Hơn cả “ám sát” hàng Việt

Mai Quốc Ấn

22-6-2019

Hãy nhìn thật kỹ tiêu đề và chapeau bài báo này. Nó “chạm” được vào cảm xúc yêu nước theo một nghĩa nào đó. Và đớn đau làm sao, cái thương hiệu được cho là góp phần “chặn đứng bước tiến của hàng Trung Quốc” đã bị vạch trần rằng là thứ hoàn toàn made in…. China về bản chất.

Đó là một “đòn ám sát” về mặt kinh tế. Hãy thử tưởng tượng những sản phẩm “đội lốt” Việt Nam ấy sẽ vươn ra thế giới và bị bóc trần bằng những đòn trừng phạt kinh tế của các đại thị trường như Mỹ, EU hay Nhật, Úc, Ấn Độ. (Khi ấy, nền kinh tế quốc gia “trọng thương” và nhân dân thì tổn thất gấp đôi. Ngoài mất tiền còn là mất niềm tin.)

Có một thuyết âm mưu rằng báo TT và báp PN Tp.HCM được “bật đèn xanh” đánh hàng Tàu đội lốt. Điều này được đưa ra bằng các luận điểm liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và các hệ luỵ của nó nếu Việt Nam trở thành “sân sau” để hàng Tàu vươn ra thế giới.

Kể cả có như giả thuyết ấy thì cũng là một tín hiệu tốt! Vì rõ ràng chơi với kẻ “thâm như Tàu” dã được cha ông truyền đời nhắc nhở rõ ràng điều tốt quá ít mà nguy cơ và hậu quả đã quá nhiều.

Vẫn là một tín hiệu tốt khi thời điểm này, nắm trước, một doanh nhân đã hỏi tôi nghĩ gì về dòng tiền Trung Quốc. Do là một câu hỏi chung chung nên tôi cũng đáp khá chung chung: Anh có nhớ cuộc xuống đường phản đối dàn khoan HD981 không? Tôi nghĩ đến một cuộc xuống đường nào đó tương tự trong tương lai với thứ giàn khoan ở nhiều dạng khác đang khoan thủng lỗ chỗ nền kinh tế quốc gia này từng ngày….

Thế giới đang vận hành rất nhanh và kiểu dự đoán mang màu sắc “hoa sữa tháng Năm” sẽ khó mà tồn tại mãi. Tại các quốc gia hiện nay, đám đông vẫn giữ thuộc tính cơ bản của thứ chủ nghĩa dân tộc thuần tuý. Và theo một cách dân tuý đầy thông minh như Tổng thống Trump với khẩu hiệu “Keep America Great” (giữ nước Mỹ vĩ đại), đã cho thấy xu hướng dân tộc chủ nghĩa và các bản sắc truyền thống đang ở thế chủ đạo.

Vấn đề là sau khi phát hiện ra “thích khách” Asanzo sẽ là gì? Đây là điều xứng đáng quan tâm nhất bởi nếu nhìn quốc gia này dưới góc độ của quyển sách Lời thú tội của một sát thủ kinh tế (John Perkins) thì cuộc “ám sát” không chỉ đơn thuần trên một lĩnh vực hay một mặt hàng. Nhân dân nên lo lắng bởi thực sự nhân dân nói chung không rõ trong những thiết bị tưởng chừng made in Vietnam như cục moderm wifi hay cây bút bi, xe gắn máy, xe hơi, máy quạt, nồi cơm điện, tủ lạnh, tivi,… có con chip nào mà Bắc Kinh cài cắm hay không.

Tôi thấy về mặt này, lực lượng vũ trang mới cần phải lo nhất! Trước khi có các cảnh báo về tình báo công nghệ vỏ bọc Huawei thì rất nhiều thiết bị (viễn thông chẳng hạn) ruột Tàu, vỏ Việt đã tràn lan. Nghiêm túc mà nói, “ông chú Dziettel” cũng có phần bởi một thường dân chịu mày mò như tôi còn tìm ra được đâu là phần ruột Tàu trong thiết bị cơ mà.

Cảm nhận rõ dần của người viết là có một sự chuyển động nội tại của hệ thống chính trị. Như mọi cách thức dân tuý khác, tôi không tin vào những khẩu hiệu kiểu “giúp Việt Nam vĩ đại”. Đơn giản, đó là cuộc phân chia dòng tiền và rõ ràng dòng tiền không mang màu sắc của quân bành trướng chí ít cũng an toàn hơn.

Cũng khoan vội mừng, thưa nhân dân! Những cuộc “cắm rễ” vào lòng tham người Việt, những đợt “gieo giống” mang màu sắc chuyên gia và nhân công “nước lạ” không phải chỉ mới gần đây mới có mà diễn ra chừng 8 thập kỷ nay rồi. Những trận “thiệt quân, mất tướng” như trận Lão Sơn giai đoạn giữa năm 1984 do nội gián đã không ít lần diễn ra trên chiến trường kinh tế. Hãy tìm lời cảnh báo của tướng Trương Giang Long trên Youtube nếu bạn chưa hiểu…

Giá trị Việt phải từ người Việt. Giá trị Việt càng không thể nhân danh mà không bị trả giá. Hãy quan sát tiếp về cách xử lý những kẻ đứng sau ở Asanzo và những thương hiệu cùng cách làm “ruột Tàu + vỏ Việt” để nhận định thêm về xu hướng có dấu hiệu tốt là thúc đẩy nền sản xuất nội tại và khối kinh tế tư nhân. Không có hai cột trụ này trong khi những “cú đấm thép mang tên kinh tế nhà nước” từng đấm vỡ mặt ngân sách từ thuế dân vẫn sừng sững thì cuộc “ám sát” thương hiệu Việt sẽ còn kéo dài.

Yêu nước là dùng hàng Việt? Đúng! Nhưng cũng cần hiểu bài Tàu cũng chỉ là một “bài” để chính danh củng cố lại quyền lực cai trị mà thôi.

Một thể chế tốt sẽ “phản gián” bọn tình báo kinh tế lúc chúng không ngờ nhất như cách EU, Mỹ, Nhật, Úc và phần nào là Ấn Độ đã bắt tay “đánh hội đồng” Bắc Kinh. Chứ không phải phụ thuộc vào Trung Quốc như con ốc bé xiu đến dường cao tốc, đường sắt trên cao đầy bậy bạ!

Vấn đề của quốc gia này, như nhiều lần tôi đã viết, chính là thể chế chưa tốt!

Ảnh chụp màn hình bài báo Pháp luật VN

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. CÔNG LUẬN RÚNG ĐỘNG VỤ ASANZO: HÀNG TRUNG QUỐC ‘ĐỘI LỐT’ HÀNG VIỆT
    (Báo Người Việt)
    SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 21 Tháng Sáu, công luận rúng động trước tin Tập Đoàn Asanzo được biết đến với một loạt sản phẩm “hàng Việt Nam Chất Lượng Cao Do Người Tiêu Dùng Bình Chọn, sử dụng công nghệ Nhật Bản” bị tờ Tuổi Trẻ phanh phui là hàng “made in China” nhập nguyên đai nguyên kiện về, sau đó tháo nhãn và gắn mác Asanzo.
    Vụ này diễn ra trong bối cảnh TV Asanzo được ghi nhận chiếm tới 30% thị phần TV tại Việt Nam, nhất là tại các vùng nông thôn. Trong khi đó, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch kiêm nhà sáng lập Tập Đoàn Asanzo, được truyền thông nhà nước ca ngợi là “hình mẫu làm giàu” và xuất hiện trong show truyền hình Shark Tank – Thương Vụ Bạc Tỷ mùa thứ ba. Ông Tam được nhìn nhận là một trong các doanh nhân đề cao tinh thần dân tộc trong việc khởi nghiệp.
    Tờ báo của Thành Đoàn CSVN cho biết: “Tháng Tám, 2018, một nguồn tin cho biết nhà máy Asanzo chỉ lắp ráp TV từ linh kiện nhập từ Trung Quốc. Còn đồ điện gia dụng thì nhập ‘nguyên con’ từ Trung Quốc, chứ họ không sản xuất một mẩu linh kiện điện tử nào. Từ năm 2014 đến nay có tới 19 công ty nhập khẩu sản phẩm điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc. Ngoài ra, còn một số công ty chuyên nhập linh kiện nhãn hiệu Asanzo để lắp ráp TV, máy lạnh, điện thoại…”
    “Tất cả các lô hàng đồ điện gia dụng nhãn hiệu Asanzo mà 19 công ty nhập về Việt Nam đều có C/O form E, do cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc cấp. Khi làm thủ tục thông quan, các công ty nhập khẩu cũng khai báo xuất xứ hàng hóa là Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi thu thập rất nhiều chứng cứ cho thấy các sản phẩm Asanzo bán trên thị trường lại ghi xuất xứ: Việt Nam.” Sản phẩm điện gia dụng Asanzo đã được bình chọn là “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao năm 2017,” theo Tuổi Trẻ.
    Trước khi có vụ “lật mặt” này, một bài trên báo Tri Thức Trẻ viết: “Sau 5 năm thành lập, từ một công ty khởi nghiệp nhỏ, Asanzo trong tay ông Phạm Văn Tam đã phát triển thần tốc, trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu thị trường điện tử Việt. Bên cạnh TV, các dòng sản phẩm điện gia dụng, điện tử, điện lạnh, thiết bị thông minh của Asanzo ra đời sau đó tiếp tục kiên trì với tiêu chí “may đo” cũng đã nhanh chóng chinh phục thị trường. Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6,250 tỉ đồng ($268 triệu), tăng 35% so với năm 2017. Xây dựng thương hiệu điện tử bằng lối đi riêng, doanh nhân Phạm Văn Tam còn mong muốn lan tỏa ‘tinh thần Việt Nam’ đến cộng đồng startup trẻ bằng những hành động thiết thực.”
    Đáng lưu ý, trước khi vụ việc vỡ lở, trang web của báo Tuổi Trẻ hiện vẫn còn lưu một số bài PR cho Asanzo. Một bài trong số đó đăng hồi Tháng Mười Hai, 2018 viết: “Asanzo tặng máy lọc nước trị giá hơn 200 triệu đồng ($8,581) cho quê nhà của cầu thủ Quang Hải. Đây không phải là lần đầu tiên doanh nhân sinh vào thập niên 1980 thực hiện các cam kết trao thưởng cho các cầu thủ và đội tuyển Việt Nam. Là một doanh nhân yêu thích bóng tròn, ông Phạm Văn Tam đã nhiều lần tài trợ, tặng thưởng cho đội tuyển.”
    Vụ bê bối của Asanzo được cho là tương tự vụ khăn lụa “tơ tằm Việt Nam” của Khaisilk bị phát giác là hàng “made in China” hồi cuối năm 2017, và khiến doanh nhân Hoàng Khải, chủ doanh nghiệp này “thân bại danh liệt,” dù trước đó ông này cũng là một trong các nhân vật chính của show truyền hình Shark Tank – Thương Vụ Bạc Tỷ.
    Hồi cuối Tháng Năm, 2019, truyền thông nhà nước dẫn lời Thứ Trưởng Công Thương CSVN Đỗ Thắng Hải nói Công An Hà Nội “đã khởi tố vụ Khaisilk bán lụa Trung Quốc nhưng gắn tem ‘made in Vietnam.’” (T.K.)

Leave a Reply to Vo Danh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây