S. Alexievich
Artyom Bakhtiyarov, Binh Nhì; Oleg Leontyevich Vorobey, Thanh Lý Viên; Vasily Iosifovich Gusinovich, Tài Xế và Trinh Sát; Gennady Viktorovich Demenev; Cảnh sát;Vitaly Borisovich Karbalevich, Thanh Lý Viên; Valentin Kmkov, Tài Xế, Binh Nhì; Eduard Borisovich Korotkov, Phi Công trực thăng; Igor Litvin, Thanh Lý Viên; Ivan Aleksandrovich Lukashuk, Binh Nhì; Aleksandr Ivanovich Mikhalevich, Điều khiển máy đếm Geiger; Thiếu tá Oleg Leonodovich Pavlov, Phi Công trực thăng; Anatoly Borisovich Rybak, Chỉ Huy Trung Đoàn Vệ Binh; Viktor Sanko, Binh Nhì; Grigory Nikolaevich Khvorost, Thanh Lý Viên; Aleksandr Vasilievich Shinkevich , Cảnh Sát; Vladimir Petrovich Shved, Đại Uý; Aleksandr Mikhailovich Yasinskiy, Cảnh sát.
Đơn vị chúng tôi nhận được lệnh hành quân cấp tốc. Chỉ đến khi dừng lại tại ga xe lửa Belorusskaya ở Moscow, chúng tôi mới được cho biết địa điểm đến. Có một gã, tôi nghĩ anh ta từ Leningrad, lên tiếng phản đối. Họ doạ sẽ đưa anh ta ra trước toà án quân sự. Viên chỉ huy tuyên bố chính xác như sau trước hàng quân: “Các anh sẽ bị đi tù hoặc bị xử bắn.”. Tôi có ý nghĩ ngược lại với anh chàng đến từ Leningrad. Tôi muốn được làm một việc gì đó mang tính cách anh hùng. Có thể đó là thứ phản xạ của trẻ con. Nhưng cũng có những người lính khác nghĩ giống tôi. Chúng tôi đến từ khắp nơi trên đất nước Xô Viết : Nga, Ukraine, Kazakh, Armenia . . . Nhiệm vụ tuy nguy hiểm thật nhưng cũng thú vị, nếu nhìn từ một góc độ nào đó.
Khi đến nơi, chúng tôi được đưa thẳng vào khu vực nhà máy hạt nhân. Họ trao cho chúng tôi áo choàng trắng và mũ bảo hộ cũng màu trắng. Và cả mặt nạ bịt kín mặt. Chúng tôi được lệnh dọn dẹp khu nhà máy. Chúng tôi dành trọn một ngày chùi rửa khu bên trong, và một ngày ở khu nóc trạm phản ứng. Chỗ nào chúng tôi cũng phải dùng xẻng. Mấy người phải leo lên nóc trạm làm việc, chúng tôi gọi họ là những con cò. Máy Robot không hoạt động được vì hệ thống điều khiển bị trục trặc, nhưng chúng tôi vẫn chu toàn nhiệm vụ. Và chúng tôi tự hào về điều đó.
***
Đoàn xe tiến vào – có một tấm bảng đề: Khu Vực Giới Hạn. Tôi chưa bao giờ tham dự chiến tranh, nhưng tôi có một cảm giác quen thuộc. Tôi nhớ mình đã thấy cái bảng như thế này ở đâu đó. Ở đâu nhỉ? Chẳng hiểu vì sao, tôi cảm thấy nó có liên quan đến chết chóc. . .
Trên đường đi, chúng tôi gặp những con chó, con mèo đã hoá dại. Chúng có vẻ xa lạ với người. Thấy chúng tôi, lũ chó mèo bỏ chạy. Tôi không biết điều gì đã xẩy ra với chúng cho đến khi được lệnh phải bắn chết hết chúng. . .
Nhà cửa đều đã bị niêm phong. Các máy móc của nông trại bị bỏ phế không ai chăm sóc. Thật lạ lùng. Không một bóng người nào khác ngoài chúng tôi và các viên cảnh sát tuần tra. Bước vào nhà, thấy hình ảnh vẫn còn treo trên vách, nhưng người thì không một mống nào. Giấy tờ nằm lăn lóc trên nền nhà: thẻ đoàn viên, thẻ căn cước, giấy khen. Ở một nhà khác, chúng tôi lấy đi cái máy TV – thực ra thì chỉ là mượn tạm. Tôi chưa thấy có ai lấy bất cứ thứ gì từ những căn nhà chúng tôi bước vào. Trước hết là vì chúng tôi mang cảm giác những chủ nhân của chúng có thể quay trở về bất cứ lúc nào. Kế nữa, những thứ ở đây đều mang một vẻ gì chết chóc.
Một số trong chúng tôi đến khu nhà chứa lò phản ứng đã bị nổ. Họ muốn chụp hình mình đứng đó để đem về khoe với người ở nhà. Họ tuy có sợ nhưng vẫn không kềm nổi tính hiếu kỳ: Để xem trông nó ra làm sao? Tôi không đi theo họ. Tôi còn người vợ trẻ ở nhà nên không dám liều mạng. Nhưng bọn thanh niên chúng nốc vào mấy ly rượu rồi chạy qua . . . {Im Lặng}.
***
Đường làng, cánh đồng, xa lộ cao tốc – thẩy đều tịnh không một bóng người. Con đường xa lộ trông sâu hun hút. Dây điện treo trên những cây trụ chạy dài thăm thẳm. Mới đầu còn thấy ánh đèn trong những căn nhà nhưng rồi thì chúng cũng tắt ngấm. Xe chúng tôi chạy vòng vòng, có khi bất chợt một con heo rừng từ dẫy nhà khu trường học nhẩy vụt ra, khi khác là một con thỏ hoang. Chỗ nào chúng tôi cũng chỉ thấy thú vật thay vì con người. Từ nhà ở, trường học, cho đến quán xá. Chung quanh vẫn còn treo những tấm khẩu hiệu: “Mục tiêu của chúng ta là hạnh phúc cho loài người”. “ Vô sản thế giới sẽ toàn thắng”. “Tư tưởng Lê nin sẽ sống mãi đời đời.”
Hãy trở lại quá khứ không xa. Văn phòng nông trang tập thể chất đầy cờ đỏ, khăn quàng mới tinh, những chồng truyền đơn kể lể tiểu sử các lãnh tụ vĩ đại. Trên tường thì treo đầy ảnh lãnh tụ. Trên bàn giấy thì chật ních tượng bán thân lãnh tụ. Rồi thì tượng đài kỷ niệm nạn nhân chiến tranh. Nhà thờ làng. Các ngôi nhà bị niêm phong vội vã. Những chuồng bò có nền tráng xi măng xám xịt. Những nghĩa trang và người chết nằm trong đó. Như thể một bộ tộc đang lâm chiến bỗng phải hối hả tháo lui đi tìm nơi ẩn trốn.
Chúng tôi hỏi lẫn nhau: Cuộc sống của chúng ta là như thế này đây phải không? Lần đầu tiên chúng tôi nhìn cuộc sống của chính mình với tư cách kẻ ở bên ngoài. Đúng thế! đây là lần đầu tiên. Điều này gây một ấn tượng thật mạnh mẽ. Như ai đó đập mạnh vào đầu mình . . .
Có một chuyện đùa như thế này: cái bánh cake Kiev cần đến 36 tiếng đồng hồ để một nửa của nó tự vỡ rời ra từng miếng. Thế . . . chính bản thân tôi thì sao? Phải mất 3 năm để tôi tự vỡ ra. 3 năm sau tôi mới vất trả thẻ đảng viên cộng sản. Cùng với quyển sách đỏ nhỏ xíu gối đầu. Tôi đã được tự do trong Khu cách ly. Chernobyl đã mở mắt tôi ra. Nó biến tôi thành người tự do.
***
Căn nhà bị bỏ hoang. Cửa nẻo đóng im ỉm. Trên thành của sổ có một con mèo. Tôi tưởng đó là một con mèo làm bằng đất sét. Nhưng khi lại gần, tôi nhận ra đó là con mèo thật. Nó đã ăn sạch những bông hoa Phong Lữ trong nhà. Nhưng làm thế nào mà nó vào trong nhà được? Hay là chủ nhà bỏ nó lại khi ra đi?
Tôi tìm thấy một mảnh giấy ghim trên cánh cửa: “Hỡi người tử tế! Đừng tìm kiếm những thứ quý báu trong nhà này. Vô ích vì chúng tôi chưa bao giờ sở hữu chúng. Hãy sử dụng bất cứ cái gì cần đến, nhưng đừng đập phá nhà của chúng tôi. Chúng tôi sẽ quay về.”. Trên những cánh cửa các căn nhà khác cũng có những mảnh giấy ghi của chủ nhà với đủ màu sắc khác nhau. – “Hỡi ngôi nhà thân yêu! Xin tha lỗi cho chúng tôi!”. Người ta nói lời tạm biệt với nhà mình như nói với một người thân. Ở chỗ khác tôi đọc được: “Chúng tôi sẽ đi vào buổi sáng”, hoặc: “Chúng tôi sẽ đi khi đêm xuống”, phía dưới họ ghi ngày, có khi cả giờ khởi hành. Có những lời nhắn viết trên giấy vở học trò: “xin đừng đánh đuổi con mèo. Kẻo lũ chuột sẽ cắn không chừa một thứ gì.”. Rồi một tờ khác viết bằng nét chữ của trẻ con: “Xin đừng giết Zhulka. Nó là một con mèo ngoan.” {Nhắm mắt lại}.
Tôi đã quên hết rồi. Chỉ nhớ rằng mình đã đến chỗ ấy, rồi sau đó thì tôi chẳng còn nhớ được điều gì. Tôi quên sạch trơn mọi chuyện. Tôi còn không thể đếm được tiền nữa là. Trí nhớ của tôi có vấn đề. Các ông bác sĩ đã chịu thua. Tôi đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Nhưng có một sự việc nó bám mãi lấy đầu tôi không chịu buông tha: Tôi bước chân vào một căn nhà, đinh ninh rằng sẽ không có ai trong đó. Rồi khi mở cửa, tôi thấy có con mèo. Và mảnh giấy có hàng chữ viết tay của những đứa trẻ.
***
Tôi bị trưng dụng. Nhiệm vụ của tôi là không được để cho bất cứ cư dân nào lẻn quay về lại những ngôi làng đã được lệnh di tản. Chúng tôi đặt chướng ngại vật trên các ngã tư đường, thiết lập các trạm canh gác. Họ gọi chúng tôi là “du kích quân” hẳn phải vì một lý do nào đó. Bây giờ là thời bình, vậy mà chúng tôi xuất hiện trên đường phố trong trang phục quân đội. Không một nông dân nào hiểu tại sao họ lại không được múc nước trong vườn nhà của chính mình, không được lấy đi dụng cụ cưa, cuốc, xẻng của chính mình. Tại sao họ lại không được thu hoạch mùa màng trong ruộng của chính mình. Bà sẽ giải thích như thế nào với họ đây? Hãy hình dung một cảnh xẩy ra trong thực tế như thế này: Ở một bên đường là những người lính đứng canh gác, chặn dân làng lại. Phía bên kia là cánh đồng, có bò đang gặm cỏ, có người ta hối hả gặt đám lúa tới kỳ rộ chín rồi chuyển hạt đi một nơi khác. Các bà cụ già mếu máo kêu lên: “Các cháu ơi, cho chúng tôi vào đi. Đất của chúng tôi mà. Nhà cửa của chúng tôi mà .”. Họ mang theo trứng, thịt sấy, rượu nấu ở nhà. Họ gào khóc trên mảnh đất bị nhiễm xạ của mình. Cùng với đồ đạc. Hết thẩy mọi thứ.
Đầu óc của bà sẽ bị lật tung lên thành mớ rối rắm. Trật tự sự vật đã bị đảo lộn. Một phụ nữ ngồi vắt sữa bò, bên cạnh là một người lính đứng canh để bảo đảm rằng bà ta sẽ đổ hết xuống đất số sữa mà bà vừa vắt xong. Một bà cụ già khác xách một giỏ đầy trứng, bên cạnh cụ cũng có một người lính đi theo để nhắc cụ phải chôn hết giỏ trứng xuống đất. Người nông dân chăm chỉ gieo trồng giồng khoai quý báu của mình, rồi sau đó lặng lẽ thu gặt, chỉ để đem chôn bỏ chúng ở một nơi khác.
Điều tệ hại nhất, và cũng là điều khó hiểu nhất là mọi thứ đều trông tuyệt đẹp, tuyệt hoàn hảo. Điều tệ hại nhất là ở đó. Chung quanh, mọi thứ, đều tuyệt đẹp.
Từ đó về sau, tôi không bao giờ nhìn thấy những con người tội nghiệp như thế nữa. Những con người có khuôn mặt trông như đã hóa điên. Khuôn mặt của họ đã như vậy thì nhìn chúng tôi liệu có khác gì.
Tôi là một người lính. Khi được lệnh phải làm một công việc nào đó, nhiệm vụ của tôi là phải thi hành. Nhưng lần này tôi có cảm tưởng ngoài việc thi hành nhiệm vụ, tôi cũng muốn làm một anh hùng nữa. Ai mà không muốn làm người hùng. Các nhân vật chính trị đã đọc diễn văn ca ngợi những người hùng trước công chúng. Tin tức được thông báo trên truyền thanh, truyền hình. Người ta phản ứng rất khác nhau: có người muốn được phỏng vấn, được xuất hiện trên truyền hình; có người chỉ xem đó như là nhiệm vụ phải làm, và một loại người thứ ba – tôi đã gặp những người này – họ tin tưởng là mình đang thi hành một sứ mạng rất anh hùng. Chúng tôi được trả lương hậu hĩnh, nhưng dường như đó không phải là điều tôi quan tâm. Lương bình thường của tôi là 400 rúp, khi làm việc này tôi được trả 1000 rúp (tính theo đơn vị rúp – ruble – của nhà nước liên bang Xô Viết). Sau này người ta bàn tán, “Đấy, họ lãnh được cả đống tiền! Giờ thì họ về nhà và đi mua sắm xe hơi, đồ đạc này nọ!”. Tất nhiên, cái dư luận như thế làm chúng tôi bị xúc phạm. Họ chẳng màng gì đến khía cạnh hy sinh quên mình rất cao cả của những người làm nhiệm vụ.
Trước khi đến đó, tôi cũng hơi lo lắng. Chỉ một quãng thời gian ngắn thôi. Nhưng khi đến nơi thì những nỗi sợ hãi của tôi biến mất. Có rất nhiều công việc, bổn phận, lệnh lạc tôi phải thi hành. Tôi muốn được nhìn lò phản ứng hạt nhân từ trên cao, trên một chiếc trực thăng – để biết điều gì thực sự đã xẩy ra. Nhưng việc tìm hiểu ấy bị cấm ngặt. Trong hồ sơ y tế của tôi, người ta ghi mức độ nhiễm xạ là 21 roentgen, tôi không chắc họ đã ghi chính xác. Cách thức tính độ nhiễm xạ rất đơn giản : chúng tôi bay trực thăng đến thị xã Chernobyl (một thành phố khá nhỏ, không to lớn như tôi đã tưởng tượng), ở đó, cách nhà máy khoảng mươi mười lăm cây số, một nhân viên chờ sẵn với cái máy đo phóng xạ. Ông ta đo độ nhiễm xạ của mặt đất nơi ông ta đứng, rồi nhân số đo ấy với số giờ mà chúng tôi bay mỗi ngày. Từ thị xã, chúng tôi bay đến khu lò phản ứng hằng ngày, nhưng độ đo có hôm là 80 roentgen, có hôm lại là 120 roentgen. Thỉnh thoảng, vào ban đêm, chúng tôi bay vòng trên đầu lò hạt nhân cả 2 tiếng đồng hồ. Chúng tôi chụp hình khu vực với ánh sáng của tia hồng ngoại, vì những miểng than chì nằm tản mác đây đó bị nhiễm xạ nên ban ngày không thể nhìn thấy chúng được.
Tôi đã hỏi chuyện những nhà khoa học. Một người bảo tôi: “tôi có thể le lưỡi liếm chiếc trực thăng của anh mà không bị hề hấn gì.” Người khác lại nói: “Anh lái trực thăng ở đó mà không mặc quần áo bảo hộ à? Anh muốn chết sớm phải không? Sai lầm nghiêm trọng đấy! Phải bảo vệ chính mình chứ!”. Chúng tôi lấy chì bọc ghế máy bay, chế ra những chiếc áo lót chì mặc bên trong. Nhưng những biện pháp ấy chỉ có thể bảo vệ chúng tôi đối phó với những đợt xâm nhập đầu tiên của phóng xạ, về sau này dường như chúng không còn hiệu quả nữa. Chúng tôi bay mỗi ngày từ sáng đến tối khuya. Không có gì gọi là thích thú cả. Chỉ có công việc và công việc. Ban đêm chúng tôi xem truyền hình. Hồi ấy đang diễn ra giải vô địch túc cầu thế giới, nên câu chuyện hàng ngày chúng tôi chỉ bàn về các trận bóng.
Tôi đoán chắc phải chừng mãi 3 năm sau chúng tôi mới bắt đầu nghĩ về những hậu quả của công việc mà chúng tôi đã làm. Một người trong số chúng tôi phát bệnh, rồi thêm vài người nữa. Có người đã chết. Có người hoá rồ rồi tự giết chính mình. Đó là lúc chúng tôi bắt đầu lo lắng. Nhưng có lẽ phải đến 20 hay 30 năm sau chúng tôi mới thực sự hiểu được điều gì đã xẩy ra. Với tôi, chiến trường Afghanistan (tôi ở đó 2 năm), kế đến là Chernobyl (tôi chỉ ở đó chừng 3 tháng) là những sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi.
Tôi không nói cho bố mẹ tôi biết việc mình được đưa đến Chernobyl. Tình cờ, một hôm anh tôi đọc báo Izvestia và thấy hình tôi trên đó. Anh đem khoe với mẹ tôi: “Mẹ xem này! nó đã là một anh hùng!”. Mẹ tôi chỉ ôm mặt khóc.
***
Chúng tôi đang lái xe. Bà biết chúng tôi thấy gì không? Dọc theo lề đường? Dưới những tia sáng – thứ ánh sáng mỏng manh yếu ớt – có một cái gì long lanh như pha lê. Những thứ này . . . chúng tôi đang đi về hướng Kalinkovich, ngang qua Mozyr. Chúng lấp lánh trước mặt. Chúng tôi nhớ lại – ở những ngôi làng mà chúng tôi vừa đến để làm việc, chúng tôi đã để ý đến những chiếc lá bị lỗ chỗ những lỗ rất nhỏ, nhất là lá cây anh đào. Chúng tôi thu hoạch dưa leo, cà chua – lá những cây này cũng bị thủng lỗ chỗ như vậy. Chúng tôi văng tục rồi cũng ăn tuốt.
Tôi đã có mặt. Dù không bị bắt buộc. Tôi tình nguyện đến. Thời kỳ đầu tôi không thấy có những con người thờ ơ vô cảm ở đó, nhưng dần dà về sau, tôi nhận ra những con mắt người đã trở thành trống rỗng mất hồn, vì họ đã làm quen được với những gì đang xẩy ra. Tôi đến vì muốn được thưởng huy chương ư? Vì lợi lộc ư? Thật nhảm nhí! Tôi không cần bất cứ thứ gì cho riêng mình. Một căn chung cư, Một chiếc xe hơi – còn gì nữa nào? Phải rồi, một căn nhà nghỉ mát. Tôi đã có đủ những thứ đó. Chẳng qua chỉ là khát vọng muốn thể hiện tính cách một người đàn ông. Những người đàn ông đúng nghĩa có nhiệm vụ phải thực hiện những việc quan trọng. Còn những người khác thì sao? hãy để họ núp dưới váy quần phụ nữ, nếu họ muốn thế. Ở đây có những gã trai vợ đang mang bầu, có gã có con cái còn nhỏ xíu ở nhà, và có những gã không hẳn đã lành lặn gì. Tất thẩy họ đều chỉ văng tục, rồi cương quyết lên đường.
Thế rồi khi xong việc, chúng tôi về nhà. Tôi cởi bỏ mọi thứ quần áo tôi mặc khi làm việc ở đó, vất chúng vào giỏ rác. Riêng cái mũ tôi đang đội, tôi cho thằng con nhỏ. Nó thực sự thèm cái mũ lắm. Lúc nào nó cũng đội trên đầu.
Hai năm sau, người ta chẩn đoán thằng nhỏ có một khối u trong não.
. . . Bà có thể viết nốt câu chuyện từ đây. Riêng tôi, tôi không muốn nói thêm một lời nào nữa cả.
***
Tôi mới trở về từ Afghanistan. Tôi muốn dành thời gian hoàn toàn cho riêng mình, để chuẩn bị lập gia đình. Tôi muốn làm điều này ngay lập tức. Bỗng nhiên tôi nhận được tờ thông báo với hàng chữ đỏ chói: “Lệnh triệu tập đặc biệt” khẩn cấp gởi đến địa chỉ nhà. Mẹ tôi bật khóc ngay khi biết tin. Bà tưởng tôi được lệnh tái ngũ để ra mặt trận lần nữa.
Chúng tôi sẽ được đưa đi đâu? Và tại sao? Không hề có một thông tin nào hết. Ở nhà ga Slutsk, chúng tôi thay quần áo, nhận các trang thiết bị, và được cho biết chúng tôi sẽ đến khu trung tâm Khoyniki. Chúng tôi đến Khoyniki, dân chúng ở đó cũng chẳng hay biết điều gì. Rồi chúng tôi tiến xa hơn nữa, đến một ngôi làng nhỏ, ở đó đang có một đám cưới, các thanh niên thiếu nữ vẫn nhẩy nhót, nghe nhạc, uống rượu Vodka.
Tại đây, chúng tôi được lệnh: xúc bỏ hết lớp trên mặt đất bằng chiều cao một chiếc xẻng.
Ngày mùng 9 tháng 5, ngày lễ kỷ niệm chiến thắng, một ông tướng xuất hiện. Chúng tôi được lệnh xếp hàng, nghe ông tướng chúc mừng nhân ngày lễ. Trong chúng tôi có một gã thu hết can đảm lên tiếng hỏi ông tướng: “Tại sao người ta không cho chúng tôi biết gì về mức độ nhiễm xạ? Chúng ta đang phải đối phó với lượng nhiễm xạ là bao nhiêu?”. Chỉ một mình gã đó dám hỏi thôi. Thế rồi, sau khi ông tướng ra về, viên chỉ huy cho gọi gã đến và làm cho gã một trận. “Anh muốn khích động hả? Chỉ gieo rắc hoang mang sợ hãi thôi!”. Vài ngày sau chúng tôi được cấp phát mặt nạ ngừa hơi độc, nhưng không có ai dùng đến. Có đôi lần họ cho chúng tôi thử máy đo độ nhiễm xạ, nhưng chưa bao giờ cho chúng tôi biết kết quả. Cứ mỗi ba tháng chúng tôi được phép về thăm nhà đôi ba ngày. Khi ấy, mỗi lần về chúng tôi chỉ có một mục đích: mua Vodka đem về nhiệm sở. Tôi mua đủ chất đầy hai túi đeo lưng. Mỗi lần như vậy, anh em họ nhấc tung tôi lên trời để hoan hô.
Trước khi được giải nhiệm cho về nhà, chúng tôi gặp một nhân viên KGB. Anh ta thuyết phục chúng tôi tin rằng không nên kể lại với bất cứ ai, ở bất cứ thời điểm nào về những gì chúng tôi chứng kiến ở đây. Khi trở về từ Afghanistan, tôi biết rằng mình còn sống. Ở đây thì ngược lại: chỉ khi về đến nhà rồi tôi mới biết mình sẽ chết.
***
Tôi nhớ được gì? Điều gì còn đọng lại trong ký ức của tôi?
Suốt ngày tôi đạp xe đi qua các ngôi làng, đo độ nhiễm phóng xạ. Không có người phụ nữ nào mời tôi một trái táo. Cánh đàn ông thì bớt e dè hơn: họ đến gặp tôi và mời uống vodka, ăn thịt mỡ. Ăn đi chứ! Từ chối thì cũng kỳ, nhưng ăn vào thứ nhiễm phóng xạ ấy thì cũng chẳng tốt lành gì. Thế nên tôi chỉ uống, chứ không ăn.
Ở một ngôi làng, họ mời tôi ngồi vào bàn ăn – có thịt cừu ram và đủ các món khác. Chủ nhà có vẻ ngà ngà say và thú nhận đó là thịt một con cừu non. “Tôi phải làm thịt nó. Không thể nào chịu đựng được cảnh phải nhìn nó mỗi ngày. Đó là con vật có hình dạng xấu xí nhất! Thậm chí khiến tôi hầu như không muốn ăn thịt nó!”. Còn tôi? Tôi chỉ nốc cạn ly vodka thật nhanh. Sau khi nghe chủ nhà kể . . .
***
Đã 10 năm rồi. Như thể rằng chưa bao giờ có điều gì xẩy ra. Và nếu tôi không mắc bệnh thì hẳn là tôi đã quên hết mọi chuyện rồi.
Tôi có nghĩa vụ phục vụ tổ quốc. Phục vụ! Đó là một công việc lớn lao. Tôi được nhận: quần áo lót, giầy ủng, mũ, quần, dây lưng, túi quân trang. Và tôi lên đường! Họ giao cho tôi chiếc xe tải chở hàng. Nhiệm vụ của tôi là di chuyển những tấm đan bằng xi măng. Mọi chuyện như vậy đấy. Và cũng không phải như vậy. Chúng tôi còn trẻ, độc thân. Chúng tôi không nhận mặt nạ ngừa hơi độc. Chỉ có một anh – lớn tuổi hơn chúng tôi, lúc nào cũng đeo mặt nạ. Còn chúng tôi thì không. Mấy anh chàng điều khiển giao thông xe cộ cũng không đeo mặt nạ. Chúng tôi được ngồi trong buồng máy tài xế, còn họ cứ chường mặt ra ngửi bụi phóng xạ suốt 8 tiếng đồng hồ. Ai cũng được nhận lương hậu hĩnh: gấp 3 lần số lương của công việc cũ, cộng thêm tiền ngày nghỉ. Chúng tôi tiêu xài bằng hết số tiền lãnh được. Và biết rằng rượu Vodka sẽ giúp chúng tôi rất nhiều. Nó làm những căng thẳng trong công việc hàng ngày biến mất. Nếu không chính phủ đã không phát cho mỗi người lính 100 gram Vodka thời chiến tranh. Thế là mọi chuyện xẩy ra ở đây cũng giống như ở thành phố : anh cớm công lộ xỉn viết giấy phạt anh tài xế say.
Đừng nhắc gì những kỳ tích của chủ nghĩa anh hùng Xô Viết. Những thứ ấy đã hiện hữu – và quả thực là những kỳ tích. Trước hết, phải có những hiện tượng đại loại như thiếu khả năng, thiếu trách nhiệm rồi sau đó mới phát sinh những kỳ tích: lấy thân mình che lỗ châu mai, lao thẳng vào họng súng quân thù. Lẽ ra những lệnh lạc như vậy không bao giờ được phép ban ra, rằng không cần thiết phải làm như vậy. Nhưng không ai phản đối điều gì về những chuyện như vậy. Người ta ném chúng tôi vào đó, như ném cát vào lò phản ứng hạt nhân. Mỗi ngày họ đều ra thông báo “Thành Tích Cập Nhật : “ Các chiến sĩ đang làm việc hết sức can đảm và quên mình”, “ Chúng ta sẽ vượt qua và toàn thắng”.
Sau đó, họ cấp cho tôi một cái huy chương và một ngàn đồng rúp.
***
Ngay từ đầu chuyện có vẻ như khó tin, nó gây cảm giác chỉ là một trò chơi. Nhưng không phải vậy, đó là một cuộc chiến tranh có thật, một cuộc chiến tranh nguyên tử. Chúng tôi không có một khái niệm nào hết – về cái gì là nguy hiểm, cái nào không, cái gì cần phải được để ý tới và cái gì thì cứ mặc nó? Không một ai biết được gì cả.
Mọi người được di tản ra thẳng ngay ga xe lửa. Chúng tôi bế bọn con nít lên đẩy chúng vào khoang toa qua các cửa sổ. Còn chúng tôi thì tuần tự xếp hàng – mua vé lên tàu tại các quầy vé, mua thuốc sát trùng ở tiệm thuốc tây. Trong lúc xếp hàng, có những kẻ chửi rủa nhau, thậm chí đánh nhau. Họ phá cửa tiệm, làm sập kệ hàng. Họ bẻ gẫy hết các chấn song cửa sổ .
Có những người đến từ các nơi khác nữa. Họ tạm trú ở trường học, vườn trẻ, quán xá, người nào cũng trông ra vẻ ốm đói. Tiền bạc trong túi mọi người biến mất rất nhanh. Họ mua bất cứ thứ gì tìm thấy được trong các cửa hàng. Tôi sẽ không bao giờ quên được những phụ nữ làm công việc giặt dũ. Không có máy giặt vì không ai nghĩ đến việc mang chúng theo, nên họ phải giặt bằng tay. Họ đều là những bà cụ già. Tay người nào cũng đầy vẩy mụn lở lói. Đồ đạc đem ra giặt không phải chỉ dơ bẩn mà còn nhiễm xạ nữa. “Các cháu ơi, ăn chút gì đi chứ!.” “Các cháu ơi, hãy nghỉ ngơi đi !” “Các cháu ơi, các cháu còn trẻ, phải cẩn thận đấy!”. Họ xót thương cho chúng tôi và khóc cho chúng tôi.
Những bà cụ già ấy nay còn sống không ?
Hàng năm cứ đến ngày 26 tháng 4 là chúng tôi, những chàng thanh niên đã từng ở đó, lại tụ họp nhau để tưởng nhớ đến những tháng ngày thật khó quên ấy. Chúng tôi đã là những người lính, sự có mặt của chúng tôi lúc ấy là cần thiết. Thế nên, chúng tôi chỉ nhớ như vậy và cố quên đi những thứ không hay khác. Nếu không có chúng tôi hẳn họ khó mà vượt qua được. Hệ thống hoạt động của chúng tôi mang tính cách quân sự nên rất cần thiết và hoạt động hiệu quả mỗi khi có tình trạng khẩn cấp. Và cũng ở đó, chúng tôi là những con người tự do. Và cần thiết cho mọi người. Trong những khi khẩn cấp, người Nga đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình. Thứ bản lĩnh độc nhất không dân tộc nào có. Chúng tôi không bao giờ là người Hòa Lan hay người Đức. Chúng tôi sẽ không bao giờ chế tạo được nhựa rải đường đúng quy chuẩn hay làm chủ những khu vườn được cắt tỉa gọn ghẽ. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng có sẵn rất nhiều những anh hùng.
***
Họ kêu gọi, và thế là tôi lên đường. Đó là nhiệm vụ của tôi. Một đảng viên mà. Hỡi những người cộng sản, hãy tiến lên! Đơn giản chỉ như vậy. Hồi đó, tôi đang là một sĩ quan cảnh sát. Cấp bậc Thượng Uý. Họ hứa sẽ thăng tôi lên một cấp. Thời điểm là tháng 6 năm 1987. Lẽ ra thì người ta phải đưa tôi đi kiểm nghiệm sức khỏe trước, nhưng rồi họ cứ thế để tôi lên đường. Đầu đuôi là vì có một anh xuất trình giấy bác sĩ chứng nhận anh ta có một cục u độc trên người, thế là tôi được đưa vào thế chỗ. Tình trạng khẩn cấp mà! {Cười}. Lúc ấy, có nhiều câu chuyện tiếu lâm truyền tụng. Có một anh từ sở làm về nhà bảo vợ: “Người ta nói với anh rằng ngày mai, hoặc anh phải đi Chernobyl hoặc phải trả lại thẻ đảng.” “ Nhưng anh đâu có phải là đảng viên .”. “Thì thế! Anh cũng đang thắc mắc làm sao mà ngay sáng mai anh nhận được thẻ đảng viên đây?”.
Mặc dù có mặt tại hiện trường với danh nghĩa là quân đội, nhưng lúc đầu họ tổ chức chúng tôi thành những toán thợ nề. Nhiệm vụ của chúng tôi là xây một nhà thuốc tây. Ngay khi còn ở đó tôi đã cảm thấy mình yếu hẳn đi và lúc nào cũng buồn ngủ. Tuy nhiên, tôi vẫn nói với viên bác sĩ là tôi không sao cả, có lẽ là do cái nóng làm cho tôi như vậy. Ở tiệm ăn họ có bán thịt, sữa, sữa chua lấy từ nông trang về. Chúng tôi ăn không chừa thứ gì. Viên bác sĩ cũng chẳng có ý kiến. Họ nấu nướng chế biến thực phẩm, ông ta kiểm tra chúng để bảo đảm mọi tiêu chuẩn được tôn trọng, nhưng chưa bao giờ ông ta ăn thử. Chúng tôi để ý điều đó. Nhưng tình hình là như vậy đấy. Chúng tôi chỉ biết tuyệt vọng. Rồi mùa dâu bắt đầu nở rộ, và chỗ nào cũng nhận được mật ong.
Bọn cướp cạn đã sẵn sàng hoành hành. Chúng tôi dùng ván đóng chặn cửa và cửa sổ các cửa hàng. Nhưng cũng không bảo vệ được chúng thoát tay bọn cướp. Chấn song cửa sổ bị bẻ gẫy. Đường, bột, kẹo tung toé trên nền nhà. Thức ăn đóng hộp lăn lóc khắp chỗ. Ngôi làng này được lệnh di tản, nhưng ngôi làng khác cách đó chừng 5, 10 cây số thì lại không. Thế là họ khiêng tất cả những gì mót được từ ngôi làng di tản về đây. Tình huống lúc ấy là như vậy đấy. Chúng tôi nhận lệnh canh gác, không cho ai được quay về nhà cũ của mình. Có ông cựu chủ tịch nông trang, một hôm quay về cùng với mấy người dân làng – Họ đã được tái định cư ở nơi mới, có nhà cửa ở đó hẳn hoi. Nhưng họ trở về để thu hoạch mớ mùa màng trồng từ vụ mùa trước và gieo hạt cho vụ mùa kế tiếp. Xong việc, họ chở những ụ rơm ra khỏi làng. Trong những ụ rơm ấy, chúng tôi thấy có cả máy may, xe gắn máy. Lúc ấy, rất thịnh hành một phương thức trao đổi giữa chúng tôi và đám dân làng. Trao cho chúng tôi một chai rượu Vodka nấu lấy ở nhà, họ sẽ được phép chở đi cái máy truyền hình. Một chiếc xe máy xúc, một chiếc máy may được định giá từ 1 đến 10 chai rượu Vodka. Không ai quan tâm đến tiền cả {Cười}. Giống như được sống trong thời kỳ cộng sản ấy. Mọi thứ đều có giá riêng : Một thùng xăng nhỏ thì phải đưa nửa lít Vodka; Một chiếc áo lông cừu thì phải đưa 2 lít rượu; xe gắn máy thì vô chừng. Tôi ở đó 6 tháng, nhưng đó chỉ là thời hạn ấn định trên giấy tờ. Thực tế, chúng tôi phải ở lâu hơn vì nhóm quân ở các khu vực Baltic được lệnh đến thay thế chúng tôi đã từ chối không chịu đi. Chuyện là như vậy đấy. Tôi biết người ta đánh cắp bất cứ thứ gì ở đó, bất cứ thứ gì họ có thể giấu và mang đi được. Họ đã di chuyển toàn bộ Khu Cấm về đây. Những thứ ăn cắp ấy đầy dẫy ở khu chợ đen, ở tiệm cầm đồ, và cả ở trong nhà ở của mọi người. Thứ duy nhất còn lại sau các hàng rào kẽm gai là đất. Và những ngôi mộ. Và sức khoẻ của chúng tôi. Cùng với đức tin của chúng tôi. Hoặc, đúng hơn, đức tin của tôi.
***
Chúng tôi đến nơi. Nhận dụng cụ trang bị. “Chỉ là một tai nạn ấy mà!”. Viên chỉ huy nói với chúng tôi. Còn viên trung sĩ trưởng toán thì bảo: “Chuyện xẩy ra lâu rồi. Từ 3 tháng trước rồi. Không còn gì nguy hiểm nữa. Mọi chuyện giờ ổn cả. Chỉ cần rửa tay trước khi ăn cho an toàn.”.
Tôi làm công việc đo độ nhiễm phóng xạ.
Mỗi tối đều có mấy gã lái xe đến trạm, cho chúng tôi nào là thuốc lá, rượu Vodka, cả tiền nữa. Đổi lại, chúng tôi làm ngơ để mặc chúng đào bới trong đám đồ bị tịch thu. Chúng nhét đầy các bao tải mang theo. Những thứ ấy sẽ được mang đi đâu? Có lẽ là đến Kiev, đến Minsk, nơi những khu bán đồ cũ. Những thứ chúng không thèm lấy, bỏ lại, chúng tôi phải lo liệu. Quần áo, giầy dép, ghế bàn, kèn harmonica, máy may, đủ thứ. Chúng tôi đào những cái hố lớn rồi vùi tất cả xuống đó- Chúng tôi gọi những cái hố đó bằng cái tên “Mồ tập thể”.
Sau khi mãn nhiệm, tôi được cho về. Một hôm, đi dự dạ vũ, tôi gặp một cô gái vừa ý mình. Tôi ngỏ lời: “Chúng ta hãy tìm hiểu nhau đi em!” “Để làm gì? Anh là người ở Chernobyl. Tôi sợ không dám sinh con đẻ cái với anh đâu !”.
***
Tôi vẫn còn trí nhớ đấy. Chức vụ chính thức của tôi ở đó là chỉ huy đội cảnh vệ. Đại khái giống như tay giám đốc điều hành một cuộc huỷ diệt khủng khiếp ấy mà. {Cười}. Đúng vậy. Bà cứ viết xuống như vậy.
Tôi nhớ mình có chặn một chiếc xe ở Pripyat. Thành phố đã di tản hết, chẳng còn ai ở lại. Tôi yêu cầu: “Xin vui lòng cho xem giấy tờ!”. Người trong xe không ai có giấy tờ. Phía sau xe có tấm vải bạt phủ lên. Chúng tôi mở ra, và tôi nhớ thật rõ: 20 bộ ấm trà, một bộ tranh treo tường, một ghế bành, một máy truyền hình, thảm, xe đạp.
Thế là tôi viết giấy tịch thu.
Tôi nhớ những ngôi làng vắng vẻ không một bóng người nơi lũ heo hoá rồ đang chạy lung tung khắp chỗ. Những văn phòng nông trang, các câu lạc bộ, cùng với những tấm bích chương bạc phếch: “Chúng ta sẽ làm ra bánh mì cho đất mẹ!“. “Vinh danh nhân dân lao động Xô Viết!“. “Thành tựu của nhân dân sẽ sống mãi!”.
Tôi nhớ những ngôi mộ không có người chăm sóc; tấm bia nứt nẻ có tên nhiều người: Chỉ Huy Borokin, Thượng Uý . . . Kế đó là những cột dài, như một bài thơ, những cái tên của binh lính thuộc quyền. Chung quanh mộ những cây cỏ mọc hoang phủ kín.
Tôi nhớ một khu vườn được chăm sóc rất kỹ lưỡng. Người chủ nhà bước ra chào hỏi chúng tôi.
“Này các anh, đừng có cự nự nữa. Chúng tôi đánh luống thôi mà. Mùa xuân này chúng tôi sẽ đi thôi!”.
“Vậy sao bác lại cuốc đất lên làm chi vậy ?”
“Từ hồi mùa thu kia mà.”
Tôi hiểu, nhưng vẫn phải viết giấy phạt.
***
Vợ tôi dẫn mấy đứa con bỏ đi. Con chó chết ấy! Nhưng tôi sẽ không treo cổ tự tử, như Vanya Kotov. Tôi cũng sẽ không nhẩy lầu từ tầng thứ bẩy xuống để cho chết. Chó thật! Khi tôi từ nơi đó trở về với một va li đầy ắp tiền thì mọi chuyện đều ổn cả. Chúng tôi sắm xe hơi. Con chó hoang ấy sống với tôi như không có gì xẩy ra. Nó không có vẻ gì là sợ hãi cả. {Bắt đầu hát}
Dù cho có cả ngàn sợi nắng chói chang
Cũng không ngăn được con gà trống Nga sống trọn một ngày như nó phải sống
Bài hát thật hay. Mình bắt đầu từ đây nhé. Muốn nghe một chuyện tiếu lâm không?{Vào chuyện ngay}. Có một gã từ khu vực nổ hạt nhân về nhà. Vợ gã hỏi tay bác sĩ: “Tôi nên cư xử với anh ta như thế nào?” “Cô cứ bắt hắn đi tắm rửa sạch sẽ, sau đó ôm hắn một cái, nhưng chớ có cho hắn gần gủi!”. Con chó hoang ấy! Nó sợ tôi. Nó đem lũ trẻ đi {Bỗng trở nên nghiêm túc}. Mấy người lính làm việc ngay cạnh khu lò phản ứng. Mỗi ngày tôi có nhiệm vụ chở họ đến đó. Như mọi người, tôi đeo trên cổ cái máy đo độ phóng xạ. Cuối ngày làm việc, tôi cùng với mấy người lính đến phòng số 1, tức là phòng bảo mật. Tại đây, họ xem độ phóng xạ của mỗi người, ghi vào thẻ, nhưng không ai được biết độ phóng xạ mình bị nhiễm, vì đó là bí mật quân sự. Tụi khốn nạn ấy! Một thời gian qua đi, bỗng nhiên chúng bảo: “Đủ rồi. Các anh không thể nhận thêm được phóng xạ nữa.”. Hồ sơ y khoa của chúng tôi chỉ có thế. Thậm chí khi sắp sửa lên đường trở về, cũng chẳng ai cho tôi biết độ nhiễm phóng xạ của mình. Lũ khốn nạn! Giờ thì chúng lại đang tranh giành nhau quyền lực. Một ghế chia chác nhau trong chính phủ. Mùa bầu cử đang diễn ra mà. Bà muốn nghe thêm chuyện hài không? Sau Chernobyl, bà có thể ăn bất cứ thứ gì bà muốn ăn, với điều kiện bà phải chôn cứt của mình trong chì.
Còn bọn bác sĩ sẽ chẩn bệnh cho chúng tôi bằng cách nào? Chúng tôi không ai có hồ sơ y khoa gì hết. Người ta phải dấu chúng đi, hoặc là đã thiêu huỷ chúng rồi vì đó là hồ sơ tuyệt mật không phải ai cũng xem được. Chúng tôi sẽ phải nói với bọn bác sĩ sao đây? Nếu như tôi có tờ giấy chứng nhận độ nhiễm xạ của mình thì tôi sẽ dí vào mặt con đĩ chó và cho nó biết rằng tôi đã sống sót và vẫn có khả năng lấy vợ đẻ con như mọi người.
Đây là lời cầu nguyện của đám thanh lý viên Chernobyl: “Lạy Chúa! Bởi vì ngài đã tạo ra nó nhưng giờ đây con không thể làm được gì với nó, vậy xin ngài hãy làm sao để con không còn thèm muốn chút gì với nó nữa .”.
Biến mẹ hết chúng mày đi, hết thẩy tụi chúng mày!
***
Họ buộc chúng tôi phải ký vào tờ giấy không được tiết lộ bất cứ điều gì. Vì thế, tôi không bao giờ hé môi nửa lời. Ngay sau khi ra khỏi quân đội, tôi được chứng nhận thương tật cấp độ hai. Lúc ấy, tôi mới 22 tuổi. Độ nhiễm xạ của tôi khá nặng. Chúng tôi chuyền tay đổ đi từng thùng than chì ở lò phản ứng bị nổ. Nó chứa cả ngàn đơn vị phóng xạ. Chúng tôi múc than bằng những cái xẻng làm vườn, thay mặt nạ hàng 30 lần trong một ca làm việc, những cái mặt nạ mà họ gọi là “rọ chó”. Chúng tôi đổ xi măng bọc kín lò phản ứng. Đây là ngôi mộ khổng lồ chôn cất một người, Valery Khodemchuk, viên trưởng điều hành lò phản ứng, người bị vùi dưới đống gạch vụn ngay khi tiếng nổ xẩy ra. Đó là toà Kim Tự Tháp của thế kỷ 20. Chúng tôi vẫn còn phải ở đó thêm 3 tháng nữa. Khi đơn vị chúng tôi xong nhiệm vụ, họ cũng không cho chúng tôi thì giờ thay quần áo. Chúng tôi di chuyển đây đó vẫn trong cùng bộ quần áo, giầy ủng như khi làm việc ở lò phản ứng. Mãi cho đến khi chúng tôi được giải nhiệm.
Nếu họ cho phép tôi nói, thì tôi sẽ kể chuyện này với ai đây? Tôi làm việc ở xưởng sản xuất. Tay đốc công bảo tôi: “Anh không được phép để bị ốm. Nếu không, tôi sẽ cho anh nghỉ việc.”. Ông ta làm như vậy thật. Tôi đến gặp tay giám đốc, khiếu nại: “Ông không có quyền đối xử với tôi như thế. Tôi là người về từ Chernobyl. Tôi đã cứu ông. Tôi đã bảo vệ ông.”. Ông ta trả lời: “Tôi đâu có gởi anh đến đó!”.
Ban đêm, tôi thức giấc nghe tiếng mẹ tôi than thở: “Sonny à! Sao con không nói gì hết vậy? Con không ngủ, chỉ nằm đó với hai mắt mở thao láo. Và đèn phòng con vẫn sáng!”. Tôi không trả lời mẹ. Không ai có đủ khả năng nói với tôi bằng cái cách tôi có thể trả lời, bằng thứ ngôn ngữ của riêng tôi. Không ai hiểu rõ được nơi mà từ đó tôi trở về.
Và tôi không thể kể lại được với ai.
***
Tôi không còn sợ chết nữa. Cũng không còn sợ chính sự chết. Nhưng tôi không biết rồi mình sẽ chết như thế nào. Bạn tôi đã chết. Người trương phình ra như cái thùng ton nô đựng rượu. Người hàng xóm của tôi cũng đã chết. Anh ta điều khiển trục cần cẩu ở đó. Trước khi chết, thân thể anh trở màu đen như than, co rút lại, phải mặc quần áo của trẻ con. Tôi không biết mình sẽ chết như thế nào. Tôi chỉ biết một điều: với sự chẩn đoán này thì tôi không còn sống bao lâu nữa. Dù vậy, tôi muốn được biết mình cảm thấy như thế nào khi cái chết đến. Như thể nhận một viên đạn vào đầu. Tôi đã từng tham chiến ở Afghanistan. Chết ở đó còn dễ dàng hơn. Chỉ cần một viên đạn.
Tôi cắt một bài viết trên báo. Đó là bài viết về người điều khiển máy Leonid Toptunov. Ông ta trực tại lò phản ứng hạt nhân đêm hôm ấy và là người đã nhấn cái nút màu đỏ cố ngăn tai nạn vài phút trước khi tiếng nổ xẩy ra. Nhưng không có hiệu quả. Người ta đưa ông ta về bệnh viện ở Moscow. Các bác sĩ bảo: “Để có thể chữa trị được người này, chúng ta cần đến toàn bộ thân thể của một người khác.”. Trên lưng ông ta chỉ có một chấm nhỏ xíu, chỗ duy nhất thoát không bị nhiễm phóng xạ. Người ta chôn cất Toptunov ở nghĩa trang Mytinskaya, như những người khác. Quan tài được lót một lớp giấy bạc để không bị rò rỉ. Họ đổ vào đó nửa mét xi măng, rồi lấy một cái nắp đúc bằng chì đậy lại. Bố của Toptunov đến, chỉ biết đứng đó nhìn rồi khóc. Người đi ngang bảo ông: “Đứa con hoang của ông đấy, chính nó là thằng đã làm nổ lò phản ứng !”.
Chúng tôi cô đơn. Chúng tôi là những kẻ xa lạ ở đây. Thậm chí người ta còn chôn riêng biệt chúng tôi mỗi người một nơi, không được chôn sát bên nhau như những người chết khác. Như thể chúng tôi là những kẻ đến từ một hành tinh ngoài quả đất. Tôi thà chết ở Afghanistan còn hơn. Thành thực mà nói, tôi đã mang những ý nghĩ như thế. Ở Afghanistan, chết là một điều bình thường. Ở đó, mình có thể hiểu được cái chết.
***
Từ trên cao, trong chiếc trực thăng, khi bay gần lò phản ứng hạt nhân, tôi có thể trông thấy mấy con hoẵng và heo rừng. Chúng gầy nhom, trông lờ đờ và di chuyển rất chậm chạp, như trong phim chiếu chậm. Chúng đang ăn cỏ mọc ở đó, và không hiểu, không biết rằng lẽ ra chúng phải bỏ nơi đó mà đi. Lẽ ra chúng phải di tản cùng với người từ lâu rồi.
Tôi có nên đến Chernobyl hay không? Tôi có nên bay ở đó hay không? Lúc ấy, tôi là một đảng viên. Thử hỏi, làm sao tôi có thể né tránh? Hai người lính nhẩy dù đã từ chối không chịu đi – Vợ của họ còn trẻ, và chưa có con cái gì. Nhưng sau đó họ bị sỉ nhục và trừng phạt. Sự nghiệp của họ như vậy là đã tiêu tan. Lại còn có toà án của chí làm trai, toà án danh dự nữa. Đó là một phần của sự lôi cuốn – Anh ta không đi, thì tôi sẽ đi vậy. Bây giờ thì tôi đã nhìn sự kiện ấy bằng con mắt khác rồi. Sau 9 phi vụ và hai lần lên cơn đau tim, tôi không phê phán họ nữa, tôi đã hiểu tại sao họ từ chối thi hành nhiệm vụ. Họ còn quá trẻ. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng sẽ nhận lời lên đường mà. Chắc chắn là như vậy. Họ không đi nên tôi sẽ phải đi. Chí làm trai dặm đường da ngựa mà, phải không?
Tại hiện trường nơi xẩy ra thảm hoạ có đủ loại máy móc: Trực thăng hạng nặng, trực thăng hạng vừa, trực thăng Mi-24, đó là loại trực thăng chiến đấu. Mấy anh định làm gì với trực thăng chiến đấu Mi-24 ở Chernobyl? Hay với phi cơ lâm trận, loại Mi-2? Các viên phi công, những chàng trai trẻ ấy, họ mới vừa ra khỏi chiến trường Afghanistan. Cảm giác của họ lúc này là chúng tôi đã chiến đấu quá đủ với Afghanistan rồi, đủ lắm rồi. Họ được lệnh ngồi trong rừng, gần lò phản ứng, để đo độ nhiễm xạ. Đó là lệnh của thượng cấp! Họ đâu cần phải đưa bất cứ ai đến đó chỉ để rước lấy chất phóng xạ vào người. Để làm gì nhỉ? Họ cần những chuyên gia, không phải bất cứ người nào.
Từ trên cao tôi nhìn thấy những toà nhà bị sụp đổ, một cánh đồng đầy những mảnh vụn – và vô số những hình dạng nhỏ bé của con người. Ở đó có một cái xe cần cẩu, chế tạo ở Đông Đức, nằm chết dí. Nó cố lết đến được khu nhà máy rồi ngỏm ở đó. Mấy cái máy Rô Bốt cũng không hoạt động được. Những con Rô Bốt mà viện sĩ Lukachev thiết kế để lên thám hiểm sao Hoả. Kể cả những con Rô Bốt do người Nhật chế tạo cũng vô dụng. Rõ ràng là hệ thống máy móc của chúng tôi đã bị chất phóng xạ làm tê liệt. Nhưng vẫn còn những người lính trong bộ quần áo bảo hộ làm bằng cao su, đeo găng tay cao su, lăng xăng chạy tới chạy lui . . .
Trước khi được giải nhiệm, người ta cảnh cáo chúng tôi rằng, vì quyền lợi quốc gia, tốt nhất là chúng tôi không được kể lại với bất cứ ai những gì chúng tôi chứng kiến ở Chernobyl. Nhưng ngoài chúng tôi ra thì chẳng có ai biết được điều gì đã xẩy ra ở đó. Chúng tôi không hiểu hết mọi chuyện, nhưng chúng tôi thấy hết mọi chuyện.
*“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich. Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.
Về lại MỤC LỤC