Tại sao công an Việt Nam đánh và bắt sinh viên Mỹ Will Nguyễn?

Asia Sentinel

Tác giả: David Brown

Dịch giả: Song Phan

20-6-2018

Trong các cuộc biểu tình phản đối sôi động tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 9 và 10 tháng 6, công an Việt Nam đã bắt giữ một sinh viên cao học 31 tuổi người Mỹ, Will Nguyễn. Ảnh chụp anh đang bị đối xử thô bạo bởi bọn tay chân của công an, mặc thường phục và kéo lết đến chỗ nhốt với một túi màu cam trùm trên đầu, đã lan truyền nhanh chóng trên internet.

Will Nguyễn bị cảnh sát mặc thường phục kéo lê trên đường phố với mặt bê bết máu. Ảnh chụp từ clip

Trong vòng vài ngày, khi Will đang bị những kẻ bắt giam anh điều tra không cho liên lạc với bên ngoài, cảnh ngộ của anh đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông Hoa Kỳ và một vài thành viên Quốc hội Hoa Kỳ. Gia đình và bạn bè của anh thời anh học ở Đại học Yale, đã xác nhận tính cách xuất sắc của Will và tình yêu của anh đối với mảnh đất của cha ông mình. Cuối cùng vào ngày 14 tháng 6, công an thông báo rằng họ đang lập hồ sơ khởi tố Will về “tội phá rối trật tự công cộng“.

Ngày 15 tháng 6, các viên chức lãnh sự Mỹ được phép gặp anh. Sau đó, có thể do bị cưỡng bức, anh đã ‘thú nhận’ trên truyền hình là đã làm cản trở giao thông và gây phiền nhiễu cho công chúng.

Không có bài báo nào, dù trên truyền thông do chế độ Hà Nội giám sát, hay trên các trang mạng bất đồng chính kiến, hoặc trên báo chí phương Tây, đưa ra bất kỳ lời giải thích hợp lý nào về lý do vì sao công an Việt Nam lại chọn cách xử lý quá mức đối với học giả người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai này.

Tiểu luận tiếng Anh 3.500 từ “North / South” (Bắc / Nam) được Will đăng trên mạng vào ngày 30 tháng 4, và sau đó là bản dịch vào ngày 23 tháng 5 cung cấp chút manh mối. Trong tiểu luận này, anh kể lại nỗ lực lâu dài của mình trong việc tháo gỡ lịch sử gần đây của Việt Nam thành một câu chuyện mạch lạc từ “những sự thật mâu thuẫn nhau nhưng cùng song song tồn tại.” Một mặt là những chuyện cay đắng về đấu tranh và phản bội mà anh hấp thu khi lớn lên ở “Việt Nam nhỏ” tại Houston, Texas và mặt khác là những tuyên truyền của phe chiến thắng mà Will tìm thấy trong thư viện đại học của mình.

Toàn bộ nội dung tiểu luận của Will có tại https://newnaratif.com/journalism/north-south/. Lưu ý, bản dịch tiếng Việt đã được công bố chỉ vài tuần trước khi anh bị bắt. Ở đây, tôi sẽ chỉ nêu phần tóm tắt của Will:

“Mất mát của miền Nam Việt nam về mặt chính trị là nặng nề hơn so với mặt văn hóa: người dân không còn được sở hữu các quyền tự do, dân chủ và môi trường xã hội dân sự sống động. Mặc dù việc thực thi các quyền này ở miền Nam Việt nam chưa phải là hoàn hảo, quyền tự do biểu đạt khá thoải mái đã mang lại sự phồn thịnh và một xã hội có chất lượng tốt hơn so với những gì Việt nam ngày nay hiện đang có. Nhiều người Việt, không thể thể hiện thái độ không hài lòng của mình với hiện trạng của hòm phiếu bầu, đành bỏ phiếu bằng chân. Bỏ nước ra đi là giấc mơ của những ai có điều kiện làm như thế. Hà nội từng sẵn sàng thừa nhận Việt nam bị chảy máu chất xám.

Dẫu vậy, cần phải công nhận rằng cuộc chiến tranh là một bản tuyên ngôn của cả miền Bắc và miền Nam đều mong muốn điều tốt đẹp nhất cho người dân Việt, mặc dù mỗi bên chọn một con đường hoàn toàn khác nhau. Sẽ là hoài nghi đến mức không thể tha thứ được nếu tin vào điều ngược lại rằng cả hai chính quyền đều không phải  là chủ thể nguyên vẹn do các cá thể người Việt yêu nước tạo thành. Cội rễ của sự tranh chấp bắt nguồn ở sự cạnh tranh của cả hai bên để trở thành phe duy nhất đúng. Cả hai miền Bắc và Nam đều có lý do để tin mình là chính đáng – một thực tế mà người Việt cả trong nước và hải ngoại vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận.

Trên giấy tờ và về mặt ngoại giao chỉ có một Việt nam là “thật”. Mặc dù miền Nam Việt nam đã không còn tồn tại kể từ 30/4/1975, nó vẫn sống trong tim và trong tâm trí của hàng triệu người Việt không ưa gì chế độ độc tài cộng sản. Nó tiếp tục sống trong một thực tế là sự vắng mặt bị bắt buộc của nó trong mọi cuộc thảo luận trong lòng dân tộc Việt. Một sự im lặng, về bản chất là sự cấm đoán đối với lá cờ vàng ba sọc đỏ, là không được nhắc đến miền Nam Cộng hòa trong nghĩa tích cực, là cấm mọi quan hệ đối với thể chế cũ này, một cách nào đó, lại đang tiếp tục duy trì sự tồn tại của miền Nam Việt nam. Nếu như lịch sử có chỉ ra cho ta những bài học, thì đó là miền Nam không quên.

Có thể là khi lục soát phòng của Will ở khách sạn, hoặc khi tra hỏi anh ta nhiều giờ, công an Việt Nam đã tìm ra những lý do khác khiến Hà Nội cần phải truy tố học giả trẻ này, xét xử anh và kết án anh, và sau đó, có thể thúc ép anh thoả thuận rằng nếu được phép rời khỏi Việt Nam thì anh sẽ không bao giờ trở lại.

Chừng nào Bộ Công an chưa cho phép chúng tôi xem xét bằng chứng như vậy, tôi vẫn cứ nghĩ rằng Will đã bị bắt và thật ra anh ta bị trừng phạt vì “phạm huý” (dị giáo), dù có những cáo buộc khác được tuyên bố.

Bốn mươi ba năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, phe chiến thắng không thừa nhận, và quả thực không cho phép các nhà sử học của họ khẳng định rằng, có sự khác biệt đáng kể về văn hóa giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, rằng cuộc xung đột 30 năm làm rung chuyển Việt Nam. trong nhiều khía cạnh cốt lõi là một cuộc nội chiến bi thảm, rằng cách Hà Nội “cải tạo” miền Nam thua trận đã để lại những vết sẹo vĩnh viễn, và rằng “gốc rễ của cuộc xung đột…. xuất phát từ việc hai bên tranh giành làm bên tốt duy nhất”.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây