Chính tri của chính trị (Phần 8)

GS Lê Hữu Khóa

9-6-2019

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6phần 7

Chính quyền (không) xóa não

Chính quyền (không) xóa não là chính quyền biết trọng chất xám, nâng niu tri thức, quý trọng trí thức, vì quý yêu kiến thức, biết dụng không những khoa học kỹ thuật, mà khai thác sáng suốt các nghiên cứu, điều tra, điền dã của khoa học xã hội và nhân văn, nắm chắc các kết quả của học thuật để hiểu sâu nhân tình, hiểu rộng nhân loại, hiểu cao nhân thế, luôn đưa nhân tri vào nhân trí để nâng nhân bản.

Chính quyền (không) xóa não, là chính quyền biết khai thác sử học, để tra đúng sử liệu, tìm trúng sử luận, để hiểu sử tính của một dân tộc, sử địa của một đất nước, và không lập lại sai lầm của quá khứ, biết ưu điểm, trọng điểm của tổ tiên nhưng cũng thấu luôn yếu điểm, nhược điểm, khuyết điểm, kể cả khuyết tật của họ.

Hiểu thấu lịch sử để làm khá hơn, tốt hơn, hay hơn, cùng lúc đặt Việt sử, vào sử quốc tế để so sánh từ đồng sử đến dị sử giữa người và ta, trong đó so sánh sắt se với láng giềng cùng nôi tam giáo đồng nguyên với ta. Đó là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, cùng văn hóa với ta tại sao họ thành công làm chủ, còn ta thất bại (trong thảm hại) làm công, làm thợ cho họ, thậm chí lao động trong vai nô tỳ, nô bộc cho họ?

Chính quyền (không) xóa não là chính quyền biết đưa kiến thức của khoa học xã hội và nhân văn làm tri thức cho xã hội hiện tại, có kiến thức xã hội học rồi thì biết sáng lập ra nhân khẩu học để có các chỉ số, chỉ báo, chỉ tiêu trong định chất và định lượng từ sinh suất tới tử suất, từ tuổi thành hôn tới tuổi thọ của các cá nhân, của một dân tộc. Khi đã vững về kinh tế học thì biết sáng tạo ra kinh tế học xã hội để chẩn đoán rồi để giới hạn ngay trên thượng nguồn chuyện bất bình đẳng (con vua thì được làm vua, con quan thì được làm quan) qua cải tổ giáo dục, chuyện bất công (cá lớn nuốt cá bé) để bảo quản được đạo đức của cha ông.

Chính quyền (không) xóa não là chính quyền biết đưa các khám phá của khoa học xã hội và nhân văn vào ngay trong công tác xã hội, từ thấu hiểu các nhu cầu xã hội tới xử lý các đòi hỏi xã hội, chính tri thức của các ngành này tạo điều kiện cho chính sách đúng hơn, lãnh đạo khôn ra, đây là chỉ báo để định nghĩa sự thông minh trong chính trị. Một chính quyền không liều lĩnh thiêu binh, qua một cuộc bạo chiến mang tên gọi là tổng tiến công tết Mậu Thân, năm 1968 làm thiệt mạng hàng trăm ngàn sinh linh, một cuộc nội chiến (1954-1975) làm mất mạng nhiều triệu đồng bào, để sau bao năm hòa bình rồi mà Việt tộc cứ tìm đường ra đi, ra nước ngoài như để tự cứu mình và người thân, bỏ lại con người Việt bị chế độ độc đảng làm sa sút, từ nhân phẩm tới nhân cách!

Chính quyền (không) xóa não là chính quyền biết khiêm tốn trước tri thức, luôn muốn học hỏi; khiêm nhường với trí thức, luôn nhận các tư vấn đúng, các cố vấn giỏi; luôn khiêm cung trước “điều hay, lẽ phải” của tổ tiên, xem chuyện cứu nước-giữ nước hơn chính sinh mạng của mình, nếu không nghĩ và không làm như vậy thì đừng lãnh đạo chính trị!

Chính quyền (không) xé lẻ

Chính quyền (không) xé lẻ là chính quyền dùng quyền lực của trí tuệ dân tộc, tài nguyên đất nước để chế tác ra hợp lực trong đó giáo dục phục vụ nhân tri và nhân trí, kinh tế phục vụ cho nhân sinh, văn hóa phục vụ cho nhân văn, đạo lý phục vụ cho nhân cách, lấy nhân nghĩa làm nhân bản. Ý nghĩa của hợp lực có trong kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của tổ tiên qua thuật ngữ: cả nước-toàn dân. Đây chính là thành công của một chính quyền biến hợp lực thành tổng lực.

Chính quyền (không) xé lẻ là chính quyền dùng quyền lực của định chế và cơ chế để làm ra tổng lực cho cả một dân tộc, cho cả một đất nước, không xé lẻ để hưởng riêng, không xé lẻ để cộng sức. Không luồn lách qua lách luật, tránh luật, thậm chí xé luật để tham nhũng-tham ôtham quyềnlộng quyền. Bọn xé lẻ để đi đêm với đối phương, xé lẻ để đi lén với kẻ thù không thể dung thân trong một chính quyền sạch!

Chính quyền (không) xé lẻ vì tư lợi của lãnh đạo, vì tranh quyền giữa các nhóm lợi ích, thanh trừng nhau trong bạo lực như mafia, chỉ biết trộm, cắp, cướp, giựt với hành vi “ăn tươi, nuốt sống”, trong cách hành xử “thắng làm vua, thua làm giặc”, thắng rồi thì “ăn trên, ngồi trốc”, vừa vơ vét, vừa tính chuyện “cao bay, xa chạy” khi đất nước lâm nguy.

Chính quyền (không) xé lẻhợp lực thành tổng lực trong cộng củacộng sức, mà không quên cập nhật hóa các giá trị tâm linh của tổ tiên; biết duy trì và trao truyền mọi giá trị luân lý và đạo lý qua giáo dục; biết bảo quản rồi bảo hành mọi di sản vật thể và phi vật thể vì nhân dân, vì nhân loại. Biết phổ biến hóa các khả năng, các tài năng của từng thành phần xã hội, các tiềm năng và tiềm lực của từng vùng miền để “vốn liếng hóa” phương trình hợp lựctổng lực trong các hành động cụ thể của lãnh đạo: lấy vốn cũ để tạo vốn mới!

Chính quyền (không) vùi tri

Tri thức để lãnh đạo chính trị không chỉ tới tự kiến thức khoa học, nó hàng ngày khai trí cho lãnh đạo nếu các lãnh đạo muốn khai minh qua khai thị khi trực diện với dân chúng, với xã hội, chuyện chính của tri luôn là chịu học, chịu hiểu, chịu thấu để chịu đổi, chịu thay, chịu chuyển hóa hay không thôi!

Tri thức về dân chúng với cuộc sống ngày càng nheo nhóc của họ, không biết các lãnh đạo của ĐCSVN có ý thức, có nhận thức để chuyển thành tâm thức hay không, khi xuất hiện một tâm lý mới của số đông dân ngày càng bị cái nghèo khó, bị cuộc sống hàng ngày truy bức quá đổi sinh ra tâm lý: “sợ tết!”. Tại sao lại sợ tết một thời điểm vừa thiêng liêng, vừa thảnh thơi, phải vui vì là dịp rất vui của cả nước? Lý do chính vẫn là tài chính, kinh tế, vật chất: “không có tiền ăn tết”, “không đủ tiền nghĩ tết”, “tết đến còn làm buồn hơn”, “chỉ mong cho tết qua mau”… Tâm trạng này phải đánh thức tâm thức của lãnh đạo, họ phải thực sự phản tỉnh để thấy hiện trạng quần chúng: Tết làm gì cho khổ!

Việt tộc luôn biết “vui tết”, thế mà các lãnh đạo của ĐCSVN trong lúc họ nhận quà cáp “ngập mặt”, thì có các gia đình chỉ đủ sống trong “ba ngày tết” lẳng lặng tặng: “quà tết”, “ẩm thực tết”, “bánh trái tết”… đi cùng đường cuối phố, để phân phát cho các người dân không nhà, nằm la liệt buồn thảm giữa tết. Đó là tình đồng bào trong một xã hội mà đạo đức dân tộc đang bị xuống dốc thảm hại, một xã hội bị một chính quyền bỏ rơi, bỏ đi, bỏ mặc!

Việt tộc không thiếu tình đồng bào, đối với các con dân biết đùm bọc nhau, các lãnh đạo của ĐCSVN có thấy là trong lúc họ vui chơi, chè chén trong dịp tết, thì có bao thanh niên vào các xóm nghèo, lên tận vùng cao, vùng xa, vùng sâu để trao tặng quà tết cho đồng bào trắng tay, trong túng thiếu: “không dám nghĩ tới tết”. Nếu các lãnh đạo vui hưởng triệt để tết, nhờ bổng lộc qua quà cáp, thì chắc chắn là vô tri, khi bao đồng bào họ cúi đầu trong cảnh thiếu hụt-thiếu thốn: thiếu đói!

Việt tộc hiện nay thấy ngấy lên tới cổ, mỗi lần nghe các mỹ từ: an sinh xã hội, khi quà tặng của các đoàn từ thiện muốn trao tận tay cho các đồng bào nghèo các vùng cao, vùng xa, vùng sâu đã bị chính quyền địa phương với lực lượng công an của họ chặn ngay trước làng, trước thôn, trước cổng. Một đất nước mà làm một cử chỉ bình thường của thiện nguyện cũng bị chặn, cắp, cướp, giật!

Việt tộc hiện nay ngày càng thấy kiểu xảo ngôn: an sinh xã hội trở nên lố bịch với cảnh đồng bào nằm la liệt trong các bịnh viện, nơi mà các dịch vụ làm tiền bất chính trùm phủ lên họ, khi người nhà mang thức ăn được nấu kỹ lưỡng, vậy mà người bịnh không được hưởng, mà phải mua thức ăn của các dịch vụ làm tiền bất chính này, vì “lý do y tế”mà xuất xứ các thực phẩm này không biết từ đâu tới, có độc tố hay không? Có an toàn hay không?

Chữ tri là hải đăng cho chữ nhân! Phải thấy chữ tri trong nỗi khổ niềm đau của đồng bào để không vùi tri lãnh đạo!

Chính quyền (không) xiết tuệ

Chính quyền (không) xiết tuệ, nơi mà tuệ giác của dân tộc chính là trí tuệ của lãnh đạo! Tuệ giác hiện nay của nhân dân nằm ngay trong nỗi khổ niềm đau của họ, vì hơn hết họ hiểu sự cùng quẩn của dân đen, sự oan ức của dân oan: tại sao trong dịp tết, có hàng trăm dân oan vẫn ra Hà Nội, dù biết các cơ quan lãnh đạo đã đóng cửa nghỉ tết! Họ nằm lăn lóc trên đường Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, với khí trời lạnh mùa đông miền Bắc.

Tại sao vậy? Tại vì họ không còn đất, còn nhà, họ mất hết, họ tới thủ đô để kêu oan, để đòi công lý, mà lãnh đạo chính quyền phải trả lại công lý cho họ, đừng lẻo miệng là “đầy tớ của dân” nữa! Lãnh đạo đừng lẻo lưỡi “phục vụ dân”, hãy thật sự phục vụ nhân dân, bằng cách chống bất công, chống bạo quyền, hãy bảo vệ dân bằng tuệ giác của công bằng.

Trí tuệ của lãnh đạo bắt đầu bằng trực diện để trực quan: các cơ quan có những toà nhà đắt tiền, rộng lớn, cũng từ tiền thuế của dân mà ra; chính các cơ quan đó, từ địa điểm của các hội tới các địa danh của của chính quyền, thì tất cả cửa nẻo đóng im ỉm ngay cả ngày hành chính bình thường, nơi mà chung quanh dân oan đứng, ngồi, nằm la liệt, họ đang đi ăn xin công lý đấy! Họ trực diện với một chính quyền vô tuệ trước công pháp đấy!

Vì họ có kinh nghiệm với một chính quyền đi bắt cóc các nhà vận động dân chủ, tuyên bố xử họ công khai nhưng chặn dân đi dự ngay trước cổng tòa, bỏ tù các nhà vận động dân chủ nhưng khi thả họ ra thì không có chứng thư giam giữ và phóng thích, cùng lúc chối leo lẻo trước quốc tế là Việt Nam không có tù nhân lương tâm. Một chính quyền bắt cóc dân-xử đóng cửa tòa-nhốt bừa bãi-thả thô tục, đó là một chính quyền trí tuệ nhúng chàm.

Trí tuệ của lãnh đạo nằm ngay trong đạo lý của lãnh đạo: “đồng cam cộng khổ”với dân, nằm giữa đạo đức của lãnh đạo: “nhường cơm xẻ áo” với dân! Ngược lại cứ để nhân dân tự cứu đói nhau; mặc thanh niên đi bảo vệ môi trường, môi sinh giữa khu Sơn Trà có động vật trong sổ đỏ, hàng ngày bị đe dọa bởi bọn tướng tá tham quan phá rừng để xây biệt thự, dinh thự, biệt phủ, nhân cách bọn này không phải lãnh đạo, vì tư cách của chúng thua xa súc vật. Bọn tham quan này xấu xí trong điếm nhục, trước vẻ đẹp của Sơn Trà, trước vẻ đẹp thanh thót của các con chà vá chân nâu tại đây!

Tuệ giác của lãnh đạo rất dễ thấy (nếu lãnh đạo muốn thấy, muốn thấu) qua chính bạo quyền, cho phép công an bạo động với thanh thiếu niên, khi cô bé Cát Linh bị công an bắt, đánh đập, tra hỏi và khi mở cặp của cô học sinh này ra thì thấy toàn: hiến pháp! Chính bọn công an vô tri, vô giác không sao hiểu nổi có một cô học sinh để dành tiền đi mua hiến pháp để tặng cho bạn bè, cho dân chúng, giúp họ hiểu công pháp, công lý hơn để họ tự bảo vệ họ, vì chính quyền không bảo vệ họ, mà ngược lại, hàng ngày hiếp đáp họ.

______

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook