Nguyễn Văn Tung
18-5-2018
Trong vài tuần gần đây, sau khi Phạm Nhật Vũ buộc phải ói lại số tiền bán AVG cho Mobifone, có dấu hiệu cho thấy vụ đại án tham nhũng này đang được dàn xếp cho chìm xuồng theo kiểu “kiểm điểm rút kinh nghiệm” mặc dù vụ đại án này có nhiều sai phạm, rút tiền cá nhân, nằm trong diện chỉ đạo của Ban Phòng chống tham nhũng trung ương và dư luận toàn quốc rất quan tâm.
1. Cấu kết kiểu mafia cấp độ cao để rút tiền Nhà nước:
Ở vai trò chủ mưu, Nguyễn Bắc Son đã vận dụng kinh nghiệm tác chiến trong thời gian công tác quân đội để cài cắm thế trận chằng chịt, lớp lang giữa Mobifone và các bộ, ngành để rút tiền vụ AVG: chỉ đạo Phạm Nhật Vũ gửi văn bản “chim mồi” cho Bộ TTTT thông báo việc công ty 8046 (Hồng Kông) định mua AVG với giá 700 triệu USD và đặt cọc 10 triệu USD, Bộ TTTT hỏi ý kiến Bộ Công an để rồi Bộ Công an trả lời lại là “không bán cho doanh nghiệp nước ngoài, tốt nhất là bán cho doanh nghiệp nhà nước”, thống nhất với Bộ Công an đưa việc mua bán AVG vào chế độ “mật” (mặc dù vụ AVG là mua bán bình thường), sử dụng các công ty định giá tung hứng giá với Mobifone và Phạm Nhật Vũ để đưa mức giá mua bán AVG lên gần 10 lần giá trị thật, thực hiện việc thẩm định kiểu “thầy bói xem voi” tại Bộ Thông tin Truyền thông, dàn xếp trước rồi lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công an theo kiểu “Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình. Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”.
Bài báo “Lỗ hồng phòng chống tham nhũng nhìn từ vụ AVG” của tác giả Phan Minh Ngọc đăng trên “Thời báo Kinh tế Sài gòn” ngày 23/3/2018 có đoạn: “Nguy hại hơn, vụ việc AVG có lẽ là lần đầu tiên cho thấy có dấu hiệu bắt tay và lũng đoạn có hệ thống không chỉ trong nội bộ một cơ quan, doanh nghiệp, mà còn ở cấp độ “liên bộ” hoặc cao hơn, điều đó có nhiều khả năng vô hiệu hóa hiệu lực của hệ thống phòng chống tham nhũng. Nếu không có sự kiên quyết chỉ đạo của Ban Bí thư, có lẽ rồi vụ việc sẽ chìm vào im lặng bởi những lá bùa chấn yểm quá độc và những thế lực đằng sau đó quá lớn”.
2. Nếu không có sự quyết liệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, Ban Bí thư thì bọn tham nhũng có nôn tiền ra không?
Ngày 23/7/2016, trước sự ồn ào của dư luận về những khuất tất trong giao dịch mua bán AVG, Tổng Bí thư đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện vụ mua bán vụ AVG và chuyển cơ quan điều tra khi có dấu hiệu vi phạm. Ngày 5/9/2016, Thanh tra Chính phủ mới bắt tay vào việc thanh tra AVG và kết luận thanh tra bị Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh “ngâm tôm” hơn một năm trời. Ngày 31/7/2017, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đưa vụ AVG vào diện các vụ việc trọng điểm cần theo dõi chỉ đạo. Trong bốn tháng cuối năm 2017, Tổng Bí thư và Thủ tướng đã vài lần nhắc nhở sự chậm trễ trong việc ra kết luận vụ AVG. Ngày 8/3/2018, Ban Bí thư chỉ đạo xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Ngày 26/4/2018, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa việc thực hiện kết luận thanh tra AVG vào diện theo dõi. Ngày 12/5/2018, khi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư tuyên bố “chống tham nhũng đến cùng” và nêu tiến độ xử lý AVG.
Điểm lại các sự kiện trong 3 năm qua để thấy sự kiên định và quyết tâm của Tổng Bí thư trong việc làm rõ và xử lý vụ tham nhũng AVG mặc dù con đường xử lý vụ việc này có đầy chông gai, bất chắc. Nếu không có sự quyết tâm cao độ của Tổng bí thư, Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực thì chắc chắn nhóm lợi ích (với sự liên quan trực tiếp của một số bộ trưởng, thứ trưởng đầy quyền lực và nhóm tư bản cỡ giàu nhất Việt Nam) sẽ “xơi tái” 7.000 tỷ đồng của Nhà nước qua thương vụ Mobifone mua AVG.
3. Việc Phạm Nhật Vũ trả lại tiền cho Mobifone chỉ được coi là hành vi khắc phục hậu quả:
Chỉ sau khi có văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư ngày 8/3/2018 thì Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn với vội vã dàn xếp để Phạm Nhật Vũ và Mobifone ký kết việc hủy hợp đồng mua bán AVG vào ngày 12/3/2018 và hoàn lại tiền. Việc Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo Mobifone và Phạm Nhật Vũ hủy hợp đồng (chứ không phải hủy quyết định đầu tư số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 của Bộ Thông tin Truyền thông) là không thực hiện đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ (mặc dù kết luận của Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng đồng ý trước khi công bố).
Nếu không có văn bản chỉ đạo ngày 8/3 của Ban Bí thư thì Phạm Nhật Vũ có vội vã hoàn lại tiền cho Mobifone trong tháng 4 không? Hay là Phạm Nhật Vũ đã sợ đến mất mật trước viễn cảnh xộ khám với tối hậu thư “không trả lại tiền thì khởi tố” của Tổng Bí thư?
Hai bên (Phạm Nhật Vũ và Mobifone) đã thực hiện xong hành vi mua bán, Mobifone đã đứng tên trên sổ cổ đông AVG từ đầu năm 2016. Do vậy, trong bối cảnh Ban Bí thư ra văn bản chỉ đạo xử lý AVG vào ngày 8/3/2018 thì việc Phạm Nhật Vũ và Mobifone hủy hợp đồng mua bán AVG vào ngày 12/3/2018 và Phạm Nhật Vũ trả lại 8.500 tỷ cho Mobifone chỉ có thể được coi là hành vi khắc phục hậu quả đối với “hậu quả nghiêm trọng” (thất thoát 7.000 tỷ đồng như kết luận của Thanh tra Chính phủ) đã xảy ra.
4. Sai phạm của Phạm Nhật Vũ và hình thức xử lý:
Vào thời điểm cuối quý 4 năm 2015, nhiều người bắt gặp Phạm Nhật Vũ cầm văn bản đến cửa phòng bộ trưởng các bộ: Thông tin Truyền thông, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công an. Không hiểu động lực nào đã khiến và văn bản trao đổi giữa các bộ về vụ AVG được thực hiện rất nhanh và gấp gáp (một số văn bản được trả lời ngay vào ngày hôm sau) trong tháng 11 và tháng 12.2015 (?).
Trong vụ mua bán AVG, Phạm Nhật Vũ có ba sai phạm lớn: bịa đặt việc công ty 8046 đặt cọc số tiền 10 triệu USD, rút ruột 2.400 tỷ của AVG (thông qua đầu tư vào hai công ty con với giá mua cổ phần trung bình bằng 15 lần so với mệnh giá) trước khi bán AVG cho Mobifone, nhào nặn báo cáo tài chính và che dấu nhiều thông tin về tình hình tài chính bi dát của AVG đối với Mobifone.
Căn cứ vào đó, Phạm Nhật Vũ phải bị khởi tố hình sự theo điều 198 của Bộ Luật Hình sự về hành vi lừa dối khách hàng (bị phạt tù lên đến 5 năm khi phạm tội: có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên).
Việc khởi tố, bắt giam Phạm Nhật Vũ sẽ hé lộ thông tin cực kỳ quan trọng về dánh sách các quan chức đã nhận tiền lại quả từ vụ AVG. Vấn đề là Tổng Bí thư và Thủ tướng có quyết tâm di nước cờ chiếu tướng này hay không thôi?
5. Sai phạm và hình thức xử lý các cán bộ liên quan của Bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone:
Kết luận số 356/TB-TTCP ngày 14/3/2018 của Thanh tra Chính phủ về vụ AVG đã nêu rõ các sai phạm và hình thức xử lý đối với Bộ Thông tin Truyền thông, Mobifone và một số bộ, ngành liên quan khác.
Đối với Mobifone: (a) thiếu trách nhiệm và làm trái trong việc đề xuất dự án đầu tư, đặc biệt là trong việc đánh giá tình hình tài chính, kinh doanh của AVG (trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV và HĐTV); (b) làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn tư vấn thẩm định giá, nghiệm thu kết quả thẩm định giá, việc sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán mua AVG (trách nhiệm của Chủ tịch HĐTV, HĐTV, Ban TGĐ, Kế toán trưởng, bộ phận đàm phán, các bộ phận liên quan của Mobifone); (c) thiếu trách nhiệm, làm trái quy định trong việc ập, trình dự án đầu tư (trách nhiệm thuộc về HĐTV, Ban TGĐ và các bộ phận liên quan của Mobifone), (d) Vi phạm trong việc ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, việc thanh toán mua cổ phần và các chi phí liên quan đến dự án (trách nhiệm của HĐTV, Chủ tịch HĐTV, TGĐ, Kế toán trưởng Mobifone). Đặc biệt, Chủ tịch HĐTV, TGĐ, PTGĐ tài chính phải chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền 1,54 tỷ đã chi cho 2 công ty tư vấn AMAX và VCBS. Kế toán trưởng thì có sai phạm lớn trong việc chi sai nguồn khi TGĐ Cao Duy Hải vội vã ký ủy nhiệm chi để chuyển 8.500 tỷ cho Phạm Nhật Vũ chỉ trong vòng 19 ngày đầu tháng 1 năm 2016!
Đối với Bộ Thông tin Truyền thông: trách nhiệm của Tổ thẩm định trong thẩm định dự án, trách nhiệm của Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp trong việc tham mưu xét duyệt dự án; trách nhiệm của Bộ TTTT trong việc quyết định phê duyệt dự án đầu tư (thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái).
Kỷ luật về mặt Đảng: trong tháng 4 và đầu tháng 5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành thẩm tra vụ việc AVG; thẩm vấn và Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và nhiều cán bộ liên quan của Bộ TTTT và Mobifone phải làm kiểm điểm chi tiết về trách nhiệm cá nhân. Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan sẽ ra quyết định kỷ luật với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Hồng Hải, Hoàng Vĩnh Bảo…) còn Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương sẽ là cơ quan ra quyết định kỷ luật đối với Hội đồng thành viên và Ban TGĐ của Mobifone (Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Phương Anh…). Căn cứ vào mục đ, khoản 2, điều 16 và mục c, khoản 2, điều 17 của Quyết định số 102-QĐ/TW ký ngày 15/11/2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm thì các sai phạm nói trên của các cán bộ liên quan của Bộ TTTT và Mobifone phải bị cảnh cáo về mặt Đảng và phải bị cách chức.
Xử lý hình sự: như đã trình bày ở mục trên, hành vi mua bán AVG đã thực hiện xong (Mobifone đã đứng tên trong sổ cổ đông AVG từ đầu năm 2016), hành vi phạm tội đã được xác định (cấu kết, thông đồng lừa đảo và rút tiền Nhà nước), việc Phạm Nhật Vũ nộp lại 8.500 tỷ đồng chỉ được coi là hành vi khắc phục thiệt hại đối với thiệt hại hiện hữu (đã được Thanh tra Chính phủ xác định là 7.000 tỷ đồng). Ngày 23/4/2018, Thanh tra Chính phủ đã chuyển giao hồ sơ vụ AVG cho C46 để xem xét khởi tố (việc bàn giao hồ sơ từ Thanh tra Chính phủ sang Bộ Công An bị kéo dài một cách khó hiểu từ cuối tháng 3/2018 đến cuối tháng 4/2018, C46 hiện cũng đang “ngâm tôm” hồ sơ vụ AVG chắc theo chỉ đạo của một sếp to bên trên). Với những sai phạm do thiếu trách nhiệm, làm trái quy định của các cán bộ liên quan của Bộ TTTT và Mobifone như Thanh tra Chính phủ đã xác định tại kết luận thanh tra thì C46 có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố các cá nhân liên quan theo điều 219 của Bộ luật Hình sự (bị phạt tù đến 12 năm khi phạm tội: có tổ chức; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt).
Ngoài sai phạm gây thất thoát 7.000 tỷ đồng trong việc mua bán AVG (đã được Thanh tra Chính phủ xác định), đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Công an khẩn trương tiến hành điều tra thiệt hại của Nhà nước do Mobifone bù chéo lợi nhuận sang cho AVG vào các năm 2016 và năm 2017 (mỗi năm, Mobifone bù chéo lợi nhuận sang AVG cỡ hàng trăm tỷ đồng qua các hợp đồng kinh tế), thiệt hại của Nhà nước về thu ngân sách hàng năm do lợi nhuận của Mobifone bị sụt giảm 2.000 tỷ đồng trong năm 2016 so với lợi nhuận năm 2015, thiệt hại của Nhà nước do bị chậm cổ phần hóa Mobifone trong năm 2016 và năm 2017 bởi tác động của thương vụ AVG.
6. Đã có tang chứng về việc giao nhận tiền tham nhũng:
Nhiều cán bộ liên quan của Bộ Thông tin Truyền thông (tổ thẩm định) và Mobifone (HĐTV, Ban TGĐ, các nhóm đàm phán) đã nhận tiền của Phạm Nhật Vũ do Phạm Đình Trọng và Lê Nam Trà là đầu mối phân phối nhưng họ đã phải nộp lại cho Phạm Nhật Vũ để Phạm Nhật Vũ tập hợp chuyển trả lại cho Mobifone trong tháng 4/2018.
Hiện nay, bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã có bằng chứng về việc một số quan chức và cán bộ của Bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone nhận tiền lại quả của nhóm Phạm Nhật Vũ (Phạm Nhật Vũ đã chuyển khoản cho Nguyễn Bắc Son số tiền 200 tỷ đồng vào tài khoản của con rể tên là Hưng, Trương Minh Tuấn nhận 1 căn biệt thự Vinhomes từ VinGroup, Phạm Đình Trọng được Phạm Nhật Vũ chuyển khoản số tiền 600 tỷ đồng, Lê Nam Trà nhận 200 tỷ đồng tiền mặt của Phạm Nhật Vũ thông qua một đệ tử thân tín tại Mobifone…). Với những bằng chứng như vậy, Phạm Nhật Vũ và một số quan chức của Bộ TTTT và Mobifone chắc chắn sẽ bị khởi tố theo điều 354 và điều 364 tại Bộ luật Hình sự về tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.
7. Kết luận:
Vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG đang được dư luận hết sức quan tâm, mặc dù Nhà nước đã thu được số tiền 8.500 tỷ từ Phạm Nhật Vũ nhưng vụ việc đang có dấu hiệu chìm xuồng trong việc xử lý các cá nhân sai phạm.
Nếu các cá nhân sai phạm trong vụ đại án tham nhũng AVG không bị khởi tố, không bị xử lý về mặt Đảng thì nhân dân chúng tôi tin rằng lãnh đạo Đảng, Chính phủ vẫn để có những “vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng!
Do vậy, kính đề nghị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra trung ương, Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương ra quyết định xử lý về mặt đảng đối với các đảng viên có sai phạm trong vụ AVG; chỉ đạo Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ Mobifone mua AVG theo điều 219, điều 354, điều 364 của Bộ luật Hình sự.
Công lý phải được thực thi!
____
Mời đọc lại: kỳ 21 và các kỳ trước: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG — Kỳ 22: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG — Kỳ 23: Các lý do đằng sau việc Thanh tra Chính phủ tìm cách chậm trễ công bố kết luận thanh tra — Kỳ 24: Đề nghị Tổng bí thư, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải công bố kết luận trước Hội nghị Trung ương 6 — Kỳ 25: Trả lời ba câu hỏi của đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân — Kỳ 26: Đề nghị Tổng Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo tân Tổng Thanh tra Chính phủ công bố ngay kết luận thanh tra (TD).