Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG: Đề nghị Tổng Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo tân Tổng Thanh tra Chính phủ công bố ngay kết luận thanh tra (kỳ 26)

Nguyễn Văn Tung

11-12-2017

Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã bị ngã ngựa vì quá chậm trễ trong việc công bố kết luận một số vụ việc trọng điểm, gây bức xúc dư luận. Hai đại biểu Quốc hội đã trực tiếp yêu cầu Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông báo cáo, giải trình việc thanh tra AVG tại phiên chất vấn Quốc hội vào cuối tháng 11 (truyền hình trực tiếp cả nước). Tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sẽ được nhân dân cả nước coi là Bao Công nếu công bố kết luận tranh tra AVG trong tháng 12 này.

1. Định giá AVG theo phương pháp tài sản ròng (net asset):

Định giá theo phương pháp tài sản ròng là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp bằng cách lấy tổng giá trị tài sản (cố định và lưu động) trừ đi tổng số nợ.

Vốn điều lệ của công ty AVG là 3.000 tỷ đồng. Công ty AVG chính thức tham gia kinh doanh truyền hình từ năm 2011. Trong số vốn 3.000 tỷ đồng này, Phạm Nhật Vũ đã tinh ma rút số vốn 2.400 tỷ đồng của AVG qua việc mua cổ phần của hai công ty Mai Lĩnh và An Viên BP ở mức cao chót vót, cao hơn 15 lần so với mệnh giá. Cho đến tháng 12 năm 2015, thời điểm Mobifone ký hợp đồng mua AVG, công ty AVG bị thua lỗ lũy kế là 1.500 tỷ đồng. Như vậy, chúng ta có thể thấy là công ty AVG bị âm vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng vào thời điểm này. AVG đúng là một xác chết, “cho cũng không ai nhận” như Dương Vũ đã nói tại bài 13 của loạt bài “Ai đã làm khánh kiệt đất nước?”.

Để có vốn lưu động để duy trì hoạt động, công ty AVG đã phải đi vay số tiền 1.700 tỷ đồng. Trong đó, chính Mobifone phải đứng ra bảo lãnh cho công ty AVG vay lại số tiền 800 tỷ đồng từ Phạm Nhật Vũ vào tháng 5/2016, Phạm Nhật Vũ đã trích 800 tỷ này từ số tiền 8.900 tỷ mà Mobifone đã trả cho Phạm Nhật Vũ.

Việc Bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone đưa 4 băng tần 700 Mhz vào định giá tài sản vô hình của AVG là rất bất hợp lý vì 4 băng tần này là tài nguyên quốc gia, bọn lợi ích nhóm đã nhập nhằng ở điểm này để “tâng” giá trị vô hình của AVG lên đến mức rất cao.

Căn cứ theo bảng tổng kết tài sản vào ngày 31/12/2015 của công ty AVG, tài sản cố định trong mảng truyền hình có giá trị là 600 tỷ đồng và tài sản cố định trong mảng truyền dẫn khoảng 200 tỷ đồng (AVG có mua lại mấy sợi cáp trên trục Bắc-Nam của TCT Đường sắt). Khi Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG ở mức giá 8.900 tỷ (tức là giá trị doanh nghiệp của AVG tại thời điểm mua bán là 9.400 tỷ) thì có nghĩa là Mobifone đã mua AVG ở mức khoảng 12 lần so với giá trị tài sản thực. So sánh với việc công ty chứng khoán Bản Việt định giá Mobifone để cổ phần hóa vào năm 2015, vốn điều lệ của Mobifone là 15.000 tỷ, Bản Việt định giá Mobifone là 60.000 tỷ đồng (gấp 4 lần giá trị tài sản). Một con cóc ghẻ được tâng giá lên 12 chấm và một con sư tử bị dìm hàng xuống 4 chấm, thì chỉ có bọn tư bản thân hữu luôn muốn “bán đắt cho Nhà nước và mua rẻ từ Nhà nước” mới làm được những việc táo tợn như vậy!

Do vậy, trong điều kiện công ty AVG bị âm vốn chủ sở hữu và vay nợ quá nửa so với vốn điều lệ, tài sản cố định rất ít ỏi, nếu định giá theo phương pháp tài sản ròng thì công ty AVG sẽ trị giá âm 1.100 tỷ đồng (mất hết vốn điều lệ, tổng số nợ là 1.700 đồng, tài sản cố định truyền hình và truyền dẫn là 800 tỷ đồng).

Nhóm Tài chính của Mobifone phải chịu trách nhiệm chính khi xác định mức giá trị doanh nghiệp của AVG theo phương pháp tài sản ròng lên đến 9.000 tỷ đồng!

2. Định giá AVG theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (discounted cash flow):

Phương pháp chiết khấu dòng tiền sẽ căn cứ trên việc dự báo sản lượng, doanh thu, lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp. Khi sử dụng phương pháp này, các dự báo khác nhau (lạc quan, thận trọng) sẽ cho ra các kết quả đầu ra rất khác nhau.

Cần lưu ý, công ty AVG chỉ có 500 nghìn thuê bao truyền hình thực, chỉ chiếm 5% thị phần, kênh nội dung hoàn toàn không đặc sắc, giá đầu thu cao, phạm vi vùng phủ sóng hẹp, chất lượng kênh phát phụ thuộc vào thời tiết do công nghệ AVG là kênh vệ tinh, không phải truyền hình cáp… nên lợi thế cạnh tranh của công ty AVG trong thị trường truyền hình trả tiền là rất thấp.

Các công ty tài chính VCBS, MAX, ASC… đưa ra mức giá của công ty AVG trong phạm vi từ 11.000 tỷ đến 15.000 tỷ đồng là căn cứ trên số liệu đầu vào là kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2016-2020 cho Nhóm Kế hoạch Kinh doanh của Mobifone lập ra.

Việc Nhóm Kế hoạch kinh doanh của Mobifone đưa ra số liệu dự báo tăng trưởng thuê bao, doanh thu, lợi nhuận của công ty AVG ở mức rất lạc quan (tăng trưởng đột biến vào năm 2018, 2019) là hoàn toàn không có sở cứ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Lẽ ra, ở vai người đi mua và hoàn toàn có thể đàm phán mua AVG ở mức giá thấp, Nhóm Kế hoạch kinh doanh Mobifone phải đưa ra số liệu dự báo tăng trưởng thuê bao, doanh thu, lợi nhuận của AVG ở mức thấp (căn cứ vào kết quả lỗ trung bình 300 tỷ/năm của công ty AVG trong giai đoạn 2013 đến 2015 và trên giả định công ty AVG tiếp tục kinh doanh truyền hình) thì họ lại đưa ra mức tăng trưởng cao (trên giả định Mobifone mua và hỗ trợ toàn diện cho AVG). Đây là điểm sai sót chết người của Nhóm Kế hoạch Kinh doanh Mobifone hay là điểm lừa dối lớn nhất của nhóm lợi ích trong vụ đại án tham nhũng này?

Nếu tính toán giá trị doanh nghiệp của công ty AVG theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (và với giả định công ty AVG tiếp tục kinh doanh truyền hình và tiếp tục thua lỗ trong giai đoạn 2016-2020 chứ không phải trong điều kiện Mobifone mua lại và bù chéo lợi nhuận sang) thì giá trị công ty AVG cũng không quá 800 tỷ đồng.

3. Định giá công ty AVG theo phương pháp so sánh (benchmarking):

Vào tháng 5 năm nay, khi định giá VTV Cab để chuẩn bị cổ phần hóa, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị của VTV Cab là 4.200 tỷ đồng.

VTV Cab có tình hình tài chính lành mạnh, luôn có lãi qua các năm, không bị mất vốn. VTV Cab có số thuê bao khoảng 2.5 triệu (gấp 5 lần số thuê bao thật của AVG), VTV Cab có mạng truyền dẫn quang trên toàn quốc (trong khi AVG chỉ có vài sợi trên trục Bắc – Nam), VTV Cab có rất nhiều kênh nội dung đặc sắc (AVG có rất ít kênh và không có kênh độc quyền), VTV Cab bán đầu thu với giá rất thấp hoặc phát không cho khách hàng (đầu thu của AVG có giá rất cao: khoảng hơn 1 triệu đồng/đầu thu), doanh thu năm 2016 là 2.030 tỷ (gấp hơn 4 lần doanh thu thật của AVG), lợi nhuận trước thuế là 100 tỷ (năm 2016: AVG thực lỗ 120 tỷ nhưng Mobifone bù chéo lợi nhuận nên AVG trở thành lãi trước thuế 60 tỷ). Cần phải truy tố và bắt ngay các cá nhân tại Mobifone liên quan đến việc chuyển lãi của Mobifone sang AVG vì gây thiệt hại hàng trăm tỷ của Nhà nước.

Như vậy, nếu so sánh AVG và VTV Cab theo phương pháp so sánh thì giá trị công ty AVG chỉ bằng khoảng bằng 1/5 giá trị của công ty VTV Cab, tức là giá trị công ty AVG chỉ ở mức khoảng 800 tỷ.

4. Các sai phạm lớn trong vụ mua bán và hoàn cảnh của Mobifone hiện nay:

Lê Nam Trà cấu kết với Phạm Nhật Vũ vẽ lên việc công ty Hong Kong 8206 có ý định mua công ty AVG với giá 700 triệu USD. Trong thực tế, không có công ty Hong Kong nào đặt cọc 10 triệu USD cho Phạm Nhật Vũ. Công ty Hong Kong 8206 đóng vai trò “quân xanh” và mức giá ảo 700 triệu USD được đưa ra với mục tiêu “neo” giá mua AVG ở mức chót vót.

Phạm Đình Trọng thống nhất với Lê Nam Trà giấu nhẹm thông tin vụ mua bán AVG qua việc gắn mác “dự án bảo mật do mang tính an ninh quốc gia”. Cho đến nay, Bộ Thông tin Truyền thông hay Mobifone chưa bao giờ chính thức công bố giá trị mua AVG là 8.900 tỷ đồng mặc dù dư luận rất bức xúc.

Theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà cùng Phạm Đình Trọng, Cao Duy Hải, Phạm Phương Anh… đã phù phép để các số liệu kinh doanh của AVG hết sức đẹp đẽ: lờ qua chuyện Phạm Nhật Vũ rút ruột 2.400 tỷ đồng của công ty AVG qua việc đầu tư vào công ty An Viên BP và công ty Hương Lĩnh với mức giá mua cổ phần“trên trời” 15 chấm, đưa ra số liệu tăng trưởng tương lai của AVG giai đoạn 2016-2020 ở mức rất cao và không có sở cứ (cố tình áp kịch bản Mobifone mua và giải cứu AVG), tính mập mờ giá trị 4 tần số 700 Mhz (vốn là tài nguyên quốc gia) vào giá trị vô hình của AVG…

Dưới bàn tay phù thủy của “đạo diễn chính”, bốn công ty định giá VCBS, MAXX, ASC… chơi trò tung hứng để đưa mức định giá công ty AVG lên mức trên 12.000 tỷ đồng rồi chiết khấu xuống mức “hợp lý” 9.400 tỷ. Để rồi Mobifone (tức là Nhà nước) phải mua 95% cổ phần AVG với mức giá “trên trời” 8.900 tỷ đồng. C46 hay A92 cứ bắt tạm giam mấy giám đốc 4 công ty định giá này thì chúng sẽ khai phụt ra ai là người đứng sau giật giây làm việc này ngay!

Sau khi công ty AVG về Mobifone, Lê Nam Trà đã gấp rút chỉ đạo việc xóa sổ thương hiệu dịch vụ truyền hình AVG bằng thương hiệu truyền hình MobiTV, việc này đã gây thiệt hại trong giá trị vô hình của AVG. Bên cạnh đó, để có thể mạnh mồm tuyên bố “AVG có hiệu quả” thì Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã bù chéo hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận của Mobifone (bản chất là gây thất thoát tiền của Nhà nước) sang AVG trong năm 2016 và năm 2017. AVG hoạt động có hiệu quả trong năm 2017 hay không thì cứ so sánh kết quả kinh doanh năm 2017 của AVG (trong phương án mua bán) và kết quả thực tế cuối năm nay.

Lê Nam Trà và Cao Duy Hải còn gấp gáp ký chuyển 8.400 tỷ đồng cho Phạm Nhật Vũ trong 5 tháng đầu năm 2016 để đưa vụ việc vào “sự đã rồi” mặc dù Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có văn bản cảnh báo vào cuối tháng 1/2016.

Hiện nay, AVG như hòn đá tảng đang buộc vào cổ Mobifone. Mobifone đã rơi từ vị thế “đại gia” xuống vai “người cùng khổ”. Với việc bỏ ra số tiền mặt cực lớn (tương đương 60% vốn điều lệ) để Mobifone mua AVG, tình hình luồng tiền của Mobifone luôn căng như dây đàn. Các trung tâm mạng lưới và các công ty kinh doanh khu vực của Mobifone đang bị cắt giảm từ 15% đến 30% chi phí hoạt động. Hiện nay, các công ty kinh doanh khu vực của Mobifone không còn khả năng bỏ tiền túi để “ôm” hàng tồn đầu thu và thẻ dịch vụ AVG (như năm 2016).

Như vậy, chúng ta có thể thấy, tội “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng” của Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Đình Trọng, Phạm Phương Anh và đồng bọn đã quá rõ ràng!

5. Các thiệt hại đối với Nhà nước:

Mobifone mua AVG với mức giá 8.900 tỷ đồng, trong khi mức giá được thẩm định là gần 800 tỷ đồng. Như vậy, Nhà nước đã bị rút ruột 8.100 tỷ đồng từ vụ mua bán AVG này, Phạm Nhật Vũ chỉ được giữ lại 3.000 tỷ đồng, phần còn lại thì Phạm Nhật Vũ chia cho các cá nhân liên quan tại Mobifone và một vài bộ ngành (người ít thì vài tỷ, người nhiều thì hàng trăm tỷ).

Nghe nói Mobifone được giảm lợi nhuận từ 7.200 tỷ đồng xuống 5.200 tỷ đồng trong năm 2016 như cái giá Nhà nước phải trả để Mobifone phải mua AVG. Ở thời điểm đó, Nguyễn Bắc Son đã rỉ tai Lê Nam Trà và Cao Duy Hải “thích gì cũng được, miễn là mua AVG”. Ngoài ra, Nhà nước còn bị thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp do lợi nhuận của Mobifone giảm đi trong giai đoạn 2016-2020 (đáng lẽ lợi nhuận năm 2016 của Mobifone phải ở mức trên 7.200 tỷ đồng – chứ không phải 5.200 tỷ đồng – và sẽ tăng tiếp trong các năm tiếp theo từ con số 7.200 tỷ đồng này).
Chưa kể đến thiệt hại của Mobifone khi mất khoản lãi ngân hàng 150 tỷ/năm do phải dồn tiền mua AVG.

Với việc Mobifone phải bỏ ra 8.900 tỷ đồng để mua AVG, trong khi AVG chỉ mang lại doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm và mức lỗ thực khoảng 300 tỷ đồng/năm. Rõ ràng Nhà nước sẽ thiệt hại rất lớn khi định giá Mobifone để cổ phần hóa (sau khi có công bố kết luận thanh tra và xử lý các cá nhân sai phạm). Ước tính, giá trị doanh nghiệp của Mobifone bị giảm tối thiểu 20.000 tỷ đồng do vụ mua bán AVG. Hiện nay, không có nhà đầu tư nước ngoài nào lai vãng đến Mobifone vì họ đang đợi kết luận thanh tra.

6. Tâm thư gửi đến bốn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ:

Cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ AVG là một trong hai vụ án điểm đã được Tổng bí thư chỉ đạo vào tháng 7/2016.

Thanh tra Chính phủ đã kết thúc thanh tra gần 1 năm, họ đang vi phạm nghiêm trọng Luật thanh tra (quy định phải công bố kết luận thanh tra trong vòng 75 ngày). Thông tin vụ tham nhũng AVG luôn trong một bức màn bí ẩn.

Cử tri cả nước đang rất bức xúc, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ TTTT đã rất bối rối khi bị hai đại biểu trực tiếp chất vấn tại kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm nay.

Liệu vụ AVG có đúng là “vùng cấm” trong phòng chống tham nhũng không? Không thể để chậm hơn được nữa! Chúng tôi kính đề nghị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình quyết liệt chỉ đạo Tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phải công bố ngay kết luận thanh tra Mobifone mua AVG và chuyển hồ sơ sang Cơ quan An ninh điều tra (A92) trong tháng 12 này!

Chúng tôi hy vọng kỳ 27 này là kỳ cuối cùng mà chúng tôi phải cầm bút. Chúng tôi đã phanh phui và chiến đấu ròng rã gần 2 năm nay qua loạt phóng sự gồm 27 kỳ với quyết tâm đưa bọn tham nhũng vụ AVG ra ánh sáng và thu hồi tòa bộ tiền tham nhũng về cho Mobifone và Nhà nước.

Mong đồng chí Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng quyết tâm xử lý đến cùng vụ AVG. Nhân dân cả nước rất tin tưởng vào các đồng chí!

Mời đọc lại: kỳ 21 và các kỳ trước: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG  — Kỳ 22: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG  — Kỳ 23: Các lý do đằng sau việc Thanh tra Chính phủ tìm cách chậm trễ công bố kết luận thanh tra  — Kỳ 24: Đề nghị Tổng bí thư, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải công bố kết luận trước Hội nghị Trung ương 6 — Kỳ 25: Trả lời ba câu hỏi của đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân (TD).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Theo tin TTX vĩa hè Cao duy Hải đả cao bay xa chạy thành công trước khi thanh tra nhà nước công bố các sai phạm ! Lại 1 TXT và vũ đức duy thứ 2 cao bay xa chạy thành công khỏi VN nhờ cách mà đảng và nhà nước đem ông TXT về ,nghỉa là đi trên chuyên cơ chửa bệnh sang singapore .công an hải quan biên phòng đi ngũ hết hay sao ấy

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây