Các nước ven sông Mekong đối mặt với các chi phí tiềm ẩn của các con đập Trung Quốc

Nikkei Asian Review

Tác giả: Yukako Ono

Dịch giả: Trúc Lam

9-5-2018

Hàng chục dự án đe dọa ngành nông nghiệp và thủy sản ở Đông Nam Á

STUNG TRENG, Cambodia – Sam In, một nông dân trồng lúa 48 tuổi, từ tỉnh Stung Treng, phía đông bắc Campuchia, chưa bao giờ biết rằng người ta phải trả tiền nước cho đến khi ông bị buộc phải rời khỏi nhà của mình trên bờ sông của một nhánh sông Mê Kông hai năm trước.

Cùng với hàng trăm hộ gia đình khác, Sam In và 10 thành viên trong gia đình của ông đã phải dời đi, để dọn đường cho sự phát triển con đập, khiến toàn bộ ngôi làng Sre Sronok của ông chìm trong biển nước. Bây giờ họ sống trong một ngôi làng mới được thành lập, nơi những ngôi nhà do chính phủ tài trợ với những mái nhà màu xanh giống hệt nhau, được nằm gọn gàng trên một mảnh đất rộng, đầy bụi bặm. Thay vì một con sông, một con đường quốc gia chạy dọc theo ngôi làng.

Sam In là phó thôn, cho biết: “Chi phí sinh hoạt của chúng tôi đã tăng lên đáng kể. Chúng tôi phải mua nước, chúng tôi sử dụng để trồng lúa, uống, nấu ăn và tắm. Tất cả nước nôi sinh hoạt này từng đến từ sông, miễn phí“.

Chính phủ cung cấp cho gia đình 2 ha đất để trồng lúa. Nhưng không có hệ thống thủy lợi phù hợp hoặc thiết bị canh tác phù hợp để cày xới đất, điều mà chính phủ hứa khi người dân đồng ý di dời, năng suất thấp, chưa tới một nửa so với các cánh đồng trong ngôi làng cũ của họ.

Sam In và gia đình anh là một trong số những người dân bị di dời bởi Đập Hạ Sesan 2. (Ảnh: Ken Kobayashi)

Những cánh đồng này, cách xa khoảng 20km, đã bị ngập từ tháng 9 năm 2017 khi các trận lũ của đập thủy điện hạ lưu Sesan 2 được đóng lại, để tạo ra một hồ chứa nước rộng 33.000 ha. Con đập trị giá 816 triệu Mỹ kim, nằm cách sông Mekong 25km, dự kiến ​​sẽ tạo ra 400 MW điện khi đi vào hoạt động cuối năm nay, trở thành đập lớn nhất ở Campuchia.

Người dân làng Sreok Sronok, gồm cả ông Sam In, đã phản đối kế hoạch khi nó được đưa ra khoảng 10 năm trước. Chính phủ giải thích rằng, điện được tạo ra từ các đập sẽ có lợi cho cả nước. Sam In nói: “Họ nói rằng các nước như Lào đang tạo ra điện bằng cách sử dụng nguồn nước sông Cửu Long và đất nước chúng ta cần xây dựng đập riêng của chúng ta để ngừng mua điện từ họ và giảm chi phí điện. Nhưng tôi nghĩ rằng, nó sẽ mang lại lợi ích cho người dân thành phố nhiều hơn, không phải cho chúng tôi, trừ khi chính phủ cho chúng tôi giảm giá đặc biệt mà họ đã từ chối“.

Con đập có thể gây ra những hậu quả không mong muốn khác. Ngoài những vấn đề mà Sam In và những người hàng xóm đang trải qua, việc xây đập sẽ làm giảm nguồn cung cấp cá, thay đổi dòng chảy và giảm trầm tích lòng sông, cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng cho mùa lúa ở Việt Nam và các nước trên sông Mekong khác. Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ hồi năm 2012 kết luận rằng, con đập sẽ đe dọa hơn 50 loài cá.

Những đập trên dòng chính có ý nghĩa gì đối với sản lượng khai thác thủy sản (hàng ngàn tấn)

Các chuyên gia và các nhóm hoạt động từ lâu đã lập luận rằng, lợi ích kinh tế từ việc sản xuất điện của con đập đang gây tranh cãi, do lưu lượng nước thấp trong khu vực suốt bảy tháng mùa khô. Mặc dù lo ngại như vậy, Campuchia đã vượt qua kế hoạch với sự ủng hộ của một công ty điện lực quốc doanh lớn của Trung Quốc, đã bắt đầu tham gia hồi năm 2012.

Hydrolancang International Energy, một công ty con của Tập đoàn Huaneng, là nhà đầu tư lớn nhất của dự án, với 51% cổ phần, trong khi Tập đoàn Hoàng gia Campuchia và công ty con của Điện lực Việt Nam lần lượt chiếm 39% và 10%. Một biển chỉ đường mới chỉ vào “con đập lớn” được đặt gần các cổng được bảo vệ nghiêm ngặt dẫn đến địa điểm con đập được viết bằng tiếng Khmer và tiếng Trung.

Việc xây dựng đập gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc – cả trên phần thượng lưu của sông và ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á – đang thay đổi đáng kể sinh kế của hơn 60 triệu người sống trong khu vực, những người phụ thuộc vào sông Mekong về nguồn nước, cá, giao thông và tưới tiêu.

Việc kiểm soát nước ở thượng nguồn là một mối quan tâm đặc biệt và sự va chạm đối với các nước xa hơn về phía nam. Một số chuyên gia so sánh rủi ro về an ninh nước của các nước hạ lưu sông Mekong – bao gồm rủi ro đối với nguồn cung cấp thực phẩm và hoạt động thương mại của họ – đối với việc xây dựng đảo [nhân tạo] gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một ngư dân Lào cố gắng làm sạch các mảnh vỡ từ một cái bẫy cá tre truyền thống. Nhiều người Lào phụ thuộc vào sông Mekong để kiếm thức ăn và sinh kế của họ. (Ảnh của Thomas Cristofoletti / Ruom)

Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh, trường Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan, cho biết: “Điều mà Trung Quốc làm bằng cách hủy hoại sông Mekong và tận dụng quá mức ở các nước hạ lưu thì tương tự và liên quan đến việc tiếp tục xây dựng và vũ khí hóa các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông. Cách tiếp cận của Bắc Kinh đơn giản như đó là vấn đề gây tranh cãi, để mọi người thấy: Xây dựng trước, rồi nói chuyện sau”.

Sông Mê Kông dài 4.800 km, bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc và chảy qua tỉnh Vân Nam vào Đông Nam Á – Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia – sau đó xuống Việt Nam, nơi nó thoát ra Biển Đông. Nó là con sông dài thứ 12 trên trái đất và là niềm tự hào vì có một số loài cá đa dạng nhất thế giới, chỉ đứng sau Amazon.

Nước trên sông Mekong chảy tự do hơn so với hầu hết các con sông lớn trên thế giới, vì xây đập và các dự án khác bị chặn lại do các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Campuchia, bà Courtney Weatherby, một nhà phân tích thuộc Trung tâm Stimson, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ, cho biết. Mặc dù Thái Lan và Việt Nam có xây đập một phần trên sông, nhu cầu phối hợp trong khu vực trở nên rõ ràng khi Trung Quốc bắt đầu xây đập ở thượng nguồn sông Mekong vào thập niên 1990 mà không cần tư vấn với các nước hạ lưu.

Dự kiến nhu cầu điện cho Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (hàng ngàn giờ terawatt)

Nền kinh tế của tất cả các nước trên sông Mekong dựa vào dòng sông, nhưng theo những cách khác nhau. Trung Quốc và Lào phần lớn coi Mekong là nguồn sản xuất điện. Campuchia – và nhiều người dân địa phương ở Lào và Thái Lan – phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá phong phú ở sông Mekong để sản xuất chất đạm, thực phẩm và sinh kế của họ. 20 triệu người Việt sống ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào lượng trầm tích tự nhiên và chất dinh dưỡng từ dòng chảy của sông đối với cây lúa và nghề cá của họ.

Với rất nhiều lợi ích chồng chéo, các nước Mekong cần chia sẻ thông tin tốt hơn và “quản lý chính trị về sự cân bằng hiển nhiên giữa lợi ích của mỗi quốc gia“, bà Weatherby nói.

Sự phối hợp này ngày càng phức tạp hơn khi Trung Quốc đang tài trợ xây dựng đập ở các nước kém phát triển như Campuchia và Lào. Trong số 11 đập đã lên kế hoạch ở dòng chính hạ lưu của sông Mekong, sáu đập được hậu thuẫn bởi Trung Quốc, theo Tổ chức Sông Ngòi Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ. 30 đập khác được lên kế hoạch ở các nhánh sông.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc đẩy mạnh, các nhà đầu tư khác – bao gồm cả các nước phương Tây và Nhật Bản – đang bị đẩy lùi trở lại vì sự phát triển đập thủy điện ở sông Mekong. Chẳng hạn như, Ngân hàng Phát triển Châu Á do Nhật Bản dẫn đầu, đã ngừng tài trợ cho các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong vì “những tác động tiêu cực tiềm tàng của các dự án thủy điện trên dòng chính là đáng kể“, Andrew Jeffries, giám đốc bộ phận năng lượng của cơ quan Đông Nam Á, cho biết. Nhật Bản đã cam kết viện trợ 6 tỷ Mỹ kim về cơ sở hạ tầng khác cho các nước Mekong trong năm 2015 nhằm tăng cường sự ảnh hưởng trong khu vực, nhưng đã hết hạn trong năm nay.

Các quan chức Trung Quốc trình bày hoạt động của họ như khuyến khích các nước khác tìm thấy lợi ích từ dòng sông.


Chim tập hợp trên một bãi cát ở sông Mekong, nơi mực nước thấp bất thường gần Chiang Rai. Ảnh: Takaki Kashiwabara
Đập Hạ lưu Sesan 2 sẽ là đập lớn nhất ở Campuchia khi nó bắt đầu hoạt động hết công suất vào cuối năm nay. Ảnh: Thomas Cristofoletti / Ruom

Li Hong, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc ở châu Á và Thái Bình Dương, nói tại một hội nghị ở sông Mekong được tổ chức ở Campuchia vào tháng Tư: “Quyền lợi gì Campuchia có được từ các con đập thượng nguồn? Không có gì cả. Nhưng Campuchia có thể hưởng lợi bằng cách phát triển các con đập riêng của mình. Tất cả chúng ta đều nên hưởng lợi từ dòng sông“.

Rủi ro địa chính trị

Somchit Chittapong sống tại sông Mekong hơn 40 năm, ở tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan, nhưng vào một ngày tháng Ba năm nay, ông nhận ra mực nước ở đây thấp bất thường.

Ông chỉ vào một bờ cát gần đó, hỏi: “Bạn có thấy đàn vịt ở đó không? Chúng không bao giờ đến đây vào thời điểm này trong năm vì hòn đảo đó thường chìm dưới nước”.

Somchit ra hiệu về phía chiếc thuyền nằm trên bờ sông mà anh ta nói nó là của anh trai mình, là người đã vận chuyển cao su sang Trung Quốc. Chiếc thuyền đã bị mắc kẹt ở đó hơn năm ngày qua.

Nó chỉ là một trong nhiều thuyền chở hàng hoạt động từ Chiang Rai, trung tâm xuất khẩu chính của Thái Lan, sang Trung Quốc, bị mắc kẹt vào đầu tháng Ba do mực nước thấp bất thường gây ra bởi các dòng chảy ngưng đột ngột do các đập thượng nguồn từ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp địa phương đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ lịch trình xả nước từ các con đập. Trung Quốc đã đồng ý tiết lộ thông tin hàng ngày nhưng chỉ trong những tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10, chứ không chia sẻ những tháng còn lại trong năm. Phía Trung Quốc viện lý do, thông tin đập là “các vấn đề nội bộ”.

Các dự án đập của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến các nước Đông Nam Á. Nguồn: International Rivers

Pakaimas Vierra, phó chủ tịch phòng thương mại của Chiang Rai nói: “Trung Quốc điên rồ. Họ không cung cấp thông tin trước cho chúng tôi, nên chúng tôi không thể lập kế hoạch kinh doanh được. Hàng tồn kho đang chất thành đống”.

Pakaimas cho biết, đã có hàng chục chiếc thuyền chở hàng hóa cho Trung Quốc cập cảng dọc theo bờ sông giữa Myanmar và Lào vào giữa tháng Ba mà không thể đi xa hơn vì vùng nước cạn. Một nhà xuất khẩu ước tính, có khoảng 60 chiếc thuyền đã bị mắc kẹt.

Các chuyên gia cho rằng, việc cung cấp điện dư thừa ở tỉnh Vân Nam có thể dẫn đến dòng nước bị ngừng đột ngột từ các đập của sông Lancang.

Giao thương với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, là nguồn thu nhập chính của Chiang Rai, nằm gần Tam giác vàng, nơi sông Mekong hình thành biên giới giữa Thái Lan, Lào và Myanmar. Tiềm năng cho Trung Quốc gây thiệt hại kinh tế với việc kiểm soát lưu lượng nước là mối quan tâm hàng đầu đối với các nước hạ lưu, các chuyên gia cho biết.

Ông Thitinan, thuộc trường Đại học Chulalongkorn, cho biết: “Việc Trung Quốc gây thiệt hại cho thượng nguồn sông Mekong từ lâu đã được coi là một nguy cơ địa chính trị đối với các nước hạ lưu ven sông”.

Ảnh: Ken Kobayashi
Các em học sinh trong ngôi làng nổi Chnok Trou ở Campuchia. Ảnh: Ken Kobayashi

Nhưng Bắc Kinh cũng đã thể hiện kỹ năng ngoại giao khôn khéo về nước. Trong đợt hạn hán năm 2016, họ tuyên bố sẽ xả nước từ đập thượng nguồn trong một tháng để bớt khó khăn, nỗ lực giảm căng thẳng với các nước láng giềng phía nam – đặc biệt là Việt Nam.

Các nước hạ lưu gặp khó khăn trong việc đẩy lùi Trung Quốc, là nước trở thành một trong những nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và năm nước ven sông tổng cộng 220 tỷ USD trong năm 2017, tăng 16% so với năm trước, trong khi đầu tư đạt 42 tỷ USD.

Ủy ban sông Mekong, một tổ chức liên chính phủ của các quốc gia ven sông Mekong, không bao gồm Trung Quốc; nhiều chuyên gia tin rằng ủy ban đã chọn không để Trung Quốc tham gia do tài trợ của nhóm từ các nước phương Tây. Bốn quốc gia thành viên – Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam – phần lớn đã thất bại trong việc thảo luận hiệu quả về các hiệu ứng xuyên biên giới với nước láng giềng quyền lực nhất.

Thay vào đó, các nước chọn Trung Quốc như một nhà đầu tư – một vai trò mà Bắc Kinh rất thích được tham gia. Vùng hạ lưu sông Mekong đã trở thành một trọng tâm của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường do Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, chủ trì.

Trong năm 2014, Trung Quốc đã khởi xướng Chương trình Hợp tác Lancang – Mekong, hay là LMC, cung cấp một loạt các chương trình viện trợ cho năm nước ven sông. Tại một hội nghị thượng đỉnh LMC vào tháng Giêng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hứa rằng, Trung Quốc sẽ cung cấp 7 tỷ nhân dân tệ ($1,08 tỷ Mỹ kim) cho các khoản vay, thêm vào 10 tỷ nhân dân tệ đã hứa. Trung Quốc cũng sẽ thêm một khoản tín dụng trị giá 5 tỷ USD vào đầu tư cùng với 10 tỷ USD trước đây, để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực. Các chuyên gia nói rằng, Trung Quốc muốn thể hiện sự lãnh đạo của mình đối với các nước hạ lưu và cải thiện hình ảnh của mình thông qua LMC, sáng kiến ​​đa phương đầu tiên do Trung Quốc dẫn đầu trong khu vực Mekong.

Sak Seam, người đứng đầu làng Chnok Trou, ngồi trên võng làm từ lưới đánh cá lưới nhỏ bất hợp pháp. Ảnh: Ken Kobayashi
Ngôi làng nổi Chnok Trou ở Campuchia. Ảnh: Ken Kobayashi

Tuy nhiên, nhấn mạnh vào thủy điện, trái ngược với kết quả của các nghiên cứu khác nhau, cho rằng, tác động tiêu cực của việc xây dựng các con đập, lớn hơn lợi ích của việc tăng nguồn cung cấp điện. Một bài báo do Đại học Mae Fah Luang của Thái Lan công bố năm 2017, cho thấy, nếu hơn 40 dự án xây dựng đập trên dòng chính và các nhánh phụ của sông Mekong được xây dựng vào năm 2030, thì tác động kinh tế ròng lên bốn nước hạ lưu sẽ là 7,3 tỷ USD. Sự mất mát đến từ sự sụt giảm trong đánh bắt thủy sản lớn hơn lợi ích từ 110.000 gigawatt/ giờ mà điện được tạo ra, báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, “xây dựng đập ở hạ lưu sông Mekong thường được tiến hành mà không đánh giá toàn diện các tác động trên sông và các cộng đồng địa phương“, Maureen Harris, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, cho biết.

Một số người làm việc trên sông trở lại quan điểm này. Ông Lê Hồng Đức, 60 tuổi, một nông dân nuôi cá ở tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam, gọi việc xây đập trên sông để sản xuất điện là “phát triển không bền vững”.

Ông Đức nói: “Nếu họ xây đập, gây thiếu nước, chúng ta phải giảm các trang trại thủy sản và chuyển sang các ngành nghề khác. Nó không đáng để đánh đổi môi trường và nước của các con sông để lấy điện“.

Tuy nhiên, nhu cầu về điện là có thật. Campuchia dự kiến ​​sẽ kết nối 70% hộ gia đình với lưới điện vào năm 2030, tăng khoảng 50%. Chi phí điện đắt đỏ của đất nước, cao nhất trong khu vực, đang ngăn cản các doanh nghiệp thâm nhập thị trường và thiết lập các hoạt động quy mô lớn.

Lào, nước nghèo nhất trong khu vực, là nước tích cực nhất trong việc phát triển các đập trên sông Mekong. Các nước không giáp biển hy vọng sẽ bán điện cho các nước láng giềng và trở thành “pin của khu vực Đông Nam Á”, mặc dù lợi ích cho người dân của họ rõ ràng là ít hơn.

Thái Lan là nước tiêu thụ điện lớn nhất trong khu vực, trở thành một nhà đầu tư nổi bật của các dự án thủy điện ở Lào và Campuchia. Việt Nam cũng đang mua điện từ hai nước này.

Mỹ và Nhật Bản nên chống lại sự xây đập của Trung Quốc bằng cách thúc đẩy các giải pháp thay thế cho thủy điện, theo ông Nguyễn Hữu Thiện, một nhà sinh thái học độc lập ở Việt Nam và chuyên gia về đồng bằng sông Cửu Long. “Nếu các cường quốc lớn như Mỹ và Nhật Bản có thể thấy vấn đề an ninh phi truyền thống ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, họ nên coi trọng và giúp thúc đẩy năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió“, ông Thiện nói.

Khó khăn cho ngư dân

Cũng giống như các ngư dân khác trên Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia, ông Oeru Navy đã nhìn thấy sự đánh bắt sụt giảm giảm mạnh trong những năm gần đây. Tonle Sap là hồ nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam Á và cung cấp hơn một nửa tổng sản lượng cá đánh bắt ở Campuchia. Khoảng 60% lượng nước của hồ này xuất phát từ sông Mekong, và sự phát triển các con đập ở thượng nguồn đang làm gián đoạn quá trình di cư của cá. Ông Oeru Navy cho biết, cá ông đánh bắt được đã giảm gần một nửa trong thập niên qua.

Việc đánh bắt cá giảm đang khiến một số ngư dân sử dụng các phương pháp đánh cá bất hợp pháp, chẳng hạn như sử dụng lưới nhỏ để bắt cá. Điều này càng làm cho vấn đề tồi tệ hơn.

Nhưng đối với ông Oeru Navy, 31 tuổi, lý do đằng sau sinh kế của ông bị giảm dường như rất xa. Ông nói: “Tôi đã nghe nói về một số chính phủ xây dựng đập trên sông để có điện nhưng tôi không nghĩ rằng chuyện này có liên quan đến tôi. Tất cả chúng tôi muốn có nhiều cá hơn để chúng ta có thể sống sót”.

Gwen Robinson ở Bangkok đóng góp bổ sung cho bài báo.

© Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bài báo này tường trình về sự việc công ty điện lực Việt Nam đã đầu tư 10 % vốn vào dự án Thủy điện Se San 2 tại Cam Bốt. Lãnh đạo VN qua phần đầu tư này đã làm tất cả nỗ lực bảo vệ vựa lúa ĐBSCL và phản đối khai thác thuỷ điện Mekong của VN trong hơn 60 năm qua thành hoàn toàn vô nghĩa.

    Đã đến lúc người dân không còn nghi ngờ nữa mà chỉ có thể hiểu rằng sinh kế quyền lợi 20 triệu cư dân và môi trường sống của họ đã bị nhà cầm quyền không những bán đi mà chính nhà cầm quyền lại kết hợp cùng ngoại bang tham gia vào tội ác này, tạo điều kiện chia chác lợi nhuận với các thủ phạm.

    Các diễn đàn thế giới vẫn nghi ngờ VN không có thực tâm khi phản đối thuỷ điện Lào, với sự việc VN đầu tư vào thuỳ điện CB ngay sát nách với tác động lập tức giáng xuống dân mình xóa tan mối nghi ngờ đầy cố gắng đó, đây là hành động của kẻ hoàn toàn mất trí, tán tận lương tâm, một tội ác vội dân tộc và nhân loại không thể tha thứ cho những kẻ đã quá tham lam ngông cuồng quyền lực.

    • Đúng vậy! Tàu Cộng không thiếu gì tiền vốn, 10% mà chúng nó dành cho VN, không có ý nghĩa kinh tế nhưng có ý nghĩa lớn về chính trị, bắt lũ tay sai CSVN phải dính máu ăn phần, nếu há miệng sẽ bị mắc quai!
      ĐCSVN sẵn sàng bán nước cho sự tồn vong của chúng – chúng là lũ súc vật, tội đồ của dân tộc VN.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây