Tri luận: Nói chuyện với tuổi trẻ của Việt tộc (Phần 6)

GS Lê Hữu Khóa

9-1-2019

Tiếp theo phần 1  —  phần 2  —  phần 3  —  phần 4  —  phần 5

Tuổi… tròng

Đừng để chân trời gọi mãi

Đừng để khói sương mới mọc đến hai lần…

Trần Dần

Tháo tròng độc

Một cổ nhưng nhiều tròng… Tuổi trẻ luôn bị độc tài thao túng, luôn bị độc trị giật dây, luôn bị độc tôn nhào nặn, luôn bị độc đảng thuần hóa… Muốn tháo gỡ tròng khỏi cổ, thì bỏ độc để chọn đa. Tự tạo đa nguyên để đa trí, đa dũng để đa tài, đa trí để đa tri. Độc tài, độc trị, độc tôn, độc đảng thường hay tuyên truyền: “Thanh niên là nguyên khí của quốc gia”, “Tuổi trẻ là tương lai của đất nước”, mà không cho tuổi trẻ chọn nhân tri để có tự do, nhân tính để có công bằng, nhân nghĩa để có bác ái, thì tất cả chế độ theo độc này đều nói láo, nói xạo, nói dóc.

Độc tài, độc trị, độc tôn, độc đảng không cho tuổi trẻ được chọn lựa – để chọn đa – thì làm sao tuổi trẻ có tự do… Tự do phải từ quyết định tới hành động, tự do phải từ đề nghị tới phân tích, tự do phải từ nhận thức tới phê bình. Ngược lại, có đa để thực sự có tự do, trong đa nguyên đã được chọn lựa, có đa tài sẽ có đa tạo để củng cố tự do của mình, trong đa trí đã có đa tri, cả hai có tương tức nên giúp nhau thăng hoa qua đa dạng.

Tháo tròng… đồi trụy

Một chính quyền độc (độc tài, độc tôn, độc trị, độc đảng) luôn tạo ra quan hệ độc hại cho xã hội qua công an trị, quân đội trị; luôn tạo hệ quả đầy độc tố cho quần chúng, mà tuổi trẻ là nạn nhân qua tứ đổ tường: từ rượu chè qua nghiện nghập, tự do hút thuốc để tự diệt thể lực, tự do uống rượu để tự diệt trí lực, tự do nghiện ngập để tự diệt tâm lực.

Tự diệt thể lực, tự diệt trí lực, tự diệt tâm lực thì sẽ không có sức để chống bất công do độc tài sinh ra, không còn sức để chống bất bình đẳng do độc trị tạo ra, không đủ sức để chống bất nhân do độc đảng đẻ ra…  Mất sức đề kháng của thể lực thì còn gì để đối kháng với cái độc của đồi trụy đang tha hóa nhân sinh. Mất sức kháng cự của trí lực để đối đầu với cái độc của tha hóa, thì còn gì tâm lực để kháng chiến với xấu, ác, hiểm, thâm của cái độc!

Ý muốn của cái độc là diệt cái hay, nên ý định của cái độc là diệt cái đẹp, vì ý đồ của cái độc là diệt cái lành, cái độc cố tình truy diệt cái tốt để tận diệt cái đa.

Tháo tròng sợ

Một chính quyền độc (độc tài, độc tôn, độc trị, độc đảng) dùng công an trị kềm chế nhân sinh, quân đội trị đàn áp nhân tính. Lấy cái độc của bạo lực để bạo hành nhân trí, lấy cái độc của bạo quyền để bạo ngược nhân đạo, cái độc luôn dùng cái bạo để đe dọa, để trừng trị, để áp chế cái nhân.Một chính quyền độc (độc tài, độc tôn, độc trị, độc đảng) còn dùng khủng bố để giết hại đám đông, dùng ám sát để truy diệt cá nhân, cùng lúc dùng tù đầy để trừng trị, dùng tra tấn để trừng phạt, tất cả tập trung vào tâm lý gây nên cái sợ để trị.

Một chính quyền độc (độc tài, độc tôn, độc trị, độc đảng) tạo nên một đồ hình sợ, bằng nhiều cách, khủng bố qua lén đặt bom; ám sát người trong bóng tối, cái độc giết kẻ bị tù đầy bằng cách bỏ đói, tra tấn cực hình tử tù mà không cho chết ngay, truy diệt đối phương bằng thuốc độc, diệt đối phương bằng phóng xạ nguyên tử.  Cái độc vừa có thể là chó cắn trộm sau lưng ta, vừa là ma bùn lẩn lách trong bóng tối để đâm lén ta, nó không cần nhân cách vì nó không biết nhân đạo, nó không cần tư cách vì chỉ có độc cáchbám độc để diệt đa, nhưng chính tại đây cái độc sẽ chết non, chết yểu vì nó chống lại nhân từ, ngược dòng với nhân nghĩa, tuổi thọ không bao giờ dài, không bao giờ sâu, mặc dù có người sống vội thì thấy cái độc sống lâu.

Từ tuổi nhỏ qua tuổi lớn thì tuổi trẻ là tuổi “ít” biết sợ trước cái độc, vì có lý tưởng của tự do, vì có hoài bão của nhân quyền, tạo nên can đảm trong cải tổ, tạo nên quả cảm trong cách mạng, để đấu tranh cho công bằng, chấp nhận hy sinh vì công lý. Tuổi trẻ “không biết sợ” vì biết giá trị của bác ái, mỗi chọn lựa đều có cái giá phải trả, trả giá vì tự do, dấn thân vì nhân quyền, thì cái can đảm đã đi trên lưng, trên đầu cái sợ… cho nên một chính quyền độc (độc tài, độc tôn, độc trị, độc đảng) “rất sợ” tuổi trẻ! Vì tuổi trẻ là ngòi pháo ngay thượng nguồn mọi cuộc cách mạng, vì tuổi trẻ cũng là sung lực giữa hạ nguồn của mọi cuộc đổi đời.

Tháo tròng… “cá nhân trọc phú”

Tuổi trẻ hãy thận trọng một tròng vô hình vì luôn vô dạng, đang trùm phủ lên nhân loại qua chủ nghĩa tư bản được thế giới hóa, không một châu lục, không một dân tộc nào, một đất nước nào thoát nó. Một chủ nghĩa lấy tư lợi để tổ chức xã hội, lấy vốn tư để lập quan hệ xã hội, lấy của riêng để làm giầu qua phương tiện sản xuất chung, trong đó cái tư hàng đầu, cái chung hàng sau; cái hạng cao, cái chung hạng thấp; “cái tư ăn cỗ đi trước, cái chung lội nước đi sau”

Một chủ nghĩa lấy tự do cạnh tranh làm lẽ sống, bất chấp bác ái, tạo bất công qua luật rừng vô đạo “mạnh được, yếu thua”, qua luật thất nhân “cá lớn nuốt cá bé”; có tiền làm chủ, không tiền làm công; có tiền là có quyền, không cần đạo lý, nên vắng bóng luân lý, nên vắng tanh đạo đức. Một chủ nghĩa lấy tôn sùng cá nhân qua đấu đá vật chất, tranh giành kinh tế, chụp giựt tài chính, có chức để có quyền, có quyền để có tiền, không cần suy nghĩ là có chức thì phải có đức.

Một chủ nghĩa lấy sùng bái “cá nhân trọc phú” hơn là quý trọng cá thể tử tế; bái lạy “cá nhân ngoại hình” hơn là trân quý cá thể biết người, biết ta, ăn ở có hậu. Loại “cá nhân trọc phú” này sống vì tư lợi thì xem thường công ích xã hội; sống chỉ thấy thành công cá nhân qua tiền của thì sẽ không thấy giá trị tâm linh của đạo làm người. Một chủ nghĩa lấy cá nhân ra để thay tình đồng bào, để đánh tráo đồng loại, thì bản thân cá nhân đó sẽ cô đơn trong nhân sinh, cô độc trong nhân thế, cô lẻ trong nhân tình, cá nhân đó càng thành công trong vật chất, thì càng què quặt trong tâm linh.

Tháo tròng vô tri

Kẻ vô tri, nhìn mà không thấy, thấy mà không hiểu, nên không có lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận trước các thực tế của cuộc sống, trước các thực tại của cuộc đời, sống trong xã hội của mình nhưng thực sự là đui, điếc rồi câm, nín trước các bất bình đẳng tới từ tà quyền, bất công tới từ bạo quyền.

Không thấy dân đen trong nghèo khổ, không thấy dân oan bị cướp đất, cướp nhà thì sẽ không sao hiểu được các phong trào dân quyền dẫn tới các cao trào nhân quyền; tự chủ sẽ dẫn tới dân chủ của các tầng lớp bị áp bức này, ngày đang lớn mạnh.

Kẻ vô tri sẽ không thấy và không hiểu sự vận hành của nhân loại đi tìm nhân đạo, nhân thế đi tìm nhân nghĩa, nhân tình đi tìm nhân tính, nhân tri đi tìm nhân trí. Vô tri luôn đi ngược hướng nhân tri. Nếu vô tri vô trí thì chỉ là lỗi nhẹ, còn nếu vô tri vì vô liêm sỉ, chỉ thấy mình mà không thấy người, lấy vị kỷ để vùi dập vị tha, thì lỗi nhẹ giờ đã sang lỗi nặng. Nếu vô tri vì ích kỷ sẵn sàng biến của người thành của ta, thì lỗi giờ đây đã bước qua tội, nếu là tội thì sẽ bị đạo lý xử nghiêm khắc, công lý xử nghiêm minh.

Tuổi trẻ hãy dụng toàn diện đạo lýcông lý như đã nhận diện ra hai ngọn hải đăng trong sương mù dân tộc hiện nay, để đứng phía các nạn nhân của bất bình đẳng, của bất công: tuổi trẻ hãy đứng hẳn về phía nước mắt!

Tháo tròng vô giác

Các nhà nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội nhân văn về giới trẻ Việt Nam nhiều lúc thẫn thờ ngạc nhiên trước các hành vi xã hội của một số thanh niên, chẳng hạn có bạn quá hâm mộ một vài ca sĩ trẻ Hàn quốc, đã hôn cả lên ghế ngồi của các ca sĩ này, lại còn tươi cười và hãnh diện vì hành vi đó, các bạn đó bị xếp hạng rất thấp trong xã hội học thanh niên vì bị xem là loại vô giác, vì ngay trong tư duy đã vô minh, ngay trong phản xạ đã vô tri.

Cũng các nhà nghiên cứu này ngạc nhiên về thái độ sống của nhiều bạn trẻ Việt, tới gặp trong hâm mộ rồi quy phục trước các nhà kinh doanh Trung Quốc đã thành công, lắm tiền nhiều của. Nhưng các bạn trẻ này không tự đặt ra các câu hỏi để tìm câu trả lời cho chính mình là các đại gia Tàu này, mà phần lớn là trọc phú, đã bóc lột đồng bào họ như thế nào để được giầu như vây? Và sau này, nếu đất nước Việt bị Tàu xâm chiếm, đô hộ, đồng hóa, thì các đại gia Tầu trọc phú này, sẽ bóc lột Việt tộc của các bạn gấp bao nhiêu lần để giầu thêm?

Không cần phải là các nhà nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội nhân văn để ngạc nhiên trước các hành vi xã hội của một số thanh niên, về thái độ sống của nhiều bạn trẻ hiện nay, mà chỉ cần là du khách tham quan, qua các thành phố, qua các nẻo đường của đất nước Việt: ai cũng ngạc nhiên là số lượng đông các thanh niên ngồi tán gẫu nhiều giờ liền trong ngày tại các quán cà phê, mà không thấy học tập, không thấy lao động, bao giờ thì đất nước Việt sẽ giầu mạnh?

Không cần phải là du khách tham quan, mà chỉ là công dân Việt bình thường, ai cùng vừa thắc mắc, vừa buồn khi nhìn các thanh niên đầy ngập các quán nhậu, lời ra tiếng vào dẫn tới ăn tục nói phét, vô tri khi tự khen nhau về “tửu lượng”, vô minh khi miệt thị phụ nữ, vô giác khi tiêu xài tiền của người thân…

Tự thiêu hủy thể lực, còn đâu tâm lực để bảo vệ đất nước khi Tàu tặc đang đe dọa quê hương qua môi trường, đang hủy diệt đồng bào mình qua thực phẩm, rồi còn đâu trí lực để vận não làm chuyện phát triển đất nước, vắt óc để bảo vệ tiền đồ của tổ tiên!

Các bạn trẻ trong các thành phần vừa được-hoặc-bị nhận diện như trên, xin các bạn tự đặt các câu hỏi cho cho chính mình: Tôi đang làm gì trong cuộc sống này? Cuộc sống của tôi có ích gì, lợi gì cho gia dình, cho quyến thuộc, cho dân tộc, cho quê hương? Tôi muốn làm gì trong cuộc sống này, muốn mang ý nghĩa gì cho cuộc đời tôi, cho đồng loại của tôi? Nói gần nói xa không qua nói thật: Tôi có nên sống trong liêm sỉ, trong tự trọng, trong khiêm cẩn với đất nước này không?

Tháo tròng vô loài

Tuổi trẻ sáng suốt luôn đặt các câu hỏi vấn nạn về đồng loại, đồng bào của mình: hiện nay gia đình, quyến thuộc, dân tộc đang bị những nguy cơ gì? Những hiểm họa nào đang trùm phủ trên đất nước, trên quê hương ta? Tiền đồ của tổ tiên, rồi tương lai của các thế hệ sau ta sẽ phải gặp những nguy khốn gì?

Tuổi trẻ tỉnh táo luôn đặt các câu hỏi về tương lai cả mình, của người thân, của tập thể, của cộng đồng mà mình là thành viên: cùng nôi tam giáo đồng nguyên với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, họ đã làm chủ rồi, tại sao Việt tộc lại cứ làm công cho họ, với lương bổng thấp, bị coi rẻ về số phận, bị coi thường về nhân cách, mang kiếp lao nô?

Tại sao ngay thế hệ của mình không tự lập để tự chủ, không có sáng kiến để có sáng tạo, làm chủ như họ? Không có gan làm giầu, lại không chịu thức khuya dậy sớm? Không một nắng hai sương, lại hay có phản xạ gà què ăn dựa cối xay, trông cầu vào viện trợ? Tại sao lại nhắm mắt cho các nhóm quyền lợi thao túng vận mệnh của dân tộc? Để chúng mượn nợ mới để trả nợ cũ, rồi ai sẽ trả nợ mới khi các bọn tà quyền cao bay, xa chạy ra nước ngoài?

Tuổi trẻ thông minh luôn đặt các câu hỏi về thực tại của dân tộc, thực tế của thế giới, thực tiễn của thời cuộc: một thời cuộc đang diễn biến vừa sâu sắc, vừa gay gắt qua tên gọi: toàn cầu hóa, thế giới hóa, trong đó môi trường mới liên châu lục, liên văn hóa, thông tin của trực tiếp, truyền thông của trực diện, tạo ra các điều kiện mới vô cùng thuận lợi để tuổi trẻ Việt tự giải phóng tư duy của mình!

Tự khai thị để khai trí, thoát ly độc (độc tài, độc trị, độc quyền, độc đảng) để nhập nội với đa (đa tài, đa năng, đa trí, đa hiệu trong đa nguyên). Câu chuyện vô loài có lý do của nó, vì những kẻ bị xem là vô loài vì nhân tri, nhân trí không xếp hạng được họ trong các bậc thang của nhân đạo, nhân tính, nhân nghĩa, nhân văn…

Tháo tròng vô nghĩa

Chỉ có một cuộc sống, mà cuộc sống không vĩnh viễn, lại rất vô thường, thì tuổi trẻ chọn các cách sống có ý nghĩa để chống cái vô nghĩa; từ mong sống tới muốn sống trong ý nghĩa, với các giá trị nhân bản, với tầm vóc của nhân văn, với bản lĩnh của nhân đạo. Tháo gỡ được cái vô nghĩa, là thoát cái bản năng: “đói ăn, khát uống”, có khi phải sẵn sàng chụp giựt để tồn tại, có lúc phải sang đoạt để sống còn, rời nhân tính để vào lối của thú tính.

Cái vô nghĩa còn nằm trong cái tầm thường, kéo nhân tính xuống thấp hơn nhân sinh, mà Nguyễn Du đã mượn lời Từ Hải để loại cái vô nghĩa ra khỏi cái trọng nghĩa: “Những phường giá áo túi cơm sá gì!”, sống chỉ vì chén cơm manh áo thì thật uổng cuộc sống! Sống chỉ vì cơm áo gạo tiền thật phí cuộc đời!

Mỗi cá nhân tuổi trẻ phải là chủ thể của cuộc đời mình, của ý nguyện sống vì đời vì người, mà chủ thể là phải có trách nhiệm với tha nhân, có bổn phận với đồng loại, nên luôn có đồng cảm với đồng bào của mình. Muốn làm chủ thể tới nơi tới chốn thì tuổi trẻ phải biết tự hỏi rồi tự trả lời các câu hỏi sau đây: giá trị của nhân tính ở đâu? Giá trị của nhân bản phải tìm ở đâu?  Ta muốn làm gì trong nhân thế? Ta đủ sức làm gì cho nhân sinh?

Tháo tròng vô tình

Kẻ vô tình sống trong một hệ thống chính trị mà không hiểu bất công của hệ thống chính trị đó; làm việc trong một cơ chế mà không thấu các bất bình đẳng do cơ chế đó tạo ra. Hít thở các ý đồ xấu, tồi, tục, dở của một ý thức hệ của bè nhóm thống trị (rất thiểu số) mà không thấy môi trường nhân tính của mình đang bị nhiễm ô. Ăn uống các mưu đồ thâm, độc, ác, hiểm của bè nhóm thống trị mà không thấy mình đang bị ngộ độc, sẽ dẫn dần tới ung thư tâm linh, què quặt tư duy mà không có được một nhận thức đứng đắn nào. Nếu một chính quyền được xây dựng trên tư lợi của bè đảng thống trị, thì luôn mang theo ba ý đồ: khống chế-đàn áp-bóc lột đám đông, quần chúng, dù đó là đồng loại, đồng bào của chúng.

Khống chế là tướt đoạt quyền làm người của dân chúng, rồi đưa xã hội dân sự vào khung tư tưởng tư lợi của bè nhóm thống trị; đưa vào tù qua cơ chế (hộ khẩu, biên chế, kỷ luật nội bộ…) do bè nhóm thống trị này đặt ra. Bè nhóm thống trị này sẵn sàng luật hóa, hiến pháp hóa ý đồ của chúng, để áp đặt tư lợi của bè đảng thống trị trên quyền lợi của dân tộc, áp chế quyền lợi của chúng trên cả tiền đồ của tổ tiên. Đàn áp là sử dụng các phương tiện, các công cụ, các kỹ thuật của bạo lực tự cho phép bè đảng thống trị bạo động trong xã hội, bạo hành trong dân chúng, bạo ngược trong luật pháp, bạo ác trong đạo lý. Bè đảng thống trị luôn nắm thật chặt công an để tổ chức công an trị trong xã hội, luôn giữ quân đội để trấn áp mọi phong trào đấu tranh vì công bằng, công lý, để dễ dàng đổi trắng thay đen.

Bóc lột là cụ thể hóa tư lợi bằng con đường bất chính của chính quyền, của chính phủ, bè đảng thống trị giờ đã thành bọn cướp ngày là quan, chúng là tham quan ăn tươi nuốt sống bằng tham nhũng, tham ô, chỉ vì chúng chỉ biết tham lợi. Chúng duy trì nghèo khổ trong dân tộc để nô lệ hóa dạ dày dân chúng, biến tiềm lực lao động của quần chúng thành lao nô cho ngoại quốc, ngoại bang mà chúng đã có chia chát qua chia lời.

Bộ ba khống chế-đàn áp-bóc lột là thực chất của mọi thể chế độc (độc tài, độc tôn, độc trị, độc quyền, độc đảng) đánh lận con đen khi thay quyền lợi tập thể thành quyền lợi riêng của chúng. Chúng vừa bòn rút, vừa vơ vét, vừa tính chuyện bỏ chạy, khi công lý xuất hiện để xử tội chúng, nên khi cầm quyền chúng rất sợ cái lý của đa (đa tài, đa năng, đa hiệu, đa nguyên) cùng lúc lách luật, nếu cần xé luật, vì luật chơi, trò chơi, sân chơi hiện nay của nhân loại mang tính phổ quát, muốn chơi chung thì phải liêm chính trong đạo đạo lý và công bằng qua công lý, cụ thể là phải tôn trọng nhân quyền và dân chủ.

Tháo tròng vô tâm

Tuổi trẻ sẽ không vô tâm khi có tri thức để trao dồi kiến thức, có ý thức để củng cố nhận thức trước tương lai sắp tới của nhân loại, trước vấn nạn mai sau của đồng bào, trong bối cảnh bất bình đẳng trên toàn cầu ngày càng nhiều, càng cao, càng sâu.

Chỉ hơn 200 gia đình mà giữ hơn 80% tài sản của nhân loại, hơn cả tài sản của 3 tỷ người đang sống trên trái đất này. Và, lượng người di dân, di tản, di cư, tứ cố vô cư, lang thang, bụi đời cũng sẽ ngày càng nhiều, càng đông, càng nheo nhóc, trong khi đám người không hơn 200 kia ngày sẽ càng giầu: đừng chấp nhận bất bình đẳng nhân sinh này! Cũng như đừng nhắm mắt trước các bất công mà dân đen, dân oan đang phải gánh chịu trên quê hương Việt tộc!

Hãy đặt các câu hỏi trong bao tỷ người nghèo khổ kia, có biết bao nhiêu nhân tài, vì không có điều kiện thuận lợi mà tài năng của họ bị mai một? Trong số người đó có bao nhiêu ngàn, bao nhiêu vạn thanh niên của Việt tộc đầy năng khiếu, tràn triển vọng để thành các nhân tài cho đồng bào mình mà không có đất dụng võ?

Hãy đẩy các câu hỏi đi xa hơn, đi sâu hơn để hiểu rõ nghiệp chướng mà Việt tộc đang gánh chịu trước bọn tham quan sống bằng tham nhũng, mỗi ngày bòn rút tài nguyên đất nước, bào mòn sinh lực dân tộc, đồi trụy hóa tuổi trẻ, để số phận Việt tộc như chỉ mành treo chuông hiện nay!

Kẻ vô tâm vì không vắt óc, vận não để hiểu nỗi khổ, niềm đau của nhân thế, nên chóng chày sẽ vô cảm, không cảm thông hết nỗi niềm của dân tộc trước các nguy biến mới. Đừng vô tâm để đừng rơi vào bi kịch kẻ vô tri trước nhân thế, vô tình trước nhân sinh, rồi vô trách nhiệm trước nhân nghĩa với đồng bào, với đất nước.

_____

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Biết đến bao giờ các ngài Giáo Xư ở xứ sở tượng đài Trần dân Tiên Hồ Quang này mới có được tý chút kiến thức và lương tâm như GS Khóa.

  2. Sao rất ít người comment bài này?
    Nói cao diêu, khó hiểu
    Chỉ đọc một đoạn đã hết hứng để đọc tiếp

Comments are closed.