Chính trị thực tiễn (Phần I)

FB Nguyễn Hồng Lam

5-10-2018

Cái tin một ông Trưởng Công an xã ở Long An đòi 100 triệu đồng/người để làm giấy CMND cho dân – 3 anh em ruột được nhà chùa nuôi từ nhỏ – khiến mạng xã hội dậy sóng. Đa phần – khỏi chờ xác minh – cứ ném đá ào ào. Nhiều bình luận phẫn nộ được đưa ra. Không ít người “đóng” luôn nhận định: đó là biểu hiện của một xã hội thối nát cùng cực. Ăn gì mà lắm thế? Chối vào đâu khi có clip ghi lại cả tiếng lẫn hình vụ “đòi tiền”?

Có mấy điểm rất không hợp lý. Cả ba công dân kia đều đã lớn, sao trước đến nay không, bỗng đồng lúc đi làm CMND? Chỉ là chuyện thủ tục hành chính, ai dám chối từ. Ông Nguyễn Hoàng Khải – Trưởng CA xã Hòa Khánh Tây, Đức Hòa, Long An dựa vào đâu để đòi số tiền rất lớn đó? Chẳng lẽ ông ta không sợ luật pháp?

Bị kiểm tra xác minh, ông Khải cho biết, do người dân cứ đòi “bồi dưỡng” (để làm cho nhanh), ông hét đại “giá trên trời” để người dân nản, không đòi đưa tiền, không quấy rầy thêm.

Tôi không bàn gì thêm. Tôi tin cách lý giải của đồng nghiệp Trương Châu Hữu Danh: “Không riêng gì Long An mà cả miền Tây, công an xã sống sát dân và không có chuyện lấy tiền để làm giấy – dù là vài trăm ngàn đồng. Ở miền Tây, công an xã nghèo, mà dân cũng nghèo. Cho nên, không nên dựa vào đây rồi nói công an vòi tiền. Oan lắm”.

Tôi cho rằng, đó là cách nhìn rất sát thực tế, khả tín.

Chợt nhớ một chuyện tôi chứng kiến cách đây đã 20 năm, khi tình cờ có mặt tại UBND xã Suối Tre, Long Khánh, Đồng Nai. Tôi và một đồng nghiệp báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đang ngồi hỏi chuyện anh Trưởng Công an xã thì có hai vợ chồng áo quần rúm ró chở nhau trên cái xe đạp cà tàng lao thẳng vô trụ sở. Cô vợ ngồi sau, tay cầm tờ giấy nhàu nát đang giữ hông chồng vội nhảy xuống ngay. Anh chồng lết đôi dép Lào mòn vẹt cố phanh, nhưng do hấp tấp nên bánh trước vẫn đâm huỵch vào tam cấp ủy ban xe mới chịu dừng.

Trưởng Công an xã nạt luôn: “Chuyện gì?”. Cô vợ mếu máo: “Dạ, con nộp đơn…tố cáo ly dị ảnh. Uống gụ say dzề uýnh con hoài à”. Anh chồng cướp lời: “Uống …mà hổng có say. Tại nó hỗn, chửi quá con mới uýnh”. Trưởng công an xã đốp tiếp: “Cô là vợ nó, sao cô dám hỗn mà chửi chồng, hả?”. “Dạ, tại…tại con tức quá, ảnh dzìa phia, nhậu rồi còn đòi con…”

Chẳng thèm nghe hết, anh Trưởng Công an xã quẳng cuốn Bộ luật hình sự dày cộp ra trước mặt anh chồng: “Đánh vợ bi nhiêu lần rồi? Đọc đi. Có biết đánh vợ là phạm tôi gì không? Biết mấy năm tù không?”

Hai vợ chồng run như cầy sấy. Anh chồng lắp bắp: “Dạ…có biết chữ đâu….mà đọc”.

“Không biết, tao đọc cho tụi mày nghe. Điều…quy định: đánh đập vợ bị tù 10 đến 20 năm. Nếu thường xuyên, gây thương tích, có thể bị chung thân đến tử hình… Mày đánh vợ bao nhiêu lần rồi, hả?”.

Anh chồng run gần chết. Chị vợ cũng run: “Dạ… đánh mà…sơ sơ hà. Thôi con… hổng ly dị nữa chú ơi! Con xin lại tờ giấy. Người… người ta viết giùm chứ con hổng … có viết”.

Chỉ nghe đến đó, anh chồng đã co cẳng chạy mất, dựng xe lên đạp trối chết. Vội, xe mòn nhông, tuột xích pedal quay mòng mòng, anh chồng phốc xuống đầy bộ chạy luôn ra đường. Cô vợ vớ tờ đơn, quên cả chào, chạy theo la bai bải: “Chờ…tui…dzớiiiiiiiii!”

Tôi trợn con mắt: “Gì kỳ vậy cha nội. Đọc luật cho dân sao dám chế tùm lum vậy?”. Anh Công an tỉnh bơ: “Chứ ông muốn tôi làm sao? Nghe tụi nó cãi lộn, khóc lóc hết buổi à? Vậy đi, cho nó lẹ.”

“Nhưng luật nào quy định chung thân với tử hình?”. Anh công an cười khì khì: “Tụi nó không biết chữ, có đọc đâu mà lo?”. Tôi vẫn băn khoăn: “Không biết thì anh phải giải thích, chứ lừa, hù dân vậy sao được? Ra khỏi đây, vợ chồng người ta lại đánh nhau nữa thì sao?”. Anh Công an vẫn cười: “Không đâu. Thằng chồng sợ, không dám đánh vợ. Vợ sợ chồng phải đi tù, cũng không hỗn nữa đâu mà bị đánh. Anh coi, ghét nhau, thằng chồng có chở vợ đi nộp đơn ly dị không? Thằng chồng có chạy ra đường rồi dừng chờ chở vợ về không? Vậy đi cho nó lẹ. Giận hờn thì đi kiện, chứ tụi nó còn thương nhau lắm. Giải thích lòng vòng chỉ mất công, mệt mình, mà nó cũng không hiểu đâu”.

Hoàn toàn không đồng tình, nhưng tôi phải công nhận tay Trưởng Công an xã này thạo nghề, rành cách xử lý. Chính trị thực tiễn có logic, cách thức riêng của nó. Biết vận dụng hợp lý thì hiệu quả.

Dường như những người thích tỏ ra hiểu biết trên mạng chẳng bao giờ chịu hiểu ra điều đó. Nghe một, lý lẽ mười, phán lung tung. Nhìn đâu, họ cũng chỉ cố moi ra cái xấu để tỏ ra ta đây rành rẽ, ưu thời mẫn thế, đầy hiểu biết và trách nhiệm.

Trong khi ưa đem đề tài “có lý luận” trong tiêu chuẩn chính trị thượng tầng ra bỡn cợt, các chính khách bàn phím lại đồng thời luôn tỏ ra “có lý luận” gấp đôi khi bàn những chuyện họ không biết gì, chỉ nghe hơi. Và bàn rất hăng. Mà cả hai chuyện đều xảy ra ở miền nam, toàn dân miền Nam bàn thôi đấy.

Là bởi vì cả hai đối tượng này đều chẳng biết cóc khô gì vể hai chữ thực tiễn.

Ảnh: UBND tỉnh Long An họp báo giải trình kết quả xác minh của CA tỉnh về vụ clip Trưởng CA xã “đòi 100 triệu/người” để làm CMND:

Bình Luận từ Facebook