S. Alexievich
Tôi là một sản phẩm của thời đại mình sống. Tôi là một đảng viên có niềm tin vào đảng Cộng Sản. Giờ thì rất an toàn để mọi người có thể nguyền rủa chúng tôi. Một thứ mốt thời thượng. Tất cả những người Cộng Sản đều là tội phạm. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện xẩy ra, kể cả những định luật vật lý.
Lúc ấy, tôi là bí thư thứ nhất đảng ủy khu vực. Báo chí khắp nơi viết rằng tất cả là do lỗi của đảng Cộng Sản: họ chế tạo những nhà máy phản ứng hạt nhân bằng những vật liệu rẻ mạt, thô sơ; rằng họ chỉ muốn tiết kiệm tiền mà chẳng quan tâm gì đến mạng sống con người. Con người, với đảng cộng sản, chỉ là cát đá, là phân bón cho lịch sử. Quỷ tha ma bắt lũ đảng viên cộng sản ấy đi. Địa ngục là nơi chúng phải đến. Những câu hỏi đáng nguyền rủa: Phải làm gì đây và ai là người chịu trách nhiệm? Những câu hỏi đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời. Ai cũng nôn nóng muốn được biết tại sao. Họ muốn trả thù. Họ muốn nợ máu phải trả bằng máu. Chúng nó có thể vào địa ngục được rồi đấy!
Những người khác im lặng chịu đựng. Nhưng riêng tôi, muốn nói cho bà biết rõ tại sao. Bà đã viết rằng – ồ, không phải chính bà, mà là báo chí đã viết rằng những người Cộng Sản lừa dối nhân dân, dấu diếm sự thực. Thực ra chúng tôi bị bắt buộc phải làm thế. Những bức điện tín gởi xuống từ Ủy Ban Trung Ương đảng, từ đảng ủy Vùng, ra lệnh: Các đồng chí phải làm sao không để cho dân chúng hoảng loạn hoang mang. Quả đúng vậy! Hoảng loạn là một thứ đáng sợ. Trong thời chiến, người ta chú ý tới những tin tức từ mặt trận như thế nào thì lúc ấy, người ta cũng chú ý tới những tin tức về sự kiện Chernobyl với mức độ như thế. Nỗi sợ hãi và những tin đồn. Người ta không chết bởi chất phóng xạ, nhưng lại chết vì những sự cố. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải ngăn chận cho bằng được sự hoảng loạn.
Bà không thể kết luận rằng khi che đậy dấu diếm mọi tác hại khủng khiếp vừa xẩy ra, chúng tôi đã không lường hết được tầm mức của sự tác hại đó. Chúng tôi được hướng dẫn bởi một sách lược chính trị đến từ cấp cao nhất. Nếu bà tạm bỏ qua một bên cảm xúc, bỏ qua một bên những ý đồ chính trị, bà phải nhận rằng không một ai tin vào điều vừa xẩy ra. Kể cả những nhà khoa học cũng không tin điều họ vừa thấy. Từ trước tới nay chưa hề có một sự kiện tương tự như vậy, dù xẩy ra ở đây hay ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Ngay lúc ấy, các nhà khoa học đã có mặt tại hiện trường để xem xét và có những quyết định tức thời. Mới đây, tôi có xem chương trình truyền hình “Phút Sự Thật” phỏng vấn Aleksandr Yakolev, ủy viên bộ chính trị, lý thuyết gia chính của đảng Cộng Sản thời Gorbachev (1). Ông ta nhớ được gì? Mấy vị chóp bu ấy cũng không nhìn được toàn cảnh sự việc. Trong phiên họp bộ chính trị, một trong những vị tướng đã phát biểu: “Phóng xạ là gì? Tại hiện trường sau khi vụ nổ xẩy ra, họ uống một chai rượu vang và chỉ thế. Chuyện sẽ ổn thôi .”. Họ bàn bạc về Chernobyl như thể nó chỉ là một tai nạn, một sự cố bình thường.
Nếu lúc ấy tôi ra thông cáo khuyên mọi người không nên đi ra ngoài? Chắc chắn họ sẽ bảo: “Đồng chí muốn làm hỏng lễ kỷ niệm chiến thắng (May Day) à ?”. Có vấn đề về ý thức chính trị đấy. Họ sẽ xét lại tư cách đảng viên của tôi! {Dịu giọng xuống một chút.}. Sự thực là như thế này. Tôi cho rằng đó không đơn giản là một câu chuyện. Ngay trong những ngày đầu tiên sau vụ nổ, chủ tịch của hội đồng chính phủ, Scherbin, đã đến thăm nhà máy và yêu cầu được đưa đến trạm hạt nhân nơi vừa xẩy ra vụ nổ. Họ bảo, không. Ở đó toàn là than chì nóng, chất phóng xạ vô tri, nhiệt độ cao, những định luật vật lý, đồng chí không nên đến đó. “Định luật vật lý là cái gì! Tôi phải quan sát mọi chuyện xẩy ra bằng chính mắt của mình để tối nay còn báo cáo lên bộ chính trị.”. Đó là cung cách xử lý các vấn đề theo lối quân sự. Họ không biết cách nào khác hơn cả. Họ không hiểu rằng thực sự có một thứ quy luật vật lý riêng. Đó là một chuỗi những phản ứng dây chuyền. Không một sắc lệnh chính phủ nào có thể thay đổi được chuỗi phản ứng dây chuyền ấy. Thế giới được hình thành từ những nguyên tắc vật lý, chứ không phải bằng những lý thuyết của Marx. Điều gì xẩy ra nếu lúc ấy tôi tuyên bố huỵch toẹt như vậy? nếu tôi tìm cách hủy bỏ cuộc diễu binh nhân ngày lễ chiến thắng? {Tỏ ra căng thẳng}. Báo chí họ viết rằng hôm đó dân chúng ai cũng ở trên đường phố còn chúng tôi thì tìm trú ẩn dưới những hầm chôn ngầm dưới đất? Tôi đứng trên bục chủ tọa hai tiếng đồng hồ dưới nắng mặt trời, không mũ, không áo khoác. Vào ngày 9 tháng 5, ngày Lễ Chiến Thắng, tôi đồng hành cùng với các cựu chiến binh. Họ chơi khẩu cầm, nhảy múa, uống rượu.Chúng tôi đã là một phần của toàn bộ hệ thống ấy. Chúng tôi đã tin tưởng! Chúng tôi đã tin vào những lý tưởng cao quý, vào chiến thắng! Chúng ta đã chiến thắng ở Chernobyl! Chúng tôi đã đọc những điều người ta viết về một trận chiến đấu anh dũng để dập tắt vụ nổ một lò phản ứng hạt nhân không còn nằm dưới sự kiểm soát của con người. Một người Nga mà không có những lý tưởng cao đẹp ư? Không có những mơ ước cao xa ư? Điều đó cũng đáng sợ không kém.
Nhưng mà bây giờ đó là điều đang xẩy ra. Tất cả mọi thứ đều rã nát hết cả. Không có chính quyền. Stalin. Quần đảo Gulag (2). Người ta đã tuyên một bản án cho quá khứ, cho toàn bộ cuộc sống của chúng tôi. Tôi nghĩ đến những cuốn phim vĩ đại. Những bản nhạc vui tươi. Hãy giải thích cho tôi biết. Tại sao chúng ta không còn có những cuốn phim vĩ đại , những bài hát vui tươi như thế nữa? Con người ta cần được kích thích, cần được gây hứng khởi. Để sống, con người cần lý tưởng. Chỉ khi ấy chúng ta mới trở nên một quốc gia hùng mạnh. Mà chúng ta đã từng có những lý tưởng thật sáng láng rực rỡ!
Trên báo chí – trên truyền thanh, truyền hình, người ta đang kêu gào, Sự Thật! Sự Thật! Ở tất cả các cuộc tụ họp tuần hành, người ta đòi hỏi: Sự Thật! Điều ấy thật tệ hại. Rất tệ hại. Chúng ta ai cũng rồi sẽ chết. Nhưng ai là người cần biết đến cái sự thật ấy? Khi đám đông tràn vào tu viện và đòi treo cổ Robespierre (3), họ làm vậy có đúng không? Chúng ta không thể nào nghe theo đám đông. Chúng ta không thể nào trở thành đám đông. Hãy nhìn chung quanh chúng ta xem. Điều gì đang xẩy ra? {Im lặng}.Nếu tôi là một tên tội phạm thì tại sao cháu gái của tôi, đứa cháu gái bé bỏng ấy, cũng bị nhiễm bệnh? Mùa xuân năm ấy, con gái tôi hạ sinh một bé gái. Chỉ vài tuần sau khi vụ nổ xẩy ra, nó bế con đến ở với chúng tôi ở Slavgorod, mang theo nào tã, nào xe đẩy. Lúc ấy, máy bay trực thăng lúc nào cũng vần vũ trên trời. Dưới đường phố thì không lúc nào vắng bóng những chiếc xe của quân đội. Vợ tôi bảo “mẹ con nó cần phải đến ở nhờ họ hàng mình. Chúng nó phải rời khỏi nơi đây.”. Tôi là Bí thư thứ nhất đảng ủy Vùng. Tôi nói tuyệt đối không thể. “Dân chúng sẽ nghĩ sao nếu tôi đưa con gái tôi và con của nó đi nơi khác còn con em của họ thì phải ở lại?”. Những đảng viên nào tìm cách di tản để cứu thân nhân ruột thịt của mình, tôi cho gọi đến trình diện trong các buổi họp đảng ủy. “Các đồng chí có còn là người Cộng Sản nữa hay không?”. Đó là một cuộc trắc nghiệm cho tất cả mọi người. Nếu tôi là một tội phạm, tại sao tôi lại giết chính đứa cháu ngoại của mình? {Ông ta tiếp tục nói thêm một lúc nữa nhưng không thể nào nghe được những điều ông ta muốn nói}.
Bà bảo tôi kể lại về những ngày đầu tiên sau vụ nổ. Ở Ukraine còn có lệnh báo động. Chứ riêng ở đây, ở Belarus, không khí bình thường như không có gì xẩy ra. Lúc ấy đang vào mùa trồng trọt. Tôi không trốn, tôi không ngồi trong văn phòng, tôi chạy tới chạy lui ngoài đồng, xem người ta cuốc đất, gieo hạt. Hẳn là bây giờ ai cũng đã quên một điều rằng trước khi vụ nổ xẩy ra, người ta gọi hạt nguyên tử là “những công nhân hiền lành”, người ta tự hào mình đang sống trong một kỷ nguyên của nguyên tử. Tôi chẳng nhớ được điều gì gọi là sợ hãi nguyên tử cả.
Vậy thì Bí thư thứ nhất đảng ủy Vùng là gì? Là một con người bình thường, có bằng tốt nghiệp đại học, phần lớn là thuộc lãnh vực kỹ nghệ hay nông nghiệp. Có một số đã từng qua lớp học ở trường đảng cao cấp. Tôi chỉ biết về nguyên tử trong giới hạn những gì được giảng dậy ở lớp phòng vệ dân sự. Tôi chưa bao giờ được nghe nói đến chất cesium trong sữa, hoặc nguyên tố strontium. Chúng tôi chở sữa có chứa chất cesium đến xưởng chế biến. Chúng tôi chở thịt đến nhà máy thịt. Chúng tôi thu hoạch vụ mùa. Chúng tôi vẫn thực hiện kế hoạch như đã vạch ra. Tôi không cho lệnh làm bất cứ điều gì khác hơn. Chẳng ai bảo chúng tôi phải hủy bỏ các kế hoạch đã định trước đó.
Câu chuyện này sẽ cho bà biết lúc ấy tinh thần chúng tôi như thế nào. Mới đầu, ai cũng cảm thấy sợ hãi, nhưng cùng lúc đó họ cũng cảm thấy phấn khích. Tôi là loại người vốn thiếu bản năng tự bảo toàn lấy mình. {Hãy xem xét điều này}. Lúc ấy, tinh thần trách nhiệm ở mọi người rất mạnh mẽ. Trên bàn làm việc của tôi có hàng tá những bức thư gửi đến xin được tình nguyện đi phục vụ ở Chernobyl. Bất kể ngày nay người ta nói gì, lúc ấy đã thực sự hiện hữu một điển hình của con người Xô Viết, với tính cách Xô Viết. Giờ thì người ta có nói gì đi nữa cũng không thay đổi được thực tế đó đâu!
Các nhà khoa học tụ họp lại. Họ tranh luận gay gắt đến độ to tiếng, đến khi giọng bị khản. Tôi đến gặp một người trong số họ, hỏi : “Có phải bọn trẻ con của chúng tôi đang đùa nghịch trên những đống cát bị nhiễm phóng xạ không ?”. Ông ta trả lời: “Chỉ khéo gieo rắc hoang mang thôi! Một lũ những kẻ không bao giờ hiểu được điều gì đến nơi đến chốn! Thế đồng chí biết gì về phóng xạ? Tôi là một chuyên viên vật lý hạt nhân. Tôi đã từng chứng kiến những vụ nổ nguyên tử. Chỉ hai mươi phút sau tôi đã có mặt ở ngay trung tâm hiện trường, ở ngay trên mặt đất vừa bị nung chảy. Tôi không hiểu tại sao mọi người cứ la hoảng lên như thế ?”. Thế là tôi tin tưởng ngay những gì ông ta nói. Tôi cho gọi mọi người vào văn phòng, bảo họ: “Này các đồng chí! Nếu tôi bỏ đi, nếu các đồng chí bỏ đi, nhân dân sẽ nghĩ sao về chúng ta? Họ sẽ bảo những người Cộng Sản là những tên đào ngũ.”. Nếu tôi không thuyết phục được họ bằng lời, bằng sự động viên tình cảm, tôi tìm những cách khác để khiến họ phải nghe theo. “Các đồng chí có phải là người yêu nước không? Nếu không, hãy bỏ thẻ đảng lên bàn. Hãy ném nó đi !”. Một số đã làm như thế thật.
Dù vậy, đã có lúc tôi thực sự nghi ngờ một điều gì đó. Chúng tôi có một hợp đồng với Viện Vật Lý Hạt Nhân về công việc thực nghiệm trên những mẫu đất chúng tôi gởi tới cho họ. Họ lấy cỏ, những lớp đất đen đem về Minsk để phân tích. Sau đó, họ gọi tôi: “Đồng chí cho người đến đây để vận chuyển đất của đồng chí về.” “Các đồng chí có đùa không đấy? Từ đây đến Minsk hơn 400 ki lô mét.”. Ống nghe thiếu điều muốn tuột ra khỏi tay tôi. “Đem đất về lại đây?”. Bên kia trả lời: “Không, chúng tôi không đùa. Theo đúng với sự hướng dẫn, những mẫu đất này cần phải được để trong những thùng chứa đặc biệt, rồi đem chôn ở những hố xây bằng xi măng ở sâu dưới đất. Chúng tôi nhận được mẫu đất từ khắp các nơi trong nước. Thế nên, chỉ sau một tháng, chúng tôi đã sử dụng hết những chỗ đất chôn của mình rồi.”. Bà thấy không? Vậy mà chúng tôi thu hoạch mùa màng, trồng tỉa trên những mảnh đất như thế. Con cái chúng tôi chơi đùa trên những mảnh đất như thế. Chúng tôi lại còn cứ thế thực hiện những kế hoạch chế biến sữa, chế biến thịt. Chúng tôi nấu Vodka bằng những hạt lúa gặt về từ đó. Rồi còn táo, lê, cherry chế biến thành nước uống nữa.
Cuộc di tản – nếu có ai được nhìn thấy từ trên cao, hẳn họ sẽ nghĩ rằng Thế Chiến thứ Ba vừa nổ ra. Khi một làng di tản, họ bảo làng kế tiếp cũng sẽ di tản trong vòng một tuần nữa. Thế nhưng trong suốt tuần lễ đó, dân làng cứ xem như không có gì sẽ xẩy ra. Họ vẫn đánh rơm, cắt cỏ, cuốc vườn, chẻ củi. Một tuần sau, xe quân đội đến chở họ đi ra khỏi làng. Riêng tôi thì nào là những cuộc họp, những chuyến đi công tác, sự căng thẳng, những đêm không ngủ. Có quá nhiều thứ cần phải làm. Tôi còn nhớ có một người đứng ở trước trụ sở đảng ủy thành phố Minsk tay giơ cao biểu ngữ đề: “Xin cấp phát I-ốt cho mọi người.”. Trời thì nóng, mà anh ta lại mặc áo khoác đi mưa bên ngoài.
Chắc bà hẳn quên rồi – Nhân dân chúng ta trước đây cho rằng những nhà máy phản ứng hạt nhân là tương lai của đất nước. Tôi đã diễn thuyết, đã tuyên truyền như thế rất nhiều lần. Tôi đã đến thăm một nhà máy hạt nhân – Nơi đó lúc nào cũng tĩnh lặng, sạch sẽ, trang trọng. Trong một góc, có lá cờ đỏ, và biểu ngữ, “Quán quân thi đua xã hội chủ nghĩa.”. Tương lai của chúng ta đấy.
Tôi chỉ là một sản phẩm của thời đại tôi đã sống. Chứ không phải là một tên tội phạm.
Vladimir Matveevich Ivanov. Cựu Bí thư thứ nhất đảng ủy Vùng Stavgorod
Chú Thích:
(1) Mikhail Gorbachev (1931- ) – Tổng Bí Thư thứ 8 và cuối cùng của đảng CS Liên Xô (1985-1991).
(2) Quần đảo Gulag (Gulag Archipelago)- Tên một tác phẩm của nhà văn Nga Aleksandr I. Solzhenitsyn (Giải Nobel về văn chương năm 1970) – nói về trại tập trung nơi giam giữ những kẻ chống đối (và tình nghi chống đối) chế độ độc tài của Stalin trong hơn 4 thập niên.
(3) Maximilien Robespierre (1758-1794) – Luật sư, chính trị gia người Pháp, một khuôn mặt nổi bật của cuộc cách mạng Pháp 1789. Ông bị xử tử chết ngày 28 tháng 7 năm 1794.
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC