Hoang Ngôn “để lại cho đời” (phần 1)

Trình Bút

28-11-2017

Mời đọc lại: Hoang Ngôn “để lại cho đời” – Lời nói đầu

I. HOANG NGÔN CỦA NHỮNG CÁN BỘ CHÍNH QUYỀN, CÁC BAN NGÀNH

1. Lĩnh vực cầu đường

“Đánh trống khai trương” là ông cán bộ huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Ngọc Quang – phó chủ tịch huyện. Ông này được “vinh dự” mở đầu bởi trong hoang ngôn của ông có chữ V. Từ đây có các bình luận liên quan tới hai tiếng Việt Nam.

* Hoang ngôn: “Cầu tạo hình chữ V chứ không Sập”

* Nguồn: Vitalk.vn, ngày 19/04/2014

Tựa đề: “Cầu tạo hình chữ V chứ không sập”, thêm 1 cây cầu “mềm mại”

Hình ảnh:

“Cầu chữ V” của ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Chư Pảh, Gia Lai. Ảnh: internet

Nội Dung:

“Mời các thánh đặt lời bình cho cây cầu này.

Ông Phó chủ tịch UBND huyện Chư Pảh thì đã bình: “Cầu tạo hình chữ V chứ không sập”.

Sau khi cầu sập huyện đã báo cáo tỉnh, tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh điều tra nguyên nhân cầu sập nên huyện không nắm về vấn đề này. Nhưng theo nhận định khách quan, cầu sập là do mưa lũ tạo dòng lớn làm trống chân trụ giữa của cầu làm cầu tạo thành chữ V chứ không sập.” 

* Các bình luận:

– Đúng, cầu không sập. Cầu tạo hình chữ V, chữ V là biểu tượng của… Việt Nam.

– Nên xây tất cả những cây cầu theo hình chữ V, và nhớ đăng ký bản quyền. Nhìn thấy, nói tới biểu tượng cầu chữ V ai cũng hiểu là cầu Việt Nam, ở nước ta sẽ có nét đặc trưng rất đặc biệt.

– Cầu đâu có sập. Cầu tạo đáng thời trang chữ V, thời trang võng, thời trang vẹo.

* Hoang ngôn: “Nửa cầu còn lại vẫn xài tốt”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Văn Chỉnh – Phó giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Long An.

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 03/07/2015

* Tựa đề: Vụ cầu mới khánh thành đã sập: Nửa cầu còn lại vẫn “xài tốt”

* Hình ảnh:

“Nửa cầu còn lại vẫn xài tốt”. Hoang ngôn của ông Nguyễn Văn Chỉnh – Phó giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Long An. Ảnh: SL/ báo TT

* Nội dung: “Ông Chỉnh cho biết sau khi khoan bốn mũi thăm dò và kiểm tra chi tiết thiết kế, đơn vị được mời thẩm định độc lập trong vụ việc này là Công ty cổ phần Thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI South, TP.HCM) cho biết nửa cây cầu còn lại không bị ảnh hưởng trong vụ sập cầu và hoàn toàn đảm bảo chất lượng để tiếp tục “sứ mệnh” đưa người dân qua kênh.

Việc xây dựng lại hoàn chỉnh cây cầu sẽ được tiến hành đầu tháng 7, nhằm nhanh chóng phục vụ lại cho người dân trong vùng đang phải qua lại bằng phà từ ngày cầu bị sập. Ông Chỉnh cho biết thêm TEDI South đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ chi tiết để tìm ra được đơn vị chịu trách nhiệm chính trong vụ sập cầu để Sở Giao thông vận tải xử lý theo đúng quy trình.

Như Tuổi Trẻ 28-5 đã đưa tin, cây cầu bắc qua kênh 28 theo tỉnh lộ 831, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng là công trình do Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp xây dựng với kinh phí gần 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng 14 ngày thì một nửa cầu đã đổ ập xuống sông vào ngày 27-5”.

* Các bình luận:

– Tiếp tục “sứ mệnh của quỷ” (!)

– Không ảnh hưởng, vẫn an toàn, vậy khi xây lại xong ông hãy dẫn gia đình mình qua lại mỗi ngày để dân thấy mà tin tưởng nhé.

– Tìm đơn vị? Muốn xây cầu phải có hồ sơ đầy đủ, phương án, kế hoạch, quyết định, thiết kế, hợp đồng thi công, có thể còn phải đấu thầu khi không chỉ định, hoàn công,… rành rành giấy tờ giữa thanh thiên bạch nhật chứ có phải thời loạn lạc đâu, vậy mà hơn một tháng còn phải đi tìm. Hay “đi đêm” với các đơn vị? hoặc các đơn vị này là ma là quỷ, hiện hình xây xong rồi biến mất(?!)

– Gần 1,25 tỷ đồng vẫn còn “đứng hiên ngang”.

– Chắc nửa cầu an toàn dân xây, nửa cầu sập nhà nước xây.

– Ăn tạp, ăn dộng đầy họng quá mà, còn cái gì để mà xây.

– Rút ruột công trình sạch bách sao không sập.

– Rút ruột một nửa cầu, một nửa “tha”.

* Thành ngữ hàm tiếu: Mỗi khi gặp sự cố, các vật dụng bị gãy đôi, đứt đôi, thì người ta nói, “vẫn xài tốt” dù chỉ… một nửa.

Ăn, ăn tạp, ăn dộng,… rút ruột công trình ở các bình luận ám chỉ hành vi tham ô, tham nhũng, ăn cắp, ăn trộm vốn liếng, vật liệu,… của những đơn vị hoặc các nhân đầu tư, thi công, khi đề cập tới xây dựng các công trình công cộng. Các công trình bị rút ruột, cái cốt bên trong trống rỗng hoặc độn nhét các vật liệu rẻ tiền hay không đúng chức năng, chỉ xây dựng, tô trát, sơn phết,… phần bên ngoài để che đậy, lừa lọc. Bị ăn, bị rút ruột thì ôi thôi, như các bình luận, ăn gần sạch, ăn hầu hết những gì có thể ăn được. Các công trình công cộng thì đa phần là của các đơn vị nhà nước đầu tư, thi công. “Ăn”, rút ruột ở đây thì có còn ai khác ngoài các cán bộ, nhân viên nhà nước (một số ít các đơn vị tư nhân, cá nhân đầu tư, thi công cấu kết với cán bộ, nhân viên nhà nước). Ăn, ăn tạp còn ám chỉ tới tất cả các lĩnh vực. Đến nỗi bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (từ năm 2007 – 2016) cũng phải thốt lên: “Ăn của dân không từ cái gì” tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 11/09/2013.

* Hoang Ngôn: “Sự cố sập cầu máng số 3 trong gói thầu số 5 là do mưa lũ.”

* Tác giả: Trung tâm Quản lý dự án và tư vấn xây dựng công trình nông nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT Bình Thuận)

* Nguồn: Báo Thanh Niên Online, ngày 30/06/2016

* Tựa đề: Cầu máng của ‘công trình trăm tỉ’ chưa bàn giao đã gãy

* Hình ảnh:

Cầu máng số 3, thuộc gói thầu số 5, công trình hồ thủy lợi Sông Dinh 3 bị gãy sập Ảnh: Quế Hà/ báo TN

* Trích đoạn nội dung:

“… Tại hiện trường, con kênh dài, thẳng tắp, nhưng bị gãy làm đôi. Cầu máng số 3 là một đường ống, được đúc bằng bê tông dày 30 cm, hình khối vuông, có cạnh 2,2 m, dài chừng 300 m, bắc ngang qua một con suối ở thôn Đá Mài 2 (xã Tân Xuân, H.Hàm Tân). Phía dưới gầm cầu máng số 3 là 12 mố trụ đôi đều bị sụt lún, vỡ nát, trơ sắt thép ra ngoài. Phía thành cầu máng, có nhiều chỗ bong tróc xi măng, lòi ra sắt thép hoen rỉ…

… Cầu máng số 3 thuộc gói thầu số 5, có nhiệm vụ dẫn nước từ hồ thủy lợi Sông Dinh 3 (TT.Tân Nghĩa) về hạ lưu H.Hàm Tân và TX.La Gi để tưới cho hơn chục nghìn ha đất nông nghiệp. Toàn tuyến kênh (có chiều dài 15,8 km) có tổng vốn đầu tư là 119 tỉ đồng. Công trình vừa thi công xong đầu năm 2015, một số tuyến đã được nghiệm thu.

Chiều ngày 28.6, sau cuộc họp với các đơn vị thi công, tư vấn, giám sát, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước cho biết: “Đơn vị giám sát có báo cáo cho biết sự cố sập cầu máng số 3 trong gói thầu số 5 là do mưa lũ. Nhưng chúng tôi đi khảo sát thực tế, thấy rằng sự cố này không phải do mưa lũ. Thiết kế công trình này hoàn toàn có thể chịu được mưa lũ”.

Được biết Trung tâm Quản lý dự án và tư vấn xây dựng công trình nông nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT Bình Thuận) là đơn vị giám sát, Công ty Cổ phần xây lắp Cửu Long là đơn vị thi công

* Các bình luận:

– Tội nghiệp… ông Trời!

– Mấy ông… kẹ họ đổ lót thừa, ăn cho hết, làm ăn trời ơi đất hỡi rồi đổ thừa tại trời.

– Có gãy đâu, cầu tạo hình chữ… Z nằm ngang “uyển chuyển”.

– Ông phó giám đốc cũng nói ngu: “Thiết kế công trình này hoàn toàn có thể chịu được mưa lũ”. Công trình lớn chứ nhỏ xíu à? thiết kế không chịu được mưa lũ làm sao duyệt? Chỉ có thiết kế sai, duyệt sai hoặc thiết kế đúng nhưng thi công sai thiết kế, thi công ẩu mới bị gãy.

Và không biết bao vụ sập cầu xảy ra nữa, như dụ vài vụ cầu lớn:

. Cầu gãy ở Quảng Nam lộ bên trong ít sắt thép

“Cầu Sông Oa (Quảng Nam) bị nước lũ cuốn sập mố, lộ ra bên trong chỉ lác đác vài thanh sắt thép. Đá dùng đổ bê tông rất to, thiếu độ gắn kết.

Ngày 3/11, cầu Sông Oa rộng 3 m, dài 20 m bắc qua sông Nước Oa, nối hai xã Trà Tân và Trà Sơn (Bắc Trà My, Quảng Nam) bị mưa lũ cuốn trôi nột nửa mố và đường dẫn…”

* Hình ảnh:

Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 18/11/1026

. Cầu 20 tỷ đồng bị nước lũ cuốn trôi

Lũ từ thượng nguồn sông mã đổ về khiến 3 bản ở huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) vẫn đang bị cô lập. Chiếc cầu sắt bắc qua sông Mã đã bị nước lũ cuốn trôi…”

* Hình ảnh

Tại bản Giá (xã Thanh Xuân), chiếc cầu sắt hơn 20 tỷ đồng bắc qua sông Mã bị dòng nước cuốn phăng. Ảnh: N.D./ Zing

* Hoang ngôn hình thể: 

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra nhựa bị đổ hóa chất tại đoạn đường do Công ty cổ phần Tập đoàn Sơn Hải thi công. Ảnh: Zing

* Tác giả: Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải từ năm 2011 – 2016

Ông Đinh La Thăng để lại hoang ngôn hình thể, bốc hít hửi nhựa đường vào ngày 08/07/2015 khi đi kiểm tra các đoạn đường quốc lộ 1 vừa mới làm xong từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 08/07/2015

* Đề tựa: Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra đoạn đường nghi bị phá hoại

* Trích đoạn nội dung:

“… Ông Nguyễn Viết Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sơn Hải, cho biết liên tục trong hai ngày 23 và 24-6, trên một số đoạn quốc lộ 1 qua Quảng Bình do công ty này thi công đã xuất hiện hiện tượng mặt đường bêtông nhựa bị nhũn khi có xe trọng tải lớn đi qua.

Những điểm này bị đổ xuống một thứ chất lỏng có mùi xăng và bột trắng. Ông Hải cho rằng bị kẻ xấu cố tình phá hoại nên công an đã vào cuộc điều tra, lấy mẫu nhựa đi kiểm nghiệm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa biết đó là loại hóa chất gì“.

* Các Bình luận:

– Một hình thức “kiểm nghiệm mới” – hít hửi như những chú chó đánh hơi ma túy, đi săn,…

–  Hải quan nên học hỏi ông Thăng, hàng cấm hết đường luồn lách. Làm gì có chuyện:

Vụ 229kg heroin lọt qua sân bay Tân Sơ Nhất: Đến nay vẫn chưa có câu trả lời!

600 bánh heroin lọt qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hồi giữa tháng 11 năm ngoái (2013) và sau đó bị phía Đài Loan-Trung Quốc bắt giữ ngay tại sân bay. Vụ buôn ma túy số lượng cực lớn này gây chấn động dư luận.

Nhiều câu hỏi đặt ra cho phía các cơ quan chức năng, có thể nói là “dày đặc” tại cửa khẩu, với hệ thống máy móc hiện đại loại bậc nhất hiện nay nhưng vẫn để “lọt” lô hàng ma túy khủng, đến nay vẫn chưa có câu trả lời và cũng chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm?…” Nguồn: Báo điện tử Lao Động, ngày 26/1/2014

600 bánh heroin bị nhà chức trách Đài Loan tịch thu. Nguồn: VNE ngày 18/11/2013

– Ăn như tằm ăn rỗi, rồi tìm trăm ngàn lý do để đổ lỗi. Bởi vậy mới có: Hà Nội phá kỷ lục “con đường đắt nhất hành tinh”

Đoạn đường dài chưa đầy 700 m nhưng tiêu tốn hết 1.767 tỉ đồng, trung bình hơn 2,5 tỉ đồng mỗi mét. Hà Nội sẽ xác lập kỷ lục mới về “con đường đắt nhất hành tinh…”

Đường Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa trước đó được mệnh danh là con đường đắt nhất hành tinh với mỗi mét chiều dài tốn hơn 1 tỉ đồng. Nguồn: báo NLĐ

Và: Đường cao tốc nào Việt Nam “ngốn” phí khủng nhất?

“Được đầu tư với số vốn “khủng” nhưng không phải con đường cao tốc nào của Việt Nam cũng có hiệu quả sử dụng tương xứng với số tiền đó…

Chuyên gia kinh tế cho rằng chính những khoản “tiền không tên” đã góp phần đẩy chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam đến giá trên trời…

Theo thống kê của các chuyên gia kinh tế, năm 2011, chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn 1,5 đến 2 lần so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ. Điều này dẫn đến việc khó thu hút đầu tư hoặc chậm thu hồi vốn.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: “Nhiều tuyến đường cao tốc có chi phí “trên trời” nhưng chưa làm xong đã bị sụt lún. Không phải vì đặc trưng địa hình nền đất mềm, mà là do nó bị rút ruột quá nhiều. Ngoài ra, với mỗi dự án, các nhà thầu hiển nhiên được đút túi 30%. Từng đó có số thất thoát thì công trình còn lại những gì?“.

TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng kinh tế, Viện kinh tế phát triển Hà Nội nhận định: “Vì sao làm đường cao tốc lại tốn quá nhiều tiền trong khi phí nhân công ở Việt Nam nổi tiếng rẻ? Vì quy trình xây dựng của chúng ra quá loằng ngoằng, rắc rối. Mỗi công đoạn lại nảy sinh quá nhiều vấn đề, dễ tạo điều kiện để tham nhũng, rút ruột công trình. Hơn nữa, nhiều dự án lớn, người Việt chưa đủ tầm để làm chủ, phải thuê các chuyên gia nước ngoài. Khi công trình hoàn thành, họ sẽ bán lại cho chúng ta với giá thành cao hơn gấp nhiều lần“. (Nguồn: www.kienthuc.net,vn, ngày 31/01/2013)

– Ăn cho bằng hết, làm ẩu tả, làm không biết bao nhiêu công trình như thế này đây: Mặt đường 5m kéo dài trơ ván ép khi vừa thông xe

“… Cầu Ngũ Huyện Khê đoạn qua trường cấp 2 xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), nằm trên trục Quốc lộ 5 kéo dài, khánh thành cách đây 2 tháng. Những ngày qua, một số đoạn trên cầu bị nứt. Vị trí qua khe co giãn, lớp nhựa đường bên trên bị bong bật, phía dưới lộ ra lõi được làm bằng ván ép, bao tải cát và khe rộng khoảng 5 cm…”,

“… Lý giải việc khe co giãn ở cầu Ngũ Huyện Khê vừa khánh thành đã trơ lõi cót ép, ông Nguyễn Sỹ Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA hạ tầng tả ngạn cho rằng, do gấp rút phục vụ thông xe ngày 9/10 nên các vị trí khe co giãn được chèn tạm bằng bao tải cát, ván gỗ ép rồi trải bê tông nóng chảy lên trên. “Phương án này là đề xuất của nhà thầu và đã được tư vấn giám sát đồng ý”, ông Cường khẳng định…”

Khe co giãn trên cầu Ngũ Huyện Khê, trơ lõi thép và cót ép. Ảnh: Phương Sơn/ VNE

* Hoang ngôn:  “Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên.”

* Tác giả: Ông Nguyễn Hữu Thắng – cục trưởng cục Đường sắt Việt Nam

* Nguồn: Báo Đất Việt Online, ngày 24/04/2014

* Tựa đề: Nhà thầu Trung Quốc đội vốn gần 100%: “Cùng lắm là thôi chức”

* Hình ảnh:

Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Báo TP

* Trích đoạn nội dung:

Trả lời báo Tiền phong, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho rằng: “tất nhiên Bộ GTVT sẽ có xử lý. Cùng lắm là kỷ luật, thôi chức vụ các cán bộ, kỹ sư có liên quan. Nhưng xử lý thế nào đó để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chứ không phải vì câu chuyện này dự án phải dừng lại.

Nhìn nhận trách nhiệm cá nhân, ông Thắng chia sẻ, sự việc này Bộ có kỷ luật, cảnh cáo cá nhân ông, ông cũng đồng ý. “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”, ông Thắng nói…

…Ngoài chậm tiến độ hàng năm trời, đến nay, dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh – Hà Đông đã phải điều chỉnh tới 9 hạng mục. “Đây là nguyên nhân chính khiến dự án tăng thêm trên 300 triệu USD (tăng 62%) so với phương án 552 triệu USD được phê duyệt ban đầu”, PGS.TS Phạm Văn Ký, Bộ môn Đường sắt, Đại học GTVT, nói...”

* Các bình luận:

– Điều chỉnh có một tý thôi đã đội lên hơn một nửa, mấy tý thì sao nhỉ?

– Điều chỉnh, điều chỉnh, điều chỉnh,… một tý, một tý, một tý… tỷ tỷ, tỷ tỷ, tỷ tỷ,…

– Đừng bắt dân đóng thuế thì dân khỏi rùm beng.

– Có thấy ông nào từ mất chức đâu. Cùng lắm là chuyển… lên cao thôi à.

* Hoang ngôn: “Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao. Với tinh thần Việt Nam không còn là nước nghèo, với quyết tâm chính trị của cả dân tộc, đề nghị Quốc hội tán thành chủ trương xây dựng dự án trong kỳ họp này.”[1]; “Chúng như những nàng tiên đang ngủ mà chưa đánh thức dậy”[2]; “Xi măng, sắt thép đang dư thừa sẽ được dùng hết. Hàng ngàn lao động sẽ có việc làm, không khí sẽ hồ hởi như thời sau giải phóng bắt tay làm đường sắt Bắc-Nam.”[3]

* Tác giả: Ông Trần Tiến Cảnh đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam [1]; Ông Lương Phan Cừ đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông [2]; ông Phan Xuân Dũng – đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế [3]

* Nguồn: Báo Pháp Luật TPHCM Online, ngày, ngày 09/06/2010

* Tựa đề: Làm đường sắt trên cao vì chỉ số IQ cao?!

* Trích đoạn nội dung:

“Đứng về phía ủng hộ, đại biểu (ĐB) Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) dõng dạc: “Những nơi có chỉ số IQ cao thì nơi đó có ĐSCT như Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Bỉ… Brazil, Nga, Indonesia thì đang triển khai. Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao. Với tinh thần Việt Nam không còn là nước nghèo, với quyết tâm chính trị của cả dân tộc, đề nghị Quốc hội tán thành chủ trương xây dựng dự án trong kỳ họp này”…

Lãng mạn hơn, ĐB Lương Phan Cừ (Dăk Nông) thì cho rằng nước ta có bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam với hơn 3.000 km với khí hậu ấm áp quanh năm, nhất là khu vực miền Trung với nhiều bãi biển xinh đẹp. “Chúng như những nàng tiên đang ngủ mà chưa đánh thức dậy” – ông Cừ ví von và nhận định khi ĐSCT chạy qua 20 tỉnh dọc theo đường biển miền Trung, “các nàng tiên” sẽ được đánh thức, kho báu được khai thác. “Tiềm năng du lịch sẽ góp phần phát triển một vùng đất khó khăn còn nghèo khó và thúc đẩy phát triển ở các vùng trọng điểm kinh tế, xã hội ở hai đầu đất nước” – ông Cừ nói.

ĐB Phan Xuân Dũng (Huế) còn lạc quan hơn: “Xi măng, sắt thép đang dư thừa sẽ được dùng hết. Hàng ngàn lao động sẽ có việc làm, không khí sẽ hồ hởi như thời sau giải phóng bắt tay làm đường sắt Bắc-Nam”. ĐB Dũng còn kết thúc bằng câu hát hân hoan kể chuyện các chàng trai, cô gái con cháu Bác Hồ đi mở đường…

* Các bình luận:

– Quyết tâm chính trị? à, là quyết tâm… nói cho sướng miệng.

– Nước ta đâu có nghèo, chỉ đứng đâu đó ở tốp cuối.

–  Trẻ em đi học thường gần nhà, chỉ một hai cây số. Vậy xây đường sắt cao tốc rồi đặt trạm như xe buýt trong thành phố(?)

– Cứ làm đi, “ủng hộ lắm lắm”. Nước ta đâu “còn nghèo” mà hỏi như ông Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết”, “Chắc nàng sẽ hỏi: “Anh ơi, tiền đâu?” (trong bài báo trên). Hay làm theo các ông hoang ngôn: Giám đốc công an TP Hải Phòng Trần Bá Thiều, đại biểu tỉnh Hải Phòng: “Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ Chính phủ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường Thành?”; và ông phó chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long: “Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay” (TuanVietNam, ngày 28/05/2010).

– Lãng… xẹt chứ lãng mạn gì nổi.

– Đánh thức nàng tiên rồi để hoàng tử giàu có đâu đó tới cưỡm mất.

– Nàng tiên biển xanh miền Trung ơi, sao nàng ngủ mãi? không gì đánh thức nàng được. Xây đường sắt cao tốc đánh thức nàng thôi(!)

– Đánh thức nàng tiên dậy… ăn chơi, chứ nàng tiên thì biết làm gì.

– Đường sắt người Pháp họ làm cả trăm năm trước để lại, sử có tý chút mà nhận vơ. 

* Hoang ngôn: “Hiện tượng thời tiết ‘cực đoan’ như vậy đã làm cho lớp bê tông nhựa thảm trên nhiều tuyến QL nóng chảy, dưới tác động của lưu lượng phương tiện lớn và xe quá tải đã gây ra tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa.”

* Tác giả: Ông Hoàng Hà – vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT), tổ phó tổ đặc nhiệm xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa .

* Nguồn: Báo điện tử Tin Tức, ngày 30/06/2015

* Đề tựa: Đường hằn lún do nắng nóng và xe quá tải

* Hình ảnh:

“Đường hằn lún do nắng nóng và xe quá tải”. Ảnh: báo Tin Tức

* Nội dung trích đoạn:

“… Theo khảo sát của Tổ đặc nhiệm: QL1A đoạn từ Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế (dài 620 km) có khoảng 70 km (chiếm khoảng 13% chiều dài tuyến) bị “gồ sống trâu”, trong đó tập trung hư hỏng nặng nhất ở khu vực Vinh – Đông Hà, chiều sâu vệt hằn lún mặt đường trung bình từ 5 – 7 cm. Ngoài ra, trên mặt cầu Bến Thủy 2, mới được khai thác chưa đầy một năm, nhưng mặt cầu đã in những vệt hằn bánh xe. Dọc theo QL1A khu vực duyên hải Nam Trung bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, đường bị hằn lún trải dài khoảng trên 90 km/593 km (chiếm 15%). Riêng các đoạn hằn lún sâu hơn 7 cm khoảng 13 km (chiếm 2,2%), diện tích vệt lún tương đương 150.000 m2…

Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ GTVT), Tổ phó Tổ đặc nhiệm xử lý hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa cho biết: Trong tháng 6/2015, nắng nóng kéo dài đã xảy ra ở khu vực miền Bắc và miền Trung, nhiều thời điểm đo được nhiệt độ trên nền đường lên tới 60 – 70OC. Hiện tượng thời tiết “cực đoan” như vậy đã làm cho lớp bê tông nhựa thảm trên nhiều tuyến QL nóng chảy, dưới tác động của lưu lượng phương tiện lớn và xe quá tải đã gây ra tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa. Ngoài ra, quá trình thi công do kết cấu vật liệu chưa phù hợp, tốc độ thảm và lu lèn không đảm bảo quy định cũng là tác nhân gây hằn lún…”

* Hoang ngôn: “Việc nhiệt độ tăng cao bất thường cộng với con đường thường xuyên chịu nhiều xe quá trọng tải đã tạo thành vệt lún”

* Tác giả: ông Trần Xuân Bình phó giám đốc chi nhánh BOT Sông Phan – thuộc Tổng công ty 319

* Nguồn: Báo mạng VnExpress, ngày 13/05/2016

* Tựa đề: Đường 2.000 tỷ đồng lún do ‘xe quá tải và nắng nóng’

* Trích đoạn nội dung:

Nhiều đoạn quốc lộ 1 qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) bị lún sâu, tạo sóng nhấp nhô kéo dài hàng km được chủ đầu tư lý giải “do xe quá tải và nắng nóng”

“Dự án cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1 đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến huyện Trảng Bom (Đồng Nai) dài hơn 114 km có tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng, do Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, theo hình thức BOT (đầu tư, khai thác, chuyển giao), khởi công tháng 4/2014 và hoàn thành tháng 1/2015. Mới đưa vào hoạt động hơn năm nhưng tuyến đường đã xuống cấp, bị lún nặng, gây mất an toàn giao thông…

… Trao đổi với VnExpress, ông Trần Xuân Bình (Phó giám đốc chi nhánh BOT Sông Phan – thuộc Tổng công ty 319 – đơn vị quản lý, khai thác dự án) cho biết, công ty đã ghi nhận một số vị trí trên tuyến đường bị hằn lún sâu và nhiều đoạn tạo thành vệt nhưng mức độ ít nghiêm trọng…”, “… Theo ông Bình, nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do nhiệt độ nắng nóng kéo dài cộng với xe quá trọng tải thường xuyên đi qua...”

Hình ảnh:

Bánh xe tải bị hỏng chân khi qua đoạn đường lún dễ dẫn tới việc nổ lốp. Ảnh: Phước Tuấn/ VNE

* Các bình luận:

– Đường xích đạo “chạy lệch” đến các chỗ này và nóng lên “cực đoan”.

– Chỉ có ở những chỗ này nóng và quá tải thôi, các nơi khác đều “mát mẻ”, “tuân thủ tải trọng”.

– Quên thiết kế và làm mái che. Khẩn cấp thiết kế và làm ngay mái che.

– Vậy, các nước ở Trung Đông, châu Phi,… nắng nóng như thiêu đốt còn hơn nước ta chắc không có đường nhựa rồi. Tội nghiệp họ quá(!)

– Ôi! có gì đâu, chẳng qua cố tình làm vậy để tạo sự lãng mạn mà thôi. Tạo những con sóng xô bờ và lún mềm mại đó mà(!)

* Hoang ngôn: Đường Trường Chinh mở rộng đúng là cong và hơi cong từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo (Sông Lừ) để chuyển tiếp, khớp nối chỉ giới đường đỏ với đầu Ngã Tư Vọng. Đây là đường cong mềm mại, nên về cơ bản không ảnh hưởng đến công trình, giao thông  và các vấn đề kỹ thuật khác.”

* Tác giả: Ông Dương Đức Tuấn – phó giám đốc sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 09/04/2014

* Tựa đề: Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: ‘Đường Trường Chinh cong mềm mại’

* Hình ảnh:

Đường Trường Chinh trước (trên) và sau quy hoạch trên bản đồ. Ảnh: Bá Đô/ VNE

* Các bình luận:

– Một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Cần nhân rộng mô hình trên toàn thành phố sẽ phát triển du lịch rất mạnh.

– Rất triết học, rất mỹ học và rất lãng mạn(!)

– Có lẽ xứng đáng là một “phát minh” mới, sẽ không còn tắt đường, kẹt xe nữa.

* Thành ngữ hàm tiếu: Đường cong mềm mại; cong mền mại

©Copyright Tiếng Dân và Trình Bút

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây