Những khát vọng trở về

FB Trương Duy Nhất

11-8-2018

Bùi Tín: Không quen, cũng chưa có cơ hội gặp. Nhưng tôi vẫn tâm nguyện rằng sẽ tìm ông, nếu dịp nào đó ngao du đến Pháp. Nhưng không kịp. Ông đi mất rồi.

Như nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác đang sống lưu vong, mà tôi đã có cơ duyên trò chuyện. Trong số họ, không phải ai cũng tự tìm đường ra đi, nhiều người thoát khỏi ngục tù là bị trục xuất với đôi dép tổ ong rời tổ quốc.

Khi còn trong tù, Hải Điếu Cày đã từng trằn trọc, đắn đo suốt hai tháng sau khi được đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ vào thăm, và “được” Bộ Công an Việt Nam yêu cầu anh phải rời tổ quốc. Anh thức đến rạc người trong những tính suy, chọn lựa. Và chính tôi, là người khuyên anh nên ra đi. Án anh quá dài, anh không thể chết trong tù. Anh ra đi, để còn có thể trở về, để còn cơ hội gặp lại gia đình, vợ con.

Nghe đâu, Bùi Tín cũng từng thổ lộ rằng ông muốn về để… chết trên quê hương. Song, không phải ai trong số họ cũng trở về được như Phạm Duy.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cũng từng có lần thổ lộ với tôi về cái khao khát, ước ao được ngồi uống cốc cafe bên ghế đá Hồ Gươm, Hà Nội.

Hải Điếu Cày: Tôi đã từng đứng bên anh, người bạn tù thân quí của mình, từ bên kia Thái Bình Dương nhìn ngóng về tổ quốc. Hiểu nỗi lòng anh, tôi buột miệng ước rằng: giá như có một chiếc cầu, hoặc con đường hầm xuyên Thái Bình Dương, để tôi có thể ôm vô lăng chở anh về đất mẹ.

Dịp ngao du Mỹ 2 năm trước, anh Mặc Lâm, cựu Tổng biên tập RFA Việt ngữ đã rất thật với tôi rằng: ước sao được một lần về lại, chỉ để nấu vài món nhậu mời Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) và văn hữu Sài Gòn.

Rồi Vũ Thư Hiên. Tôi thầm ước một lần được ôm ông. Vẫn giữ khư khư cuốn “đêm giữa ban ngày” để chờ được chính tay ông ký tặng. Cuốn “hồi ức chính trị của một người không làm chính trị”, chúng tôi bí mật truyền tay nhau đọc từ khi còn là một bản photo nhàu nát, gần hai chục năm trước.

Chưa có cơ duyên gặp ông. Nhưng tôi đã gặp, trò chuyện nhiều với em gái ông, cháu ông, và nhiều bạn viết thân quí của ông. Khi tôi vừa ra tù, biết được ý định lập “bảo tàng kỷ vật tù” của tôi, chính ông là người đầu tiên gửi góp về cho cái “bảo tàng kỷ vật” ấy chùm ảnh bộ quần áo tù của ông. Tôi khóc, khi nhận được seri ảnh này. Một bộ đồ tù không phải loại kẻ sọc Juventus lành lặn như thế hệ tù chúng tôi sau này. Đó là một bộ đồ tù rất đặc biệt, màu nâu gụ, vá chằng vá đụp.

Thế đấy. Hỏi sao họ không đau vì đất mẹ. Khát vọng trở về trong họ là có thật. Ai chẳng thế. Có người con nào lại dứt bỏ mẹ tổ quốc? Họ, trong nhiều hoàn cảnh, ra đi cũng chỉ bất đặng đừng, để đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hoá đất mẹ, và cũng là để tìm hướng trở về.

Bao giờ, để tất cả họ, lớp người ra đi như giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Mặc Lâm… và người bạn tù thân quí Nguyễn Văn Hải Điếu Cày của tôi được trở về? Hoặc họ chưa được trở về, thì tôi còn kịp để một vòng khắp nơi giang tay ôm mỗi người trong số họ một lần. Không để trễ như hôm nay, khi tôi phải viết những dòng này thay nén nhang tiễn biệt anh Bùi Tín. Vâng, một người anh khả kính, dù chưa kịp gặp một lần.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Ông “nhứt cư” này đang sống ở Đà Nẵng,sao chẳng viết gì về vấn đề nóng bỏng của ĐN là “Vũ Nhôm” mà viết chuyện bên trời tây vậy! “há miệng mắc quai”, tội nghiệp ông thật!

  2. Nhân dịp nhạc sĩ Tô Hải và ông Bùi Tín qua đời!

    “Ai về sau dãy núi Kim Bôi,
    nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ…”
    (“Nụ cười Sơn cước” – Tô Hải – Thanh Lan hát bài nầy hay lắm)
    Năm 1971, tôi hành quân ở ấp Bà Lễ, thuộc xã Yên Luông, quân Hòa Lạc, tỉnh Gò Công. Tình cờ, tôi “lạc” vào một xóm nhà, theo chính quyền hồi bấy giờ, gọi xóm nhà nầy là “Làng Chiêu Hồi”.
    Chiêu Hồi là “quốc sách” của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, dùng để gọi (chiêu) những người bên kia chiến tuyến trở về (hồi) theo điều người ta tuyên truyền hồi đó là “Chính nghĩa Quốc Gia”.

    Vì là “quốc sách”, có bộ Thông Tin của ông Trần Chánh Thành nắm vai chính trong việc tuyên truyền nên nhiều văn nghệ sĩ tham gia. Tôi từng nghe Duy Khánh hát trên làn sóng đài phát thanh Saigon: “Đã mười năm qua, tôi đã trở về Quốc gia. Anh còn mê mải chưa về. Mà con đường ấy, ixin đừng chớ có đam mê…” Ngoài ra, ở miền Nam cũng có nhiều bài hát “chiêu hồi” nhưng tôi không nhớ. Xin lỗi độc giả vậy.

    Sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm qua đời, chương trình chiêu hồi cũng còn hoạt động, gọp chung thành một bộ, gọi là bộ “Dân Vận Chiêu Hồi” nhưng nặng về hình thức, trình diễn và “thư lại”, xin nói rõ là từ “ông” bộ trưởng cho tới ông cán bộ cấp quận (chi Chiêu Hồi) quanh quẩn ở Saigon, các thị xã, thị trấn có an ninh, tối ngủ ít lạnh giò, chớ người dân quê ở xã, ở ấp có biết “chiêu hồi” hay “hồi chánh” (về với “chánh” nghĩa Quốc Gia là cái gì đâu. Họ cứ gọi chung một tiếng là “chiêu hồi” mà quên mất hai chữ “hồi chánh”. Cái mà người dân xã ấp biết và ưa hích nhứt, ngày nào cũng canh giờ (2 giờ chiều mà nghe radio là chương trình “Gia đình Bác Tám”) (không phải “Bác Hồ” đâu nghe!) của Phi Thoàn, Tú Trinh và Bà Năm Sadec…

    Thỉnh thoảng, cũng có người trong bưng ra “chiêu hồi” như câu chuyện “con nhỏ Hoàng Thị Vân” mà tôi đã kể trong cuốn hồi ký “Hương Tràm Trà Tiên”. Chắc chắn, gần như trăm phần trăm, những người ra chiêu hồi nầy không phải vì kết quả của chương trình chiêu hồi của bộ Dân Vận Chiêu Hồi của Tổng Thống Thiệu, mặc dầu bộ nầy, ngốn rất nhiêu tiền Viện Trợ Mỹ. Thực sự tôi chê cái bộ nầy, còn chê nặng lời hơn như “Ăn hại…” thì cũng đáng đời đấy, nhưng tôi không viết tục vào đây.

    Tuy nhiên, những “người chiêu hồi” thì “phục vụ chính nghĩa Quốc Gia” rất hữu hiệu. Đó là mỗi tỉnh có một “trung đội võ trang tuyên truyền”. Nói cho đúng, trung đội nầy có “tuyên truyền” gì đâu mà họ đi đánh Việt Cộng đấy. Họ không ngồi ở thành phố, không đóng đồn chờ Việt Cộng tới. Họ vô tới mật khu mà đánh Việt Cộng.

    Phần đông, họ là “dân chiêu hồi” nên họ biết rất rõ Việt Cộng: Cách sinh hoạt ở “cứ”, canh gác, di chuyển, đóng quân, thu thuế (kinh tài), phục kích, tuyên truyền, khủng bố dân chúng…

    Nhờ biết nhiều nên họ vào tận “hổ huyệt” mà Việt Cộng còn nằm ngủ. Họ tấn công, đột kích, gài mìn, gài lựu đạn.. rồi rút lui, chờ mìn nổ… tự động. Hoạt động của họ, giống như các đơn vị trinh sát của quân đội hay “Thám Sát Tỉnh” vậy.

    Những người “ra chiêu hồi”, sau một thời gian, cũng bị gọi đi lính như mọi thanh niên vùng Quóc Gia, nếu họ còn trong hạng tuổi phải nhập ngũ.

    Cũng có thể họ bị cơ quan an ninh của chính quyền Cộng Hòa “nghi ngờ tái hoạt động cho Việt Cộng” bởi vì nếu nơi họ sinh sống là vùng xôi đậu, họ có thể bị Việt Cộng lén lút móc nối, de dọa phải hoạt động cho chúng.

    Khi nghe những người từ “bên kia chiến tuyến” – gọi là chiến tuyến vì cuộc chiến đấu Quốc – Cộng đã chấm dứt đâu – trở về bên nầy – có người gọi là phản tỉnh – là tôi nghĩ đến “quốc sách” Chiêu Hồi của tổng thống Ngô Đình Diệm. Họ là những “người chiêu hồi” đấy!

    Nếu “quốc sách” nầy là hay, tại sao chúng ta không tiếp tục, ngay lúc nầy và ngày sau nữa.

    Có phải vậy không?
    hoànglongnhải

  3. “không phải ai trong số họ cũng trở về được như Phạm Duy”

    Ai cũng có thể trở về được như Phạm Duy nếu ai cũng có thể hành xử như Phạm Duy . Thay vì chống chính quyền, chống cộng, họ chỉ cần bắt chước Phạm Duy chỉ chống gậy thôi, thế là được về ngay í mà . Có gì khó đâu . Đàng này …

  4. Tôi chết lặng khi đọc bài này của anh Trương Duy Nhất .Và tôi đã khóc… Thương cho thân phận khốn nạn của cảnh tha hương !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây