Cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được giải thưởng Tự do Báo chí của Ủy ban Bảo vệ Ký giả 2018

LTS: Ủy ban Bảo vệ Ký giả vừa công bố danh sách những người được giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm nay, gồm bốn người, trong đó có cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm.

Ông Joel Simon, Giám đốc điều hành của Ủy ban Bảo vệ Ký giả, nói: “Vào thời điểm báo chí bị phỉ báng, chế giễu và làm suy yếu bởi rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị, Ủy ban Bảo vệ Ký giả công nhận một số phóng viên dũng cảm và tận tụy nhất thế giới vì những đóng góp của họ để thông tin cho cộng đồng và thế giới. Những nhà báo này đã đặt cuộc sống và sự tự do của họ vào sự nguy hiểm hàng ngày chỉ để thực hiện công việc của họ. Không có sự khẳng định nào lớn hơn rằng báo chí là quan trọng“.

Tiếng Dân xin hân hạnh giới thiệu bản dịch công bố giải thưởng của Ủy ban Bảo vệ Ký giả.

***

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Việt Nam, Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế

Dịch giả: Trúc Lam

14-6-2018

Ủy ban Bảo vệ Ký giả vinh dự được trao giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế năm 2018 cho nhà báo Việt Nam Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những blogger độc lập nổi bật nhất ở Việt Nam, được biết đến nhiều nhất qua bút danh “Mẹ Nấm” của cô. Cô đã bị bỏ tù kể từ năm 2016.

Năm 2017, Quỳnh bị kết án 10 năm tù tại một phiên tòa diễn ra trong một ngày. Các cáo buộc liên quan đến 18 bài báo mà cô đã đăng trên mạng, bao gồm các báo cáo về vụ xả thải công nghiệp, tàn phá các khu vực rộng lớn dọc bờ biển của đất nước.

Cô bị kết án về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, Bộ luật Hình sự Việt Nam. Nghiên cứu của Ủy ban Bảo vệ Ký giả đã phát hiện rằng, các nhà chức trách thường xuyên sử dụng luật này để bịt miệng tiếng nói bất đồng.

Trước khi bị bắt, cô Quỳnh đã viết trên blog cá nhân của mình và các trang mạng khác. Cô đưa tin về các vấn đề nhạy cảm bị kiểm duyệt bởi các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, bao gồm cả việc thu hồi đất đai, suy thoái môi trường và sự tàn bạo của cảnh sát. Cô cũng đã giúp sáng lập Mạng lưới Blogger Việt Nam, một nhóm nhà báo độc lập đã tập họp cùng nhau kêu gọi tự do báo chí.

Quỳnh thường xuyên bị chính quyền Việt Nam quấy nhiễu trước khi bị bắt. Cảnh sát địa phương liên tục gọi cô đến để thẩm vấn và tạm giam cô, liên quan đến các hoạt động viết bài trên mạng. Tháng 12 năm 2013, chính quyền đã cấm cô đi ra khỏi nước.

Cô nói với Ủy ban Bảo vệ Ký giả trong năm 2014, rằng cô sợ cuối cùng cô sẽ bị bắt bỏ tù. Đầu năm đó, Quỳnh nói với Ủy ban Bảo vệ Ký giả về cách cô thường che giấu sự xuất hiện của mình để né tránh các viên chức giám sát các cuộc họp và các phong trào của cô.

Các viên cai ngục nhà tù đã từ chối điều trị y tế cho Quỳnh kể từ khi cô bị bắt, tin tức cho biết. Đầu năm nay, cô bị chuyển đến một nhà tù xa quê nhà, khiến gia đình cô gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thăm nuôi. Hồi tháng Năm, cô đã thực hiện một cuộc tuyệt thực kéo dài một tuần để phản đối các điều kiện tồi tệ trong tù, theo các tin tức trích dẫn từ mẹ cô.

Việt Nam đã giam giữ ít nhất 10 nhà báo, trong đó có Quỳnh, khi Ủy ban Bảo vệ Ký giả tiến hành điều tra nhà tù hàng năm vào cuối năm 2017. Tất cả đều bị cầm tù vì tội chống nhà nước.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây