Lại chuyện về chủ nghĩa Mác Lê và chủ nghĩa Xã hội

Văn Biển

11-7-2018

Có bao giờ người ta tự hỏi, chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Mác đẹp đến thế, muốn tạo nên một thế giới không còn giai cấp, không còn giàu nghèo, vậy mà Cách mạng tới đâu dân bỏ chạy đến đấy.

Sau 54, hai triệu người di cư vào Nam, một số trí thức chạy sang Pháp. Sau 75, trên hai triệu người chạy ra nước ngoài. Nếu một chế độ hợp lòng dân, dẫu có đuổi người ta cũng không bỏ nước ra đi bằng mọi giá. Hồi đó người ra đi có câu: Con sống con nuôi má, con chết con nuôi cá.

Cộng sản vô tới Long Khánh ngày 21/4/1975, dân chúng bỏ chạy. Nguồn: Corbis

Lịch sử dân tộc Việt Nam suốt mấy nghìn năm chưa có thời nào người dân sợ hãi chính quyền đến thế, từ trí thức cho tới dân đen. Người ta kể lúc làm công viên Lê Văn Tám, phải dời cả nghĩa trang. Trong lúc bốc mộ có một người ở miền Bắc, năm 54 chạy vô rồi chết chôn ở đó. Lúc bốc mộ có người nói vui: Chạy đâu cũng không thoát khỏi Cộng sản.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc hưu rồi có nói: “Năm 75 có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”. Câu nói vào loại hiếm của một người cộng sản có tâm.

Còn điều này nữa, người ta cố tình nhầm lẫn hoặc đánh đồng Đảng là Nhân dân, là Tổ quốc. Ai chống lại sai trái của Đảng là chống lại Nhân dân, chống lại Đất nước, là phản quốc. Đảng độc quyền mọi thứ, từ quyền lực, lòng yêu nước cho tới lẽ phải. Nói như nhà văn Dương Thu Hương, Đảng muốn 90 triệu người dân Việt Nam như một đàn ngựa hai bên mắt bị che lại, chỉ biết đi theo con đường của Đảng đã vạch sẵn, cho dầu không biết con đường đó dẫn mình đi về đâu. Người dân như những con ngựa mù đi giữa rừng đêm mịt mù. Mà càng về sau này chính mấy ông lãnh đạo cũng không biết mình đang đi đâu, về đâu.

André Gide nhà văn Pháp xuất chúng thế kỷ 20, sau khi đi thăm Liên Xô về đã viết cuốn sách chỉ ra “những hình thái quái đản trong sự sùng bái cá nhân ở Liên Xô”. Cuốn sách nhỏ (Từ Liên Xô trở về, 1936) trong sự nghiệp đồ sộ của André Gide như là một quả bom tấn nổ giữa trời Tây và Xã hội chủ nghĩa Xô Viết: Người ta lên án André Gide (Giải thưởng Nobel, 1947), gọi ông là tên phản động.

Có một câu nói của Ronald W. Reagan: “Làm thế nào để bạn biết người đó là một người Cộng sản? Đó là những người đọc Mác và Lê nin. Và làm thế nào để bạn biết người đó là người chống Cộng sản. Đó là người hiểu Mác và Lê nin”. Thật ra câu này chỉ đúng ở các nước văn minh. Còn ở ta đa số theo Cộng sản nhưng không biết Cộng sản là gì. Chỉ biết nôm na, lấy của người giàu chia cho người nghèo, xã hội không còn giai cấp, không còn người bóc lột người.

Thậm chí các ông lãnh đạo cao cấp trong biệt thự đều có một tủ sách (thường đặt ngay trong phòng khách) trưng bày những tác phẩm kinh điển Mác-Lênin, Angghen, Mao tuyển, nhưng chắc không mấy ai từng mở các cuốn sách gáy dày cộp, bìa bọc vải, chữ mạ vàng ra chứ đừng nói tới chuyện mở từng chương ra đọc. Nó hệt như món hàng trang sức của quý bà sang trọng. Mà có chịu khó đọc cũng chẳng hiểu mô tê gì. Họ không thích đọc vì đọc không hiểu gì. Và họ cũng không có thì giờ, còn bao nhiêu việc khác thú vị hơn.

Trở lại vấn đề này, nếu Đảng cảm thấy tự tin, tự thấy mình là yếu tố không thể thiếu được trong sự tồn vong, hưng thịnh của dân tộc, của Đất nước thì cứ tiến hành đa nguyên, đa đảng đi, để nhân dân được quyền chọn lựa. Nếu nhân dân còn tin thì Đảng tiếp tục vai trò của mình. Nếu dân không tin thì giao phó sứ mệnh thiêng liêng cho kẻ khác.

Có người sẽ nói: Vậy là “cốc mò cò xơi à”? Sao lại nghĩ tới chuyện cốc với cò, mà sao lại có chuyện xôi thịt ở đây. Một khi ta đặt Tổ quốc lên trên hết, Nhân dân lên trên hết, thì ta sẽ thấy vấn đề đó nhẹ nhõm. Thử hỏi mười mấy vị ủy viên Bộ Chính trị và trăm mấy ủy viên Trung ương, có ai thật là Đảng 100%, có vị chưa tới 1%. Có thể nói thẳng, đa số là con số không.

Như lời Tổng Bí thư: “Đảng viên nhan nhản, Cộng sản mấy người, và người Cộng sản có thể đếm trên đầu ngón tay”. Rồi tới lượt con cháu họ học ở các nước Tư bản về, liệu có được 1/1000 chất Cộng sản hay không? Thật ra ai cũng biết, Đảng Cộng sản thật đã chết từ lâu rồi. May mắn hơn Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa Cộng sản không trải qua thời kỳ “giẫy chết”. Liên Xô chết một cái chết tất tưởi, cả châu Âu và thế giới bất ngờ.

Trở lại chuyện cốc mò cò xơi. Các anh có ai dám tự xưng mình là cốc không? Một chút máu Cộng sản cũng không có vì các anh cũng chẳng ngu gì, không biết Cộng sản đã chết từ lâu rồi. Còn xã hội chủ nghĩa là không tưởng, không hề có ở quá khứ, không có ở hiện tại, càng không có ở tương lai. Các anh mượn cớ để duy trì cái ghế của mình.

Nếu có chuyện ‘cốc mò cò xơi’ thì chính ngay bản thân các ông đang ngồi trên ghế lãnh đạo bây giờ và các con cháu họ mai kia đang xơi tái cả đất nước này một cách không thương tiếc.

Lẽ ra lịch sử Việt Nam đã sang trang, nếu người kế nhiệm sau Lê Duẩn, Trường Chinh có một cái đầu khác và có tâm biết tận dụng thời cơ có một không hai nhân lúc chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, lái con thuyền Việt Nam rẽ sang một bước ngoặt khác. Rất tiếc viên thuyền trưởng lúc ấy lại là Nguyễn Văn Linh, vẫn sống chết cố bám lấy Xã hội chủ nghĩa cho tới lúc ông ta chết. Chân lý đôi khi rất đơn giản, nó gắn liền với nhu cầu cuộc sống của người dân, họ biết chọn cho mình cái gì cần chọn. Và biết tránh cho mình những cái gì cần tránh, trước hết là tránh các cuộc chiến tranh khốc liệt.

Nếu để người dân bình thường được quyền tự chọn, họ đã từ bỏ chủ nghĩa Xã hội từ lâu rồi, và họ cũng không cần cái đuôi ‘kinh tế thị trường’ định hướng tùy tiện nữa. Để được quyền chọn cách sống của mình, người dân thường sáng suốt rõ ràng, thực tế, đơn giản hơn nhiều. Vì miếng cơm manh áo, cuộc sống bình thường hàng ngày của bản thân và gia đình.

© Copyright Tiếng Dân

Tạp bút của Văn Biển. Mời đọc lại: Lịch sử là thằng nào mà ác thế?  —  Xin đừng biến nhân dân thành cái sọt rác  —  Câu hỏi vu vơ nhưng… câu trả lời chắc như đinh đóng cột  —  Bức chân dung đẹp nhất hay ông vua chột và họa sĩ  —  Các Mác và pho tượng của mình ở Đông Đức cũ —  Pho tượng Lê-Nin ở Hà Nội và chiếc bóng của mình — “Tiền phạt” hay chuyện vui về “bệnh nghề nghiệp” (TD).

Bình Luận từ Facebook