GS Lê Hữu Khóa
6-1-2019
Tuổi… giữa
Đập vỡ hình hài và tỉnh giấc – Thanh Tâm Tuyền
Tuổi giữa vốn và lời
Tuổi giữa… vốn và lời, là tuổi phải động não để hiểu nếu vốn ít mà lời nhiều có thể tạo ra bất bình đẳng! Tuổi giữa… vốn và lời, là tuổi phải động tâm để hiểu nếu không vốn mà lời quá nhiều sẽ tạo ra bất công!
Tuổi giữa… vốn và lời, là tuổi đầu tư vốn riêng của mình vào học đường, vào nghề nghiệp, vào trí tuệ với tất cả ý thức của mình, mà không cần tính lời ngay, là biết biến ý thức thành nhận thức trong đó trí tri là vốn vững (vì là vốn lành). Biết cách vật để trí tri là vốn cao, sâu, xa, rộng.
Tuổi giữa… vốn và lời, là tuổi phải tư duy là cuộc sống không chỉ có chuyện vật chất thẳng thừng “tiền trao, cháo múc”, không chỉ có chuyện tài chính thô thiển “ăn cháo, trả tiền”, mà biết “ăn ở có hậu”, biết người biết ta, để nuôi dưỡng quan hệ giữa người dài lâu với người bằng nhân tính, dựa vào nhân nghĩa để giáo dưỡng nhân tính bền vững bằng nhân giáo.
Tuổi giữa… vốn và lời, là tuổi hiểu rõ câu “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, để thấu sâu câu “sống lâu mới biết lòng người có nhân”, để cảm nhận câu “sống có nhân mười phần không khó”… luôn lấy nhân làm vốn, lấy nhẫn để đầu tư sâu sắc cho nhân, vì biết lấy nhân để sinh (lời) cho nhân.
Tuổi giữa sự và thật
Tuổi trẻ là tuổi trưởng thành khi bắt đầu đặt các câu hỏi về cuộc đời và về kiếp người khi chứng kiến các sự cố, để phải đi tìm sự thật để tìm các câu trả lời về những sự cố này. Tìm được sự thật sẽ tìm được chân lý, có chân lý trong tầm mắt sẽ có lẻ phải trong tầm tay, vấn đề còn lại là tuổi trẻ có dám đấu tranh vì sự thật, vì chân lý, vì lẽ phải hay không? Đây là ranh giới rõ ràng phân định giữa quân tử và tiểu nhân, giữa người hùng và kẻ hèn.
Trên thượng nguồn trước khi sự thật xuất hiện, triết học cùng khoa học đều khẳng định là sự thật luôn xuất hiện sau một sự cố, cho dù sự cố đó tới từ sự ngẫu nhiên, nhưng khi sự thật xuất hiện để giải thích và minh chứng sự cố, thì sự thật trở thành hằng số, và sự cố chỉ còn là hiện tượng, mà giờ đây sự thật là bản chất làm chỗ dựa cho mọi phân tích và cho mọi lý luận. Sự thật sẽ trường tồn ở lại, cho dù sự cố có thể ra đi. Sự thật đóng dấu trong thời gian, đóng đinh trong không gian, nên sự thật có tuổi thọ dài hơn kiếp người, kéo dài qua nhiều thế hệ, luôn làm chỗ dựa cho sử học, cho khoa học, cho học thuật, cho kiến thức… là rễ của trí thức, là cội của trí thức. Chúng ta có thể phân loại các ra bốn loại sự thật mà chúng ta có thể nhận diện qua năm sinh hoạt của nhân sinh: sự thật trong khoa học, sự thật trong chính trị, sự thật trong nghệ thuật, sự thật trong tình yêu, sự thật trong tình bạn. Hãy cùng nhau soi sáng các loại sự thật này
Tuổi giữa khoa và học
Sự thật trong khoa học được đánh dấu bằng khám phá của khoa học, sau một quá trình nghiên cứu mà tri thức của nghiên cứu là nền để tiếp nhận sự thật khoa học, và nhiều khi, lắm lúc sự thật này tới từ ngẫu nhiên, giúp người làm khoa học khám phá ra sự thật khoa học, từ đó sự thật này là tổng kết của tất cả quá trình tri thức, giờ đã thành kiến thức khách quan, để tồn tại với thời gian, để tổ chức lại các nhận định, phân định, khẳng định các giá trị trong khoa học. Sự thật khi được xác minh, thì nó cái vô định trong lầm đường lạc lối, thành cái hữu định vừa có giải trình, vừa có công thức, để khi cần thì cứ thí nghiệm, khi thích thì cứ thể nghiệm.
Sự thật khoa học tổ chức lại tư duy khoa học, nó tổ chức lại luôn cả giáo trình, giáo án, giáo khoa trong giáo dục, trong học đường. Sự thật khoa học tổ chức lại luôn các chương trình nghiên cứu khoa học, các phương án trong học thuật, tầm vóc của sự thật buộc chúng ta phải tổ chức lại nhân tri, nội công của sự thật buộc chúng ta phải tổ chức nhân trí. Khi sự thật khoa học khám phá, chứng minh, giải thích là trái đất không phẳng, mà tròn, lại biết xoay chung quanh mặt trời, thì chính vũ trụ quan chính xác này đã thay đổi nhân sinh quan của nhân loại.
Sự thật khoa học bó buộc nhân tính phải xem lại chuyên khoa (chuyện khoa), xem lại chuyên học (chuyện học) của nhân văn.
Tuổi giữa chính và trị
Sự thật trong chính trị xuất hiện với quá trình của ý muốn-ý định-ý đồ được thực hiện qua quá trình muốn biến đổi: thực tế nhân sinh, hiện trạng của nhân tình, thực trạng của nhân thế theo hướng tích cực đi lên để thăng hoa cho nhân loại. Sự thật chính trị chỉ xuất hiện trong quá trình của đa nguyên, trong đó đa đảng tạo điều kiện cho đa tài, đa năng, đa hiệu để quần chúng được chọn lựa, dân tộc được quyết định, để nhân loại được phân định trong minh bạch là chương trình chính trị nào đúng với nhân tri, nhân trí, tức là đúng với nhân tính.
Nếu không có quá trình đa, mà chỉ có quá trình độc (độc đảng, độc tài, độc trị, độc tôn), thì sẽ không có sự thật chính trị mà chỉ có quá trình cướp chính quyền-nắm chỉnh phủ-bám quyền lực, mà sẽ không bao giờ có sự thật chính trị. Không có sự thật chính trị thì sẽ không bao giờ có chính trị thật sự mà chỉ có bám quyền vì tham quyền, tham quyền để tham quan, tham quan để tham ô, tham ô để tham nhũng! Sự thật trong chính trị đòi hỏi chính trực trong quản trị bằng liêm chính của đa, vì đa cho phép nhiều (nhiều chuyên tài, nhiều năng suất, đa hiệu quả) để so sánh (so ra mới biết ngắn dài), trong khi đó độc (độc đảng, độc tài, độc trị, độc tôn) cấm so sánh, chận so đo, ngăn so tài, diệt sự thật trong chính trị để hủy chính trực, để xóa liêm chính
Tuổi giữa nghệ và thuật
Sự thật trong nghệ thuật được chứng minh qua sáng tạo, từ nghệ thuật tạo hình tới nghệ thuật nhạc, tự nghệ thuật văn tới nghệ thuật thơ, và tất cả các loại hình nghệ thuật trong nhân sinh, mà sáng tạo có thể tới từ ngẫu nhiên, nhưng sự ngẫu nhiên là kết quả của một quá trình sinh hoạt, mà kết quả của sáng tạo là kết quả một quá trình vô định, giờ đã thành hữu định như một sự thật được định hình qua sáng tạo.
Chính sáng tạo trong nghệ thuật tạo hình vô cùng phóng khoáng trong tự do tuyệt đối trong nghệ thuật tạo hình sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia trí đã làm thay đổi tận gốc rễ các thói quen dễ dãi, các định kiến sai lầm, các lối mòn cũ kỹ trong các sinh hoạt của nghệ thuật sơn mài tự gọi là truyền thống. Chính sáng tạo làm rõ sự thật trong nghệ thuật, mà nhận định của Thanh Tâm Tuyền: “đập vỡ hình hài và tỉnh giấc”, là quá trình của sáng tạo rời vô bờ, vô bến mà phải đập vỡ hình hài để được tỉnh giấc để tới bờ, tới bến của sự thật qua sáng tạo. Kết quả của sáng tạo như sự thật trong nghệ thuật, nơi mà chủ thể sáng tạo đã làm thay đổi cả nghệ và cả thuật ngay trong sinh hoạt sáng tạo, ngay trong đời sống của nghệ sĩ, nghệ nhân, kể cả người thưởng ngoạn nghệ thuật.
Tuổi giữa tình và yêu
Sự thật trong tình yêu tới từ sự ngẫu nhiên khi gặp một người, như gặp một sự cố có thể làm thay đổi toàn bộ cuộc đời của mình, như khám phá một sự thật hoàn toàn tuyệt đối là chấp nhận có một người -vừa là, vừa mới- nhập vào cuộc đời của riêng mình, của chính mình, giờ đây một người đã biến thành hai người, trong mọi dự phóng về cuộc đời, về tương lai.Sự thật tình yêu là sự khẳng định tuyệt đối về sự thật một bây giờ đã thành hai, trong đó tính tuyệt đối của tình yêu có ngay trong tuyên bố của tình yêu, trong đó những kẻ yêu nhau tuyên bố với nhau là: “sẽ yêu nhau suốt đời”, mà không thể nói một cách tương đối, hữu hạn là “chỉ yêu một ngày”; “chỉ yêu một tháng”; “chỉ yêu một năm”… Tuyệt đối suốt đời cấm đoán tuyệt đối mọi con tính tương đối, hữu hạn. Sự thật trong tình yêu mà nội chất là tính tuyệt đối làm chỗ dựa cho quyết tâm dài lâu của tình yêu, như thỏa hiệp trường tồn bằng cặp, bằng đôi, mà không còn là một (một người, một kẻ, một mình). Mặc dầu trong tình yêu có khống chế, có áp đặt của hai kẻ yêu nhau, tức là có người này “ăn hiếp” người kia, có người kia “bắt nạt” kẻ mình yêu, nhưng thỏa hiệp trường tồn vẫn tồn tại, vì muốn còn tiếp tục bên nhau (để giữ tình yêu). Vì, nếu ngược lại khi quyết tâm dài lâu của tình yêu qua thỏa hiệp trường tồn bị đe dọa, rồi bị loại bỏ thì sẽ không còn tình yêu!
Tuổi giữa tình và bạn
Sự thật trong tình bạn cũng tới từ sự ngẫu nhiên khi gặp bạn, nhưng tồn tại dài lâu với thời gian với quyết tâm giữ bạn cho bằng được, trước mọi thử thách, trước mọi thăng trầm, ý nguyện sống cùng bạn giữa đời, thành thỏa hiệp như lửa thử vàng, như lấy đạo lý bằng hữu để cạnh bạn, song hành trước giông tố của kiếp người. Sự thật trong tình bạn luôn được thử thách trước các cám dỗ tới từ tư lợi của mỗi cá nhân, tới từ bên ngoài, tới để đe dọa tình bạn, kẻ chạy theo tư lợi mà bỏ bạn trong gian nan thì bị xem như phản bạn. Hạt muối cắn làm đôi, thử thách qua nằm gai nếm mật, trong đó có cùng cam cộng khổ, qua suốt quá trình đồng hội đồng thuyền tạo nên nội tính bền lâu trong dài hạn. Sự thật trong tình bạn khẳng định rõ không vì tư lợi mà bỏ bạn, không chạy theo quyền lợi mà phản bạn, vì tình bạn được nghiệm qua sự chọn lựa dứt khoát: lòng trung thành với bạn. Một người bạn thủy chung có thể gạt mọi sự áp đặt của đảng phái, mọi sự áp chế của các tập thể độc đoán để bảo vệ bạn. Tình bạn có khi nặng nghĩa ngang ngửa với tình anh em trong cùng một gia đình, và luôn có sức bật để đi trên vai tình đồng nghiệp, đi trên lưng tình đồng chí. Sự thật trong tình bạn cũng phải được hiểu như chuyện che chở bạn, bao bọc bạn, như phản xạ biến trung thành trong quan hệ thành chung thủy trong thử thách: nhiều người cộng sản tới Sài Gòn sau 1975, rất ngạc nhiên về tình bạn trong sinh hoạt văn nghệ của miền Nam trước 1975. Trong giới văn nghệ sĩ thời đó, ai cũng biết là có kẻ theo “mặt trận”, có kẻ theo “cộng sản”, nhưng văn nghệ sĩ miền Nam thời đó không ai làm chuyện đi tố cáo các người đó với công an, với chính quyền miền Nam, cũng chỉ là bạn với nhau, chuyện giữ bạn trong nhân tính là chuyện che chở bạn trong nhân nghĩa. Mất một người bạn chân chính trong cuộc đời ta khi ta bội bạc với bạn, thì ta thấy như mất đi hai nguồn đạo lý trong nội tâm ta: trung và tín.
Tuổi giữa thực và hư
Thử thách hằng ngày của tuổi thanh niên là nhận thức rõ về thực và hư. Hiểu thực là biết thực tế để nhận định thực tại, thấu thực tại để đào sâu thực trạng, liên kết từ dữ kiện tới chứng từ để lập được phương trình thực tế–thực tại-thực trạng, đón nhận đáp số như đón kết quả của tri thức: sự thật của hiện tại!
Ngược lại với sự thật là hư ảo, không những phản sự thật, mà còn hoàn toàn ngược với chân lý, cho nên đừng mong hư ảo giúp ta tìm được lẽ phải, vì phương trình sự thật–chân lý–lẽ phải luôn đối diện để đối đáp ngược chiều với hư ảo chỉ có thể tới từ hư cấu.
Nếu hư ảo, tới từ mộng ảo, được xây dựng bằng mộng tưởng của sức tưởng tượng của một cá nhân hay một tập thể, lấy hư thay thực để mơ mộng, biến mơ thành ảo, lấy huyền ảo để khỏa lấp những sự thật, trong đó có khó khăn gây ra khó chịu cho kẻ sống trong hư ảo, vì thực tại có nghèo đói sinh ra đau khổ, vì hiện trạng có bất bình đẳng tạo ra bất công.
Đối với loại hư ảo này, phải nhận định rõ: nó không có tội, cũng chẳng có lỗi, vì đây là sinh hoạt dường như bình thường của con người. Vì khi lý trí bị vô hiệu hóa trước các áp bức xã hội mà con người không vượt qua được thì lý trí bị hư vô hóa; lúc đó phương trình tâm lý mộng tưởng–mộng mơ-mộng ảo, sẽ mang hư ảo vào tâm trạng để tràn ngập vào lý trí, để thay thực thành hư.
Nhưng nếu hư ảo, được cố tình-cố ý dựng lên bằng hư cấu, với những ý đồ của ý thức hệ qua tuyên truyền (giai cấp vô sản-thiên đường cộng sản…), với những ý định được che dấu bởi những con tính chính trị (giải phóng-cách mạng…), với những ý muốn vu khống để chụp mũ kẻ liêm chính (phản động-phản cách mạng…); thì loại phương trình hư ảo-bằng-hư cấu phải được hoặc phải bị đạo lý (hay, đẹp, tốt, lành) lấy ra phán đoán lại; phải được hoặc phải bị luân lý (bổn phận tập thể, trách nhiệm cộng đồng) lấy ra phê phán lại; phải được hoặc phải bị công lý (công tâm, công bằng) qua công pháp để luật pháp lấy ra thẩm phán lại.
Phương trình đạo lý-luân lý–công lý trong quá trình phán đoán lại-phê phán lại–thẩm phán lại là sinh hoạt lý trí bình thường-thường xuyên-thường trực của các chế độ, của các xã hội, của các chính quyền biết tôn trọng: công bằng vì công lý, tự do vì tự chủ, dân chủ vì nhân quyền, tất cả dựa trên phương trình rất thông minh của nhân: nhân tri vì nhân sinh, nhân trí vì nhân tính, nhân lý vì nhân đạo.
Tuổi giữa người? và ai?
Câu hỏi cứ len lén trong tâm trí của tuổi thanh niên vẫn là câu hỏi: thế nào là làm người? Để khi sống trọn tuổi thanh xuân cho tới khi rời cuộc đời này, ta không bị chung quanh ta phê phán là: người không ra người, ngợm không ra ngợm! Câu hỏi về chất người để hiểu phẩm người không hề có câu trả lời chính đáng và xác đáng nếu mỗi cá nhân không trả lời được câu hỏi: tôi là ai? Đang sống trong xã hội nào, cộng đồng nào, tập thể nào, để trả lời luôn câu hỏi rộng hơn, lớn hơn, sâu hơn, cao hơn: ta là ai? Đáp số của phương trình nhân cách này (làm người?-tôi là ai?-ta là ai?) chính là câu trả lời của mỗi chúng ta về nhân phẩm của chính mình. Loại phương trình này không có lãnh thổ riêng rẽ, không có biên giới phân chia rõ rệt giữa tư và công, không có biệt khu hay biệt phủ giữa tư cách cá nhân và luân lý cộng đồng. Tổ tiên ta giáo dưỡng con cháu chu đáo: «suy bụng ta ra bụng người», để khi sống thì «được mắt ta ra mắt người», để cẩn thận trong «đối nhân xử thế », để cẩn trọng cho chính ta: «trách người phải nghĩ tới ta». Các bạn trẻ tìm trong văn học thế giới cũng sẽ có câu trả lời. Đó là trường hợp của văn hào V. Hugo: “C’est insensé de croire que je ne suis pas toi!” (Thật quái lạ, không chấp nhận được nếu bạn nghĩ tôi không là bạn!). Như vậy, chuyện người này «đi guốt trong bụng» người kia là chuyện có thật chớ không phải chuyện ảo! Nhưng trong giãi luận của tác giả này thì ta phải nhận ra được một mấu chốt khác của hệ vần đề nhân là: mỗi cá nhân rất riêng biệt để có thể biệt lập vào thế giới riêng rẽ của mình, nhưng cùng lúc tất cả cá nhân, tất cả chúng ta có muôn vàn mẫu số chung, từ điều kiện làm người đến kết quả thành người. Cụ thể là chúng ta có cùng một con đường (làm người để thành người), mà ta gọi tên là nhân đạo; nhưng nếu dịch nhân là người, đạo là đường, e rằng chưa đủ (vì chưa đúng), vì giá trị của nhân đạo, tức là ý nghĩa của con đường phải là thông lộ của hay, đẹp, tốt, lành.
Các bạn trẻ cũng đừng quên tư tưởng của J.J.Rousseau: “Les hommes soyez humains” (con người ơi hãy giữ nhân tính), vì chưa chắc sinh ra là người mà được các người khác xem là người đâu! Bọn “lòng lang, dạ thú” thì chắc không phải là người rồi! Bọn “khẩu phật, tâm xà” cũng không được coi là người! Bọn “cõng rắn cắn gà nhà” thì chính dân tộc không xem chúng là người! Bọn “mang voi dày mộ tổ” thì chính tổ tiên đã từ chúng, số phận chúng chỉ là “bụi đời nơi đất giặc”, rồi thành “oan hồn nơi xứ tặc”. Số kiếp của các quan chức tham quyền-tham ô-tham nhũng, vơ vét của cải của đồng bào mình, rồi bỏ chạy qua phương Tây, cũng sẽ không khá hơn! Vì Việt kiều sẽ không bao giờ xem chúng là đồng hương (chỉ vì chúng không muốn, không chịu làm người tử tế, để thành người đàng hoàng), chúng sẽ mang kiếp (thảm) tha hương: chết bờ, chết bụi!
Tuổi giữa ta và tha nhân
Tha nhân không những là kẻ khác, mà còn là kẻ xa, nên thường là kẻ lạ với ta, không những thế lại không hiện hình cụ thể trước mặt ta, lại không cho ta: xem ảnh, xem căn cước, xem chứng minh, xem hộ chiếu… Tha nhân không hiện thực để đối diện, không trực diện để đối thoại với ta. Tha nhân mang biến số của xã hội, mang ẩn số của kiếp người. Tha nhân lúc hiện, lúc ẩn, nhưng ta biết chắc tha nhân là đồng loại, sống cùng và sống chung một nhân loại với ta.
Triết học đề nghị xem xét tha nhân như kẻ lúc đối diện-lúc song hành với ta, nhưng vô hình-bất ảnh, và lạ hơn nữa lại là: «đồng hội, đồng thuyền» với ta trong nhân sinh, «đồng cam, cộng khổ» với ta trong nhân tính, để «chia ngọt, sẻ bùi» với ta trong nhân đạo, «hạt muối cắn đôi» với ta trong nhân nghĩa. Bạn trẻ ơi! Như vậy tha nhân không những chung kiếp với ta, mà còn chia kiếp với ta, trước các thử thách, các thăng trầm của nhân thế.
Trong Hiện tượng học, hải đăng sừng sững của triết học trong thế kỷ qua, dùng luận thuyết về nhân diện để nhận ra tha nhân, E.LEVINAS đề nghị -thật sâu nhưng thật rõ- khuôn mặt của tha nhân: “La crainte qui me vient du visage d’autrui” (nỗi lo, cơn sợ của ta tới từ khuôn mặt của tha nhân). Chính trên khuôn mặt mang nỗi khổ niềm đau của kẻ đối diện, dù là: nạn nhân của chiến tranh, kẻ lưu vong sống lưu đày, người ăn xin giữa chợ, kẻ phế nhân nhục nhằn trên đường phố… chính trên các khuôn mặt này bạn sẽ thấy được kiếp người lầm than trong khổ hạnh, gian truân trong khổ nạn.
Khuôn mặt tha nhân, như vậy không còn mơ hồ, không còn trừu tượng nữa! Mà hiển hiện trước mặt bạn, đầy dẫy trong chợ búa, tràn lan trên đường phố, ngập tràn các nơi công cộng, từ thành thị tới thôn quê của Việt tộc! Vấn đề ở đây, nếu bạn là thanh niên sống có lòng, nếu bạn có tuổi thanh xuân biết cảm xúc, để thương cảm trước đồng loại rồi có đồng cảm với đồng hương, thì bạn sẽ hiểu, sẽ thông, sẽ thấu câu tiếp theo của E.Levinas: “Le moi, c’est la crise même de l’être de l’étant dans l’humain.”(Cái tôi, chính là cái khủng hoảng của cái thực tại trong cái nhân của kiếp người). Ngược lại, nếu bạn vô tình trước nỗi khổ niềm đau của tha nhân, thì sẽ sinh ra vô cảm trước khổ nạn của kiếp người; chính đây là thời khắc-thời điểm-thời gian mà bạn đang đi từ phận bụi đời trong đạo lý tới kiếp oan hồn trong luân lý! Tự cô lập mình để chịu cảnh cô đơn trong ích kỷ, tự cô độc mình để chịu cảnh cô lẻ trong vị kỷ.
_____
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).
Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.