.

Thực sự những kiểu chỉ đạo tin nhắn hay kiểu đại gia “giám sát” báo chí để nền báo chí tự nguyện tháo gỡ tin bài nhạy cảm là thủ phạm chính yếu làm băng hoại nền tảng chuyên nghiệp của báo chí, là sát nhân số một thủ tiêu báo chí điều tra một cách nhất loạt sau 2008. Đó chẳng khác gì một thứ ngáo đá về quyền lực thông tin mà đi cùng với nó là cuộc rượt đuổi chống chạy, càng chống càng chạy, đến khi chống để chạy là trận đồ cơ bản hoàn thành.
Cứ như vậy, chiến công lớn lao nhất của chúng ta là hoàn thành việc chuyển đổi báo chí cách mạng, từ công cụ cách mạng của nhân dân thành công cụ của tầng lớp, thậm chí là của không ít lãnh đạo cầm quyền. Còn tệ hơn ở Thủ Thiêm, nhân dân trong trường hợp này thậm chí không có một đồng đền bù.

Một nền báo chí cứ hết vụ này đến vụ khác, hết thực tiễn này đến thực tiễn khác, xoay mù trong ảo giác nhạy cảm để rồi các đồng nghiệp bên ngoài điều tra ra được kết quả vốn tồn tại trong dư luận xã hội đã từ lâu mà báo chí trong nước không khó gì để có thể phát hiện ấy.

Rồi bất chợt một ngày người ta nhất loạt viện đến lòng dũng cảm, nhất loạt chê trách nền báo chí yếu kém, suy đồi, thậm chí còn thổi phồng báo chí như một thứ sức mạnh hoang dã, tanh hôi, ghê tởm.

Và rất hoan hỉ chờ đợi lòng dũng cảm quốc tế “vào cuộc” tìm ra cái điều mà sự yếu kém trong nước đã không nói ra từ cỡ 10 năm trước.

Sẽ không cần một cảm giác FT về đế chế Vin mặn mòi đến thế, nếu sự thật những điều bí ẩn làm nên sự thần kì của Vin cần nhiều hơn cái tưởng là lòng dũng cảm “dám đụng đến Vin”.

Không tin hãy chờ chuyến đi thực tế mà “thú tính” của tôi muốn điều động một số nhân sự trong ba ngày cho một chiến dịch đặc biệt “hưởng ứng” không khí FT.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây