Về bản đề án quy hoạch báo chí (Phần 2)

FB Nguyễn Thông

4-4-2019

Tiếp theo Phần 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Ảnh: internet

Quy hoạch gì thì quy hoạch, đừng cả vú lấp miệng em, đừng theo ý chí chủ quan mà bất cần biết hiện thực đang diễn ra như thế nào. Hiện tại cho thấy, những tờ báo in đang đứng trước nguy cơ bị dẹp, bị sáp nhập, hoặc tự giải tán lại chính là những tờ báo đang có nhiều bạn đọc nhất, được đông đảo nhân dân quan tâm nhất. Tôi không dám coi thường tờ báo nào, nhưng cứ thử hình dung, trong khi tờ Đại đoàn kết, tờ Cựu chiến binh được tồn tại nghiễm nhiên theo đúng quy hoạch báo chí vì có mẹ đỡ đầu là tổ chức chính trị – xã hội (Mặt trận tổ quốc VN và Hội cựu chiến binh) thì những tờ lừng danh, hàng đầu xứ này như Tuổi Trẻ, Thanh Niên lại bị dẹp, lúc ấy sẽ chấn động dư luận như thế nào.

Mà cũng lạ, trong khi báo Phụ nữ VN (thuộc tổ chức chính trị xã hội là Hội LHPN Việt Nam) được tồn tại thì báo Thanh Niên chịu mấp mé bên bờ vực, bởi trong hệ thống tổ chức đoàn thì tới năm 2025 cũng chỉ còn 1 tờ, mà đương nhiên Thanh Niên không thể cạnh tranh với Tiền Phong bởi Tiền Phong là con bà cả, đích tôn, ra đời từ khi ông Nguyễn Xuân Phúc còn chưa đẻ. Tôi muốn hỏi, Hội liên hiệp phụ nữ VN và Hội liên hiệp thanh niên VN, về tầm cỡ, vị trí, vai trò, nào có kém gì nhau, nếu không muốn nói hội của thanh niên còn có phần nhỉnh hơn. Lão hàng xóm nhà tôi cười bảo, hay là thời này đàn bà, chân dài có giá hơn bọn trẻ mùa xuân nhân loại. Không tin cứ hỏi cô Quỳnh Anh ở Thanh Hóa coi.

Từ bất hợp lý này, ta dễ nhận ra sự nhố nhăng trong hệ thống chính trị đang tồn tại: đảng chỉ là một thành viên của mặt trận tổ quốc nhưng lại chỉ huy cả mặt trận, ôm trùm cả mặt trận, nói gì mặt trận cũng phải nghe; tương tự, đoàn thanh niên cũng thế, nó chả khác cha đẻ của hội liên hiệp thanh niên trong khi trên danh nghĩa nó chỉ là một thành viên của hội. Rất oái oăm, vô đạo, trái khoáy, ngược đời, vớ vẩn, như ông bà ta xưa nói “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Đáng lý trong trường hợp này (theo nguyên tắc chứ không theo bản đề án quy hoạch) thì tờ Thanh Niên mới là tờ cần giữ lại, còn đám đàn em kia dẹp tất hoặc sáp nhập tất.

Lại thêm một trái khoáy nữa: Ban Bí thư T.Ư đảng từng ban bố chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030. Bản chỉ thị nêu rõ “Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên VN trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hóa, lối sống cho thế hệ trẻ”. Nếu cứ căn vào chỉ thị này với bản đề án kia, chả biết ông bà nào đúng, nhưng rõ ràng theo chỉ thị thì các báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tuổi trẻ thủ đô… phải được phát triển hơn nữa. Nhưng đề án quy hoạch báo chí 2025 thì lại bảo phải dẹp. Ông chằng bà chuộc, còn lắm chuyện hay.

Đề án thì như thế, nhưng sẽ thực hiện ra sao. Nếu họ làm nghiêm được theo đúng điều họ đặt ra, không oong đơ gì sất, việc công ta cứ phép công mà làm thì cũng vớt vát phần nào uy tín của kẻ lập pháp và hành pháp, cầm quyền và uy quyền. Nhưng tôi chả tin, nhất là ở một cái xã hội phổ biến dịch vụ chạy cửa sau, thích xé rào, thích tạo cơ chế riêng, thích nét đặc thù, thích ban ơn để tạo kẻ bầy tôi, để lập đám đàn em dưới trướng, nhất là lại là báo chí. Thế thì thể nào cũng có những anh không đủ tiêu chuẩn, lẽ ra bị dẹp nhưng lại được cho tồn tại. Rồi sẽ um lên, sao nó được mà tôi không được, sao lại bất công, sao lại thiên vị, v.v.. Có thể chưa đến mức kiêu binh nổi loạn nhưng chắc chắn sẽ đầy biến động trong làng báo.

Đã không có tự do báo chí, đứa nào hơi có vẻ chệch hướng tí chút là họ trị thẳng cánh (như báo Người cao tuổi chẳng hạn), nói chi đến tự do ngôn luận, đến lắng nghe tiếng nói phản biện của các tầng lớp nhân dân. Cái đề án quy hoạch báo chí, họ đã phê duyệt và sắp ban bố, nói cho cùng, chẳng khác gì vòng kim cô chụp lên đầu báo chí, là sợi dây chão siết chặt thêm cơ thể báo chí nước nhà đã vốn què quặt, sống mòn. Dù họ bốc thơm về cái đề án ấy, nhưng theo tôi, tương lai báo chí xứ này cực kỳ ảm đạm, xám xịt.

Đề án quy hoạch báo chí tới 2025, một cái chết đã được báo trước, cả cho nền báo chí xứ này, lẫn chính nó.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây