Thi ca Tô Thùy Yên: Biền biệt miệt tâm linh! (Phần 1)

GS Lê Hữu Khóa

25-5-2019

Thi sĩ Tô Thùy Yên. Ảnh: Phan Nguyên

Hãy vào thi ca của Tô Thùy Yên với chính thi từ của thi sĩ: “Bỏ đi biền biệt miệt thiên thu”, để tìm đến cõi tâm linh của Tô tiên sinh, đứa con tin yêu của thi ca hiện đại với ngữ vựng rất miền nam, với ngữ văn thư thái trong cổ ngôn, với ngữ pháp thong dong trong không gian siêu hình học, một trường hợp thật lạ của thi ca Việt Nam.

Nhưng trước hết chúng ta hãy định luận để tìm cách định nghĩa thế nào là tâm linh? Bằng phương pháp nhận diện các giá trị tâm linh qua lý luận. Nếu các giá trị tâm linh sắc về trí tuệ, nhọn về lý trí, thì các giá trị phải là kết quả của một quá trình lập luận cao về tư tưởng, sâu về triết học, tức là rộng về nhân tri, và không hề dính dáng gì tới các chuyện mê tín dị đoan mà học thuật không kiểm chứng được, kinh nghiệm không thí nghiệm trọn vẹn được.

Nhưng khi nghiên cứu về các giá trị tâm linh biết củng cố nhân lý, biết phục vụ nhân trí, biết thuyết phục nhân loại tinh anh hơn, giúp nhân sinh tỉnh táo hơn, dìu nhân thế và dắt nhân tình theo các tri thức mà sự sáng suốt của nhân trí giữ vững được các giá trị của nhân đạo, các giá trị tâm linh rất khác các sự thật của khoa học, các chân lý của triết học, các lẽ phải của luân lý tuyệt đối. Các giá trị tâm linh chọn đường đi nẻo về cho riêng nó, tại đây phải hiểu cách định vị (như các chỉ báo) của các giá trị tâm linh, để lần tìm ra cách định nghĩa các các giá trị này:

– Chiều sâu của các giá trị tâm linh là chiều cao của linh hồn, một chiều cao biết nâng nhân tri cụ thể là biết yêu theo chiều cao của hướng thiện những giá trị bị xem là tầm thường trong cuộc sống, tại đây minh triết cùng đạo đức biết nhập nội để chế tác ra các giá trị tâm linh; làm được chuyện mà Platon đặt tên là sự bất tử của linh hồn.

Chiều sâu của các giá trị tâm linh luôn bắt đầu bằng sự đánh giá tỉnh táo, sự phân tích sáng suốt, luôn bình tĩnh chọn con đường để thực hiện cái tốt, nó mang theo nguyện vọng làm nên ý chí biến cái tốt thành hiện thực. Socrate phân tích chiều cao của các giá trị tâm linh là ý chí muốn làm tốt cái tốt.

– Chiều sâu của các giá trị tâm linh, không phải là chuyện của lý trí tuyệt đối, càng không phải là chuyện lý trí suông, nó chính là sự cẩn trọng không những là khẳng định các lý trí tốt, mà nó phải trở thành các triết lý của cuộc sống được quyền sống còn, nên nó không cực đoan quyết định, và không bao giờ quá khích trong hành động. Các giá trị tâm linh cũng không phải là chuyện khoa học chính xác, mà là chuyện triết đúng lúc, lý đúng cảnh, luận đúng thời, lấy bối cảnh để hiểu nhân sinh, lấy hoàn cảnh để tìm đáp số, lấy tâm cảnh để tư duy, nên nó tìm cách giải quyết ít nạn nhân nhất, cách trả lời ít đổ vỡ nhất, nó tìm cái hợp lý thấu tình để có lối ra, mà không ai phải là nạn nhân cho thời cuộc. Aristote gọi tên nó là thế giới của sự thông minh làm nên sự thông thái, và lắm lúc nó không lệ thuộc vào thế giới thông suốt sự thật của khoa học.

– Chiều sâu của các giá trị tâm linh chỉ thật sự là giá trị khi nó là sự cẩn trọng trong sáng suốt và là khẳng định của sự can đảm, cẩn trọng ngược với liều lĩnh, can đảm trái với hèn nhát. Các giá trị không bao giờ “liều mạng” để “tử vì đạo”“xem rẻ mạng người”, nó cũng không hề “ba phải” để “luồn lách” mà làm “nhục kiếp người”. Nó cẩn trọng cho nhân sinh và nó can đảm bằng chính bản thân nó, nên nó ngược lại hoàn toàn với sự “né tránh” để tồn tại, “lẩn trốn” để “thoát thân”, vì nó dụng chân lý, biết dùng sự thật để tạo lối thoát cho những ai “lầm đường lạc lối” sa lầy trong “mê lộ” đang đi tới “tử lộ” mà cứ tưởng đang đi trên “sinh lộ”.

Chiều cao của các giá trị tâm linh mang tính tiên tri mà nhân sinh kiểm chứng được, đó là tầm vóc của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cứu cùng lúc nhà Mạc và nhà Nguyễn ra khỏi vũng lầy của vua Lê, chúa Trịnh. Chiều cao của các giá trị tâm linh khi được chứng thực bởi sự cẩn trọng và sự can đảm, Montaigne đặt tên cho nó là sự thông minh, linh động, biết thích ứng trong biện chứng vì biết giữ trígiữ tâm.

– Chiều sâu của các giá trị tâm linh có trong ý nguyện muốn cái tốt có mặt trong cuộc sống để chống lại cái xấu có cha sinh mẹ đẻ là cái ác; nhưng các giá trị tâm linh luôn mang theo sự cẩn trọng không những trong định nghĩa thế nào là tốt mà còn bắt con người phải rõ ràng từ cứu cánh tới phương tiện, luôn phải cẩn trọng hơn nữa khi chọn lựa phương tiện, khi đã có cứu cánh tốt rồi. Platon tin rằng chiều cao của các giá trị tâm linh làm nên đạo đức của ý nguyện muốn làm tốt cuộc sống từ cứu cánh tới phương tiện, từ thượng nguồn của tư duy tới hạ nguồn của hành động.

– Chiều sâu của các giá trị tâm linh khi lấy sự cẩn trọng làm giá trị cho đạo đức, thì nó trở nên sinh động khi phối hợp sự cẩn trọng luôn song hành trong các giá trị của luân lý về bổn phận và trách nhiệm. Các giá trị tâm linh luôn biết điều phối sự cẩn trọng như sức mạnh của tư duy biết cái nào là cái tốt cho mình và cho người khác, nó mang trọn vẹn một quá trình suy ngẫm, nó mang toàn bộ các kết quả tâm định trí định để làm nên thiền định trong tỉnh táo và sáng suốt, mà St Thomas đặt tên cho nó vòng tròn khôn ngoan biết chứa cả hai, vừa cẩn trọng, vừa đạo đức.

– Chiều sâu của các giá trị tâm linh biết dựa vào ý muốn đi tìm tri thức để hiểu sự vận hành của nhân tri, nó luôn song hành cùng với ý nguyện của nhân sinh muốn tồn tại bằng nhân phẩm trong nhân thế, mặc dù nhân loại đang đầy dẫy các xáo trộn, các hỗn loạn của nhân tình. Weber đề nghị muốn có các giá trị này nhân tri phải thấy sự quan hệ chặt chẽ giữa đạo lý của ý chí đạo lý của trách nhiệm, khi cả hai có mặt để phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, thì chính cái trí của cái tri sẽ giúp cuộc sống thấy ra cái sinh của cái , cụ thể là quyền năng của nhân trí sản sinh được các giải đáp lối thoát mới cho nhân lý, để nhân tri nhận ra lối thoát mới cho nhân thế.

Sau khi làm được chuyện “rào dậu, tát ao” về phương pháp luận để định vị thế nào là tâm linh, chúng ta hãy vào thẳng cõi tâm linh của Tô Thùy Yên.

***

Nhận phận que diêm tắt… rồi có bình minh lạ

“ …Ta bằng lòng phận que diêm tắt…

…Ra đi như một bình minh lạ… ”

Cõi tâm linh khi đề nghị các giá trị tâm linh của nó, cõi này thường khởi cùng lúc cái mâu thuẫn giữa cái tắt của hoạn nạn khi cái mất mát đang đe dọa chúng ta, và cái tia hy vọng của một bình minh lạ, của rạng đông mới, để ta cảm nhận sâu xa là ta vẫn đang sống cùng mọi sự sống chung quanh ta.

Câu chuyện của Tô Thùy Yên là thân phận ròng rã bao năm trời trong vòng lao lý từ các trại học tập tới các phòng giam biệt lập ngặt nghèo nhất, những năm tháng đó, cái chết cứ ngày ngày thủ thỉ với sự sống là bạo quyền độc tài sẽ thắng nhân tính, để diệt nhân phẩm. Cho nên thân phận con người ngày ngày như que diêm luôn bị các cơn gió độc của tà quyền thích thổi cho tắt! Bảo vệ nhân tính vì nhân phẩm là câu chuyện đi tìm một bình minh lạ.

Khi “Ta bằng lòng phận que diêm tắt/ Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông…” là kết quả của tư duy thấy rõ khi bình thường thì mạng sống con người phải được coi là vô giá, nhưng trước bọn bạo quyền bất nhân, tà quyền thất đức: Sao giá của nó như diêm. Dù chấp nhận trả cái giá là mất mạng, nhưng tại sao lại phải chịu mất suông?

Chuyện mất suông là chuyện có thật khi con người phải sống chung, sống cùng với bọn âm binh của ma quyền. Nhưng bất cứ một sự ra đi nào của nhân tính (vì nhân phẩm) trước cái chết đã cận kề, thì con người nhận ra, sự ra đi là để tìm một bình minh lạ, đây không phải là chuyện hoang đường mà là chuyện tìm con đường của ý thức, nó là hiện tượng luận của tri thức, nhận sự thật của cái chết trong liêm sỉ để thấy một loại bình minh lạ sẽ tới, để ra khỏi cái thấp của bạo quyền, cái tục của tà quyền, cái ma của âm binh: “... Ra đi như một bình minh lạ/ Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình…”.

Giá trị tâm linh “trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình” đã được Tô Thùy Yên tạo ra theo con đường mà đã có lần Saint John Perse nghe được nó ngay trong tiếng nói vô cùng sống động giữa người và người, đầy nhân tính, đầy nhân cách: “S’en aller! S’en aller! Parole de vivant” (Đi! Cứ đi! Cùng tiếng nói của sự sống). Tiếng nói tạo dựng được sự sống, làm sự sống chuyển động một cách sống động để tự bảo vệ: Đây chính là nhiệm vụ của các giá trị tâm linh! Biết tái tạo lại rạng đông, biết chế tác ra các bình minh lạ, đó là tiếng nói của tâm linh không sợ cái chết!

___

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Hãy quên thơ của Tô Thùy Yên đi!

    Đây mới là thơ nè:

    Hòn đá to,
    Hòn đá nặng,
    Chỉ một người,
    Nhắc không đặng.

    Hòn đá nặng,
    Hòn đá bền,
    Chỉ ít người,
    Nhắc không lên.

    Hòn đá to,
    Hòn đá nặng,
    Nhiều người nhắc,
    Nhắc lên đặng…….

    (tuyệt tác “Hòn đá nặng” của đại thi hào kiêm “doanh nhân” văn hóa thế giới Hồ Chí Minh).

    He he he ….”ngâm” xong bài thơ của “bác” mà thấy tâm hòn minh nặng như ….ĐÁ ĐEO.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây