Nhân vị dân chủ (Phần 1)

Lê Hữu Khóa

24-11-2018

Nhân vị tin nhân lý, dựa nhân tri, luôn được nâng bởi nhân trí,

có nền là nhân bản, có gốc là nhân phẩm, có rễ của nhân từ,

để nhân thế, nhân tình được trợ lực bởi nhân văn, để bảo vệ nhân loại.

Nhân vị dân chủ qua công ước xã hội

Khi đặt nhân vị vào trung tâm của phạm trù lý luận về dân chủ là định vị nhân bản ngay trong các sinh hoạt xã hội, đời sống xã hội và quan hệ xã hội mà dân chủ là một thể chế có pháp quyền.

Dân chủ có mặt trong mọi định chế để bảo vệ tự do cho cá nhân và lợi ích chính đáng cho tập thể, trong đó công bằng làm nền cho công lý để điều chế công quyền, nơi mà hành pháp, lập pháp, tư pháp ở trong công pháp mà không được ở trên hoặc ở ngoài luật pháp.

Tất cả đều trong khung của một công ước xã hội, rỏ ràng vì minh bạch. Lúc nhân vị cư trú ngay trung tâm lý luận của dân chủ, thì con người đã có ít nhất là ba cuộc cách mạng trong lịch sử của Âu châu từ hơn ba thế kỷ qua:

– Cuộc cách mạng tôn giáo chấp nhận rời bỏ chức quyền trong chính quyền để chính quyền không tôn giáo được bảo đảm bằng pháp quyền trong quá trình luật hóa chính giới.

– Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật tạo nên cơ sở vật chất cho xã hội để mở cửa cho phát triển, nơi mà phát triển đóng vai trò nâng cao nhân sinh.

– Cuộc cách mạng tri thức ngay trong xã hội, tại đây chính giới, chính khách tạo ra được một chính thể lấy tự do và công bằng làm rường cột để con người tự quản lý các vấn đề của con người.

Khi nhân vị được định vị trong sân chơi-trò chơi-luật chơi dựa trên tự do cá nhân song hành cùng lợi ích của tập thể qua pháp quyền của dân chủ, thì nhân loại thấy xuất hiện vóc dáng, dạng hình của dân chủ, qua ba thực tế:

– Tôn giáo luôn được tôn trọng và bảo vệ, như giá trị tâm linh vừa thiêng liêng, vừa văn hóa, luôn có chỗ đứng trong hệ thống giáo dục và trong đời sống xã hội.

– Chính quyền với bộ ba tam quyền phân lập, biết kiểm soát nhau, mà cũng biết hỗ trợ nhau qua các định kỳ minh bạch, được tổ chức và kiểm tra qua đầu phiếu.

– Chủ quyền quốc gia với hành pháp thực thi các quyền an ninh và an sinh, quốc phòng và giáo dục… nơi mà cá nhân cũng như tập thể, cộng đồng cũng như xã hội luôn được bảo vệ bởi luật pháp, trong đó bảo vệ quyền tự do và củng cố công bằng xã hội sẽ làm nên sức mạnh của chủ quyền này.

Khi đi trọn quá trình này, thì các thể chế dân chủ đã có nền móng pháp quyền ngay trong sinh hoạt dân chủ thường nhật của mình, và đây là một chiến thắng lớn của nhân tri dân chủ đã biết lấy nền móng pháp quyền để chế tác ra một thể lực chính trị có quyền hạn trên nhân chất, từ từ xa rời thiên chất của đạo giáo, để có tự do nhân tính trong tự trọng nhân phẩm, tự tin nhân trí trong tự chủ nhân bản của chính mình. Trên nền móng pháp quyềnthể lực chính trị là nhân vị đầu tiên của dân chủ trong đó xuất hiện ba xung lực mới của dân chủ:

– Cá nhân thành công dân, đã rời cá thể để đi vào hiến pháp và luật pháp, để được bảo vệ từ tự do cá nhân tới công bằng xã hội.

– Quyền lực trong quyền hạn, nơi mà chính quyền có định kỳ, từ ứng cử tới tới bầu cử, ở đây mọi quyền lực đều có định kỳ và quyền hạn đều được pháp quyền kiểm soát.

– Công ước xã hội, tại đây nguyên tắc của các quan hệ xã hội giữa các công dân được luật hóa vừa qua bổn phận, trách nhiệm, vừa qua quyền lợi và tư lợi.

Khi đi sâu vào ba lĩnh vực này, chúng ta sẽ thấy sự liên minh đã hình thành ra sự liên kết giữa ba cội rễ trong sinh hoạt của nhân sinh, như ba yếu tố vô cùng sinh động luôn có mặt trong các thể chế thực sự dân chủ:

  • Yếu tố con người làm trung tâm cho nhân vị dân chủ.
  • Yếu tố xã hội làm nên sinh hoạt tập thể, đời sống cộng đồng.
  • Yếu tố luật pháp bảo đảm vừa tự do, vừa công bằng trong quan hệ xã hội.

Cả ba yếu tố này làm nên công ước xã hội, như một hợp đồng tập thể nơi mà mọi thỏa ước về tự do, công bằng, bác ái sẽ gầy dựng nên nền cộng hòa ngay trong các thể chế dân chủ, luôn giúp con người tự quyết số phận của mình bằng tự do của chính mình, luôn có tự tin để xây dựng tự chủ, làm nên tự trọng trong mọi đạo lý hay, đẹp, tốt, lành cho nhân tính.

Chính quá trình tự quyết-tự do-tự tin-tự chủ-tự trọng đã làm nền để định nghĩa đích danh về nhân quyền, luôn có nhân vị đích thực trong dân chủ. Đây là một cuộc cách mạng ngay trong tư duy của con người không những đã biết xa rời mê tín, dị đoan, mà còn là sự đặt lại niềm tin một cách đúng chỗ cho thượng đế và tôn giáo, chỉ giúp con người bảo vệ các giá trị thiêng liêng mà không cần có mặt trong quyền lực bằng quyền bính siêu hình.

Công ước xã hội công nhận quyền tự do cá nhân phải có mặt trong sinh hoạt của chính quyền, nơi mà toàn bộ tam quyền phân lập phải tuân thủ: tự do là định nghĩa đầu tiên của nhân quyền, và dân chủ có mặt để bảo vệ quyền tự do này. Nhưng dân chủ cũng làm nền cho các tự do cá nhân qua sinh hoạt xã hội thành các công dân biết sống chung với các công dân khác, không những qua định chế và cơ chế, mà hằng ngày qua tập thể và cộng đồng.

Phạm trù sống chung giờ trở thành tri thức, làm nên mọi hiểu biết của công dân, nơi mà các công dân biết sống chung sẽ hình thành nên hùng lực để hiện đại hóa xã hội, để phát triển đất nước, để đưa dân tộc vào chân trời của văn minh, đây là một định nghĩa cốt lõi của nhân vị dân chủ. Khi cá nhân thành công dân của một thể chế dân chủ, thì chính cá nhân đó phải có cá tính để bảo vệ tự do của mình, cùng lúc bảo trì công bằng ngay trong xã hội.

Tam quyền phân lập qua đầu phiếu, có ứng cử liêm chính và có bầu cử liêm minh, cho phép ra đời một định nghĩa mới về công dân trong xã hội dân chủ, là thành viên đầu phiếu của các chính quyền rất khác nhau qua các chính sách, nơi mà các đảng phái, các hội đoàn được tự do cạnh tranh trong đa nguyên. Và, mọi công dân được quyền tuyển đa trí, chọn đa tài, cử đa năng, bầu đa hiệu với lá phiếu không hề bị điều khiển bởi ý thức hệ độc tài của độc đảng, mà hoàn toàn bằng ý thức về sự đa dụng của chính giới, trước các chính khách phải hiểu quy luật: khôn nhờ, dại chịu.

Vì người dân chỉ chọn người khôn để phục vụ dân tộc, người tài để cống hiến đất nước, người giỏi để bảo vệ các giá trị quốc gia; còn kẻ dại, ngốc, khờ, ngu sẽ không có chỗ đứng để đại diện xã hội, tập thể, cộng đồng. Đây chính là thảm kịch của Việt tộc hiện nay, dưới bạo quyền công an trị song hành cùng chính sách ngu dân qua tuyên truyền của ĐCSVN, để xẩy ra thảm trạng kẻ bất tài vào các vị thế chủ chốt để tự ăn hại bằng ăn tham, nơi mà tham ô đẻ ra tham nhũng. Bọn này dựa vào ĐCSVN như lủ gà què ăn quẩn cối xay, rồi sớm chiều thành bọn sâu dân, mọt nước, giờ đây trước họa Tàu tặc xâm lược thì nhắm mắt buôn dân, bán nước. Nếu thực sự có dân chủ qua nhiệm kỳ trong nguyên tắc đa nguyên, thì bọn phản dân, hại nước sẽ không có chỗ đứng, ghế ngồi trong vận mệnh của Việt tộc, mà giờ đây như chỉ mành treo chuông.

Trần Thủ Độ, là nhân vật có nhân vị thật lạ trong lịch sử đời Trần, trong lịch sử của Việt tộc, các sách giáo khoa như “bị khớp”, như “bị cướp hồn” bởi nhân vật lịch sử này, vừa phục lại vừa sợ. Phục sự quyết đoán của ông, sợ vì các hành động khi đã quyết đoán có khi tới đưa tới quyết liệt; trong cách ông diệt nhà Lý lúc đó đã suy đồi tới tận gốc rễ; trong cách ông tổ chức thể chế “nội hôn” ngay trong thân tộc nhà Trần.

Nhưng có chuyện lạ là nhân dân tại Nam Định, lập đền thờ Trần Thủ Độ, với tâm và trí vô cùng cảm phục ông, vì không có ông thì chắc là không có nhà Trần, một triều đại xuất sắc của Việt Tộc. Không có ông thì cũng chẳng có ba cuộc chiến thắng chống bọn xâm lược Nguyên Mông, một thiên hùng sử làm nên cá tính của Việt tộc, quyết tâm trong quyết lực bảo vệ giang sơn, bờ cõi của tổ tiên. Không có Trần Thủ Độ, chắc cũng không có Phật giáo rất Việt Nam của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, sẽ không có phái Trúc Lâm Yên Tử, có vua thành Phật, có cả nước biết thiền với ý nguyền của ý lực Phật tại tâm.

Khi chúng ta đi thăm đền thờ Trần Thủ Độ, tại Nam Định, chúng ta nên đứng lại với nhân cách nghiêm túc để nhìn kỹ tượng của ông: với ngón tay phải chỉ về phía đầu của mình! Nếu bạn thắc mắc tại sao lại có một thế nhân vị lạ như vậy, thì người giữ đền này sẽ nhắc bạn nhớ tới câu của Trần Thủ Độ trước nhà vua trong cuộc chiến chống nguyên mông lần thứ nhất: “Đầu thần chưa rơi thì bệ hạ đừng lo”, lấy đầu và lấy thân để cứu nước, chính Trần Thủ Độ đã mở cõi tư duy cho Quốc Công Trần Hưng Đạo để nhập vào luồng nhân vị cứu quốc này ”Nếu bệ hạ muốn hàng, hãy chém đầu thần trước đã!”.

Nhớ người xưa, nghĩ tới bọn lãnh đạo thời nay của ĐCSVN, đã bị tai tiếng “hèn với giặc, ác với dân” trước họa Tàu tặc, đã bị mang dấu chàm của mật nghị Thành Đô với bọn Tàu tặc, nơi mà các lãnh đạo của ĐCSVN chỉ muốn “cứu đảng” mà không hề muốn “cứu nước”, trước thực tế xâm lấn lãnh địa, thực trạng xâm chiếm hải phận, với ý đồ xâm lăng rồi đồng hóa Việt tộc, số phận đất nước, đồng bào giờ đã cạnh vực thẳm: mất nước, mất gốc, mất rễ, mất cả tương lai, sẽ mất luôn nhân phẩm, nhân vị Việt tộc có thể bị xóa trắng.

Nếu bọn lãnh đạo hiện nay, từ hơn 150 ủy viện trung ương đảng, nhất là hơn 15 ủy viên của Bộ Chính trị, còn liêm sỉ, tức là có lương tri với đồng bào, có lương tâm với đất nước, có lương thiện với tổ tiên, chúng ta muốn họ: chụp một tấm ảnh tập thể, với động thái rõ ràng như Trần Thủ Độ: với ngón tay phải chỉ về phía đầu của mình, và tất cả cùng tuyên thệ là: “Nếu đầu chúng tôi chưa rơi thì dân tộc đừng lo”, “Nếu ai muốn hàng bọn Tàu tặc-Tàu nạn-Tàu hoạn-Tàu nạn, hãy chém đầu chúng tôi trước đã!”. Hãy làm đi! Hãy làm ngay!

Nhân vị dân chủ qua nhân quyền pháp chế

Nhân quyền phải làm nền tảng cho nhân vị dân chủ qua pháp quyền có mặt hàng ngày trong thể chể, định chế, cơ chế của mọi sinh hoạt dân chủ, nơi mà cá nhân có bản lĩnh biết đòi hỏi tự do cho chính mình, với quyền hạn của công dân, có các khả năng hiểu biết công lý để thực hành công pháp, thông hiểu công bằng để yêu cầu công luật phải có công tâm. Từ đây, xuất hiện trong các xã hội dân chủ một phạm trù giờ đã có mặt trong thực tiễn xã hội: bất tuân dân sự! Vì trong xã hội dân chủ vẫn có chính khách bất lương, chính quyền bất chính, chính sách bất tín, thì chính xã hội dân sự sẽ có tiếng nói trong đấu tranh, sẽ có tập hợp để chống lại qua các hành động bất tuân dân sự, để cái bất nhân phải bị lột mặt nạ, để cái vô hậu của một lực lượng lãnh đạo phải biết tìm đường mà trở về với cái có hậu vì dân tộc, vì đất nước.

Công dân trong các thể chế thực sự dân chủ luôn là những cá nhân có cá tính, họ chính là chủ thể vừa biết bổn phận và trách nhiệm của công dân, họ vừa là các tác nhân trực tiếp trong xã hội có sáng kiến, sáng tạo để bảo vệ nhân phẩm bằng cách bảo trì nhân cách của họ qua nhân vị của dân chủ. Trong các thể chế dân chủ thực sự, sẽ không có luật đặc khu của một bộ chính trị vô hình, vô dạng trước đồng bào, rồi tự cho phép mình đi trên đầu dân tộc, cũng sẽ không có luật an ninh mạng đi trên lưng của quyền tự do biểu đạt của quần chúng qua truyền thông. Đây là những hằng số dân chủ mà các lãnh đạo của ĐCSVN không hiểu hoặc chưa hiểu:

  • Lãnh đạo không nghĩ đúng, không làm đúng, thì sẽ không hiểu công lý.
  • Chính quyền không có công tâm, thì sẽ không hiểu công pháp.
  • Chính quyền phải luôn dựa vào công lý, để có chính sách vì công bằng.
  • Công dân muốn có công bằng thì phải đấu tranh vì công lý.
  • Một bạo quyền luôn yếu hơn liên minh của tất cả nạn nhân của nó có mặt trong đời sống xã hội, phong trào xã hội, sinh hoạt xã hội!

Nhân quyền luôn là cội nguồn để hiểu thấu nhân vị dân chủ, nhưng nhân quyền của một cá nhân phải được định nghĩa và định vị bằng nhân quyền của nhân loại, tại đây sự tồn vong của nhân loại bao trùm mọi định luật về quyền lợi cá nhân, về sự sống còn của một tập thể, một đảng phái, một chính quyền; chính quyền làm người của toàn nhân loại làm xung lực cho mọi lý luận về dân chủ. Vì, trước khi là công dân, mỗi cá nhân trước hết là một con người-thành viên của nhân loại, từ đó nhân quyền của nhân loại lập nên thế liên hoàn của lý luận đôi: quyền của người song hành cùng quyền làm người, và cặp đôi quyền này được che chở trước hết bằng chủ quyền của một dân tộc ngay trên đất nước của mình, qua quyền dân làm chủ trong tự do đầu phiếu. Quyền của người cùng quyền làm người trong tư tưởng của nhân loại có sớm, có trước các thực thể, các chế độ dân chủ.

Hobbes qua công trình ‘Các phần tử của luật tự nhiên và chính trị’ (Eléments de la loi naturelle et politique), 1640, dùng cộng hòa để định nghĩa lại vị trí của thiên chúa giáo, ông không phủ nhận vai trò của tôn giáo, nhưng phân tích rõ thảm trạng của các cuộc chiến tranh tôn giáo, với sự bất lực dẫn tới sự phá sản của các vương triều.

Tại đây, chính con người phải chế tác ra một lý tưởng chính thể mới để tự cứu mình, lý tưởng này nhập nội cùng ý nguyện lấy nhân tính làm chủ đạo để sáng tạo ra một triết học chính trị lấy dân làm trung tâm. Điểm khởi hành cũng như điểm tới của tư tưởng này là định nghĩa được một quyền lực tới từ nhân lý, có khả năng tổ chức xã hội, được công nhận bởi các lực lượng xã hội như một quyền lực chính thống được thừa nhận, vừa tiêu biểu, vừa tập hợp được quần chúng trong một ý chí chung, không qua thượng đế, cũng không qua hoàng đế. Cái gọi là đế sẽ được thay thế bằng cái gọi là dân, sẽ quyết định quyền lực qua quyền hạn, mà quyền hạn thì có định kỳ, và sẽ không còn quyền lực nào tự cho phép mình là vô biên, vô định, vô hạn cả! Từ đây từ quyền lực tới quyền lợi đều phải là quyền hạn: quyền được-và-bị giới hạn bởi luật pháp.

Một cuộc cách mạng về nhân tri đã ra đời, nó tỉnh táo trong thông minh, gạt đi cái thần quyền để sáng suốt trong thông thái đưa vào cái nhân quyền. Từ đây, lập ra một trật tự mới trong đó chủ thể chính trị phải là chủ thể quyền lực được sinh ra từ sự tham gia của quần chúng qua biểu quyết có tự do để chọn đại biểu để đại diện cho mình. Trong quá trình này, con người vẫn tuân phục các giá trị đạo lý và luân lý của tôn giáo, nhưng con người giờ đây đã chọn sự tự chủ hóa (autonomisation) để xây nền móng cho tương lai trong tự quyết của mình, song hành cùng các tiến bộ của nhân loại ngày ngày thay đổi đời sống vật chất của mình. Ngay trong thượng nguồn của tư tưởng dân chủ, người ta đã thấy các cá nhân, như là những cá thể mong cầu tự do trong tự chủ, như những chủ thế có tiếng nói và có quyền lực làm nên thể chế có dân làm chủ.

Rousseau, qua phân tích Công ước xã hội (Contrat social), mà ta có thể hiểu như một hợp đồng xã hội, có tính nhất thể trong một quy chế có pháp quyền, đã nhận định được các nhược điểm của các chính khách trong một chính giới luôn bị các tham vọng quyền lực chi phối. Từ đây tư tưởng gia này đưa vào lý luận dân chủ quyền tự do của công dân bằng định nghĩa về công ước, mà bước đầu tiên là chính quyền phải rời quyền lực của vua chúa. Ông đã đi xa thêm một bước trong lập luận là chính quyền có quyền hạn để xây dựng ra một thể lực chính trị đủ khả năng được quản lý xã hội bằng luật pháp, mà không bằng thần pháp hoặc vương pháp. Từ đây ông đưa ra quan niệm: công dân có tự do ngay trong chủ quyền của quốc gia, để lập ra một tập hợp thống nhất, nơi mà quyền lực được cộng đồng dân tộc quyết định và kiểm soát.

Trong tư tưởng dân chủ này, ta thấy có các giai đoạn tuyển-cử-bầu, mà có luôn cả quá trình của những cơ hội dân chủ thường xuyên có phép các lực lượng chính trị khác nhau, có khi kình chống nhau, được có quyền lực qua chính quyền được dân bầu, để tổ chức xã hội trong ý nguyện của dân làm chủ. Nhân lý từ đây là nền tảng của quyền tự chủ trong ý thức dân chủ như nhân tri đi tìm tự do, nơi mà mọi quyền lực đều phải được đầu phiếu rồi được quy hạn hóa qua nhiệm kỳ trong không gian của quốc gia, trong thời gian của xã hội.

Đây là một định nghĩa mới về quyền lực trong quyền hạn, được giới hạn qua thực chất dân chủ của đầu phiếu, qua ứng cử và bầu cử; như vậy quyền lực của hành pháp được hướng dẫn bởi hai trọng lực: ý nguyện của dân tộclý trí của luật pháp. Nơi đây quyền tự do cạnh tranh được khung trong quyền tự do cá nhân, cả hai dựa trên khả năng của dân chủ có đủ tiềm năng quản lý cá nhân, cùng lúc quản lý chính giới nắm chính quyền để thực thi quyền tự do này. Lập luận này được xem là động thái rất nhân lý của nhân loại biết dựa lên chính mình để có nhân tri trong quyền tự quyết, nó có tên gọi là: quyền tự lập hiến từ chất công của công dân.

Hai tư tưởng dân chủ, Hobbes và Rousseau, có khác nhau nhưng bổ khuyết cho nhau, mỗi bên đều có chủ động tính để hỗ tương cho nhau, giúp ta thấu hiểu nội chất của dân chủ:

– Quyền tự do trong dân chủ đều mang theo quyền lợi của cá nhân, trong đó quyền tư hữu của mỗi người phải được tôn trọng. Chính ĐCSVN khi chế ra luật quái thai: đất là sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý, đã cho đẻ ra bọn tham quan thông đồng với bọn tham đất qua tham nhũng, vì cả hai cùng tham tiền, nên chúng đã diệt quyền tự do sở hữu cá nhân bằng bạo quyền độc đảng phản dân chủ.

– Quyền tự quyết trong dân chủ đã xóa đi cách xếp hạng theo thang bậc thượng đế-tôn giáo-vương quyền tại Âu châu, xóa luôn thế “dẫm trên đầu” nhân quyền của phong kiến Á châu nơi mà vua là thiên tử đại diện cho thiên lý bằng thiên mệnh, đứng ngoài mọi nhân lý, mọi pháp lý.

– Quyền tự chủ của quốc gia, trong đó chính quyền được dân chọn, nơi đây người dân nhận-và-nhập vào cách tuyển ra một chính quyền để bảo vệ quyền lợi cho dân tộc, để bảo đảm chủ quyền cho đất nước.

Cả ba quyền trên làm nên nhân vị dân chủ, nơi mà tự do-tự quyết-tự chủ làm nên tự tin-tự trọng-tự tiến, chính tự tiến trong tự tiến bộ làm rõ hàm số tiến bộ trong hằng số phát triển của nhân trí. Nhân vị dân chủ, có chỗ dựa là nhân phẩm, có nội lực của nhân tính, có nội công của nhân lý, có xung lực của nhân tri, có hùng lực của nhân trí, đã biết tìm tới dân chủ như chính thể có pháp quyền trong tự do, công bằng, bác ái, nó đã là tổng lực hội tụ làm nên cuộc cách mạng rất thông minh cho nhân loại. Trong tổng lực này, con người tự quyết về số phận của mình mà không cần vua đóng vai thiên tử, tôn giáo nắm chính quyền thay mặt thượng đế, tại đây con người tự tổ chức để tự giải quyết các vấn đề nhân sinh của chính mình, trong nhân thế mà mỗi công dân điều phải có trách nhiệm, có bổn phận với đồng bào và đồng loại, với quyết tâm không để độc tài qua độc đảng, độc trị qua độc tôn, vùi dập nhân bản, vùi lấp nhân văn, nhân vị bị chà đạp trong chuyên chính là cha đẻ của quái thai chuyên quyền.

Hãy dùng hình ảnh vừa chính xác, vừa hay đẹp có trong kinh Phật: “trùng trùng duyên khởi”, để hiểu các tiến hóa của dân chủ, nơi mà vô số duyên, vô lượng duyên, đã hội tụ đầy đủ để chuyển duyên thành lực, rồi chuyển lực thành thực, nơi mà đất, trời, mây, gió, mưa… không những đã làm nên mùa xuân, mà còn tặng hoa đẹp, trái lành cho nhân loại. Chỉ một duyên dân chủ đã là ngọn gió lành cho nhân thế, nhưng duyên dân chủ này cũng đầy hùng lực để trở thành cơn bão lớn kéo gục, kéo trôi, kéo cả mọi hệ độc: độc đảng, độc tài, độc trị, độc tôn, độc quyền… độc vị trong độc hại cho mọi dân tộc, cho cả nhân loại.

_____

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây