Phiếm: Thư gởi Đinh La Thăng

Võ Thiêm

25-3-2018

Năm điều cậu mắng

Chú Thăng,

Cậu viết thư này cho chú sau khi xem báo Pháp luật của “đảng ta” đăng lời nói sau cùng của chú trong phiên toà công minh của “cách mạng”.

Bình thời lúc đắc ý thì chú chỉ biết bác, cái gì cũng bác trước tiên, ơn bác, lời bác dạy thế này thế kia, chứ chớ hề đếm xỉa gì tới cậu!

Âu đó cũng là thói đời bởi dân mình có câu “thắng về nội, thối về ngoại”. Bác như cha, cậu như mẹ, mà nay cả bác lẫn cha của chú đều đi xuống tàu về Tây phương (tức qua bên Âu châu mà thăm Mác Lê chớ chẳng phải về nước Phật) nên cậu chẳng thể làm ngơ mà an ủi chú vài câu trong lúc hoạn nạn này. Thôi để cậu vô đề cho được lẹ lẹ.

Một là, chuyện ơn nghĩa, chú nói: “Trước hết, bị cáo xin hết sức cảm ơn HĐXX đã cho bị cáo cơ hội được nói lời sau cùng. Bị cáo cám ơn VKS, cơ quan điều tra, luật sư bào chữa cho bị cáo đã tận tâm chia sẻ những biến cố của cuộc đời bị cáo. Bị cáo cám ơn các cấp lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp… đã đến thắp hương chia buồn với sự ra đi của bố bị cáo“.

Cậu mắng: Mấy đứa quan toà và luật sư VC là tổ sư xạo, chỉ là các diễn viên trong một vở hài kịch. Việc ấy lạ gì với chú mà chú bày đặt nói điều ơn nghĩa? Những lời cám ơn trên vô duyên và giả tạo lắm. Ngay cả việc cầu mong lòng thương hại của “HĐXX” cũng vô ích vì chúng nó chả có quyền gì sất, bản án bác Trọng đã nhét túi rồi.

Biếm họa của Lê Anh Phong về “củi” Đinh La Thăng

Còn chuyện “lãnh đạo tới thắp hương” bố chú thì lẽ ra chú chửi cha bọn đạo đức giả chớ sao lại cám ơn? Chú còn lạ gì cái tình đồng chí của bọn CS? Chú có biết rằng bố chú nằm trong quan tài thấy chúng nó vái mà ôm hận… ngàn thu không?

Hai là, chú nói: “Ông đã mất trong tâm trạng u uất, đau buồn vì chuyện của bị cáo. Nếu không có những chuyện xảy ra với bị cáo thì bố bị cáo không mất sớm như vậy. Gia đình của bị cáo đã rơi vào sự tột cùng của đau thương, mất mát. Bị cáo trở thành người con bất hiếu vì khi bố mình mất đi, không được lo các công việc hậu sự cho bố. Đây là điều day dứt trong suốt quãng đời còn lại của bị cáo. Ngay sau lễ viếng bố bị cáo, trong đầu bị cáo luôn ám ảnh hình ảnh ông cụ hiện về… Bị cáo đã xin phép được về gặp mặt bố lần cuối nhưng không được phép. Đây thực sự là điều ám ảnh“.

Cậu mắng: Những điều chú nói trên cậu tạm tin vì đó là tình cha con. Tuy rằng với người CS khi cần thì cha con chúng cũng… chơi nhau sát ván luôn, như chú Sáu Thận đó, nhưng cậu tin bố chú… chết vì chú. Nói rõ hơn, bố chú tức khí cái nụ cười điếm thúi của “bác Trọng” mà chết. Chuyện “bác Trọng” thân mật vỗ vai tiễn chú vào mần chức bí thư thành Hồ cho chú yên tâm trong lúc bác ấy chuẩn bị mài dao cho bén để mần thịt thì y như trong truyện Tàu. Ấy là vì bác Trọng lãnh cẩm nang bên Bắc Kinh chớ chẳng phải là chuyện tình cờ.

Chú bảo gia đình chú rơi vào “tột đỉnh đau thương” là không đúng. Chú chỉ đi tỉa bon sai cho vui thì so với hàng triệu nạn nhân tan cửa nát nhà, tù tội đày đọa, chết tức tưởi bởi đảng CS thì chả thấm vào đâu. Để biết những nạn nhân ấy khổ ra sao thì chú cứ hỏi mấy tù nhân lương tâm và nhất là thầy Thích Không Tánh. Không biết thầy ấy bây giờ tu chùa nào khi chùa Liên Trì bị cái thằng CS ác ôn bí thư thành Hồ cho côn đồ đập tan tành? Không biết vong linh của bố chú trả lời với Diêm vương ra sao khi bị tra vấn về thằng con phá chùa đập miểu?

Hình ảnh hòa thượng Thích Không Tánh ngồi trước ngôi chùa Liên Trì đã bị Đinh La Thăng cho công an phá nát khi cưỡng chế. Ảnh: internet

Việc chú xin về gặp mặt bố lần cuối mà không được thì tuy cũng đáng thương nhưng chú không phải là người đầu tiên. Nhiều người cũng lâm hoàn cảnh đó như anh Trần Huỳnh Duy Thức chẳng hạn. Thực ra thì chú đã được về thăm bố trước khi ông ta chết một tháng. Đặc ân đó có người khen “đảng ta” sống có tình người, nghĩa tử nghĩa tận… nhưng cậu cho đó là sự chà đạp luật pháp rất tuỳ tiện của kẻ cầm quyền. Những tù nhân khác không hề được hưởng đặc ân này, thậm chí họ chết trong tù mà thân nhân không được thăm hay mang xác về.

Ba là, chú nói: “Xin HĐXX hãy lắng nghe tiếng nói của lương tâm, để công tâm xem xét tôi như số phận của một con người“.

Cậu mắng: Chỉ một câu ngắn này chú đã phạm tới ba sai lầm. Thứ nhất là HĐXX làm gì có lương tâm mà bảo họ “nghe tiếng nói”. Thứ hai, họ không phải là kẻ thực sự xử chú. Kẻ xử chú là “bác Trọng”. Thứ ba là đừng bao giờ mong người CS xem những ai khác họ là “những con người”. Một lần nữa, khi sai côn đồ đánh đập những người đấu tranh, chú có nghĩ đến “số phận con người” của họ không?

Bốn là, chú nói: “Năm vừa rồi, bị cáo hy vọng được có mặt ở nhà ăn Tết với gia đình, vợ con thì lại phải vào tù. Vô cùng đau xót“.

Cậu mắng: Không chỉ chú có vợ con và muốn ở nhà ăn Tết với vợ con. Những tù nhân lương tâm khác đều có gia đình và họ đau khổ hơn nhiều trong bao nhiêu năm qua, dù họ chẳng có tội gì ngoài tội yêu nước. Họ không hề làm mất một xu trong công quỹ quốc gia. Họ còn là những người mẹ có con còn nhỏ như Thuý Nga, Mẹ Nấm…

Cái đau xót của chú chỉ là cái đau xót của một con vật khi bị tách khỏi ổ chứ không phải đau xót của một con người bị chà đạp nhân phẩm.

Năm là, chú nói: “Quan trọng hơn, bị cáo nghĩ đó là sự mất mát về niềm tin của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người dân… Trong những đêm dài trằn trọc không ngủ được trong bốn bức tường trong nhà giam, bị cáo luôn nghĩ đến câu nói: Trong đêm tối vẫn còn một vì sao chiếu sáng, vì sao đó chính là hy vọng. Không có hy vọng thì có nên sống nữa không?

Cậu mắng: Chú không nên dối người và dối mình nữa. Không ai có thể tin rằng giờ này chú còn quan tâm đến “niềm tin của lãnh đạo”. Bọn CS không bao giờ tin vào bất cứ ai, dù là đồng đảng với mình. Họ chỉ hợp tác với nhau khi còn cùng chung một mục đích. Khi không còn chung đường hay xung đột quyền lợi thì họ sẵn sàng triệt hạ nhau. Bây giờ trong đêm tối chú vẫn còn nuôi một hy vọng, vậy hy vọng đó là gì mà chú bảo rằng không có thì không nên sống?

Nếu hy vọng đó là “bác Trọng” sẽ tha cho chú thì có lẽ chú nên chết đi thì hơn vì niềm hy vọng ấy rất hèn hạ. Cậu hy vọng rằng từ nay chú có đủ thì giờ để nghiền ngẫm về tội ác của bản thân và những người CS từ ngày chúng du nhập vào đất nước ta và từ đó giác ngộ để có niềm hy vọng chính đáng, cao đẹp, trong sáng về đổi thay cho đất nước. Đó cũng là niềm hy vọng chung cả dân tộc về một tương lại dân chủ, văn minh, không cộng sản. Được như thế thì mới mong sống, còn cứ nuôi mộng bè đảng tham lam phản dân hại nước thì chết quách chớ sống làm gì cho chật đất!

Cuối cùng, cũng báo chú biết đây là một vinh dự vô cùng to lớn cho chú vì cả đời đây là lần đầu tiên Cậu biên thư cho trai, dĩ nhiên cho gái thì hốt sạch lá Trường Sơn cũng chưa đủ số!

Cậu Bảy (Võ Thiêm)

Mùa Xuân năm Mậu Tuất

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết này hoàn toàn không ‘phiếm’ chút nào. Cách hành văn chỉ là một kiểu ‘thay lời muốn nói’ cho nhẹ nhàng, còn lại đều là …Sự thật !

    Các mối quan giữa đám quan Việt cộng với nhau, những suy nghĩ và tâm lý phổ biến trong lòng họ, đều chính xác là như thế- đặc biệt là những ‘người miền Bắc có lý luận”

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây