Kim Jong-un đến Việt Nam, trong một chuyến thăm không chỉ để gặp Trump

New York Times

Tác giả: Mike Ives

Dịch giả: Châu Minh Dũng

25-2-2019

Công nhân đang treo cờ Việt Nam, Triều Tiên và Mỹ, dọc theo một con đường ở Hà Nội hôm Chủ nhật vừa qua, để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Nguồn: Carl Court / Getty Images

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un đã đến Việt Nam sáng nay, thứ Ba ngày 26/2/2019, để chuẩn bị cho cuộc gặp với Tổng thống Trump, thảo luận về một loạt vấn đề ngoại giao gai góc, bao gồm chuyện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Dù hội nghị thượng đỉnh này diễn ra thế nào, chuyến thăm Việt Nam của ông Kim vẫn có ý nghĩa biểu tượng theo nhiều cách khác nhau. Một phần vì tình bạn lâu dài giữa Việt Nam và Bắc Triều Tiên, bao gồm sự hợp tác trong Chiến tranh Việt Nam, cũng như mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc, láng giềng chung của hai nước này.

Nam Hàn và Hoa Kỳ cũng xem cách Việt Nam hòa giải với những cựu thù thời hậu chiến – cùng với mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của quốc gia này trong vài thập kỷ qua – là một mô hình tiềm năng để chính quyền ông Kim noi theo. Hành trình và những phát biểu ​​của ông ta ở Việt Nam có thể hé lộ phần nào liệu ông ta có bằng lòng không.

Ông Kim đến biên giới Trung – Việt trên đoàn tàu bọc thép vào khoảng 8:20 sáng, giờ Hà Nội, rồi đi cùng một đoàn xe mô tô hộ tống hướng về phía nam, thủ đô của Việt Nam. Đây là danh sách những địa điểm ông Kim có thể ghé qua trong hành trình ở Việt Nam, và biểu tượng chính trị, lịch sử, ẩn dưới bề mặt của những nơi chốn ấy.

Cái bóng của chiến tranh

Ông Kim đi từ Bắc Triều Tiên đến biên giới Việt Nam, qua ngả Trung Quốc, trên chuyến tàu chống đạn nổi tiếng chậm chạp. Tàu đã đến Đồng Đăng, một trong các cửa ngõ để lính Trung Quốc tràn vào Việt Nam trong năm 1979, tạo ra một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu.

Cuộc chiến đó diễn ra đúng vào giai đoạn căng thẳng trong quan hệ Việt Nam – Bắc Triều Tiên.

Bình Nhưỡng công nhận chế độ Cộng sản non trẻ của Việt Nam vào năm 1950, bốn năm trước khi chế độ này giành được độc lập từ tay Pháp. Sau đó, họ cùng Trung Quốc cung cấp nhân lực và vật lực cho chế độ Bắc Việt trong cuộc chiến chống Mỹ.

Nhưng cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam năm 1978 đã khiến Triều Tiên, một trong các quốc gia đồng minh của Khmer Đỏ, cung cấp nơi trú ẩn cho Hoàng thân Norodom Sihanouk của Campuchia[1]. Trong nhiều năm sau đó, vị hoàng thân này di chuyển qua lại giữa các biệt thự ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc phải đến tận năm 1991 mới được bình thường hóa.

Một hàng bia mộ tại đài tưởng niệm các phi công Triều Tiên tử nạn ở tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Nguồn: Hau Dinh / Associated Press

Nấm mồ của những người đồng chí

Từ biên giới, ông Kim dự kiến ​​sẽ đi qua một số tỉnh miền bắc Việt Nam. Một trong số đó là tỉnh Bắc Giang, nơi triển khai hàng trăm lính không quân Bắc Triều Tiên trong Chiến tranh Việt Nam – một biểu tượng của sự tin tưởng và hợp tác giữa hai nước.

Giống như những sĩ quan Nga được gửi sang để hỗ trợ lực lượng Việt Cộng chống lại chính quyền miền Nam được Mỹ hậu thuẫn, các phi công Bắc Triều Tiên mặc quân phục Việt Nam và sử dụng chính máy bay, phương tiện và thiết bị của nước chủ nhà. Hài cốt của họ đã chuyển từ Việt Nam về Bắc Triều Tiên hồi năm 2002, nhưng các phần mộ của họ vẫn còn ở một cánh đồng tại lúa Bắc Giang.

“Khi họ hy sinh, người Việt chúng tôi lo hậu sự cho họ không khác gì những liệt sĩ đã ngã xuống vì tổ quốc”, ông Dương Văn Dâu là người coi sóc đài tưởng niệm lính Triều Tiên, chia sẻ với Associated Press gần đây.

Những bài học kinh tế

Từ Bắc Giang, xe của ông Kim có thể đi về hướng Tây Nam, qua tỉnh Bắc Ninh, đến thăm một một nhà máy lớn chuyên sản xuất điện thoại do tập đoàn Samsung của Nam Hàn sở hữu, là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam.

Nhà máy này là biểu tượng cho thấy rõ các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đã giúp chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam thế nào từ cuối thập niên 1980, khi đảng Cộng sản cầm quyền – không giống kiểu lãnh đạo của của Bắc Triều Tiên – đã khởi động  một chiến dịch được gọi là cải cách kinh tế “Mở Cửa”.

Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Nam Hàn vào năm 1992; hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Seoul, với tổng giá trị thương mại hai chiều năm ngoái lên tới 62,6 tỉ Mỹ kim.

Một phái đoàn Bắc Triều Tiên đã tới thăm Bắc Ninh gần đây, giúp củng cố dự đoán rằng ông Kim có thể đến thăm nhà máy Samsung trong tuần này.

Nhà khách Chính phủ tại Hà Nội là một trong hai địa điểm mà ông Trump và ông Kim có thể gặp nhau. Nguồn: Gemunu Amarasinghe/ Associated Press

Tiếng vọng từ thời thuộc địa

Ở Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam, nơi ông Kim dự kiến sẽ gặp ông Trump vào thứ Tư và thứ Năm tuần này tại một trong hai địa điểm.

Một là Nhà khách Chính phủ, từng là nơi ở của thống đốc thuộc địa Bắc Kỳ, tên của miền bắc Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc. Tòa nhà này trở thành tổng hành dinh của chính quyền chuyển tiếp, thực hiện cuộc cách mạng vô sản do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, là người tuyên bố Việt Nam độc lập từ Pháp vào năm 1945.

Hai là Khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội, nơi Thượng nghị sĩ John McCain của bang Arizona thích lưu lại và trò chuyện với các phóng viên trong các chuyến thăm của ông tới Việt Nam. (Không nên nhầm lẫn nơi này với “Hà Nội Hilton”, một biệt danh hài hước mang nghĩa xấu của nhà tù [Hỏa Lò] nơi ông McCain từng là tù nhân thời chiến tranh Việt Nam).

Một trong những vị khách nổi tiếng khác của Khách sạn Metropole là ca sĩ nhạc đồng quê Mỹ Joan Baez, là người trú ẩn tại hầm của khách sạn này trong vụ đánh bom Hà Nội vào tháng 12/1972. Vị trí chính xác của hầm ngầm khách sạn vẫn là một bí ẩn trong nhiều năm sau chiến tranh – cho đến năm 2011, khi nó được phát hiện bởi những công nhân xây dựng một quán bar bên hồ bơi.

Lãnh tụ gặp lãnh tụ

Phần còn lại trong chuyến thăm thú Hà Nội của ông Kim vẫn là bí mật. Nhưng có một điểm dừng hợp lý là lăng Hồ Chí Minh, cách Đại sứ quán Bắc Triều Tiên vài đoạn đường.

Ông Hồ là một trong vài lãnh đạo Cộng sản được ướp xác trong những thập niên gần đây; ngoài ra còn có ông nội và cha của ông Kim, là Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. Ngoại trưởng Triều Tiên, ông Ri Yong-ho đã tham dự một buổi lễ đặt vòng hoa tại lăng ông Hồ khi ông đến thăm Hà Nội hồi tháng 12.

Còn bữa ăn tối thì sao? Nếu đoàn tùy tùng của ông Kim chọn dùng bữa ăn tối bên ngoài, họ có thể cân nhắc Nhà hàng Bình Nhưỡng ở Hà Nội, là một trong vài nhà hàng của chính phủ Bắc Triều Tiên rải rác trên thế giới. Các nhà hàng này có truyền thống đóng góp tiền tệ cho chế độ [Bắc Triều Tiên]. Nhưng các nhà phê bình cho rằng, đó là các địa điểm rửa tiền, còn các nữ tiếp viên thỉnh thoảng vẫn kiếm cơ hội đào tẩu.

Du khách đang tham quan hang động ở Vịnh Hạ Long. Ông nội của Kim Jong-un là Kim Nhật Thành đã đến thăm khu du lịch nổi tiếng này vào năm 1964. Nguồn: Hoang Dinh Nam /AFP – Getty Images

Đường xuống vịnh?

Khi một quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên, được biết với biệt danh “quản gia” của ông Kim, đến Việt Nam hồi tuần trước, ông này đã dừng chân tại Vịnh Hạ Long, một địa điểm du lịch nổi tiếng gần thành phố cảng Hải Phòng ở miền bắc.

Nếu ông Kim cũng đến thăm Vịnh Hạ Long, ông sẽ lặp lại hành trình của ông nội mình, là người đã tới đó du lịch vào năm 1964. Ông Kim cháu, là người vốn rất quan tâm đến ngành du lịch Triều Tiên, có thể thấy Vịnh Hạ Long là một mô hình có ích để phát triển một tên tuổi lớn, thu hút khách du lịch.

Trong khi đó, các nhà máy ở thành phố Hải Phòng, nơi sản xuất sản phẩm của các tập đoàn như LG Electronics của Nam Hàn, có thể là bài học cho ông Kim về cách thu hút đầu tư nước ngoài.

_____

[1] Cựu hoàng Campuchia, là người từng hợp tác với Khmer Đỏ, lúc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam để bảo vệ Việt Nam Cộng hòa. Ông này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và Anh, sau đó cho phép Cộng sản Bắc Việt lập căn cứ ở biên giới Việt Nam – Campuchia, góp phần mở đường cho quân Bắc Việt tiến vào miền Nam Việt Nam.

©Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây