Tâm sự với trí thức Việt tộc về tự do (Phần 10)

GS Lê Hữu Khóa

11-4-2019

Tự do nâng tự trọng, dâng tự chủ, đón tự tin

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6phần 7phần 8phần 9

Tự do hiện tại, tự tin hiện hữu

Sartre trong quá trình xây dựng chủ thuyết hiện sinh, đã vượt qua hai trở lực có mặt trong hệ thống tự tưởng của phương Tây: cuộc sống có từ nội chất của nhân sinh (essence), và sự tồn tại (existence) của nhân sinh, mà cả hai thường được giải thích bằng sự có mặt của một đấng tối cao là thượng đế, đã sáng tạo ra nội chất và sự tồn tại của nhân thế.

Chủ thuyết hiện sinh thì khẳng định ngược lại: nội chất của sự sống có thể tới từ ngẫu nhiên và sự tồn tại của nhân sinh là do con người quyết định, và chính con người hoàn toàn tự do để tìm đường đi no về của nhân đạo. Chủ thuyết này thoát khỏi mọi định đề được định vị bởi một đấng tối cao, qua hiện hữu của niềm tin trong tôn giáo, tác động lên các hệ thống siêu hình học (linh hồn, tâm linh, thiên đường, địa ngục…) và ít nhiều đã làm nền cho tư tưởng và cho cả gốc của triết học Âu châu.

Trong tam giáo đồng nguyên (Khổng, Lão, Phật) gần gũi với văn hóa và văn minh của Việt tộc, thì không có một đấng tối cao sinh ra muôn loài, cũng không có tôn giáo cổ súy cho đấng thiêng liêng này đã tạo ra vạn vật. Cho nên, cũng chính con người phải vì nhân phẩm trước bạo quyền, độc tài, tham nhũng, phải bảo vệ tự do của mình như bảo vệ con ngươi của mình để nhìn cho ra nhân tính:

– Tự do là sự phối hợp giữa tự tin của tư duy trong độc lập của lý luận, không thờ ơ trước bất công, mà chọn lựa hành động để thay đổi thực tế không được chính nghĩa của tự do chấp nhận nữa.

– Tự do trong tư tin là thử thách chống lại sự thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm, có thể tới từ thái độ biếng lười của tư duy, chưa được trang bị ý chí, làm thay đổi tình hình do bạo quyền làm ra.

– Tự do vừa là quyền hạn, vừa là khả năng của ta, để ảnh hưởng thẳng tới cuộc sống, nên tự do chỉ tùy thuộc ngay trong tính khả thi muốn thay đổi cuộc sống theo hướng thiện.

– Tự do đi theo cái đúng, để làm nên cái tốt, đó là khả năng của tự do chế tác ra các quy định mới, thuận lợi cho công bằng và bác ái trong không gian chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục…

– Tự do trong không gian của đạo lý và luân lý, có khung đạo đức của xã hội, trong lòng tin trước pháp lý của pháp luật vì công lý của công bằng.

Tự do chỉ của một người, một nhóm, một bè, một phái, một đảng là loại tự do sớm nở tối tàn trước nhân lý, chỉ là loại tự do sống nay chết mai trước nhân phẩm.

Tự do hoàn thiện, tự tin hoàn tất

Tự do hoàn thiện, tự tin hoàn tất, xuất hiện trong phân tích của Descarte: “Tôi biết thế giới chưa hoàn thiện, bản thân tôi cũng chưa hoàn thiện, nhưng tôi có tự do trong cuộc sống này để hoàn thiện thế giới, để hoàn thiện bản thân tôi”. Phạm trù tự do không bao giờ rời quá trình hoàn thiện hóa cuộc sống, không hề xa quá trình cải thiện hóa nhân sinh, không hề bỏ quá trình nhâm phẩm hóa nhân loại.

Tự do hoàn thiện, tự tin hoàn tất, có trong khẳng định Balsac: “Tôi có tự đo đứng về phía đối kháng chống bất công, tôi tự đặt tên cho nó là cuộc đời”,đứng về phía đối kháng là đứng về phía của kẻ yếm thế trước bạo quyền; là đứng về phía của nạn nhân độc tài, là đứng về phía nước mắt, nạn nhân của tham nhũng.

Tự do hoàn thiện, tự tin hoàn tất, có trong luận điểm của Arendt:Tự do đặt quyền lực vào đúng chỗ nó để nó dùng công lý mà xử bất công”. Chính tự do giúp công dân phải nghĩ xa hơn các tự lợi ngắn hạn của chính trị. Cũng chính tự do giúp công dân có tự do trong tư duy để có tự do vận não các với hiểu biết về điều kiện sinh tử của nhân sinh, có thể bị hủy bất cứ lúc nào bởi bạo quyền, bạo lực, bạo chúa.

Từ 3 phân tích, 3 giải thích, 3 lập luận trên, ta sẽ thấy được sức tổng kết, lực tổng hợp để làm nên tổng thể của tự do:

– Tự do có mặt trường kỳ trong một xã hội có nhân quyền và dân chủ, để đi ngược lại các sinh hoạt chính trị luôn là đoản kỳ trong nhiệm kỳ.

– Tự do có mặt trường kỳ trong một xã hội không có nhân quyền và dân chủ, để đi ngược lại các ý định của bạo quyền, ý muốn của độc tài, ý đồ của tham nhũng.

– Tự do sống trong di động để chủ động, chống lại bị động vì thụ động của cúi đầu, khoanh tay, quỳ gối trong khuất phục, trong tủi nhục, trong cam chịu; vì tự do trước hết là tự do đi lại; đi lại để được sống trong dòng chảy của nhân tính, trong trào lưu của nhân phẩm, trong phong trào của nhân đạo.

Tự do vượt khó khăn trong cuộc sống như vượt thắng chính mình, từ đó tự tin của tư duy làm sáng ra 3 quá trình của tự do là phải trực diện để đấu tranh vì tự do:

  • Tự do cần tự tin để đấu tranh, nhưng tự do cũng giúp tự tin phải tự giải phóng mình trước khi hành động vì tha nhân, vì đồng loại.
  • Tự do đưa hiểu biết lịch sử vào tận điều kiện làm người hiện nay để trả lời câu hỏi là: ta đang có hay ta không có tự do?
  • Tự do lột mặt nạ độc tài để thấy rõ bản chất toàn trị của bạo quyền luôn muốn có độc quyền sinh sát trên tự do, bằng độc trị rất vô nhân vì rất vô lý.

Tự do cùng tự tin từ không đến có

Camus trong tác phẩm Kẻ nổi loạn (L’homme révolté) đưa lên tiếng hét lên: không! Tức là nói không trước mọi bạo quyền, bất công, mà ông muốn người đọc phải hiểu thêm sau chữ không là chữ có! một tự do tức khắc ngay sau đó là đi tìm nhân quyền để chống bạo quyền, đi tìm công bằng qua công lý để chống bất công bằng tự do của chính mình. Đi từ “không chấp nhận bạo quyền, bất công” đến “muốn có đấu tranh vì công bằng và công lý”, đây chính là lộ trình liêm chính của tự do!

Tự do cùng tự tin từ không đến có, trên con đường chọn lựa nhân phẩm cho chính mình, đây là cuộc đấu tranh hiện nay của các bộ đội đã về hưu tại Đồng Đăng, mà thuở nào sau đợt xâm lược của Tàu tặc năm 1979, họ đã tình nguyện ở lại cận kề gần biên giới, có mặt tại chỗ để bảo vệ tổ quốc. Họ đã được chính phủ cấp đất, giờ thì đất và nhà của họ bị cưỡng chế trong mưu đồ của chính quyền địa phương cấu kết với bọn thầu đất, tính chuyện cướp đất của họ. Họ đấu tranh vì nhân phẩm để lột mặt nạ bọn vong ân là chính quyền địa phương, họ lột luôn mặt nạ của bọn bội tín là chính quyền trung ương, đã nhắm mắt và thông đồng với các ma lực ngay trên các mảnh đất của họ. Họ đấu tranh bằng nhân phẩm yêu nước của họ.

Tự do cùng tự tin từ không đến có, chính là chấp nhận một chân lý của nạn nhân cùng đồng hội, đồng thuyền trong đấu tranh. Chính các bộ đội đã về hưu tại Đồng Đăng đang là nạn nhân trong mưu đồ của chính quyền địa phương cấu kết với bọn thầu đất để cướp đất của họ. Và, họ tiếp nhận chân lý của nạn nhân vì bây giờ họ đã trở thành dân oan, như bao dân oan trên cả nước, bao triệu người trên cả ba miền. Chính chân lý của nạn nhân là nền cho khối đoàn kết dân oan trong đấu tranh hiện nay.

Tự do cùng tự tin từ không đến có, chính là tiếp nhận một chân lý của đấu tranh của tất cả nạn nhân cùng đồng cam, cộng khổ trước bạo quyền, vì chính bạo quyền là tác giả của mọi bất công qua tham nhũng, vừa đe dọa tài sản, vừa đe dọa nhân phẩm Việt của các nạn nhân không có quyền lực của tiền bạc, không có quyền lực của chính trị để tự bảo vệ mình, mà chỉ có quyền lực của tự do là phải đấu tranh vì công bằng và công lý.

Tự do cùng tự tin từ không đến có, chính là tiếp nhận một chân lý bình đẳng qua quan niệm về bình đẳng với mọi người, để có công bằng trong xã hội, để yêu cầu công lý dùng pháp lý để bảo vệ quyền bình đẳng bằng pháp luật phải vừa công minh, phải vừa liêm chính. Tự do trực diện đấu tranh với mọi bạo quyền, mọi tà quyền, mọi cường quyền bằng chính liêm sỉ của mình, đây là định nghĩa nguồn cội về nhân cách.

Tự do đạo lý, tự tin đạo đức

Ricoeur trong hệ thống triết học luân lý của mình đã đề nghị không nên hiểu tự do qua các định nghĩa khô cứng, mà phải thấy các đoạn đường của nó từ ý thức tự do tới hành động tự do, từ ý nghĩa của tự do tới kết quả đấu tranh vì tự do:

  • Tự do có ý thức chống lại cuộc sống bị vô nghĩa hóa bởi bạo quyền.
  • Tự do đi tìm ý nghĩa cuộc sống bị khủng hoảng hóa bởi bất công.
  • Tự do bảo vệ niềm tin của nhân phẩm bị suy đồi hóa bởi tham nhũng.

Tự do có đạo lý, tự tin có đạo đức, tôn trọng chọn lựa của cá nhân, của tập thể, của cộng đồng, của dân tộc, nếu chọn lựa đó có đạo lý của hay, đẹp, tốt, lành, có luân lý của trách nhiệm, và bổn phận trong hiện tại và trước tương lai, như vậy tự do luôn mang ba quá trình:

  • Tự do yêu cầu công bằng phải vừa là đạo đức, vừa là định chế.
  • Tự do biết nói đầy đủ sự thật để tìm cách giải quyết các bất công
  • Tự do là tự chọn lựa lịch sử cho chính mình trước áp lực của bạo quyền.

Tự do có đạo lý, tự tin có đạo đức, nếu tới từ phương trình công bằng-sự thật-lịch sử tạo dựng ra phương trình của tự do là ý thức-ý nghĩa-ý muốn, thì tự do không hề vô trật tự, không hề bừa bãi trong ngôn ngữ, không hề hỗn loạn trong hành động, nó có nhận thức rất minh bạch, vì nó có tâm thức của trách nhiệm trong hai chiều:

  • Tự do có hàng dọc có đạo lý, luân lý làm nền đạo đức cho xã hội.
  • Tự do có hàng ngang vừa có ta, vừa có tha nhân sống chung cùng cơ chế.

Tự do có đạo lý, tự tin có đạo đức, có đạo đức cho xã hội, biết sống chung cùng cơ chế, mà cơ chế dựa trên định chế có công lý biết trừ bạo quyền, biết diệt bất công, biết loại tham nhũng, từ đó chủ thể của tự do sẽ rất chuẩn mực để trả lời ba câu hỏi:

  • Tự do tự hỏi: Tôi là ai? Trước trách nhiệm gì? Trước hành động gì?
  • Tự do biết đánh giá: Cái này tốt hơn cái kia! Cái này cao hơn cái kia!
  • Tự do hiểu phương trình tuyên bố-trách nhiệm-hành động bằng nhân cách biết tự tôn trọng mình bằng nhân phẩm biết tự bảo vệ mình.

Tự do sáng tạo, tự tin sáng kiến

Jonas, đi từ triết học tới xã hội học, đã đưa ra chủ thuyết tính sáng tạo của hành động để hiểu thực chất và thực hành của tự do trong đời sống, quan hệ, sinh hoạt của xã hội, vì con người không chỉ có sáng tạo trong loại hình nghệ thuật, mà còn có tính sáng tạo ngay trong hành động của mình:

  • Sáng tạo ra hành động mới để vượt khó khăn.
  • Sáng tạo ra hành động mới để tìm ra cách giải quyết mới.
  • Sáng tạo ra hành động mới để tìm ra các kết quả mới.

Tự do sáng tạo, tự tin sáng kiến qua sáng tạo ra các hành động mới chính là tính chủ động của chủ thể tự do đi ra ngoài và đi trên cao các trở lực chống lại tự do:

  • Sáng tạo ra hành động mới để thoát và thắng bạo quyền.
  • Sáng tạo ra hành động mới để thoát và thắng độc tài.
  • Sáng tạo ra hành động mới để thoát và thắng tham nhũng.

Tự do sáng tạo, tự tin sáng kiến tôn trọng 3 nguyên tắc để bảo vệ mình, mà cũng để bảo vệ tha nhân, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ xã hội, trong đó tự do không rời 3 trách nhiệm:

  • Trách nhiệm về hành động của chính mình trong xã hội,
  • Trách nhiệm vai trò của mình trước tập thể, trước cộng đồng,
  • Trách nhiệm về các chuyện bảo vệ kẻ yếu, dưới quyền chăm sóc của mình.

Tự do sáng tạo, tự tin sáng kiến làm sáng rõ nguyên lý -cao và rộng- của trách nhiệm về các chuyện bảo vệ kẻ yếu, dưới quyền chăm sóc của mình, qua hành động của chủ thể đấu tranh vì tự do, từ đây tự do được hiểu qua công lợi và qua công sự:

  • Tự do ước mơ được sống trong các cơ chế tốt của một xã hội tốt.
  • Tự do chống bất công để bảo vệ hoài bão vì công bằng.
  • Tự do lập phương trình công bằng-công lý-công pháp để thi hành quyền tự do.

Tự do là chuyển hóa phương trình công bằng-công lý-công pháp thành phương án của thi hành-thực hành để đồng hành với ý nghĩa của tự do, giờ đã thành ý lực, sẵn sàng trở thành các sáng tạo ra hành động mới vì nhân phẩm.

___

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Tự do ý thức, tự tin nhận thức tức là mỗi lần chứng kiến bi kịch của cả dân tộc đang bị bần cùng hóa, cả một xã hội đang bị đồi trụy hóa, cả một đất nước đang bị đe dọa xâm lược bởi Tàu tặc là chúng ta thấy Nhân sinh của chính chúng ta bị bức tử.” (phần 9)

    Tàu tặc chính là đạo diễn, BCT đảng csvn chính là lũ diễn viên. Dựng vai chính, thay diễn viên, bức tử diễn viên cho một bộ phim bi kịch để xóa sổ tự do Việt tộc đến giọt cuối cùng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây