Văn phòng Tổng Biện lý Đức điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh – Vai trò của Hồ Ngọc Thắng trong vụ bắt cóc

Thạch Đạt Lang

11-8-2017

Ông Hồ Ngọc Thắng. Ảnh: internet

Theo báo Der Spiegel, sau khi có những bằng chứng mới, cuộc điều tra vụ bắt cóc một thương gia Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, người đang nộp hồ sơ xin tị nạn ở Đức đã được chuyển giao cho Tổng Biện lý Bộ Tư pháp Đức – văn phòng nằm ở phía Nam thành phố Karlsruhe.

Văn phòng Tổng Biện lý Đức cho biết, họ phải đảm nhận trách nhiệm điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vì mức độ quan trọng của vụ án liên quan đến những hoạt động tình báo của nước ngoài trên lãnh thổ Đức, xâm phạm chủ quyền quốc gia, tước đoạt tự do người khác bằng vũ lực bất hợp pháp trên nước Đức.

Căn cứ vào những bằng chứng, lời khai của các nhân chứng trông thấy Trịnh Xuân Thanh bị lôi kéo, đẩy vào một chiếc xe minivan, cũng như điện thoại di động của Thanh bị rớt trên lề đường, văn phòng Tổng Biện lý Đức kết luận rằng Thanh bị đưa đến tòa đại sứ Việt Nam ở Berlin, từ đó đưa về Việt Nam một cách bí mật như trong các phim trinh thám thời chiến tranh lạnh.

Sự nhập cuộc của văn phòng Tổng Biện lý Đức cho thấy, vụ bắt cóc TX Thanh càng lúc càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến bang giao giữa Đức và Việt Nam hơn dự đoán. Bên cạnh đó việc cách chức tạm thời một nhân viên người Đức gốc Việt tên Hồ Ngọc Thắng, làm việc cho Sở Nhập Cư và Tị Nạn Liên Bang BAMF (Bundesamt fur Migration und Flüchtlinge) khiến cộng đồng người Việt tại Đức xôn xao, ồn ào hơn những ngày qua.

Tờ Spiegel cho biết, sau khi trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Việt Nam, một đài phát thanh quốc gia của chế độ CS Hà Nội, bày tỏ suy nghĩ, nhận định trên facebook theo chiều hướng có lợi cho nhà nước cộng sản VN, Thắng đã bị mời lên thông báo cho nghỉ việc tạm thời để điều tra những liên hệ có thể có giữa việc làm của Thắng với vụ bắt cóc.

Việc bắt cóc Thanh một ngày trước khi Thanh được phỏng vấn về lý do tị nạn, phải chăng là một rò rỉ thông tin từ BAMF khiến cho tình báo Việt Nam quyết định phải ra tay ngay? Bởi nếu bắt cóc sau khi Thanh được phỏng vấn thì sẽ vô cùng bất lợi cho việc đưa Thanh lên TV trình diễn màn đấu thú.

Hiện tại chưa có bằng chứng cụ thể để kết luận có những liên quan trực tiếp từ công việc của Thắng với vụ bắt cóc. Dù không có thẩm quyền quyết định đơn xin tị nạn của người Việt Nam nhưng là một nhân viên xem xét, đánh giá (Sachberarbeiter) các hồ sơ tị nạn, Thắng không bị cản trở khi muốn tìm hiểu thông tin về tình trạng tị nạn của một người nào đó. Thắng là người đưa tin lên facebook về việc Thanh xin tị nạn cuối năm 2016. Vì tầm mức quan trọng của nội vụ, BAMF đã thông báo mọi chuyện liên quan đến Thắng cho sở cảnh sát hình sự.

Nhờ các Facebooker phát hiện, cũng như một bài viết trên facebook của Phạm Thị Hoài được báo Tiếng Dân đăng lại, nhiều người mới biết rõ Hồ Ngọc Thắng là ai. Theo nhận định của người viết, tuy chưa có bằng chứng rõ ràng, nhưng rò rỉ thông tin về Trịnh Xuân Thanh từ Hồ Ngọc Thắng có xác xuất rất cao.

Khoan bàn đến ảnh hưởng tới những người đang làm đơn xin tị nạn trong chức vụ nhỏ bé của Thắng, việc lên facebook bày tỏ suy nghĩ, nhận định của mình theo chiều hướng có lợi cho chế độ CSVN, chỉ trích chính phủ Đức làm căng thẳng ngoại giao là hành động phản bội lại đất nước đã cưu mang mình. Căn cứ vào các bằng khen, giấy chứng nhận anh hùng mà Thắng nhận được từ chế độ CS Hà Nội, có thể kết luận Thắng là một Kẻ Nằm Vùng được Hà Nội cài cắm vào nước Đức chờ dịp quậy phá.

Nhân tiện, xin được nói sơ qua về tình trạng các cộng đồng người Việt ở Đức, cộng đồng của những người ra đi từ miền Bắc Việt Nam. Sau khi nước Đức thống nhất vào ngày 03.10.1990, CHLB Đức đã ký kết một hiệp định trao trả lại cho Viêt Nam 60.000 người trước đây qua Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức cũ) theo diện khách thợ (Guest Worker) cùng một số du sinh. Phía Đức cam kết viện trợ 200 triệu Đức Mã (Deutsche Mark) tức khoảng hơn 100 triệu euro để Việt Nam tái định cư cho những người này.

Với bản chất gian trá, lọc lừa, phản bội thâm căn cố đế của người cộng sản, sau khi nhận một nửa số tiền, tức 100 triệu DM ứng trước, CSVN chơi trò lưu manh, tìm cách nhũng nhiễu để chính phủ Đức mệt mỏi, chán nản, tự ý hủy bỏ hiệp ước. Hai chuyến bay đầu tiên đưa trả 400 người về VN không được chế độ CS chấp nhận cho nhập cảnh. Lý do: Tên những người này không nằm trong danh sách đã thỏa thuận giữa 2 bên.

Chính phủ CHLB Đức đã có nhiều kinh nghiệm với CS lại đang phải đối đầu với chuyện tống cổ hết đám lính Liên Xô đóng quân ở Đông Đức từ năm 1945 (riêng chuyện này chính phủ Đức đã tốn khoảng 2.000 tỉ euro, Nga mới chịu rút hết quân về – đúng là đuổi quân ăn cướp ra khỏi nhà cũng phải chịu tốn kém). Họ lập tức hủy bỏ kế hoạch tái định cư, trao trả số người Việt Nam nói trên về cho Hà Nội bằng một kế hoạch ổn định cuộc sống những người này ngay trên nước Đức. Trong số này có không ít những tên đặc công, gián điệp CS trà trộn trong đám khách thợ, du sinh tìm mọi cách ở lại như số cán bộ, đảng viên CS nằm lại ở miền Nam VN sau khi hiệp định Genève được ký kết năm 1954.

Khoảng một thập niên sau, việc tái định cư 60.000 khách thợ, du sinh nói trên thành công tốt đẹp. Cho dù hầu hết người Việt ở Đông Berlin hay một số các thành phố khác ở miền Đông vẫn sống co cụm, chùm đụp với nhau nhưng ít làm phiền xã hội, người dân Đức. Không biết tiếng, lười học, đa số không có khả năng hội nhập vào xã hội Đức, họ chỉ đọc báo, sinh hoạt văn hóa, xem truyền hình, nghe đài, đọc báo tiếng Việt từ VN, vì vậy dễ bị chế độ CS Hà Nội lèo lái, chi phối.

Vào facebook của những người như Hồ Ngọc Thắng, Nguyễn Thế Kỷ (Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam), đọc các ý kiến, bình luận, người ta có thể nhận ra ảnh hưởng, tác động của sự tuyên truyền, định hướng của Thắng, Phong lên suy nghĩ, nhận định của nhiều người dù đa số họ đã có quốc tịch Đức.

Khi làm hồ sơ xin nhập tịch Đức, trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, mọi người phải làm đơn từ bỏ quốc tịch mình đang có. Giấy chứng nhận từ bỏ quốc tịch phải nộp trước ngày kết thúc hồ sơ nhập tịch. Không có giấy từ bỏ quốc tịch hiện hữu sẽ không được nhận chứng thư nhập tịch.

Cho dù không phải tuyên thệ như nhập tịch Mỹ, khi đã mang quốc tịch Đức, mọi hành động, lời nói phản lại quyền lợi của đất nước, dân tộc Đức đều có thể bị kết tội phản quốc.

Sinh sống ở Đức, mang quốc tịch Đức, hưởng đầy đủ quyền lợi như một người dân Đức bản xứ, thay vì có bổn phận, trách nhiệm với đất nước, dân tộc mình đã thọ ơn, Hồ Ngọc Thắng lại đang hành động vì quyền lợi của những người Cộng sản.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Câu nói của Hồ Ngọc Thắng “Tôi gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng! ” giờ trở thành đề tài cho thiên hạ chế diễu vô tận. Lẽ ra Thắng nên sửa thành “Tôi gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng …nhưng tiền bạc, tài sản và tương lai con, cháu tôi dĩ nhiên phải gởi gắm cho nước Đức! ” thì có vẻ trung thực và đáng tin hơn!
    Qua câu chuyện của “đồng chí T” này, các cộng đồng người Việt hải ngoại nhất là ở Mỹ, Úc v.v.. càng phải có thái độ quyết liệt hơn nữa với những thành phần nằm vùng tương tự, đặc biệt là những kẻ có học và được giao trọng trách luồn lách vào những chức vụ lãnh đạo cộng đồng, thậm chí là ra tranh cử các chức vụ trong chính quyền sở tại nhằm khuynh đảo, phá rối cộng đồng, lèo lái dư luận về phía có lợi cho nhà cầm quyền độc tài cs Hà nội. Bằng không, chẳng còn bao lâu cộng đồng sẽ bị nhuộm đỏ và số người Việt yêu nước yểm trợ quốc nội phải tắt tiếng, biết đâu sẽ trở thành nạn nhân đáng tiếc cho bọn an ninh tình báo cs đã mọc nanh mọc ngạnh ở hải ngoại. Lúc đó sẽ còn ai (dám) lên tiếng cho đồng bào trong nước???

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây