Thi ca Tô Thùy Yên: Biền biệt miệt tâm linh! (Phần 2)

GS Lê Hữu Khóa

27-5-2019

Tiếp theo phần 1

Thi sĩ Tô Thùy Yên. Ảnh trên mạng

Cõi tâm linh trước cõi chết

“Sẽ lo chẳng những cho người sống,

Lo cả cho người khuất mặt kia.

Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ,

Chung lời thương tiếc khóc trên bia…”

Cõi tâm linh thường xuyên bị thử thách trước cõi chết, từ đó và tự nó định nghĩa được nhân phẩm sâu đậm trước các thăng trầm của nhân sinh, nơi mà nhân mạng phải đi qua những lằn ranh sinh tử. Tô Thùy Yên qua các lằn ranh sinh tử nhiều lần trong chiến tranh Bắc – Nam, huynh đệ tương tàn, trong những năm dài của các trại học tập, trong những ngày tháng ngục tù, nơi mà tử sinh sánh đôi song hành trên tử lộ. Tại đây, ông thấy rõ ràng tất cả các tín hiệu khi cái chết đến cận kề sự sống:

Côn trùng kiệt sức lìa hang ổ

Lên chết thiêu trên mặt đất hừng.

Ác điểu ngày đêm gào xao xác.

Cơ hồ cả thế giới lâm chung…

Lâm chung là thời khắc mà cái chết đang tới, và sự sống phải lùi ra cho tử thần ngự trị trong ma quyền của nó. Cái chết áp đảo sự sống, như bạo lực đang thắng thế, bạo quyền đang kiêu căng, tà quyền đang ngạo mạn, để mặc cả nhân phẩm bằng nhân mạng. Lúc đó, các giá trị tâm linh sẽ xuất hiện để chỉ cho rõ cái lầm đường của bạo quyền bằng bạo động, phanh ra cái lạc lối của tà quyền đang áp đặt ngày tận thế:

Cái chết tru rân giờ nguyệt tận…

… Lăn địa cầu ra khỏi lối xưa…

… Như tên phù thủy già điên loạn,

Lịch sử lên cơn dữ bất thường…

Nhưng từ đây, các giá trị tâm linh sẽ tìm mọi cái để sống sót, và sống sót để nói lên nỗi lo – lòng thao thức trong dạ đau đáu của con người trước bạo quyền đang cướp đi sự sống; các giá trị tâm linh sẽ tìm mọi cách để sống còn bằng nhân tâm, lẳng lặng chờ ngày tái tạo lại nhân phẩm. Nhưng cách lo toan (thao thức trong đau đáu) của nhân tâm qua các giá trị tâm linh cụ thể sẽ là gì? Đó là tâm khoan dung làm nên trí khoan hồng, để lòng vị tha chế tác ra tâm tha thứ, từ đó sinh ly phải xuống ngôi để nhường nhân vị cho mọi hòa giải biết hóa giải mọi hận thù, để hòa hợp mà xóa đi mọi thù hằn:

… Sẽ lo chẳng những cho người sống,

Lo cả cho người khuất mặt kia.

Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ,

Chung lời thương tiếc khóc trên bia…

Nội công của các giá trị tâm linh chính là nội lực của hòa giải-hóa giải-hòa hợp!

***

Thu hình ẩn náu dưới tâm linh

“ …Ta khóc lẻ loi, cười một mình

Thu hình ẩn náu dưới tâm linh,

Mắt chong kinh hãi đêm hư sử,

Thân lõa lồ đau cháy khổ hình… ”

Tô Thùy Yên

Các giá trị tâm linh không phải là các lời “nói suông” để nạn nhân trong khốn khó được nghe cho “xuôi tai” mà tự an ủi trong khổ nạn; các giá trị tâm linh là một hệ lý luận như một cầu nối, cho sự thật của dữ kiện tìm tới được chân lý của sự kiện, từ đó con người thấy ra lẽ phải của sự cố. Ngay trong các giá trị tâm linh người ta thấy rõ các sử liệu của tư liệu, sử luận của lập luận để nắm được sử học để biết đối nhân xử thế.

Các giá trị tâm linh có mặt vì cái ác đã có mặt, nó hiện nguyên hình cùng cái độc, cái thâm, cái hiểm tạo ra cái bạo, cái mở lối để diệt cái sống, để hủy cái đẹp:

…Ta khóc lẻ loi, cười một mình

Thu hình ẩn náu dưới tâm linh,

Mắt chong kinh hãi đêm hư sử,

Thân lõa lồ đau cháy khổ hình…

Biết thu hình ẩn náu dưới tâm linh để vượt hư sử (chính là ung thư của lịch sử) làm ra từ quái thai của bạo quyền, nơi mà các giá trị tâm linh phải đi trên lưng cái ác, cùng cái độc, cái thâm, cái hiểm; phải đi trên vai cái bạo, phải đi trên đầu cái để vượt thắng cái diệt, cái hủy ngày ngày đe dọa sự sống. Kế đến là phải tổ chức lại cõi tâm linh, như cõi thiêng liêng nhất mà những cái xấu, tồi, tục, dở của ác, hiểm, thâm, độc không đột nhập vào được bằng những con đường tà bạo tới từ đứa ngu:

… Ta nhặt từng trang sách rách toang

Đứa ngu đã xé vứt ra đường.

Ta gom từng hạt cây luân lạc,

Mong mỏi gầy lên một địa đàng…

Trong từng trang sách không những có trí tuệ của nhân tính, mà còn chứa tuệ giác của nhân phẩm, mà tại đây hành động tâm linh là gom lại, thu lại, nhận lại để làm nên các giá trị của tâm linh, vì trong đó có giá trị của một địa đàng!

***

Làm người giữa thời thế ngã

“Một thời thế ngã với từng xác thân…

… Làm người đã phải làm sao?”

Các giá trị tâm linh luôn đi sâu vào cõi người đang vấn nạn, để đứng cạnh người gặp nạn và nâng người này dậy trong họa nạn, rồi tìm cách đưa con người này ra khỏi cõi nạn, khi con người đã thoát nạn, thì các giá trị tâm linh đã vĩnh viễn trở thành bạn đồng hành với kẻ đã thắng nạn. Và, cho tới ngày rời cõi đời này, mỗi lần gặp nạn, mỗi lần đứng trước họa nạn, con người này sẽ không còn cô đơn phải chống chỏi một thân một mình với hoạn nạn, mà đã có chiều cao tâm linh kề cận, để có sáng suốt trong quyết định và các giá trị tâm linh trong hành động.

Mỗi lần cột xương sống của hình hài bị mềm ra và lệch đi, thì các giá trị tâm linh là những cây chống vô hình giúp hình hài đứng thẳng vì tư duy đã ngẩng đầu trong thử thách, tầm nhìn tâm linh đã vượt thắng các thăng trầm, và kẻ gặp nạn đã thấy lối ra bằng các chân trời của thiện, của mỹ. Tô Thùy Yên đã gặp họa nạn dưới bạo quyền độc tài, đã trải qua hoạn nạn trong tà quyền độc trị đã dựng lên nhà lao để nhốt tù các đứa con tin yêu của Việt tộc; nên trong cõi nạn thi sĩ biết rõ bản lai diện mục của sự bất nhân, nó hoàn toàn ngược hướng trái chiều với các giá trị tâm linh:

Một lần núi đổ, sông dâng

Vắt cơm, hớp nước, âm phần là đây…

Thịt rơi xương rụng trùng trùng

Một thời thế ngã với từng xác thân…

Khi ta nhớ lại để kể lại những mất mát của nhân tính, những thiệt thòi của nhân phẩm trước bạo lực trong lao lý, thì ta thấy ngày dài bất tận trước khổ hình mà bạo lực tạo ra, thấy thời gian bị lôi dài lê thê trên dốc thời gian để nhân đạo bị xói mòn. Thì đây, cũng chính là lúc khả năng tự tư duy của ta mời các giá trị tâm linh đến để chia sẻ vắt cơm, hớp nước, để nhìn tận mặt âm phần, để hiểu không gian của cõi nạn: thịt rơi xương rụng trùng trùng, để thấu giá trị của sự sống khi cõi sống bị đe dọa: một thời thế ngã với từng xác thân…

Trong cõi lao tù mà tên gọi là trại cải tạo, người tù phải tự sinh tồn bằng cách vào rừng hái rau hoang để nuôi thân, thì đó là lúc tri thức kêu gọi lịch sử trở về để nhận ra các giá trị tâm linh, sẽ an ủi người tù là cõi nạn, một cõi nạn luôn ẩn nấp trong cõi sinh:

Chiều ra đồng hái rau hoang

Nghe sầu trong gió thổi tràn mặt ta

Ơn trời ơn nước bao la

Hái đi này những xót xa kiếp người

Cổ kim chung một mái trời

Kinh thi cũng có kiếp người hái rau.

Câu chuyện tâm linh thường có hai kịch bản, một kịch bản buồn (nghe sầu trong gió thổi tràn mặt ta) và một kịch bản ơn (ơn trời ơn nước bao la) giúp con người có can đảm để gạt ra, nhổ đi, hái đi khổ nạn (hái đi này những xót xa kiếp người), để được thấy trước toàn cảnh của nhân sinh trong cái chung (cổ kim chung một mái trời) để nhận ra nhân kiếp (Kinh thi cũng có kiếp người hái rau).

Cấu kết để luận kết các giá trị tâm linh luôn là câu chuyện làm người (làm người đã phải làm sao?), làm sao để thấy chiều cao của nhân phẩm, chiều sâu của nhân tâm, chiều rộng của nhân từ, và chiều dài của nhân đạo, chỉ một chuyện hái rau để sống còn, nhưng thi sĩ muốn đi xa hơn nữa trong chiều sâu của tâm linh: thấy câu chuyện làm người để nhận ra câu chuyện tội người:

Hái nhanh cho kịp trời chiều,

Ấy mê, ấy tỉnh, cỏ nhiều hơn rau.

Làm người đã phải làm sao?

Thêm bề rau thấp, cỏ cao, tội người…

Câu chuyện tội người đây là tội nghiệp người, tội nghiệp kiếp làm người, càng làm người càng thấy tội người tức là càng làm người càng thấy thương người, cho nên cột xương sống tinh anh của các giá trị tâm linh là câu chuyện thương người, thương đến xót xa, thương đến bầm gan, tím mật.

***

Lịch sử đã ngất lã … Ta đứng lên

“Lịch sử dường như đã ngất lã

Sau những liên hồi vật vã điên cuồng”

Chính khi con người đã rã rời vì khổ nạn trong ngục tù của bạo quyền, ý thức rời trí tuệ, nhận thức mất tuệ giác, đây câu chuyện những ngày trong lao tù của Tô Thùy Yên của thế kỷ XX vừa qua, mà cũng là chuyện hằng ngày hiện nay của hàng trăm tù nhân lương tâm đang trong vòng lao lý bất nhân của bạo quyền độc đảng; khi mà bi quan đã tràn lan, làm não bộ con người tưởng chừng như tất cả đều sụp đổ, xưa nay đều tiêu tán:

Lịch sử dường như đã ngất lã

Sau những liên hồi vật vã điên cuồng…

Khi con người bị vật vã, khi nhân sinh rơi trong điên cuồng, thì sự xuất hiện của các giá trị của tâm linh đến để vực dậy chiều cao của nhân phẩm, để đánh thức chiều sâu của nhân tâm, để khơi ra chiều rộng của nhân từ, và nối theo chiều dài của nhân đạo. Câu chuyện tâm linh là một chuỗi động lực của hệ dây chuyền: vực dậy-đánh thức-khơi ra-nối theo để tái tạo cõi sống cho nhân thế.

Ta đứng lên

Đi tới, đi lui trăm lượt nghìn lần

Như một hồn ma cổ đại

Trong hầm mộ muôn đời…

Ta đứng lên! Không chỉ vì chuyện sống còn, không chỉ vì muốn sống sót, mà Ta đứng lênnhân phẩm, vì chuyện mất nhân phẩm là chuyện: không chấp nhận được!

***

Khắc khoải để xóa giải

“Khắc khoải chim kêu ngày khổ nạn…

Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải…”

Khắc khoải là trạng từ mà cũng là động từ của người đã bị rơi vào cõi nạn, trong đó hoạn nạn mang mặt nạ của họa nạn xuất hiện để đe dọa sự sống, nơi mà hơi thở của kẻ rơi vào bi nạn giống như hơi thở của người lúc lâm chung, sẽ phải rời cuộc đời trước bao chuyện bất nhân thất đức của bạo quyền, giờ đã thành tà quyền ngày ngày luồn lách như âm binh đe dọa nhân sinh, nên thi sĩ nghe rõ:

 …Khắc khoải chim kêu ngày tận tuyệt…

Ngày tận tuyệt có đầy đủ cảnh trí của đói, khát trong mệt lã, rã rời; có cai tù tra tấn người tù, có bịnh tật đi cùng với các vết thương sau mỗi lần bị tra tấn; có ý định của tự sát như để bảo vệ chính lương tâm của mình trước tên đạo diễn bạo quyền đang diễn tuồng ác nhân.

Khắc khoải là trạng động từ ám ảnh người tù hằng giờ rồi kéo dài đăng đẳng cả kiếp người, khi con người sống mà không có lối ra cho nhân phẩm, mà nguyên nhân cốt lõi là bạo quyền không có nhân tâm để hiểu nhân từ, để thấu nhân đạo. Trong không gian và thời gian của khắc khoải, thi sĩ thấy chuyện bi thương của kiếp người qua một động từ thật mới: khuất giạt, môt động từ mới trong tuyệt vọng:

“Khắc khoải chim kêu ngày khuất giạt…”

Khắc khoải dần dà trở thành bi trạng của một không gian có tiếng chim của miền thất vọng, tên nó là khổ nạn: “Khắc khoải chim kêu ngày khổ nạn…”

Đó cũng là lúc mà sức mạnh tâm linh đã tới để cứu kẻ trong khổ nạn, bằng một hành động qua một động từ vô cùng mới, rất mới trong hay, đẹp, tốt, lành, của nhân tri, đó là động từ xóa giải: “Khắc khoải chim kêu mùa xóa giải…”

Xóa đi hận thù có trong tâm địa của bạo quyền, xóa đi lòng tham có trong nội địa của tà quyền, xóa đi cõi hận có trong cõi não của ma quyền đang lũng đoạn lương tri của cả một dân tộc. Nhưng sức mạnh tâm linh phải tiếp tục đi xa hơn, sâu hơn, dài hơn, cao hơn nữa để giải: Để giải trừ mọi tham, sân, si; để giải tán mọi bạo quyền, tà quyền, ma quyền mà cứu nguy cho nhân tâm; để giải oan cho bao oan khiên mà dân tộc phải hứng chịu từ bao lâu nay. Từ đó, lấy nhân từ cùng nhân đạo làm nên nhân nghĩa để giải hòa mọi xung đột trong nhân thế, mọi hiềm khích trong nhân tình, mọi hoạn nạn trong nhân loại, và không quên cứu rỗi luôn cả linh hồn của những tội phạm đã dùng bạo quyền, tà quyền, ma quyền để gây bao tội ác.

______

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Con thấy hình như có sự mâu thuẫn ở hai đoạn văn:
    …………….
    “Từ đó, lấy nhân từ cùng nhân đạo làm nên nhân nghĩa để giải hòa mọi xung đột trong nhân thế, mọi hiềm khích trong nhân tình, mọi hoạn nạn trong nhân loại, và không quên cứu rỗi luôn cả linh hồn của những tội phạm đã dùng bạo quyền, tà quyền, ma quyền để gây bao tội ác.”
    ,,,,,,,,,,,,,,,,,
    Ta đứng lên! Không chỉ vì chuyện sống còn, không chỉ vì muốn sống sót, mà Ta đứng lên vì nhân phẩm, vì chuyện mất nhân phẩm là chuyện: không chấp nhận được!

    Đoạn trên là tha thứ, đoạn dưới có vẻ hơi active, Giáo sư có thể chỉ giáo thêm không ạ.

Comments are closed.