Cải cách công an, bộ máy hay “binh quyền”

FB Tâm Chánh

4-4-2018

Tiếp theo bài: Cải cách công an, trận đầu cải cách chính trị

Đề án tinh giản bộ máy Bộ Công an, do đảng ủy công an trình, đã được Bộ Chính trị thông qua và chờ hoàn thiện các thủ tục nhà nước. Diện tác động của đề án này rộng lớn, và tới cả hàng ngũ cao cấp của công an.

Đề án xác định bãi bỏ 6 tổng cục thuộc Luật công an nhân dân hiện hành qui định cấp tổng cục, tổng cục trưởng lên tới trung tướng.

Mặt khác, số lượng các cục chuyên môn của Bộ Công an theo sắp xếp mới này cũng giảm đến phân nữa, từ 126 xuống còn 60.

Chỉ riêng việc sắp xếp này đã đụng chạm đến 300 – 400 tướng tá công an tại vị, theo tướng về hưu Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng nghiên cứu chiến lược Bộ Công an.

Bộ Công an từ năm 2009, thời Chính phủ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tục phình to bộ máy, hình thành thêm nhiều tổng cục, nhiều đầu mối cấp cục. Cũng từ giai đoạn này ngành công an được phong thêm nhiều tướng, quá nhiều tướng.

Bộ trưởng Tô Lâm, người được cho là tác giả chính yếu của đề án đã chọn một nước cờ chính trị không phải dễ chơi. Ủng hộ xu hướng tập trung quyền lực cho đảng, Bộ trưởng Công an đề xuất lập đảng ủy công an, như một kiểu quân ủy, với sự tham gia trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư phát biểu tại đảng ủy công an đã dẫn đến việc mở đường cho một cuộc cải cách chưa từng có của ngành công an.

Từ việc thực hiện yêu cầu tinh giảm nhân sự bộ máy thành áp lực chuyển đổi mô hình Bộ Công an là một tư duy chính trị khéo léo. Nó là cơ sở cắt giảm “binh quyền” của công an.

Hình thái hoạt động của các tổng cục hiện nay giống với một tổ chức vũ trang hơn là một cơ quan quản lí nhà nước.

Công cuộc quản lí trị an gắn liền với cơ sở và địa phương. Trong khi đó lực lượng chuyên nghiệp lại được đầu tư ở cấp bộ.

Cải cách của Bộ Công an là thay đổi tình trạng này. Trong đó đề án yêu cầu tổ chức ngay công an chuyên nghiệp ở cấp xã, thị trấn.

Sắp xếp lại nhân sự sẽ là cuộc điều động lớn các cán bộ ở các tổng cục, cục, trung tâm… bị cắt giảm về tuyến cơ sở.

Có thể đây là một xáo trộn lớn định vị lại địa bàn của các quan tham, nhóm lợi ích. Trong một chừng mực nào, đây có thể là nguy cơ trực tiếp của các bước đi cải cách. Nhất là với bộ trưởng Tô Lâm, người mà danh sách đối thủ chính trị không dừng lại ở các đồng liêu bị tước binh quyền mà cả đâu đó trong các thủ trưởng mà ông đã từng cận kề.

Đặt một dấu nối từ một cải cách mà đầu những năm 1990, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng và quyết liệt chỉ đạo, giải thể kinh tế công an, quân đội, và cả kinh tế đảng, bước đường cải cách ngành công an dường như thiếu những những cơ sở nhận thức nhất quán.

Cấm công an có kinh tế riêng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhất quán trong quan niệm cải cách, trên căn bản tư duy nhà nước nhỏ xã hội lớn. Không cho phép công an làm kinh tế, ông bảo vệ quyền uy của công an dựa trên chính năng lực cốt lõi của lực lượng này. Quyết tâm này của ông Kiệt cũng đã dở dang ngay sau ông không còn là Thủ tướng từ chính lối tư duy đã làm phình to bộ máy công an.

Cải cách dường như chỉ có thể bắt đầu khi nhà nước đã cạn kiệt hầu bao. Cải cách liệu có bảo vệ được mình khi lãnh đạo không có đủ nhiệm kỳ?

Có vẻ bộ trường thì như không có gì để mất?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây