Bên chiếc quan tài lạ ở cõi âm

Văn Biển

21-6-2018

Bài trích từ sách Que Diêm Thứ Tám. Mời đọc lại: Câu chuyện nhà báo trẻ và nhà văn có tuổi

Ngọc Hoàng và đám tùy tùng đang lom khom tò mò trước chiếc quan tài to đặt trên khoảng sân rộng, cách cửa ra vào phòng Thường trực không xa. Vài người dừng lại xem. Thi thoảng có người tới bỏ vô quan tài một vật gì đó, hoặc để trần hoặc được bọc lại cẩn thận.

Các vị cận thần lấy ra từ trong quan tài từng vật một đưa cho Ngọc Hoàng xem. Đầu tiên là một hộp to được bọc một loại vải tốt, màu đỏ.

Ngọc Hoàng mở hộp ra. Bên trong là một bộ sách gồm mấy chục tập. “Lênin toàn tập” lại tiếp tục đưa ra những hộp khác “Tư bản luận”, “Mao tuyển”, “Chống During”, rồi “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, “Vô sản Thế giới liên hiệp lại”. Có người cầm cả lá cờ Búa Liềm. Những tấm ảnh Mác-Lênin, Xitalin, Mao Trạch Đông cùng với các khẩu hiệu của một thời mới đây mà tưởng đã thành quá khứ xa xăm. Ngọc Hoàng lắc đầu. Thôi đủ, thời gian đã chôn vùi nó rồi, đừng mất công bới lên.

Vì sao người ta lại chôn sách. Chẳng lẽ sau mấy nghìn năm lại lặp lại chuyện đốt sách, chôn sống học trò như Tần Thủy Hoàng sao?

Xưa Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn học trò vì ông ta ghét trí thức. Còn ngày nay không phải người ta chôn sách mà chôn một thứ chủ nghĩa đã lỗi thời độc hại.

Ngọc Hoàng cầm tấm hình Mác giơ lên: Tất cả bắt đầu từ gã râu xồm này. Nhân loại một thời tốn bao nhiêu giấy mực tranh cãi Duy tâm hay Duy vật. Gần một nửa thế giới theo phái Duy vật của Mác. Nhưng một điều hết sức trớ trêu, không ai ngờ tới, hắn ta lại tôn thờ quỷ Sa tăng. Mác muốn đuổi thiên thần ra khỏi thiên đường và chính mình thay thế Tạo hóa. Trong lúc đó bản thân Mác sống một cuộc sống nhơ bẩn, bệnh hoạn hiểu theo nghĩa đen. Mười năm cuối đời Mác sống trong bệnh tật, khắp người lở loét. Ngoài tiền cứu trợ của Engel, kẻ tôn thờ chủ nghĩa vô sản lại kiếm tiền bằng mọi cách, làm chỉ điểm các “đồng chí” của mình cho chính quyền nước Anh, mỗi lần được 20 đồng bảng. Chờ mẹ chết, chờ ông bác chết để chiếm gia tài.

Còn nhiều chuyện khác nữa. Nhưng tất cả để đi tới bi kịch của thế kỷ vừa qua. Trên dưới 1 tỷ người chết và hàng trăm triệu người bị hệ lụy theo vì tập giấy mỏng chỉ gồm 32 trang  này. Cầm bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản giơ lên. Đây là Kinh Thánh của Đảng Cộng sản do Mác và bạn hắn là Engel đồng tác giả. Bản “Thánh Kinh” được Lênin đánh giá “cuốn sách mỏng 32 trang có giá trị bằng nhiều pho sách dày. Toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh hoạt động nhờ có tinh thần của cuốn sách này”.

Và sau đây là một đoạn trích dẫn được biết đến nhiều nhất trong văn bản tuyên ngôn và họ đã không giấu giếm huỵch toẹt nói ra: “Những người Cộng sản không tự hạ mình mà giấu giếm những ý kiến và dự định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng, mục đích của họ chỉ đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ trật tự xã hội hiện có. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ khi nghĩ đến một cuộc cách mạng Cộng Sản chủ nghĩa. Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành được cả một thế giới cho mình”. Thử xem họ có mất gì sau ngót một thế kỷ. Đấy là bi kịch cay đắng của những kẻ đã chọn nhầm thờ ác quỷ Sa tăng.

Ta kể một câu chuyện vui: Có hai công nhân, một của tư bản, một của vô sản gặp nhau. Người công nhân của chế độ Xô Viết chỉ cái nhà máy to lớn và nói: Nhà máy đó là của tôi, còn người công nhân của chế độ tư bản nói: Còn tôi, chỉ có cái Mescedes này. Thôi chào anh bạn nhé. Anh kia nói xong bước vô chiếc xe Mescedes của mình và lái xe đi. Còn ông chủ nhà máy của xã hội Xô Viết đang chờ xe bus tới.

Trên kia người ta lo ngăn chặn các thực phẩm có chứa chất độc hại để bảo quản, từ gia cầm, hải sản, hoa quả, cho tới các loại thuốc men có chứa các chất cấm. Nhưng, chỉ vô quan tài, các thứ này mới độc hại hơn. Nó đầu độc cả mấy thế hệ, giết chết hàng trăm triệu người. Chủ nghĩa cộng sản, một sự lừa dối lớn nhất của thế kỷ.

Họ định xây dựng một thiên đường trên trái đất. Nhưng thiên đường chưa thấy chỉ thấy địa ngục.

Ngọc Hoàng: Ta đọc đâu đó có một câu rất hay. “Đường tới Địa ngục đôi khi được lót bằng những ý tưởng tốt đẹp”.

Từ phòng Thường trực lại đi ra một người đàn ông có tuổi tới bỏ vô quan tài một gói. Ngọc Hoàng cầm lấy mở ra xem: một gói tro và những miếng sắt.

Ngọc Hoàng hỏi người chủ gói tro: Nếu không có gì phải giấu ông có thể cho biết gói tro này có ý nghĩa gì không?

Cũng chẳng có gì phải giấu các ông. Mấy chục cái bằng khen, bằng liệt sĩ và nhiều loại bằng khác tôi đốt nó trước lúc chết. Để lại cho con cháu chúng nó cũng chẳng dùng. Tôi chôn nó theo tôi. Cả một đời chiến đấu hy sinh cuối cùng chỉ còn một nắm tro. Còn những miếng sắt này là huy chương, huân chương chiến công. Tôi đọc các vị nghe mấy câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng viết trước lúc chết, người ta tìm thấy trong mấy tập di cảo. Xin nói thêm nhà thơ tiền chiến này có nhiều bài thơ ca ngợi Đảng và lãnh tụ vào loại hay. Bài thơ có tên: Ai? Tôi?

Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó.

Tôi!

Tôi người viết những câu thơ cổ vũ

Ca tụng người không tiếc mạng mình

Trong mọi lúc xung phong

Một trong 30 người kia ở mặt trận về sau 10 năm

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy mọi cỡ

Chả huân chương nào nuôi được người lính

Ai chịu trách nhiệm này.

Lại chính là tôi. (1)

Xin được nói thêm. Những câu thơ các vị nghe vừa rồi rút ra từ các tập Di cảo của nhà thơ viết trước lúc ra đi. Cũng may gần cuối đời nhà thơ mới nhận ra chân lý, như thế cũng còn hơn bao kẻ khác tới chết vẫn cuồng tín. Đáng mừng là những kẻ cuồng tín tới nay không còn mấy ai nữa. Chỉ còn những kẻ cố bám ăn theo.

Bỗng ai đó trong số những người có mặt lên tiếng:

Nhân nói tới Di cảo Chế Lan Viên có bài “Bánh vẽ” thuộc loại của độc, tôi xin mạn phép nhà thơ quá cố đọc hầu quý vị.

Thấy không ai phản đối, người đó đọc:

BÁNH VẼ

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấm nháp.

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Đêm vui

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?

Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn

Như không có gì xảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi,

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm

Gần 30 năm sau bánh thật đã có. Nhưng khổ nỗi, chiếc bánh thật đó không phải chia cho mọi người, ai cũng có phần, không phải ai cũng được nếm thử. Chỉ dành riêng cho những nhóm lợi ích các nhóm tranh giành đâu. Nếu nhà thơ còn sống, đâu được mời vô bàn tiệc để được nhai thứ thiệt. Xin lỗi vong linh nhà thơ.

Một người đàn ông khác bước ra: Nhân chuyện bài thơ “Bánh vẽ” của nhà thơ họ Chế, tôi có anh bạn ở Đà Lạt có bài thơ nhan đề:

CẢM TÁC TRONG ĐÊM ĐÀ LẠT

ĐỌC DI CẢO THƠ “BÁNH VẼ” CỦA NHÀ THƠ CHẾ LAN VIÊN

Mấy thi sĩ thế kỷ này ngồm ngoàm nhai bánh vẽ

mà thương vay những thế kỷ vắng anh hùng

họ thầm biết trên đầu mình có kẻ

tay vẽ bánh cho người, mồm nhai thứ thiệt ung dung.

 

Anh ngồi nhấm lai rai dẫu biết thừa bánh vẽ

bởi sợ bị đưa ra khỏi bữa tiệc linh đình

cái bữa tiệc tù mù mà nức lòng đáo để

chúc tụng tía lia và ăn uống thật tình.

 

Cốt một chỗ ngồi thôi để có ngày sẽ được nhai thứ thiệt

mà kiên trì nhai bánh vẽ rã quai hàm

thứ thiệt mãi xa vời, chỉ rất gần là cái chết

cái chết này là chết thật hay oan?

 

Tôi rùng mình đọc bài thơ BÁNH VẼ

mỗi chữ tạc lên cột số dặm đời

thể phách đã an hòa cùng đất mẹ

tinh anh còn lạnh buốt suốt đời tôi. (1)

Đà Lạt

Đêm rạng sáng 13-9-1991

Mọi người hầu như đứng lặng im, tất cả như đang mặc niệm cho một thế kỷ đau thương.

Một người khác bước ra: Nãy giờ Ngọc Hoàng và các vị nghe Thơ, giờ thần xin kể hầu Ngọc Hoàng và các vị câu chuyện về một pho tượng.

_____

(1) Trích trong tập Di Cảo – Thơ Chế Lan Viên.

(1) Thơ: Bùi Minh Quốc

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây