Sau Vĩnh Tân 1: Nguy cơ nguồn tài nguyên hải sản bị xóa sổ

LTS: Vùng biển Nam Trung bộ là một kho hải sản thiên nhiên mà tạo hoá đã ban cho dân tộc Việt, khi gió vào mùa hè thổi từ Nam lên Bắc, tạo áp lực cho nước bề mặt chảy ra và nước lạnh dưới đáy trồi lên chảy ngược vào bờ. Luồng nước lạnh này cuốn theo các chất dinh dưỡng ở tầng đáy chuyển lên, giúp hải sản sinh sôi nảy nở, nhờ đó vùng biển này là vùng kinh tế biển giá trị nhất và là một di sản thiêng liêng thiên nhiên của Việt Nam.

Việc cho phép nạo vét 1 triệu mét khối bùn cát tại bờ biển Vĩnh Tân để tàu mang than vào, sẽ khuấy động môi trường biển, bùn mịn sẽ lan tỏa rộng ra xa hàng trăm hải lý, tác động rất xấu vào hệ sinh thái này. Việc thải số bùn cát này xuống đáy biển gần đó, bùn cát sẽ bao phủ trên rạn san hô vốn hình thành ổn định đã lâu đời. Chất thải thô lẫn mịn sẽ làm rối loạn khiến vùng biển này không còn giữ được khả năng sinh sản đang có của nó.

Nước Úc đã cấm nạo vét và nhấn chìm cát thải trong rạn san hô lớn (Great Barrier Reef) của họ, nơi có dự trữ sinh thái phong phú. Rạn san hô Nam Trung bộ là tài nguyên sinh thái quốc gia không ai có quyền xâm phạm. Quan tâm này đã được một học giả viết trên Thời báo Kinh tế Saigon, xin được giới thiệu cùng độc giả Tiếng Dân:

TBKTSG

Đăng Nguyễn

14-7-2017

Nhiệt điện than đang đe dọa ô nhiễm biển, đe dọa nguồn lợi thủy sản ở biển Đông mà bao nhiêu ngư dân đang gắn liền sinh kế vào đó, đe dọa cả ngành nuôi trồng thủy sản và có thể cả ngành du lịch, nghỉ dưỡng ven biển. Ảnh: Uyên Viễn/ TBKTSG

Sau khi Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 “nhận chìm” chất thải xuống biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận hôm 23-6, nay đến lượt Tổng công ty Phát điện 3 xác nhận đang xúc tiến thủ tục xin Bộ TNMT “nhận chìm” khoảng 2,4 triệu mét khối “vật, chất” sau nạo vét cảng của ba nhà máy nhiệt điện gồm Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng xuống vùng biển Vĩnh Tân.

Tương lai rồi sẽ còn những “Vĩnh Tân” nào nữa?

Vậy là, sau một thời gian bùng nổ nhiệt điện than với những vấn đề ô nhiễm môi trường trên không, trên cạn và trong lòng đất (không khí, đất, nước ngầm), nay nhiệt điện than tiếp tục “lấn sân” với nguy cơ đe dọa ô nhiễm biển, đe dọa nguồn lợi thủy sản ở biển Đông mà bao nhiêu ngư dân đang gắn liền sinh kế vào đó, đe dọa cả ngành nuôi trồng thủy sản và có thể cả ngành du lịch, nghỉ dưỡng ven biển.

Giới hạn nào đang đặt ra cho môi trường? Giới hạn nào đang đặt ra cho sinh kế lâu dài của người dân?

Một bước lùi về pháp lý

Theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005, khoản 4 điều 57 quy định “Nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Tiếp đó, Luật Biển năm 2012, khoản 3 điều 35 cũng quy định “tàu, thuyền, tổ chức, cá nhân không được thải, nhận chìm hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển Việt Nam”.

Thế nhưng, Luật BVMT năm 2014 (thay thế Luật BVMT năm 2005) đã đưa vào quy định cho phép hoạt động “nhận chìm, đổ thải” trong vùng biển Việt Nam. Tại khoản 3, điều 50 quy định “việc nhận chìm, đổ thải ở biển và hải đảo phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại chất thải và phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Tiếp đó, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2016 (TNMT), kèm theo Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 đã cụ thể hóa quy định về “nhận chìm ở biển”.

Trên bình diện quốc tế, các quy định về môi trường càng ngày càng chặt chẽ và nghiêm khắc theo tiến trình phát triển của nhân loại. Để kiểm soát ô nhiễm, thế giới từ lâu đã áp dụng cách tiếp cận phòng ngừa như là một phương cách hữu hiệu không chỉ để giảm chi phí xử lý mà còn trực tiếp giảm lãng phí tài nguyên, tiết kiệm nguồn lực.

Đối với việc xả thải xuống biển, Công ước London (1972) và Nghị định thư London (1996) về “phòng ngừa ô nhiễm biển do xả chất thải và các chất khác” (“Prevention of Marine Pollution by Dumping of Wastes and Other Matter”) cũng theo cách tiếp cận đó để khuyến khích các bên liên quan hạn chế đến mức tối thiểu việc xả thải xuống biển và hướng đến cấm hoàn toàn xả thải xuống biển. Cũng cần nói thêm rằng Công ước và Nghị định thư London không dùng thuật ngữ “nhận chìm ở biển” mà gọi thẳng là “xả thải xuống biển” (sea dumping), hay không dùng thuật ngữ “vật, chất” mà gọi thẳng là chất thải (wastes)!

Việc cho phép “nhận chìm ở biển” theo Luật BVMT năm 2014 là một bước lùi pháp lý, đi ngược lại với thông lệ quốc tế trong việc tiếp cận về kiểm soát ô nhiễm.

Như Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận với báo chí ngày 4-7-2017, đến nay Việt Nam hoàn toàn chưa có quy hoạch tổng thể về các khu vực an toàn ở biển để phục vụ việc cấp phép hoạt động nhận chìm ở biển. Hơn thế nữa, ông Ngọc cũng xác nhận rằng: “Tất nhiên không thể khẳng định là hoàn toàn an toàn… Nếu có vấn đề gì vượt ngưỡng cho phép thì dừng ngay, không cho nạo vét nữa” (Pháp luật TPHCM, ngày 5-7-2017). Vậy là, tờ giấy phép “nhận chìm ở biển” đã được cấp mà nguy cơ tác động như thế nào vẫn còn chưa rõ?

Những chỉ tiêu giám sát môi trường rất lạ

Thông cáo báo chí ngày 28-6-2017 của Bộ TNMT cũng cho biết bốn thông số về chất lượng nước biển được giám sát gồm độ pH, oxy hòa tan (DO), tổng chất rắn lơ lửng (TSS) và độ đục, cùng với độ lắng trầm tích, thông số hệ sinh thái và thông số chất lượng hệ sinh thái. Không rõ thông số hệ sinh thái và thông số chất lượng hệ sinh thái là những thông số gì và có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nào để so sánh vì không thấy Bộ TNMT nhắc đến.

Riêng về chất lượng nước biển, cơ sở để so sánh là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT) với những chỉ tiêu và giới hạn khác nhau cho các vùng biển ven bờ (trong vòng 3 hải lý hay khoảng 5,5 ki lô mét), vùng biển gần bờ (trên 3 hải lý đến 24 hải lý hay khoảng 5,5 ki lô mét đến khoảng 44 ki lô mét) và vùng biển xa bờ (trên 24 hải lý hay khoảng 44 ki lô mét đến giới hạn ngoài của vùng biển Việt Nam).

Theo đó, chỉ có vùng biển ven bờ là có quy định về oxy hòa tan (DO) và tổng chất rắn lơ lửng (TSS), các vùng từ khoảng 5,5 ki lô mét trở ra không quy định các chỉ tiêu này. Ngoài ra, QCVN 10-MT:2015/BTNMT hoàn toàn không quy định về độ đục nhưng lại quy định rất nhiều chỉ tiêu về kim loại nặng và thuốc trừ sâu. Vậy là, những chỉ tiêu chất lượng nước biển DO, TSS và độ đục mà Bộ TNMT quy định giám sát tại khu vực “nhận chìm”, nơi thuộc vùng biển gần bờ (vì xa bờ biển Vĩnh Tân ít nhất 8 ki lô mét) không được quy định trong QCVN 10-MT:2015/BTNMT thì cơ sở nào để so sánh, đánh giá để có thể thực hiện như lời của Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc “nếu có vấn đề gì vượt ngưỡng cho phép thì dừng ngay, không cho nạo vét nữa”?

Ngoài ra, QCVN 10-MT:2015/BTNMT cho vùng biển ven bờ quy định 25 chỉ tiêu, vùng biển gần bờ quy định 16 chỉ tiêu, liệu rằng sự cho phép giám sát có ba chỉ tiêu pH, DO, và TSS (không tính đến độ đục) có đủ để kết luận việc “nhận chìm” là không gây vượt quy chuẩn chất lượng nước biển?

Nguy cơ phá hủy nguồn tài nguyên hải sản

Theo các tác giả Lê Phương – Võ Nguyên trong bài báo Nước trồi – hiện tượng thiên nhiên độc đáo ở vùng biển Bình Thuận, vùng ven biển Nam Trung bộ, mà tập trung mạnh nhất ở khu vực từ vịnh Phan Rang (Ninh Thuận) đến vịnh Phan Rí (Bình Thuận), đã được phát hiện là vùng nước trồi. Hiện tượng nước trồi là nguyên nhân làm cho các chất dinh dưỡng và thực vật phù du xuất hiện nơi bề mặt được tiếp xúc với bức xạ mặt trời, sẽ kích hoạt quá trình quang hợp, tạo điều kiện sinh thái môi trường cực kỳ thuận lợi cho sự phát triển đời sống sinh vật biển: thích hợp sinh vật nổi phù du, sinh vật đáy phát triển số lượng lớn, trứng cá, cá con nhiều, sò lông, điệp… có sản lượng cao.

Còn theo các tác giả Jennings, Kaiser và Reynolds trong bài báo Marine Fisheries Ecology, khoảng 25% cá biển trên toàn cầu được đánh bắt từ 5 vùng nước trồi, chỉ chiếm 5% diện tích mặt biển trên toàn thế giới.
Như vậy, có thể thấy rằng khu vực từ vịnh Phan Rang (Ninh Thuận) đến vịnh Phan Rí (Bình Thuận), trong đó có khu bảo tồn Hòn Cau và vùng biển Vĩnh Tân nằm ở trung tâm của nguồn tài nguyên hải sản rất lớn của Việt Nam. TS. Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cũng đã khẳng định trên Pháp luật TPHCM ngày 30-6-2017: “vùng biển Vĩnh Tân là vùng biển có vai trò cực kỳ quan trọng bởi là vùng nước trồi, là ngư trường rất lớn của Việt Nam, có giá trị to lớn, lâu dài về môi trường, nhất là đa dạng sinh học”.

Việc cấp phép “nhận chìm” gần 1 triệu mét khối “vật, chất” của nhiệt điện Vĩnh Tân 1, cùng với khả năng sẽ có thêm 2,4 triệu mét khối “vật, chất” của Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng không chỉ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tàn phá hệ sinh thái biển trong khu vực, mà quan trọng hơn, lượng “vật, chất” này có thể lấp đầy độ dốc của thềm lục địa trong khu vực “nhận chìm”, từ đó xóa bỏ hoàn toàn ưu thế tự nhiên hiếm có để tạo ra hiện tượng nước trồi trong vùng biển Nam Trung bộ này, hậu quả là xóa xổ luôn nguồn tài nguyên hải sản rất lớn ở đây.

Liệu rằng, Bộ TNMT đã tính toán kỹ chưa khi cho hàng triệu tấn chất thải đổ xuống nơi mà bao nhiêu ngư dân đang gắn liền sinh kế vào đó, nơi mà những lợi ích kinh tế thủy sản và du lịch, nghỉ dưỡng ven biển vô cùng to lớn mà chưa ai tính toán hết được?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây