Hậu Điện Biên Phủ

Dương Quốc Chính

9-5-2019

Bernard Fall đang ăn cùng lính Mỹ trong chiến tranh VN và ông chết trong cuộc chiến này. Ảnh: internet

Đây là những thông tin mà phía VM giấu nhẹm, thậm chí khi dịch sách của sử gia phương Tây thì cũng cắt xén. Toàn bộ thông tin bên dưới là mình copy.

Kiểm duyệt ngay cả địa ngục

Trong bản dịch Điện Biên Phủ – Một góc địa ngục của Vũ Trấn Thủ, Nxb Công An Nhân dân 2004, Hữu Mai, là người ghi lại hồi ức của Võ Nguyên Giáp, viết:

‘‘Nhân dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, “Điện Biên Phủ – Một góc địa ngục của Bernard Fall” đã đến với người đọc Việt Nam. Tôi coi đây là một công trình trung thực, đầy đủ nhất của phương Tây viết về Điện Biên Phủ. Cuốn sách sẽ giúp cho người đọc thấy và hiểu được hầu như mọi diễn biến, con người ở phía bên kia, một sự bổ sung tuyệt vời cho những cuốn sách của chúng ta về Điện Biên Phủ.

Tôi nghĩ đây cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn một người đã đứng bên chúng ta trong suốt cuộc trường chinh giành tự do, đã ngã xuống trên chiến trường như một chiến sĩ, mà chúng ta chỉ biết tới một cách muộn màng, đó là nhà báo, nhà sử học, người anh hùng Bernard Fall. Tôi cũng nghĩ đây là lời cảm ơn chân thành gửi tới chị Dorothy Fall, người đã luôn luôn là trợ thủ đắc lực của chồng trong cuộc đấu tranh, người đã không ngừng gắn bó với Việt Nam.’’

Hữu Mai bày tỏ lòng tri ân của dân Việt mà ấn bản Việt ngữ từ bản Pháp văn Un Coin d’Enfer của Michel Carrière là lời cảm ơn chân thành gửi đến quả phụ Dorothy Fall. Một Dorothy mà Bernard Fall đã âu yếm ghi lên nền địa ngục: “Tặng Dorothy đã sống ba năm dài cùng những bóng ma Điện Biên.” (À Dorothy qui vécut trois longues années en compagnie des fantômes de Dien Bien Phu).

Một Dorothy đã hy sinh trong cô độc, trong âm thầm lặng lẽ nuôi con, cho chồng sang Việt Nam khảo sát chiến tranh rồi cán mìn nổ tan xác.

Lời cảm ơn chân thành này ra sao?

Trang 207, Bernard Fall viết: ‘‘Về phía Việt Minh, họ cũng phải trả giá đắt cho trận đồi “Gabrielle”. Theo ước tính của các phi công quan sát Pháp, kẻ thù phải thiệt hại trên 1000 tử thương và có thể từ 2000 đến 3000 bị thương, và các tổn thất này thuộc các đơn vị thiện chiến nhất của đối phương. Qua kiểm thính điện đài của địch, Giáp đang phải khẩn cấp lấp đầy những lỗ hổng binh sĩ trong các đơn vị…’’ (Du côté du Vietminh, la bataille pour “Gabrielle” a aussi couté cher. Selon les estimations des observateurs aériens francais, l’ennemi a perdu vraisemblablement plus de 1000 tués et a eu peut être de 2000 à 3000 blessés, et cela dans certaines des meilleures unités qu’il possède. D’après les écoutes francaises du trafic radio ennemi, Giap a besoin de combler d’urgence les vides creusés dans ses rangs…)

Bản Việt ngữ của Vũ Trấn Thủ, trang 329: ‘‘Về phía Việt Minh, họ cũng phải trả giá đắt cho trận “Gabrielle”. Qua theo dõi điện đài của địch, người ta thấy Giáp đang phải gấp rút lấp lại những lỗ hổng trong các đơn vị…’’
Không dịch: “Theo ước tính của các phi công quan sát Pháp, kẻ thù phải thiệt hại trên 1000 tử thương và có thể từ 2000 đến 3000 bị thương, và các tổn thất này thuộc các đơn vị thiện chiến nhất của đối phương.”

Trang 244, Bernard Fall viết: ‘‘Hai chiến xa hư hại nhẹ vì đạn rốc kết, nhưng đến 15 giờ khi trận ấu đả kết thúc, lính nhảy dù đứng trước một cảnh tượng phi thường. Kẻ thù tháo lui trong hỗn loạn và các đơn vị Pháp làm chủ trận địa. Thêm nữa thi thể của 400 xác Việt Minh nằm đầy mặt đất. Hai đại bác 57 ly, 5 đại liên cao xạ 12 ly 7, 2 trọng liên 12 ly 7 khác, 2 súng phóng rốc kết, 14 trung liên và hơn 1000 vũ khí cá nhân còn nguyên vẹn rơi vào tay quân nhảy dù.’’(Deux des chars sont légèrement endommagés par des roquettes, mais à 15 heures, la bagarre terminée, les parachutistes se trouvent devant un spectacle étonnant. L’ennemi se repli en désordre et les francais sont maitres du champ de bataille. Par ailleurs les corps de 400 Vietminh jonchent le sol. Deux canons de 57, 5 mitrailleuses de 12,7 armes antiaériennes, 2 autres mitrailleuses de 12,7, 2 lance-roquettes, 14 FM et plus de 1000 armes individuelles tombent intacts entre les mains des parachutistes.)

Bản Việt ngữ của Vũ Trấn Thủ, trang 387: ‘‘Hai chiến xa bị đạn rocket địch bắn hư hại nhẹ nhưng đến 15 g, khi trận ấu đả đã kết thúc, quân Pháp đã làm chủ trận địa thu được 2 khẩu pháo cao xạ 57 ly, 5 khẩu trọng liên cao xạ 12.7 ly, 2 khẩu trọng liên 12.7 ly khác, 2 súng rocket, 14 trung liên và hơn 1000 vũ khí cá nhân khác.’’

Không dịch: “Kẻ thù tháo lui trong hỗn loạn và thi thể của 400 xác Việt Minh nằm đầy mặt đất.”

Những ai biết Pháp văn đều dễ dàng nhận ra vô vàn những đoạn bị cắt cúp, biên tập, cắt xén hoặc thay chữ, trong mục đích làm lợi cho Việt Minh và thêm hào quang cho Võ Nguyên Giáp. Nhưng vô liêm nhất, là chương 11, chương “Kết thúc”(La Fin) dài 39 trang chữ nhỏ trong bản Pháp văn, sang đến bản tiếng Việt chỉ còn đúng 3 trang rưỡi, co chữ to. Vũ Trấn Thủ chú thích: “Tới đây là hết diễn biến của trận Điện Biên Phủ. Tiếp sau là vài đoạn nói về những diễn biến sau trận đánh. Vì khuôn khổ cuốn sách có hạn, chúng tôi mạn phép tác giả và độc giả không dịch những đoạn này mà tiếp theo ngay vào chương 12: Lời bạt.”

Vì sao không dịch tiếp?

Vì các đoạn sau Bernard Fall viết về thương binh, tù binh, chính sách cải tạo nhồi sọ cùng sự tàn ác trong các trại giam Việt Minh. Như trang 521 Fall ghi lại, từ lời kể của các tù binh thả về, cảnh các binh sĩ Lê dương gốc Đức bất chấp quản giáo bắt hát Quốc tế ca và phải vỗ tay khi ban Tuyên giáo chiếu phim, đã đồng loạt đồng ca “Ich Hatt’einen Kameraden, Einen bess’ren findst du nicht..” (Tôi có những đồng đội, anh không thể tìm thấy những bạn tốt hơn..). Trang 523, Fall kể lại việc y sĩ trung úy Jean-Louis Rondy, của tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương đã chứng kiến một thương binh cưa hai chân đã phải bò trườn lê lết trên hai tay và trên hai khúc đùi về đến tận trại giam Tuần Giáo, cách Điện Biên Phủ 83 cây số, sau đầu hàng. Tất cả những thương binh nặng đều tử vong vì không được chăm sóc. Trên những trang bị kiểm duyệt, Fall đưa ra số liệu: Khi chiến tranh chấm dứt, Việt Minh trao trả 10,754 binh sĩ Liên hiệp Pháp trên tổng số 36,979 bị bắt từ 1946, tức 28.5% (*). Riêng đối với tù binh Điện Biên, trao trả 3,920 trên số 11,721 hàng binh ngày 7 tháng 5-1954, tức 33.5%. 7,801 người lính còn lại, chết hoặc không tin tức. Là lý do vì sao Vũ Trấn Thủ ngưng dịch.

Đoạn cuối của một tác phẩm, bao giờ cũng là đoạn quan trọng nhất làm nên dư âm của tác phẩm ấy. Trong phần kết luận (L’Épilogue mà Vũ Trấn Thủ dịch là Lời bạt), 21 dòng chữ cuối cùng bị cắt đi, chỉ vì Fall ghi lại sự việc 24 khu trục cơ F-105 và Skyhawk A-4 đã ném 29 tấn bom xuống Điện Biên 11 năm sau, ngày 2 tháng 7-1965 mà cao xạ Bắc Việt không bắn trúng một chiếc máy bay Mỹ nào. Vì sao kiểm duyệt? Vì chạm tự ái?

Những nhát chặt bằng dao phay khiến đánh giá của Hữu Mai “Tôi coi đây là một công trình trung thực, đầy đủ nhất của phương Tây viết về Điện Biên Phủ’’ đầy mâu thuẫn. Càng tương khắc khi Hữu Mai biết Pháp văn và đã đọc Lời tựa của Fall: ‘‘Nếu công thức nổi tiếng “Tôi thề nói lên sự thật, tất cả sự thật, không sợ hãi và không hận thù” có một ý nghĩa, thì tôi tin rằng, người ta có thể nói một cách công bình, đó là điều tôi đã làm trong tác phẩm này.’’ Bernard Fall đi tìm sự thật và trưng bày sự thật, với những tài liệu tìm thấy, nhưng Hữu Mai và Nxb Công an Nhân dân đã đánh tráo sự thật ấy.

Hữu Mai “nghĩ đây cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn một người đã đứng bên chúng ta trong suốt cuộc trường chinh giành tự do [..] Tôi cũng nghĩ đây là lời cảm ơn chân thành gửi tới chị Dorothy Fall, người đã luôn luôn là trợ thủ đắc lực của chồng…’’ Lời cảm ơn chân thành? Một món quà tàn độc và phỉ báng cho một quả phụ.

Hữu Mai, giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng, giải A Văn xuôi Hội Nhà văn, giải thưởng Nhà nước cho các tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng, Vùng trời, Ông cố vấn, không nhắc đến cái chết của Bernard Fall vì cán phải mìn “của chúng ta” khi theo Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ hành quân Thừa Thiên.

Thierry Bouzard trên tập san Monde et Vie, số tháng 4-2009, đưa ra những thống kê: “Tỷ lệ tử vong tổng quát trong trại giam Việt Minh là 69.04%. Mức tử vong tù binh gốc Pháp là 59.5%, cao hơn tỷ lệ tử vong trong các trại tập trung Đức Quốc xã, như trại Buchenwald 37%. [..] Tù binh VN thuộc quân đội Pháp tử vong 90% trong những trại giam này. Việt Minh thả 860 lính Việt trên số 14,060. Riêng đối với 9,404 tù binh thuộc Quân đội Quốc gia mà Giáp gọi là Ngụy, duy nhất 157 tìm lại tự do.’’ (Face à la Mort: Camps d’Extermination du Viêt-Minh).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây