Không thể chấp nhận bài học ngăn mặn thất bại tại Ba Lai tái diễn tại Cái Lớn – Cái Bé

LTS: Theo bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn: “Những hệ lụy từ việc chặn dòng sông Ba Lai“, dự án cổng ngăn mặn Ba Lai 66 tỉ đồng do trung ương áp đặt xuống, không thuận lòng dân vì không ai muốn ngăn mặn do họ nuôi tôm hưởng lợi hơn trồng dừa đến tám lần.

Không những thế, bên trong cổng Ba Lai môi trường đã bị tù đọng ô nhiễm, để rồi phải xả ra biển lượng nước ô nhiễm nhiều lần hơn, nước ô nhiễm này lại giết hại sò nuôi bên cửa biển và giam giữ bồi lắng nâng đáy sông lên, nên buộc phải bỏ 900 tỉ (15 lần tốn cho dự án) ra nạo vét.

Mô hình thủy lợi cho dự án Ba Lai thật ra là thủy hại, tính toán được mất của các chuyên gia dự án hoàn toàn sai, quy hoạch cùa bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sai lầm nặng nề, từ 2002 đến nay vẫn không hề có biện pháp cứu vãn và phục hồi.

Bộ NN PTNT vẫn duy ý chí, nắm quyền lực trong tay, quyết tâm muốn xây thêm cổng ngăn mặn tại Cái Lớn – Cái Bé. Lưu vực Đồng bằng sông Cửu Long lúc đó sẽ bị cô lập hoàn toàn với biển, sẽ không còn nữa nhịp đập thủy triều, không còn những con nước đưa phù sa tôm cá và thuyền bè nhịp nhàng vận hành theo thiên nhiên.

Dân cư ĐBSCL không thể chấp nhận sự áp đặt tai hại này từ trung ương nữa, hãy nói “Không! Hãy để cho chúng tôi sống yên vì chúng tôi không muốn làm nạn nhân thuỷ hại của các ông thêm một lần nào nữa”.

***

TBKTSG

Những hệ lụy từ việc chặn dòng sông Ba Lai

Trung Chánh

20-11-2018

Cống đập Ba Lai gây ra nhiều hệ lụy cần khắc phục, trong đó, có khả năng sẽ đầu tư 900 tỉ đồng khắc phục bồi lắng do công trình này gây ra. Ảnh: TBKTSG

(TBKTSG Online) – Đập Ba Lai (tỉnh Bến Tre) được đưa vào vận hành từ năm 2002 nhằm mục tiêu ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo 115.000 héc ta đất tự nhiên thuộc dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre. Thế nhưng, đi đôi với mục tiêu ấy, thì những hệ lụy khác cũng đã xuất hiện, thậm chí có thể phải bỏ ra khoản vốn rất lớn để khắc phục.

Vùng ngọt cần mặn, vùng mặn bị ảnh hưởng ngọt

Nếu xét mục tiêu “ngăn mặn – giữ ngọt” của dự án hệ thống cống đập Ba Lai (Bến Tre), thì người dân xung quanh cho biết, mục tiêu đã hoàn thành, giúp ngăn không cho mặn xâm nhập sâu về phía thượng nguồn (vùng ngọt hóa). Tuy nhiên, từ sau khi dự án này được đưa vào vận hành, thì những bất cập khác cũng đã lộ diện ở hai bên bờ dự án.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ấp Bình Thạnh 3, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, một hộ dân nằm trong vùng ngọt hóa (phía thượng lưu) nhận xét: “Nói chung, khi làm cống đập Ba Lai cũng có lợi là có nước ngọt cho người dân sinh hoạt, giúp cây cối xanh tốt hơn”.

Thế nhưng, theo ông Hùng, tại vùng ngọt hóa này, có không ít hộ dân đang phải “lén lút” khoan giếng ngầm lấy nước mặn để nuôi tôm. “Bởi, không biết ông trời khiến sao, vùng này nuôi tôm lại trúng”, ông nói.

Ông Hùng cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã không ít lần cho người “bẻ ống, lấp giếng khoan” của người nuôi tôm nơi đây. Nhưng, họ vẫn tiếp tục “lén lút” khoan giếng vì lợi nhuận của con tôm mang lại quá hấp dẫn.

Thực tế, theo ông Hùng, chỉ 2.000-3.000 mét vuông ao nuôi tôm, mỗi năm người dân thu về khoản lợi nhuận 300-400 triệu đồng là chuyện thường. Trong khi đó, cây dừa, năm nay mỗi héc ta cho lợi nhuận chỉ vài chục triệu đồng. “Còn năm ngoái, 0,5 héc ta nuôi tôm tôi thu về 800 triệu đồng lợi nhuận, trong khi 1,5 héc ta dừa thu chưa được 100 triệu đồng”, ông dẫn chứng và nói rằng điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa trồng trọt và nuôi tôm rất lớn.

“Trong vùng ngọt hóa này, tại xã Thạnh Trị, nếu đi bỏ phiếu đồng ý không nuôi tôm, thì gần như 100% hộ dân không ai đồng ý đâu”, ông cho biết thêm và nói rằng: “Có điều tại người dân người ta không phản ánh thôi”.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Sơn, ngụ ấp 3 xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, một hộ dân bên ngoài dự án (nằm phía hạ lưu – vùng mặn) cho biết, trước đây khi chưa có cống đập Ba Lai, ngoài con tôm, kinh tế của người dân còn có thêm nghề sản xuất muối.

Tuy nhiên, theo ông, từ khi có dự án này, thì nghề sản xuất muối của người dân nơi đây cũng không còn, bởi việc vận hành xả nước ngọt từ thượng nguồn xuống hạ lưu (theo lịch xả 2 lần/tháng, mỗi lần 1-2 ngày hoặc hơn tùy thời điểm) nên không thể sản xuất muối được. “Bây giờ, làm muối cũng không làm được luôn vì cứ 1 tháng xả nước ngọt ra 2-3 lần đâu có ai làm được”, ông nói.

Mỗi tháng cống Ba Lai chỉ xả 1-2 lần khiến khu vực hạ lưu bồi lấp ngày càng nghiêm trọng hơn, theo ông Sơn, điều này giúp cho những hộ dân phía dưới (khu vực gần giáp biển) có thêm nghề nuôi sò huyết. “Nhưng, ở khu vực gần cống Ba Lai thì đâu nuôi được vì sò sẽ chết khi vận hành xả nước ngọt xuống”, ông cho biết.

Lục bình gây ách tắt một số tuyến kênh trong vùng ngọt hóa của dự án. Ảnh: Trung Chánh

900 tỉ đồng nạo vét bồi lấp công trình hơn 66 tỉ đồng gây ra

Dự án cống đập Ba Lai được khởi công vào năm 2000, nằm chắn ngang cửa sông Ba Lai. Kinh phí ban đầu hơn 66 tỉ đồng. Cống dài 544 mét gồm 10 cửa với khẩu độ 84 mét được vận hành bằng một hệ thống van tự động hai chiều. Cống đập Ba Lai là 1 trong 9 hạng mục của dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre với tổng vốn khoảng 1.200 tỉ đồng và là một trong những công trình thủy lợi lớn ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự án được vào vận hành năm 2002.

Tuy nhiên, từ sau khi dự án vận hành, thì tình trạng bồi lấp dòng sông cũng đã diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Hồ Ngọc Hậu, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bến Tre cho biết, sau khi dự án cống đập Ba Lai vận hành, mỗi năm bồi lấp một ít, nhưng “nổi cộm” nhất trong 3 năm gần đây. “Nó bồi từ lúc đưa công trình cống đập Ba Lai vào vận hành”, ông nói và giải thích việc vận hành cống mỗi tháng 2 lần và mỗi lần 2 ngày vào mùa mưa, có lúc hơn 2 ngày và trong mùa khô mỗi lần 1 ngày nên lượng phù sa tích tụ dần dẫn đến bồi lấp.

Theo ông Hậu, hai năm gần đây, lãnh đạo địa phương cũng đã thấy chuyện đó nên có họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty và UBND các huyện liên quan như Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm và Châu Thành để giải quyết. Thế nhưng, tăng thời gian xả nước sẽ làm chết sò, cho nên, xảy ra đối chọi với nhau, tức bên trong cống cần xả nhiều, bên ngoài lại không muốn.

Để giải quyết vấn đề bồi lấp liên quan dự án cống đập Ba Lai, địa phương đang có chủ trương thực hiện nạo vét dự án với tên gọi “Khôi phục và nâng cấp sông Ba Lai đoạn từ ngã ba Giao Hòa – Chẹt Sậy đến cống đập Ba Lai”, có chiều dài 23 km. Dự kiến trong tháng 12-2018 sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre thông qua việc đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 900 tỉ đồng bằng vốn xã hội hóa, thực hiện trong 5,5 năm, theo đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cung cấp cho TBKTSG Online.

Tại thông báo số 663/TB-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre ngày 25-10-2018 cũng xác định, hiện nay dòng chảy trên sông Ba Lai đoạn từ Giao Hòa đến cống đập Ba Lai yếu, nhất là khi cửa Ba Lai đóng. Hiện tượng bồi lấp lòng sông đoạn này đang diễn ra với tốc độ nhanh, đáy sông cạn hơn so với thời điểm trước khi xây cống đập Ba Lai bình quân 2-3 mét, vì vậy, việc nạo vét này là rất cần thiết.

Trong khi đó, tại trờ trình số 5250/TTr-UBND ngày 6-11-2018 của UBND tỉnh có nêu việc thực hiện dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển ATM làm chủ đầu tư. Dự kiến tổng khối lượng nạo vét của dự án là trên 19,1 triệu mét khối, trong đó, khối lượng cát, cát pha thu hồi là gần 8,5 triệu mét khối.

Về phương án thực hiện, ngoài các khoản trích nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư phải trích nộp vào ngân sách thêm 25% phần lợi nhuận sau thuế thu được từ kết quả đầu tư dự án này.

Mời đọc thêm: Dự án Cái Lớn – Cái Bé có làm nghị quyết “thuận thiên” phá sản?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây