Chính trị thực tiễn – Phần II: Nhà hát Thủ Thiêm

“Tấu khúc hoan ca trên tiếng khóc than thì chẳng khác gì nhất định xây nhà thật cao trong khi tầm nhìn còn quá thấp. Chưa xây đã sụp đổ, đó là khi công trình thế kỷ nghìn tỷ được cố xây trên nền móng đã mục ruỗng giữa lòng dân”.

____

FB Nguyễn Hồng Lam

Tiếp theo phần I

10-10-2018

Thủ Thiêm trong thời điểm này đang trở thành trung tâm của sự oán thán. Đưa ra quyết định chi 1508 tỷ đồng để xây nhà hát giao hưởng tại mảnh đất này, HĐND TP Hồ Chí Minh đã khiến dư luận kinh ngạc về sự hấp tấp, yếu kém trong nhận thức và khả năng chính trị thực tiễn của từng đại biểu. Tỷ lệ đồng thuận 100% chỉ chứng tỏ, đây là sự yếu kém có hệ thống và của cả hệ thống.

Lẽ tất nhiên, một nhà hát xứng tầm cho thành phố được coi là một trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của cả nước sẽ là điều không ai phản đối, nếu không nói là đáng ao ước và ủng hộ. Xây dựng công trình lớn ở trung tâm mới của thành phố trong tương lai, theo quy hoạch mở rộng về phía Đông cũng phù hợp, chẳng có gì sai. Con số 1500 tỷ – chắc chắn sẽ bị đội lên, theo truyền thống gian dối và vị lợi ở xứ ta – cũng không phải là quá lớn, bởi chỉ tương đương với tổng thu ngân sách của thành phố trong 1, 2 ngày. Mục tiêu xây dựng để phát triển cũng đã được bàn đi bàn lại từ nhiều năm trước, không có gì đáng để chỉ trích.

Điều đáng phê phán là cách thức đi tới việc thực hiện nó. Cả đất đai lẫn nhân tâm ở Thủ Thiêm vẫn còn ngổn ngang. Hàng loạt sai phạm qua nhiều nhiệm kỳ của chính quyền thành phố vẫn chưa được kết luận đầy đủ. Hàng loạt cán bộ sai phạm vẫn chưa bị xử lý. Hàng loạt oan khiên với biết bao nhiêu thiệt hại, mất mát của nhân dân vẫn chưa được bù đắp, giải quyết. Giữa và xung quanh Thủ Thiêm đường sá, hạ tầng vẫn còn tồn đọng vô số sự trồi sụt, nhếch nhác, thiếu thốn, yếu kém… gây trực tiếp phiền nhiễu đời sống của nhân dân. Đặt một công trình tầm cỡ thế kỷ vào giữa bối cảnh đó có khác gì mặc áo gấm đi dự đám ma trong ngày giáp hạt? Một quyết tâm đỏm dáng không đúng chỗ. Một điệp khúc mỉa mai, phản cảm, thất nhân tâm.

Khi giơ cánh tay lên biểu quyết, có bao nhiêu đại biểu HĐND thành phố đã thật sự vì dân, hiểu và đại diện cho ý nguyện của nhân dân để chắc rằng lòng mình không vô cảm? Đồng thuận 100%, câu trả lời là không ai cả! Phải chăng quyền lợi chính trị đã khiến trách nhiệm trong từng cá nhân đại biểu bị hóa thạch? Cái giơ tay đồng thuận phải chăng chỉ mang tính cơ học?

Hỏi, tức cũng đã là trả lời. Ngay sau kết luận của bà Chủ tịch HĐND thành phố, rằng xây nhà hát là vì “cần cho người dân”, “đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”, hàng ngàn người đã lên tiếng phản đối trên nhiều phương tiện thông tin – truyền thông và cả ở trong từng câu chuyện bình dân trà dư tửu hậu. Xa rời thực tiễn, một quyết định và quyết tâm chính trị đã rơi vào thế việt vị trong lộ trình phát triển.

Và như thế, phiên họp bất thường chỉ đưa đến một quyết định rất bất thường; họp khẩn cấp chỉ để biểu quyết quá vội vã. Hoàn toàn xa rời ý nguyện nhân dân, thiếu cơ sở thực tiễn, quyết định đưa ra bị phản đối kịch liệt không vì chuyện đúng sai mà vì không hợp đạo lý. Nó cũng không phải chuyện nên – cần nghiêm túc, chỉ tạo cơ hội làm rộ lên thêm nhưng hoài nghi, sự thiếu minh bạch và thậm chí là âm mưu và nguy cơ – những thứ tồi tệ nhân dân không cần nhưng xã hội đang phải oằn lưng gánh trĩu.

Xây nhà hát trên mảnh đất oan khiên, đó là không đúng chỗ. Dựng công trình reo vui khi lòng dân chưa nguôi oán thán, đó là không đúng lúc.

Từ cái nhìn thực tiễn, tôi cho rằng tấu khúc hoan ca trên tiếng khóc than thì chẳng khác gì nhất định xây nhà thật cao trong khi tầm nhìn còn quá thấp. Chưa xây đã sụp đổ, đó là khi công trình thế kỷ nghìn tỷ được cố xây trên nền móng đã mục ruỗng giữa lòng dân.

Một công trình như thế, vội xây lên để làm gì, hay chỉ để có thêm một vết nhơ đồ sộ khoét rỗng thêm ngân sách? Nhà hát hoành tráng, kỳ vĩ ấy sẽ có gì tốt đẹp diễn ra, hay chỉ là sân khấu nối dài thêm những màn bi kịch?

Tôi không phản đối việc xây nhà hát giao hưởng, chỉ phản đối cả thời điểm lẫn địa điểm xây dựng. Viết những dòng này, tôi không có mục đích gì khác ngoài góp thêm một tiếng nói kỳ vọng sẽ dừng ngay Dự án công trình nhà hát Thủ Thiêm trong thời điểm hiện tại. Một nghị quyết không nên thông qua, không nên tồn tại khi không hợp lòng dân. Đừng cố chấp mà giải thích rằng tất cả đại biểu đều đồng thuận thì đó là hợp lý. Con số 100% đồng thuận chỉ khẳng định một sự thật cay đắng: tất các đại biểu chỉ nhìn được trị giá của công trình mà không thấy giá trị của lòng dân; chỉ nhìn ra cơ hội mà không trông thấy đạo lý.

Nhân dân, hoặc đã chọn sai đại biểu, hoặc niềm tin đang bị phản bội!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây