Rừng vẫn tiếp tục chảy máu!

BTV Tiếng Dân

10-4-2019

Cán bộ bắt tay lâm tặc phá rừng

Trang Thời Đại có bài: Rừng Quảng Bình liên tục “chảy máu” dù nằm cạnh trạm kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch xác nhận, đơn vị vừa phát hiện một vụ phá rừng với gần 2 ha cây rừng bị chặt hạ, xảy ra tại vùng đệm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Khu vực bị chặt hạ chỉ cách trạm kiểm lâm Chà Nòi khoảng 1km và hầu hết cây bị đốn hạ bằng rìu, nhưng lực lượng kiểm lâm không hề hiện được cho tới khi gần 2 ha cây rừng bị đốn hạ.

Hiện trường rừng tự nhiên bị chặt phá. Ảnh: VOV

Ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Bố Trạch, lấy lý do khu vực rừng bị phá nằm trong sự quản lý của UBND xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch. Còn Trạm Kiểm lâm Chà Nòi, nơi khu rừng bị phá không xa, thì nói rằng, do người dân dùng rìu chặt cây nên họ không nghe tiếng máy cưa, nên họ không phát hiện sự việc kịp thời.

Không chỉ rừng ở Quảng Bình bị phá, mà rừng ở nơi khác cũng cùng chung số phận. Trang Bảo Vệ Pháp Luật, đưa tin về vụ phá rừng ở Đắk Lắk: Điều tra vụ lâm tặc vào rừng cưa hạ hàng chục cây cổ thụ. Công an phát hiện vụ khai thác trái phép ở tiểu khu 701, thuộc xã Cư Bông do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, với hàng chục cây gỗ lớn, đường kính từ 80cm đến hơn 1m, đã bị lâm tặc cưa ngã. Lâm tặc đã vận chuyển trót lọt phần lớn số gỗ này ra ngoài.

Xử lý sai phạm đất rừng Sóc Sơn: Bên trọng, bên khinh?

Vụ xâm chếm đất rừng ở Sóc Sơn, UBND TP Hà Nội yêu cầu Thanh tra TP chuyển cơ quan điều tra các trường hợp chứng nhận chuyển nhượng đất rừng Sóc Sơn từ năm 2008 đến nay, báo Thanh Niên đưa tin. UBND TP. Hà Nội cũng giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý với các tập thể, cá nhân giai đoạn 2006 – 2018 đã buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng, để xảy ra sai phạm ở rừng Sóc Sơn.

Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn tiến hành cưỡng chế các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được lập hồ sơ xử lý trong các năm 2017 – 2018 trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn, trả lại nguyên trạng ban đầu, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đối với các chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Báo Thanh Niên có clip: Rừng phòng hộ Sóc Sơn bị “băm nát” bởi biệt thự của giới nhà giàu.

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Hà Nội có đập bỏ gần nghìn công trình ‘băm nát’ rừng Sóc Sơn? Lãnh đạo huyện Sóc Sơn thông báo chuẩn bị cưỡng chế 68 công trình xâm phạm đất rừng trên địa bàn 9 xã. Tuy nhiên, kết luận thanh tra sai phạm ở đất rừng Sóc Sơn của Thanh tra TP Hà Nội thống kê rằng, từ năm 2006 đến nay, tại huyện này có gần 1.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng, vậy những công trình này có chung số phận với 68 công trình trên, hay được làm ngơ?

Báo Đất Việt chỉ ra nghịch lý xử sai phạm đất rừng Sóc Sơn. Theo đó, các công trình vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng đã xuất hiện từ năm 2006, nhưng UBND TP Hà Nội chỉ yêu cầu cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trong các năm 2017, 2018, nghĩa là Việt phủ Thành Chương và biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh “lọt lướt”!

Một chủ công trình nằm trong danh sách cưỡng chế bất bình: “Đúng ra, sai phạm của nhà Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương được cơ quan chức năng kết luận từ trước thì phải xử lý trước. Hơn nữa, Thanh tra Chính phủ là cơ quan thanh tra cấp Nhà nước, về cấp quản lý còn cao hơn cấp tỉnh, thành phố thì tại sao lại chỉ xử lý dựa trên cơ sở thanh tra sau này của TP. Hà Nội?”

____

Mời đọc thêm: Quảng Bình lại xảy ra vụ phá rừng cách trạm kiểm lâm chỉ 500m (NĐT). – Khai thác gỗ trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên ở Hòa Bình (VOV). – Phát hiện hàng chục cây gỗ rừng bị đốn hạ (TGTT). – Lâm tặc mở đường đốn gỗ, chủ rừng không hề hay biết (TT). – Phá rừng quy mô lớn tại địa bàn xã Cư Bông, huyện Ea Kar (CAND). – Quảng Ngãi: Truy quét một vụ phá rừng nghiêm trọng, thu 20 m3 gỗ “vô chủ” (Đấu Thầu). – Khởi tố vụ phá rừng tại vườn Quốc gia Phong Nha –Kẻ Bàng (VNews).

Chủ tịch Hà Nội nói gì về xử lý vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn? (TN). – Hậu thanh tra đất rừng Sóc Sơn: Kiểm điểm hàng loạt cán bộ, cưỡng chế ngay công trình vi phạm (ANTĐ). – Kiểm điểm cán bộ và cưỡng chế các công trình vi phạm tại Sóc Sơn (VTV). – Sai phạm đất rừng Sóc Sơn: Đã rõ hướng xử lý từ năm 2006 nhưng không thực hiện (TP). – Sóc Sơn (Hà Nội) : “Phép vua thua lệ làng” (DT).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây