Phải làm rõ, xử lý trách nhiệm các cán bộ liên quan

FB Hoàng Khương

18-10-2018

– Không có camera giám sát

– Chiếc kéo để trên bàn là của cán bộ điều tra trong lúc lấy lời khai

– Chưa thấy bóng dáng vị công an nào đến thăm viếng

Đó là nhận định của thạc sĩ, luật gia Phạm Văn Chung liên quan đến cái chết của cô Huỳnh Thị Nhung xảy ra tại trụ sở Công an Thị xã Ninh Hòa ngày 13-10 vừa qua.

Theo ông Chung, Điều 20 Hiến pháp 2013 đã quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm”.

Do đó, một người khi được cơ quan công an triệu tập, mời lên làm việc, ngoài việc nắm rõ các quyền tối thiểu mà Hiến pháp đã quy định, cũng cần tìm hiểu hoặc nhận được sự trợ giúp về pháp lý, để biết được mình bị triệu tập, bị tạm giữ, tạm giam vì lý do gì. Họ có quyền yêu cầu nơi triệu tập, mời làm việc giải thích rõ về các quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc.

Nếu có bất cứ hành vi nào nhằm trấn áp tinh thần, dùng vũ lực đe dọa, các hình thức ép cung, bức cung… công dân cần có thái độ phù hợp, không thái quá, đồng thời yêu cầu ngừng làm việc để có người giám hộ hoặc yêu cầu nhờ luật sư bào chữa.

Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, quy định một người bị tố giác, tin báo tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố ngay từ trước khi vụ án được khởi tố, khi nhận được giấy triệu tập, mời làm việc của cơ quan công an đều có quyền có luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc chị Nhung bị mời đến cơ quan công an làm việc và bị chết ở đây có trách nhiệm của cơ quan công an, bởi các lý do sau:

1. Khi công an ập vô nhà chị Nhung bắt đi mà không thông báo cho luật sư đi cùng khi lấy cung lời khai là chưa đúng quy định pháp luật.

2. Khi hỏi cung cần phải có ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Tuy nhiên, việc Công an thị xã Ninh Hòa cho biết không có camera tại khu vực phòng làm việc của công an với bà Nhung là sai quy định.

3. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam. Vì vậy, khi để bị can dùng kéo đâm nhiều nhát vào người tự sát mà cơ quan công an không có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

“Trước khi sự thật được làm sáng tỏ, ngay việc để người dân bị triệu tập làm việc và sau đó dùng kéo tự sát ngay tại trụ sở công an đã đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm người đứng đầu và những điều tra viên liên quan trực tiếp”.

– Theo Pháp Luật TP.HCM sáng 18-10, lãnh đạo công an tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm của các cán bộ Công an thị xã Ninh Hòa vì để xảy vụ “tự đâm vào cổ tự sát” của cô Huỳnh Thị Nhung. “Hiện một số cán bộ công an thị xã đang giải trình sự việc. Bước đầu Công an thị xã Ninh Hòa báo cáo là không có camera tại khu vực phòng làm việc của công an với bà Nhung. Còn cây kéo mà công an cho rằng bà Nhung dùng để tự sát là kéo cắt giấy của một cán bộ để trên bàn làm việc trong lúc lấy lời khai”.

Trong một diễn biến khác, theo ông Nguyễn Trọng Chinh, đã 6 ngày trôi qua, kể từ khi xảy ra vụ việc đau lòng trên vẫn chưa thấy bất kỳ vị cán bộ công an nào đến thăm viếng, động viên gia đình. Một người thân của cô Nhung lắc đầu ngao ngán: “Đến thế là cùng…”

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây